Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: «THÁNH TÂM CHÚA»

 

 

«THÁNH TÂM CHÚA»

(Ed 34,11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7)

 

 

Lm. Quốc Vũ, PL

 

Phần I: Ý nghĩa các bài đọc

1. Bài đọc I: Chính Thiên Chúa, vị mục tử nhân lành, luôn chăm sóc đoàn chiên, đặc biệt với những người bé nhỏ và nghèo hèn

 

Các vua chúa và những người cầm quyền trong dân Israel đã ra sức thiết lập công lý theo ý họ; còn những người nhỏ bé, những người yếu đuối, những người nghèo hèn, cô thế cô thân, đã phải gánh chịu sự chèn ép bất công. Dưới sự cai trị của những nhà cầm quyền, dân chúng bị thiệt hại như bầy chiên bị lạc hướng. Chính vì thế, những kẻ cậy quyền đã bị tước mất quyền lực mà họ đang nắm giữ.

Thiên Chúa đã thu lại tất cả vào tay Ngài trong sự chính trực: Ngài chăm sóc người đau ốm, chữa lành trái tim bị thương tổn, loại bỏ những mục tử xấu,… Đó chính là công lý của Ngài: «Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta làm cho lành; con nào béo mập, con nào mạnh khỏe, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng» (cc. 15-16).

 

2. Bài Tin Mừng: Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cách đặc biệt nơi những người hư mất và tội lỗi

 

Sau sự từ chối của những người Pharisêu, và đàng sau câu chuyện của một con chiên lạc có giá trị tương đương với chín mươi chín con không cần trở lại, chúng ta không còn phải đợi chờ một vị mục tử tốt lành nào khác ngoài Đức Kitô.

Lo lắng và đi tìm một con chiên lạc, trong khi bỏ lại chín mươi chín con khác, là một việc làm mà thiết tưởng chẳng có bất cứ người chăn chiên nào làm như thế. Tuy nhiên, đó lại là cách mà Thiên Chúa dùng để biểu tỏ lòng thương xót của Ngài.

“Lòng thương xót”, cụm từ này đã bị mất dần ý nghĩa vì sự bành trướng của chủ nghĩa áp đặt và chủ nghĩa bi quan; nhưng chính trên lòng thương xót mà Giáo hội đã được xây nên, Giáo hội trở thành dấu chỉ cho lòng thương xót của Thiên Chúa: bắt đầu với những gì đã mất vốn luôn có giá nhất định, để tìm lại những người và những con chiên bị lạc trong dân Chúa; kế đến là “những người bên ngoài” mà Giáo hội cũng được mời gọi hãy mở rộng lòng để đón nhận họ. Tóm lại, để có thể tiếp cận với những người nghèo và tội nhân, Giáo hội phải bỏ qua một số ranh giới đã được định vị bởi những giáo thuyết khô cứng thiếu vắng lòng thương xót.

 

3. Bài đọc II: Tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta trong Đức Kitô và nhờ Thánh Thần

 

Cuộc sống hằng ngày không dễ cho ta lạc quan, nhưng con người không bao giờ được đánh mất hy vọng, cho dù đó chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi thế nào. Hơn nữa, nền tảng của đời sống Kitô hữu vốn rất vững chắc, nên khi đứng trước những bất trắc của cuộc sống, họ chống chọi mọi thứ và luôn đứng vững, bởi vì họ xác tín rằng Thiên Chúa luôn yêu thương họ. Niềm tin này dựa trên bằng chứng xác thực là Đức Kitô đã dùng chính mạng sống của Người để thông ban cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa.

Như thế, niềm hy vọng đã mang lại sức mạnh cho cuộc sống của những đứa con bởi lời hứa: họ chắc chắn rằng Đấng đã từng ngồi vào bàn của những kẻ tội lỗi, sẽ không bao giờ nhìn đến tội lỗi của họ, mà chỉ căn cứ vào đức tin mà họ tin vào Người: «Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa» (cc. 8-9).

 

Phần II: Suy niệm Tình yêu của Chúa

 

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đến chiêm ngưỡng, tôn thờ và đón nhận tình yêu của Người. Tình yêu Chúa được diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng trong bối cảnh của phụng vụ năm C này, các bài đọc Kinh thánh đã phác họa lên hình ảnh của người mục tử luôn tận tâm chăm sóc và hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Tuy nhiên, trong khi tình thương của người mục tử, theo Tin mừng thứ tư, được diễn tả và xây dựng trên mối tương quan giữa mục tử và con chiên qua các tác động: nghe, biết và đi theo; thì trong tin mừng theo thánh sử Luca, tình yêu ấy được diễn tả qua việc người mục tử đi tìm con chiên lạc, đưa về và cho hòa nhập lại với đàn chiên, để cho nó được chữa lành, được cứu và được sống nhờ sự “nối kết” với đàn và với sự sống đời đời.

