Gặp gỡ và sứ vụ
Mt 4,12-23
Đức thánh cha Biển Đức XVI trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu đã khẳng định: “Là Kitô hữu không phải là hệ quả của một họn lựa luân lý hay một lý tưởng cao quý, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một người; một cuộc gặp gỡ trao ban cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó là một hướng đi có tính chất quyết định” (Deus caritas est, số 1).
Trên đường rao giảng tại miền Galilê, Đức Giêsu đã gặp và kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Nói ngược lại, bốn môn đệ đầu tiên đã gặp gỡ một “con người”, được kêu gọi và họ đã bỏ lại mọi sự mà theo. Cuộc gặp gỡ đã mở ra cho họ một chân trời mới, và họ có một hướng đi quyết định. Nhìn lại hành trình theo Chúa, có người được gọi làm linh mục, có người được gọi làm tu sĩ, kitô hữu giáo dân – tất cả đều được gọi. Nhưng chúng ta đã gặp được Đức Kitô chưa, hay cuộc hành trình của chúng ta vẫn đi theo phong trào, đi vì mọi người đi, đi vì hoàn cảnh…? Ở đây chúng ta không loại bỏ cái cớ để Thiên Chúa kêu gọi mỗi người, nhưng nhắm đến yêu sách của việc làm môn đệ Đức Kitô là một cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ dẫn chúng ta đến một hướng đi quyết định. Nói sát hơn, cuộc gặp gỡ trao cho chúng ta một sứ vụ. Sứ vụ nào?
“Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lãnh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-ret, đến ở Ca-phác-na-um, một thành vùng ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Nap-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Này đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm nay đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 12-16).
Sứ vụ của người môn đệ chính là làm cho ứng nghiệm lời của Thiên Chúa, hay là làm cho ý Cha thể hiện. Ý Cha thể hiện là đem ánh sáng đến cho dân ngoại, đem ánh sáng chiếu soi dân đang ngồi trong bóng tối, cho họ được thấy ánh quang cứu độ. Lý thuyết là như thế, nhưng thực hành như thế nào để dân ngoại được thấy ánh sáng cứu độ?
Giới thiệu Đấng Phục Sinh bằng lời nói là điều đương nhiên, nhưng cần thiết và hữu hiệu hơn vẫn là chứng tá. Chứng tá bằng cuộc sống đượm tình bác ái, yêu thương, hiệp nhất sâu xa. Để có những điều đó, người môn đệ cũng cần sống những điều thánh Phaolô khuyên nhủ: “Thưa anh em, nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1, 10).
Trong cuộc hành trình theo Đức Ki-tô, khi được kêu gọi hiếm người trong chúng ta bước theo vì đã gặp gỡ một con người, một biến có nhứ Đức Thánh Cha Biển Đức nói, nhưng phần lớn chúng ta bị thu hút bởi một cái ấn tượng bên ngoài. Nói cách khác Chúa gọi chúng ta qua một “cái cớ”. Thậm chí cái cớ đó là những điều rất tầm thường như bên đạo họ cầu lễ, hát hay, đi tu để được ăn sung mặc sướng… tất cả chỉ là cái cớ, cái yêu thích bên ngoài, cái không được an bài, định trước. Cái đó Đức Biển Đức XVI gọi là eros. Nói như thế để cùng Đức Biển Đức XVI chúng ta khẳng định: Hội Thánh không từ chối tình ái trong mỗi con người, nhưng nhìn nhận nó đúng như thực tại của nó và nó được coi là một quà tặng Thiên Chúa gởi ban cho con người. Tuy nhiên, món quà đó cần được tôi luyện và đinh hướng, biến cái eros thành agape (tình bác ái).
Thật vậy, ơn gọi của mỗi người lúc ban đầu được gọi với muôn vàn cái cớ khác nhau, nhưng sau từng giai đoạn, từng hành trình, chúng ta cần hướng dẫn, cần định hướng nó. Có thể ban đầu chúng ta thích muôn vàn cái trong đời sống làm môn đệ, nhưng những cái đó cần được thanh luyện để có một tình yêu tinh tuyền, định hướng để quy về một tình yêu duy nhất. Đó là tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu để đến với Thiên Chúa không phải tâm tình của đầy tớ, nô lệ, hay vụ lợi nhưng là tâm tình của một người con. Khi đến với tâm tình như thế chắc chắn chúng ta sẽ gặp được một “con người, một biến cố”, qua đó chúng ta sẽ có những hướng đi quyết định cho đời mình.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh