Suy niệm 6: Thứ Sáu Tuần Thánh
Tình Yêu, Sự Sống Giữa Những Chết Chóc
Chúng ta đang ở trung tâm và đỉnh cao của các việc cử hành mầu nhiệm cực thánh. Chiều thứ sáu hôm nay, chúng ta tưởng niệm Giờ Đức Giêsu bị điệu đi chịu khổ hình thập giá và chịu chết.
Khi chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm Đức Kitô chịu thương khó buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cảm nhận được điều gì ? Chúng ta thấy có hai điều nghịch lý: một đàng, tội lỗi, sự ác của con người thật khủng khiếp là kết án, giết Thiên Chúa làm người và bên kia là tình yêu của Thiên Chúa thật lớn lao, vô lượng.
Sự gian ác của con người đã lên tới tột điểm khi kết án và làm cho Con Thiên Chúa vô tội phải chết một cách rùng rợn, kinh hoàng. Lời sau cùng Đức Giêsu vừa thốt ra trên Thập giá : “Mọi sự đã hoàn tất và Người gục đầu xuống và trao Thần khí”, xác thực Ngài đã chết.
Lẽ ra Thiên Chúa phải kết án con người vì tội ác họ làm, thì nghịch lý thay, giờ đây con người lại kết và làm cho Đức Giesu- Con Thiên Chúa phải chết. Thế gian tối tăm tội lỗi và Satan chứng kiến cảnh này thật hả hê vui thỏa, vì đã hoàn thành được kế hoạch của sự gian ác. Họ nghĩ rằng người tử tội bị đóng đinh tên là Giesu kia đã chết, thì cũng đã cùng lúc cũng chấm dứt ngay những ý đồ mà theo sự tố cáo là, làm loạn, chống hoàng đế, tham vọng bá chủ, lộng ngôn, phạm thượng…Hành vi gian ác rùng rợn này làm điên đảo toàn thể tạo thành: Trái đất chuyển động, đá vỡ ra, vạn vật cỏ cây im lìm, mặt trời đã không còn chiếu sáng. Tất cả vũ hoàn vào giờ Chúa chịu chết đã chìm vào màn đêm tối tăm. Tất cả như nổi dậy chống lại sự gian ác của con người. Tất cả đã chịu tang, thông chia cuộc khổ hình của Con Thiên Chúa.
Quả thực Thiên Chúa trong Đức Giesu đã chẳng bị giết chết một lần duy nhất ở ngày thứ sáu tuần thánh năm xưa. Ngài vẫn đang bị bắt, bị đánh đòn, tố cáo, kết án như một kẻ gian phi và chết thảm sầu ngang ngày hôm qua, hôm nay và trong lòng mỗi người chúng ta lúc này. Hành vi lên án tử cho Đức Giesu không phải chỉ quy trách nhiệm cho các thủ lãnh Dt, người Dt hay là quan Philato mà là tất cả chúng ta.
Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức nói đến thế giới này và mỗi người chúng ta đang nổi loạn chống lại, muốn xóa mọi dấu vết của Thiên Chúa được in dấu trong dòng thời gian lịch sử này. Quốc Hội của nhiều nước trên thế giới, đã thông qua đạo luật tôn giáo, bắc bỏ, đập phá các thánh giá, không được mang thánh giá, xóa các dấu tích tôn giáo ở nơi công cộng.
Thế giới và mỗi người chúng ta hôm nay đang nổi dậy chống báng và kết án tử cho Đức Giesu khi tiếp tục cổ võ nền văn hóa sự chết, văn hóa tôn thờ thân xác, dục vọng nhất là tại các nước tự do tân tiến. Theo nhận xét của tiến sỹ Peter Kreeft, người Mỹ, về tình trạng trống rỗng tâm linh của một số nước có nguồn cội Kito giao rằng: “Đại lục xưa kia là vùng đất Kitô đã đánh mất đi nỗi đam mê của mình là Thiên Chúa và thay vào đó, chỉ còn nỗi đam mê duy nhất hiện nay là dục vọng khóa lạc.”
