THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: 5,17-26
Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.”
Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? ” Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! “
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.
1. Vai trò trung gian
Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Điều này cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận và ra tay chữa lành(x. Mc 2,5).
Qua đó, cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, những người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường và dỡ bỏ “mái nhà” (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.
Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.
2. Quyền tha tội
Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác “sư kinh khủng” lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của họ, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giêsu tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.
Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giêsu muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Người là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.
Quyền tha tội đó đã được Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo Hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).
Lạy Chúa Giêsu, mọi người chúng con, cách này hay cách khác, cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.
THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,12-14
“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
II. SUY NIỆM
Chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, đi tìm và đón nhận tội nhân trở về.
1. Con chiên lạc
Dụ ngôn cho thấy con chiên lạc không do chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó.
Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, đam mê của cải, thế tục và đi tìm những thứ mới lạ, đắm mình trong những sở thích cho thân xác… để rồi đánh mất Chúa và lạc lối lúc nào không hay, hoặc bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay.
2. Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội Thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về. Tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Cả triều thần thiên quốc và Hội Thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.
Có thể hiểu thêm rằng, Tin Mừng cũng muốn nói lên trách nhiệm truyền giáo của chúng ta là những Kitô hữu. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ già rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, xin cho chúng con biết luôn bước theo sự hướng dẫn của Chúa, làm chiên ngoan dưới sự chăn dắt và săn sóc của Chúa, để không bao giờ bị hoa thơm cỏ lạ thế gian quyến rũ làm chúng con lạc đường. Xin cũng cho chúng con có một tâm hồn quảng đại, để cùng với Chúa đưa dẫn những ai đang lạc bước trở về với Chúa và Giáo Hội. Amen.
THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,28-30
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
II. SUY NIỆM
Nơi Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công Giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
1. Đến với tôi…
Mọi người đều mang trên mình nhiều thứ gánh nặng khác nhau:
Gánh nặng lề luật là: Người Do-thái thời đó phải giữ bộ luật chi li hơn 600 điều luật của biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí Tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với Của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.
2. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…
Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng Chúa cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời, nhưng kết hợp với Chúa Giêsu để được bổ sức và cùng Người vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên. Amen.
THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG
Ngày 08/12: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 26- 38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II. SUY NIỆM
Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về cuộc truyền tin. Bài Tin mừng làm chói sáng lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”:
1. Đầy ân sủng.
“Đấng đầy ân sủng”. Ân sủng (kharis) – Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:
– Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho người được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.
– Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa .
Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha.
2. Đặc trưng khiêm hạ.
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người” . Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).
3. Đặc trưng vâng phục (fiat).
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc.
Tóm lại, noi gương mẹ Maria, để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người, ta phải bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người. Sự vâng phục đó cũng là hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa để mưu ích cho các linh hồn.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống cuộc đời trong sạch, biết noi gương Mẹ Maria mà sống “xin vâng” theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, hầu mai ngày chúng con cũng được cùng với mẹ chung hưởng vinh quang trong Nước Chúa. Amen.
THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11, 16-19
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:
“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.”
Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
II. SUY NIỆM
Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh hai điều:
1. Áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.
Giống như bọn trẻ con thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do Thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang chứ không khắc khổ kiểu Gioan Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ và không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Chúa Giêsu.
Còn chúng ta? Chúng ta có đưa ra những hình mẫu và lối sống để bắt người khác phải theo mình, thay vì mình phải biết thay đổi? Chúng ta thuận theo ý Chúa hay bắt Chúa phải theo ý mình?
2. “Không ưa thì đổ cho dưa thối…”
Có câu chuyện kể rằng: ngày nào bà vợ cũng chỉ cho chồng xem tường và cửa sổ của nhà hàng xóm quá bẩn và chê bai người nhà hàng xóm lười biếng, thế rồi một hôm, ông chồng phát hiện ra cánh cửa kiếng nhìn ra nhà hàng xóm của mình bám đầy bụi bẩn, ông vội lau sạch và nhìn ra thì thấy nhà hàng xóm sạch sẽ không như bấy lâu nay vợ ông nghĩ.
Với một người luôn nghĩ xấu thì nhìn đâu cũng thấy rác, suy bụng ta ra bụng người, mình có ý nghĩ xấu nên cứ tưởng người ta cũng xấu như mình.
Khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án:
Ông Gioan ăn chay khắc khổ thì bảo là lập dị và bị ma ám.
Chúa Giêsu hoà đồng ăn uống thì cho là mê ăn và bợm nhậu.
