Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV, NĂM C , TIN LÀ CHẤP NHẬN VƯỢT QUA RÀO CẢN

TIN LÀ CHẤP NHẬN VƯỢT QUA RÀO CẢN

Lc 4,21-30

Huy Mỹ

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được trích trong Tin Mừng của thánh Luca 4,21-30. Đoạn Tin Mừng này nằm trong bối cảnh Đức Giêsu trở về quê hương của Ngài và giảng dạy tại Hội Đường trong ngày Sa-bát. Qua sự giảng dạy, dân làng hết sức ngỡ ngàng và khâm phục tài uy của Đức Giêsu: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra” (Lc 4,22).

Chứng kiến tài uy của Đức Giêsu, đáng lẽ dân chúng phải tôn trọng, kính nể, yêu mến và tự hào về người đồng hương của mình. Một người con Tầm Cỡ của bậc ngôn sứ và bậc thầy ráp-bi mà hôm nay họ được nghe, được thấy những gì Đức Giêsu đã làm nơi Hội Đường, ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Nhưng thay vì tôn trọng, kính nể và tự hào, dân chúng lại bị chi phối bởi hoàn cảnh gia thế của Đức Giêsu lên cách đối xử với Ngài. Đó là sự khinh thường, nhạo báng và thách thức: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22); “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào?” (Lc 4,23).

Dân chúng mặc dầu đã chứng kiến tài uy của Đức Giêsu, nhưng họ không thể chấp nhận một vị ngôn sứ xuất thân từ gia đình nghèo khổ như Đức Giêsu. Họ cũng không thể chấp nhận Đức Giêsu bần hèn đó là Đấng Mesia, Đấng của Lời Hứa để giải phóng dân tộc. Họ không thể nào vượt qua được óc hẹp hòi và thành kiến để chấp nhận Đức Giêsu là vị ngôn sứ, là Đấng Thiên Sai, nên họ đã đi từ sự ngỡ ngàng khâm phục đến thái độ nghen tỵ rồi nhạo báng: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22).

Thái độ của dân làng Na-gia-rét đối với Đức Giêsu cũng là thái độ, lối sống và suy nghĩ của cả dân tộc Do Thái. Họ là một dân “cứng đầu cứng cổ” (Xh 32,9; Đnl 9,10). Đức Giêsu đã lấy lời ngôn sứ Isaia 29,13, để nói với họ rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng dạ chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý của chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7).

Khi dân chúng không thể vượt qua được rào cản là gia thế thấp hèn của Đức Giêsu để tin tưởng và lắng nghe lời Ngài giảng dạy, thì họ cũng đánh mất cơ hội cao quí mà Thiên Chúa ban tặng cho dân tộc của họ là nhận biết Đức Giêsu, người Na-gia-rét, người cùng chung lối xóm với họ, tuy cuộc sống rất tầm thường, đơn giản và nghèo khổ, chính là Đấng Thiên Sai, Đấng mà muôn dân trông đợi.

Khi họ không thể vượt qua được óc thành kiến, Đức Giêsu càng nổi tiếng bao nhiêu thì lòng ghen tức của họ càng tăng thêm bấy nhiêu. Có thể nói, Đức Giêsu bị dân của Ngài loại trừ không nằm ngoài sự ghen tương của dân chúng: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương của mình” (Lc 4,23). Chính sự ghen tương đã đưa họ tới lòng thù hận để rồi kết án Đức Giêsu một cách phi lý, mặc dầu Hê-rô-đê xác nhận: “Không thấy người này có tội gì” (Lc 23,14), thế mà họ vẫn chấp nhận tha cho Ba-ra-ba, một tên tù nhân khét tiếng (x. Lc 23,19) để giết Đức Giêsu cho bằng được: “Giết nó đi, thả Ba-na-ba cho chúng tôi” (Lc 23,16); “Đóng đinh ! đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23,20).

Thiên Chúa đã ưu ái cách đặc biết đối với dân tộc của Ngài, nhưng họ đã khước từ. Chính sự từ chối đó mà muôn dân được hưởng nhờ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu lấy hai câu chuyện trong sách 1V 17,7-15 và  2V 5,1-14 để nói lên điều này: “Tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa trong nước Is-ra-el; thế mà ông không được sai đến giúp một bà góa nào cả, nhưng chỉ được sai đếng giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong ở trong nước Is-ra-el, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người Xy-ri” (Lc 4,25-27).

Hai câu chuyện này cho thấy có khi tin là chấp nhận vượt qua rào cản của lý trí và khoa học. Chỉ niềm tin mới có thể giải thích được sự phi lý của trí khôn con người. Nếu bà góa thành Xa-rép-ta khôn ngoan theo lý trí của mình, thì làm sao đưa cái bánh cho ngôn sứ Ê-li-a trong hoàn cảnh éo le này. Nhưng bằng niềm tin, bà đã làm theo lời ngôn sứ và kết quả là bà và con bà được cứu sống (x. 1V 17,7-15). Nếu bằng lý trí và khoa học, thì làm sao ông Na-a-man lại có thể xuống sống của Is-ra-el để chữa bệnh. Nhưng bằng niềm tin, ông đã vượt qua rào cản của lý trí để ngâm mình bảy lần ở sông Is-ra-el và kết quả là ông được chữa lành (x. 2V 5,1-14).

Nếu dân tộc của Chúa ngày xưa không thể vượt qua được rào cản là óc thành kiến về gia thế Đức Giêsu, thì ngày hôm nay, người Kitô hữu cũng cần nhìn lại đời sống đức tin của mình đối với sự hiện diện của Chúa Kitô như thế nào.