Chiều thứ sáu tuần Thánh vẫn còn như bức màn đen thê thảm bao trùm bộ mặt trái đất này. Đức GH Phanxico khắp trong Tông Huấn Niềm vui Phúc Âm cho biết, có một sự buồn thảm nhất của thế giới này : “ do sự cung cấp tràn ngập của chủ nghĩa hưởng thụ vật chất, ăn uống, tiêu xài, chơi bời quá độ, đã làm cho người thời đại, đắm chìm vào mọi thứ vui phù phiếm, khiến cho thân xác và tinh thần không còn đủ nghị lực vươn lên, mang lấy sức nặng của cuộc sống”.
Quả thực, cuộc tử nạn của Đức Giesu xem ra không còn hiệu quả bao nhiêu, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại của con người. Vì mỗi ngày sự ác không thuyên giảm nhưng cứ mãi gia tăng và lan tràn. Nhiều người, đặc biệt các tín hữu tái Á Châu phải đối mặt với muôn nghìn cay đắng, bị đàn áp, xúc phạm phẩm giá, bị truy đuổi khỏi quê hương xứ sở và bị giết chết tàn nhẫn. Đây đó trên khắp nơi thế giới ngày ngày có thêm nhiều tín hữu tuyên bố rời bỏ đức tin, chống báng Giáo Hội và rời bỏ Giáo Hội, nhiều người trẻ sống không tìm thấy niềm vui, ý nghĩa đã tìm đến con đường tự tử.
Đức Giesu, trên thập giá đã bị thách thức xuống khỏi thập giá : ” Nếu mi là con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá xem nào… Cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!”. Không, Đức Giesu đã không bẻ gãy và xuống khỏi thập giá, nhưng ôm lấy thánh giá và chịu đóng đinh vào thập giá. Điều đó mang đến ý nghĩa rằng, thập giá được dựng nên và Đức Giesu chịu đóng đinh vào thập giá, mang đến sự hiện diện của Thiên Chúa và niềm hy vọng của thế giới ngang qua những thảm kịch của đau khổ chết chóc thê lương nhất của con người.
Chiêm niệm từ cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Chúa, chúng ta một đàng, tỉnh nghộ nhận ra tội lỗi nặng nề của con người là giết Con Thiên Chúa, từ đó phạm thêm bao tội ác xấu xa, làm biến dạng vẻ đẹp thân xác linh hồn, làm ô nhiễm bề mặt trái đất, nhưng đàng khach, chúng ta còn phải đọc ra sứ điệp quan trọng hơn cả, đó là tình yêu vô lượng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi ban tặng Con Một là Đức Giesu và Đức Giesu cũng đã yêu trần gian đến nỗi vâng phục và chết trên Thập Giá.
Lời của Đức Giêsu thốt ra từ thập giá: “mọi sự đã hoàn tất” không phải là chấm dứt tất cả, cũng chẳng phải một sự thua cuộc: Thiên Chúa đã chết và sự dữ, Satan đã thắng Thiên Chúa. Lời đó muốn chứng tỏ rằng, tình yêu hiến tế trao mạng sống cho con người nơi Đức Kito, đã không còn chỉ là lời rao giảng xuông, hay một bài học giáo lý ở trường lớp, mà nó đã thành hiện thực.Thập giá trên đồi Golgotha với bản án ghi: “Giêsu Vua Do Thái“, rồi giấm chua, mật đắng, gai nhọn, roi đòn, đinh sắt, lưỡi đòng, làm nên bằng chứng đích thực về một vị Thiên Chúa làm người đã trao ban cho chúng ta đến tận cùng, đã xé nát từng mạnh hữu thể để chữa lành tội lỗi và phục hồi cho chúng ta vẻ thần thánh ” giống Thiên Chúa“.
Quả thực, không phải sự chết và đau khổ thập giá mang đến ý nghĩa mà là tình yêu. Đức Giesu chịu chết trên thập giá và với lời “ mọi sự đã hoàn tất!“. Đó là cuộc chiến thắng của ý nghĩa trên sự vô nghĩa; của sự sống trên sự trống rỗng tuếch và cuối cùng là cuộc chiến thắng của tình yêu vĩnh cửu trên sự chết của con người.
Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu trong ngày thứ Sáu Thánh này, xin cho chúng ta đón nhận bài học tình yêu từ thập giá và cuộc khổ nạn Ngài để lại, qua đó biết cúi mình đấm ngực ăn năn về tội cực trọng đã phạm, để cầu xin ơn tha tội cho bản thân và cho toàn thế giới. Amen