 

1. Người mục tử nối kết chiên với đàn

 

Câu truyện Tin mừng của thánh sử Luca là một dụ ngôn rất nổi tiếng, tác giả đã lấy lại hình ảnh vị mục tử mà ngôn sứ Êdêkien đã phác họa trong bài đọc thứ nhất, để diễn tả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đã biết bao lần chúng ta nghe, đọc và suy niệm về dụ ngôn này; nhưng trong bối cảnh của ngày lễ Thánh Tâm Chúa hôm nay, chúng ta tạm dừng lại ở khía cạnh “nối kết”.

Người mục tử trong đoạn Tin mừng này được hiểu là chính Chúa Giêsu. Qua hành động đi tìm và vác con chiên lạc trên vai để đưa nó về đàn, cho thấy đây đích thực là vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng đã được Thiên Chúa chọn để thay thế cho những mục tử xấu vốn chỉ biết lạm dụng địa vị để trục lợi cho chính mình mà không hề quan tâm đến mạng sống của đàn chiên, nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.

Mục Tử Nhân Lành, vì tình thương, đã ra đi tìm kiếm và đưa chiên lạc trở về hòa nhập lại với đàn, nhưng hiệu quả của tình thương ấy vốn còn tùy thuộc vào thái độ của chính con chiên lạc có muốn trở về hay không? Và nhất là thái độ của đàn chiên có sẵn sàng rộng mở cho con chiên lạc đó cơ hội được trở về hòa nhập với của sống hay không? Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót, nhưng cũng luôn tôn trọng tự do của con người. Con chiên lạc là những tội nhân được mời gọi trở về; đàn chiên là gia đình, là cộng đoàn, là Giáo hội được mời gọi mở rộng lòng bao dung để đón nhận những tội nhân và anh chị em mình. Người mục tử chỉ thực sự vui khi đàn chiên luôn được an toàn, khi không có bất cứ con chiên nào bị đau bệnh hay lạc mất: «Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó» (Lc 15,6). Niềm vui ấy chỉ trở thành hiện thực và được lan tỏa khi “hành động nối kết” của người mục tử giữa chiên với đàn chiên có hiệu lực: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng» (Lc 15,7).

 

2. Người mục tử nối kết chiên với sự sống đời đời

 

Khi đọc tiếp Tin mừng theo thánh Luca chương 15 này, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của một vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu. Đó là một người cha không chỉ luôn kiên nhẫn đợi chờ đứa con hoang trở về, để cho nó được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của một đứa con thừa kế: «Mau đem áo dẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, xỏ dép vào chân cậu» (Lc 15,22); mà còn sẵn sàng cúi mình xuống để năn nỉ đứa con cả tha thứ cho đứa em mình: «Con à, lúc nào con cũng ở đây với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy» (Lc 15,31-32). Thật đúng là, trong cuộc sống, nhiều khi trở về với Chúa còn dễ hơn trở về với tha nhân. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta cách nhưng không, nhưng chúng ta lại rất khó để tha thứ cho nhau. Người Cha nhân hậu ấy, hiện thân của Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu đã dành cả cuộc đời dương thế, từ Nhập Thể cho đến Thăng Thiên, để mạc khải cho nhân loại.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Người đã dành cho chúng ta. Như vị mục tử tốt dẫn dắt đàn chiên tới nguồn nước mát, tới đồng cỏ xanh; Đức Giêsu dẫn chúng ta đến với nguồn sự sống đời đời là Cha của Người, để nối kết chúng ta với Cha: «Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em» (Ga 20,17). Mạc khải Cha là tình yêu lớn nhất mà Đức Giêsu dành cho nhân loại; bởi qua sự mạc khải này, Đức Giêsu đã nâng chúng ta lên địa vị cao trọng là được trở thành con của Thiên Chúa, được trở nên anh em với Người. Mạc khải Cha là mạc khải về sự sống; được trở thành con Thiên Chúa là «được thừa hưởng gia tài cao quý không thể hư hoại, không vẩn đục và tàn phai» (1Pr 1,4); hơn nữa: «chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa» (Rm 5,11), cho dù chúng ta có tội lỗi như đứa con hoang đàng hay còn hơn thế nữa.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa, ngày thế giới cầu xin ơn thánh hóa các linh mục, chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các đức giám mục và các linh mục, luôn biết nhìn lên Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, để sống và thực thi sứ vụ theo đúng phẩm chất của một vị mục tử như lòng Chúa mong ước, là trở thành chiếc cầu nối kết chiên với chiên, chiên với đàn chiên, và nhất là dẫn dắt cả đàn chiên về với Chúa.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...