NGÔI MỘ TRỐNG
Cv 10,34.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Đối diện với sự ra đi, cái chết của người thân, không ai lại không khỏi đau khổ. Nỗi buồn thảm đó lại càng tăng thêm gấp bội, khi bà Maria Madalena nhìn thấy tảng đá lấp cửa mộ đã an táng Thầy Giêsu bị lăn ra một bên. Bà nghĩ rằng người ta đã lấy mất thi hài của Thầy rồi. Nên bà vội vàng chạy về báo tin cho ông Phêrô và môn đệ Đức Giêsu thương mến. Hai ông liền đi ra mộ và họ đã chứng kiến “ngôi mộ trống”. Vậy, qua dấu chỉ “ngôi mộ trống” thánh sử Gioan muốn nói với chúng ta điều gì?
1. Ngôi Mộ Trống: dấu chỉ Phục Sinh
Không ai có thể xác định chính xác được Đức Giêsu Phục Sinh vào giờ phút nào. Bốn Tin Mừng cũng chỉ thuật lại sự kiện các phụ nữ đi ra mộ từ sáng sớm và không thấy thi hài của Đức Giêsu, nhưng chỉ còn lại “ngôi mộ trống” và những băng vải được xếp gọn gàng. Điều đó cho thấy: “Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi” (Lc 24,6). Vậy, qua dấu chỉ “ngôi mộ trống” đã chứng minh rằng Đức Giêsu đã sống lại Thật. Vì nếu Đức Giêsu không sống lại, thì cái chết của Người cũng như bao nhiêu người khác và niềm tin của chúng ta thật là hão huyền… (x. 1 Cr 15,1-20). Và có lẽ Kitô giáo cũng đã không xuất hiện. Cùng với dấu chỉ “ngôi mộ trống”, Đức Giêsu Phục Sinh còn nhiều lần hiện ra với các môn đệ để xác thực và cũng cố niềm tin cho các ông. Niềm tin đó đã được khởi đi từ các môn đệ.
2. Ngôi Mộ Trống: khởi điểm niềm tin
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông Gioan là người đầu tiên tin vào sự sống lại của Đức Giêsu. Tiến trình đức tin của ông được khởi đi từ “ngôi mộ trống”. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Ông tin rằng Đức Giêsu đã sống lại thật. Niềm tin đó đã được lan tỏa cho các môn đệ khác, mặc dù họ không được chứng kiến ngôi mộ trống. Hơn nữa qua sự kiện Đức Giêsu hiện ra với các ông đang khi các ông cầu nguyện giúp các ông xác tín hơn mà nói được là “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” (Ga 20,25). Các ông cũng đã nhận ra Người trên biển hồ Tibêria (x. Ga 21,12). Niềm tin đó, ông không giữ cho riêng mình, nhưng còn loan báo cho ông Phêrô rằng: “Chúa đó!” (x. Ga 21,7). Niềm tin đó đã được chứng thực trong toàn bộ Tin Mừng và loan truyền cho cả nhân loại trong suốt hai ngàn năm lịch sử qua.
3. Ngôi Mộ Trống: khởi điểm của việc loan báo Tin Mừng
Sở dĩ bà Maria Madalena được mệnh danh là nhân chứng Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên, vì sau khi tin nhận Đức Giêsu Phục Sinh và mệnh lệnh của Người, bà đã mau mắn đi báo tin cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và kể lại những điều Người đã nói với bà (x. Ga 20,14-18).
Ông Gioan được mệnh danh là người môn đệ Chúa yêu, sau khi đã chứng kiến “ngôi mộ trống”, ông đã tin và đã viết những lời chứng về sự Phục Sinh của Thầy Giêsu để mọi người tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người (x. Ga 20,31).
Ông Phêrô, mặc dầu được Đức Giêsu hứa sẽ đặt ông làm thủ lãnh (x. Mt 16,18-19), nhưng ông vẫn im hơi lặng tiếng cho đến khi ông hoàn toàn xác tín vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến thầy”. Và đây cũng là lúc Đức Giêsu chính thức trao quyền thủ lãnh cho ông (x. Ga 21,15-17). Sau khi nhận lệnh truyền, ông Phêrô hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Sách công vụ tông đồ kể lại bài giảng đầu tiên của ông có khoảng ba ngàn người theo đạo (x. Cv 2). Ông đã long trọng làm chứng về thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu, Đấng đã bị treo lên cây gỗ mà giết đi, nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi và để những ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn cứu độ (bài đọc I).
Trong cuộc sống, nhiều khi vì quá đau khổ và thất vọng trước những biến cố đau thương, hoặc không dám đối diện với thực tế, do đó mà không nhận ra Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng ta. Cho nên “ngôi mộ trống” có thể là một nỗi thất vọng cho những ai không dám đối diện, không dám bước vào bên trong. Nhưng đồng thời, nó cũng là dấu chỉ và là khởi điểm niềm tin cho những ai dám đi vào bên trong để nhận ra mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu. Vậy, sau khi đã chứng kiến và tin nhận mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta mau mắn thi hành mệnh lệnh của Đức Giêsu là: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Nghĩa là cần phải rời khỏi “ngôi mộ trống”, ra khỏi căn nhà đang cửa đóng then cài, để đi đến với những vùng ngoại biên. Đặc biệt là hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới để nhờ đó mà ra khỏi chính mình, loại bỏ con người cũ của mình để đến với tha nhân.
M. Mai Liên, CĐ Phước Thiên