Về khía cạnh Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể: Nơi đây, Chúa Giêsu hiện diện một cách cụ thể qua tấm bánh rất bình thường, nhưng chính sự bình thường khiêm tốn này đã trở thành rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đức tin của người kitô hữu. Nhiều người kitô hữu đã mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa, Đấng thánh thiện, quyền năng và giàu tình thương đối với mọi người, nên dẫn tới tình trạng bỏ lễ hoặc đến với thánh lễ một cách hời hợt “đi sau về trước”. Chúa Giêsu đang có mặt nơi tấm bánh bình thường qua thánh lễ, Ngài kêu gọi mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người tin tưởng rằng mình đang gặp gỡ Chúa Kitô, đang đụng chạm với Ngài và đang cần Ngài cho cuộc sống của mình?

Ở Việt nam chúng ta, nơi đâu nghe nói Chúa hay Đức Mẹ hiện ra, nơi đó người ta tập trung đông vô kể. Nếu Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, Ngài hiện diện một cách uy nghi, chói sáng mà mắt trần nhìn thấy được, thì chắc chắn rằng không ai bỏ lễ và người ta sẽ đi trước về sau, tìm mọi cách vào nhà thờ cho bằng được.

Về đời sống tương quan giữa con người với nhau: chúng ta đã được Chúa Giêsu mặc khải cho biết: những người chúng ta gặp gỡ, những người nghèo hèn, những người bệnh tật, những người khổ đau, những người bị bỏ rơi bên vệ đường…v.v, họ chính là hình ảnh của Chúa Giêsu (x. Mt 25,31-45). Nếu dùng lý trí suy tư, thì làm sao những người đó có thể là hình ảnh của Chúa được, nhất là những người đã từng gieo bao thương tổn, khổ đau cho chính mình, cho người thân của mình, giờ đây họ là hình ảnh của Chúa hay sao, ai có thể chấp nhận được? Nhưng khi chúng ta chấp nhận vượt qua những rào cản của lý trí để đi đến với niềm tin thì chúng ta mới có thể nhìn thấy Chúa đang ở nơi họ và họ chính là hiện thân của Chúa. Khi vượt qua rào cản của lý trí, tình cảm để đến với đức tin, chúng ta mới có khả năng làm được những điều phi thường, đó là đón nhận, sẻ chia, tha thứ và yêu thương người khác như chính mình.

Bài Tin Mừng hôm nay, dân chúng đã vướng phải rào cản là gia thế của Đức Giêsu. Họ không thể vượt qua được rào cản của óc thành kiến, hẹp hòi để đến với đức tin, nên họ đã đánh mất khả năng đón nhận mặc khải là nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài chính là Đấng mà  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Trong cuộc sống hằng ngày, người kitô hữu đang phải đối diện với những rào cản thử thách đức tin dưới nhiều khía cạnh, nếu không có Chúa nâng đỡ-gìn giữ sẽ không thể nào vượt qua được. Xin Chúa cho chúng ta là những người đang trên hành trình đức tin, biết khám phá ra Chúa đang hiện diện rất gần gũi với mọi người chúng ta qua từng biến  cố của cuộc đời, qua các Bí Tích, qua từng con người chúng ta gặp gỡ. Nhất là xin cho chúng ta luôn biết nương tựa vào Ngài, biết phó thác cho lòng thương xót Chúa, đồng thời biết nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để trở nên chứng nhân của Đức tin và hy vọng nhằm thức tỉnh trào lưu tục hóa trong thời đại hôm nay.

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024: Lịch sử của Tình Yêu (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024 LỊCH SỬ CỦA TÌNH YÊU Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Thoạt đọc bài Tin mừng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 11,1-10: Người tôi tớ của Thiên Chúa đi vào con đường khổ nạn

NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO CON ĐƯỜNG KHỔ NẠN  M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý  Trong cuộc kiệu lá hôm nay, Hội Thánh...

Thánh Giuse giáo dân (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Giuse 19.03.2024 THÁNH GIUSE GIÁO DÂN 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nếu đưa ra câu hỏi: Ai là...

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria: Thánh Giuse uy quyền

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria, Mt 1,16.18-21.24 / Lc 2,41-51 Thánh Giuse Uy Quyền Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Hợp với Hội Thánh...

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33: Hạt lúa đơm bông cánh đồng rạng rỡ

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33 Hạt Lúa Đơm Bông Cánh Đồng Rạng Rỡ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khi nhìn thấy đồng lúa...

Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – B: Chết để được sống

Suy Niệm Chúa Nhật V  Mùa Chay Năm B CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG (Ga 12,20-33) Mai Anh, CĐ Phước Thiên Vì yêu thương nhân loại từ ngàn xưa,...

Lễ thánh Giuse 19/3 – Việc làm to lớn của thánh Giuse

Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria  (Mt 1,18-24) Cha M. Gioan Bosco Nếu nói Tin Mừng hay kể chuyện lạ thì chuyện về Giuse là...

Chúa Nhật IV Mùa Chay, B, Ga 3,14-21: Đấng bị treo lên thập giá

ĐẤNG BỊ TREO LÊN THẬP GIÁ (Ga 3,14-21) Tùng Linh, Phước Lý Chuyện kể rằng: “Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng...

Chúa Nhật III MC, B: Thanh tẩy Đền thờ

THANH TẨY ĐỀN THỜ "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 68.10) M. Jos. Ba, PV      Với...

Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B, Ga 2,13-25: Thanh tẩy Đền thờ

Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B  (Ga 2,13-25)   Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, người ta tin rằng nơi đây...