Còn chúng ta? Một linh mục hay vị nào đó đạo đức thì dễ bị coi là thiếu quan tâm và thiếu xây dựng giáo xứ, ngược lại, một vị hoà đồng với mọi người thì dễ bị đánh giá là thiếu tư cách… “Không ưa thì đổ cho dưa thối”, “miệng lưỡi không xương lắm đường lắt lẻo”… kiêng khem thì bị coi là đạo đức giả, hoà đồng thì kết án là thiếu đứng đắn…
Thật vậy, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết dẹp bỏ ý riêng mình, để ý Chúa được thể hiện. Xin cũng cho chúng con biết nhìn mọi sự bằng ánh mắt yêu thương của Chúa, để mọi điều xảy ra đều có ý nghĩa tích cực, mang lại niềm vui cho cuộc sống chúng con. Amen
THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 17,10-13
Các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước? ” Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
II. SUY NIỆM
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, người viết sực nhớ lại một câu chuyện cách đây khá lâu nơi một xứ đạo Miền Tây. Số là hôm ấy, ông trùm và cha sở đến một vùng giáo điểm để dâng Thánh Lễ. Do cha sở thì ăn mặc áo nâu sồng giản dị, còn ông trùm thì “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, nên sau khi gửi xe để đi vào, ông trùm thì được một bác che dù và những người giúp giáo điểm đón vào mời dùng khăn lạnh, xơi nước, còn cha ở thì một mình lủi thủi. Đến giờ cha sở vào mở giỏ lấy lễ phục ra mặc để dâng lễ, thì mọi người mới tá hoả ra đâu là cha sở và đâu là ông trùm.
Câu chuyện trên cho thấy quan niệm của nhiều người rằng cha sở phải bảnh bao đẹp mã, phải nhìn phong độ hơn ông trùm… Đó cũng là quan niệm chung của người đương thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Họ quan niệm Đấng Cứu Thế đến phải là rất quyền lực và oai phong như Vua Đa-vít, đến đánh dẹp Rôma và lên ngôi hoàng đế. Từ đó, căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, họ cũng quan niệm vị Tiền Hô của Người như là môt tể tướng quân đội, đầy quyền năng của ngôn sứ Êlia, hô mưa gọi gió, thách thức và tiêu diệt năm trăm ngôn sứ giả của hoàng hậu Jêsabell, đến trước chuẩn bị cho Đấng Messia ngự đến. Từ đó, họ không thể nhận ra Đấng Tiền Hô của Chúa là ông Gioan Tẩy Giả trong sự giản dị và khiêm tốn, và cũng đồng thời không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường hiền hậu như Đức Giêsu được. Để rồi họ đối xử với Gioan theo cách họ muốn, và họ tiếp tục tìm cách hãm hại Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết, Gioan Tiền Hô chính là hiện thân của Êlia, đã đến trước chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người muốn nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.
Có người hỏi cha Anthony de Mello rằng: “Ai sinh ra Thiên Chúa”, ngài đáp: “con người chúng ta sinh ra Thiên Chúa”; người đó hỏi tiếp: “vậy ai giết chết Thiên Chúa”, ngài đáp: “cũng chính chúng ta giết Thiên Chúa”.
Thật vậy, ngày hôm nay, chính chúng ta vẽ ra một vị Thiên Chúa làm sao cho hợp với đam mê của mình, chúng ta ham quyền lực nên tôn thờ một kiểu Thiên Chúa uy quyền đánh phạt, chúng ta ưa danh vọng, nên vẽ ra Thiên Chúa giàu sang quyền quý… Như thế chúng ta vừa sinh ra một Thiên Chúa theo ý mình, đồng nghĩa với việc chúng ta giết chết một Thiên Chúa đích thực, là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa chịu đóng đinh và là Thiên Chúa của người nghèo. Để rồi, cũng như những người Do Thái xưa, chúng ta quan niệm những vị đại diện Chúa sai đến, phải là oai phong hơn người, và chúng ta dành cho các vị một khoảng cách rất xa so với những người thân cận đang cần đến chúng ta giúp đỡ.
Đáng trách hơn là không thiếu những người “được coi là đại diện Chúa”, như các GM, Lm, Ts… đã tự trang bị cho mình một sự vượt trội người khác, thay vì nổi trội về lòng mến và kiến thức về Chúa, thì lại lo sắm sửa cho mình những tiện nghi sang trọng, để được mọi người kính nể, và tự phân cấp thành một bậc cao hơn trên dân Chúa, không thể đến với người nghèo và hạ mình cúi xuống phục vụ những người đau khổ. Như thế, chẳng khác nào chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa ‘thần tài’ và giết chết Thiên Chúa là Đấng đã chết đi vì những người hèn kém nhất trong xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, bởi vì chúng con được ví như “người nhà” của Chúa, nhưng nhiều lần Chúa đến viếng thăm tâm hồn chúng con thì chúng con lại từ chối vì không nhận ra Chúa, bởi tâm trí chúng con quen với tư tương một Thiên Chúa quyền lực thỏa mãn đam mê của chúng con hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
Hiền Lâm.