SỐNG CHỨNG TÁ TIN MỪNG
Mc 6,7-13
Người môn đệ sống chứng tá Tin mừng là người “biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa” và diễn tả việc lắng nghe bằng chính đời sống biết từ bỏ như Đức Giêsu đã từ bỏ; biết vâng phục như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục và biết khiêm hạ như Đức Giêsu đã khiêm hạ. Đó cũng là điều được bài Tin Mừng Chúa Nhật XV thường niên hôm nay trình thuật lại. Chúa Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời với một hành trang thật khó nghèo. Đồng thời, đây cũng là điều đã khơi dậy nơi mọi Kitô hữu ước vọng ra đi làm chứng tá Tin Mừng Nước Trời.
Thánh sử Maccô đã tường thuật lại một cách cụ thể khi Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi. Trước hết, “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và sai đi từng hai người một” (Mt 6,7). Một cuộc tập họp chuẩn bị cho việc ra đi. Lúc này Người không còn gọi các ông lại để cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ hay dạy dỗ họ như trước nữa, nhưng là phát “bài sai”. Các Tông đồ lúc này cũng không còn là những môn đồ của những ngày đầu theo Thầy mình nữa, nhưng là trưởng thành trong lệnh truyền của Thiên Chúa. Một mệnh lệnh xuất hành mang chiều kích cộng đoàn: “sai đi từng hai người một” để cùng cộng tác, bổ túc và nâng đỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ và yêu thương.
Kế đến, động từ “chỉ thị” được tác giả Maccô sử dụng không những đã làm tăng bội uy quyền của Chúa Giêsu nơi trần gian mà còn đòi hỏi nơi người môn đệ sự vâng phục và khó nghèo tuyệt đối: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,9). Đây là một cuộc xuất hành khác thường, những thứ vật chất tưởng như cần thiết cho cuôc xuất hành thì lại là chướng ngại cho sứ vụ truyền giáo. Đòi hỏi một sự khó nghèo tận căn như thế là vì Chúa Giêsu muốn hướng họ đến một chiều kích siêu nhiên hơn và không lệ thuộc vào của cải vật chất. Bởi của cải vật chất không phải là thứ hành trang cần thiết nhất để giúp các môn đệ trở thành chứng tá của Thiên Chúa, nhưng là lòng phó thác, cậy trông và vâng phục. Hơn nữa, Người còn trao cho các ông cây gậy của người mục tử để soi đường dẫn lối, để xua trừ thú dữ. Vì có côn trượng của Ngài bảo vệ, người môn đệ luôn vững dạ an tâm (x. Tv 23,4). Như vậy, gói hành trang mang theo không là gì cả để giúp các môn đệ không còn bám víu vào của cải thế gian. Gói hành trang ấy là gói hành trang chứa đầy sự vâng phục và niềm hy vọng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sau cùng, chúng ta có thể nói: không có thành qủa nào mà chưa từng trải qua thất bại, và cũng chưa có gian truân nào mà không gặt hái được thành công. Vậy nên, dù các môn đệ đã thành công khi đến và “ở lại” nhà của những người đã tin nhận vào Thiên Chúa (Mc 6,10), thì cũng đã có lúc họ phải đối diện với thất bại ê chề khi có những người “không đón tiếp và không nghe họ”. Do đó, dẫu có thành công thì cũng không kiêu ngạo vì chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho sự khiêm tốn phục vụ chứ không vì danh lợi (x. Ga 20,27-28), mà có thất bại thì cũng không nản chí, sờn lòng, vì chưng “tôi trồng, Aplo tưới nhưng Thiên Chúa mới là người cho mọc lên” (x. 1 Cr 3,6).
Chúa Giêsu chính là vị thầy lý tưởng của các môn đệ. Người đã chọn, gọi và sai các ông ra đi dưới sự đồng hành thiêng liêng của Thiên Chúa. Người cho các ông nhận ra giá trị của từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự lệ thuộc vật chất, từ bỏ sự tự mãn nơi bản thân mỗi người, lấy vâng phục làm kim chỉ nam cho cuộc sống, lấy khiêm hạ làm nền tảng đức tin, để kết quả của cuộc hành trình là “các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13).
Augustino Nguyễn Thị Nga.