Sửa lỗi cho nhau
Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Đức Tổng giám mục Desmond Mpilo Tutu, người được nhận giải Noben Hòa Bình năm 1984, từng nói: “Trong trường hợp có bất công mà bạn không chọn phe nào thì thực chất bạn đã đứng về phe áp bức.”
Thiên Chúa tạo dựng con người với đôi tai và cặp mặt để nghe, để nhìn. Cùng với những cơ quan thụ cảm khác, con người có thể đưa ra nhận định về sự vật, sự việc… Nhận định rồi con người sẽ làm gì? Cụ thể hơn, trong trường hợp thấy sự sai lỗi của người anh em, người đồng đạo chúng ta sẽ làm gì?
Sửa lỗi cho người khác luôn là điều tốt, nhưng không phải mọi cách sửa lỗi đều đưa tới hiệu quả, có khi cách sửa lỗi dẫn đến hậu quả. Như thánh Biển Đức nhắc nhở viện phụ: “Ngay khi quở trách, ngài cũng phải cư xử khôn ngoan, không gì thái quá, kẻo khi muốn cạo sạch rỉ sét lại làm vỡ cả bình.” (x. Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức, Chương 64, câu 12). Vậy chúng ta phải sửa lỗi anh em như thế nào?
Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta một tiến trình tiệm tiến khi sửa lỗi người anh em. Đức Giê-su nói rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 1815). Tại sao Đức Giê-su truyền phải âm thầm một mình anh với người anh em trót phạm tội?
Người Việt có câu: “Cọp chết để da, người chết để tiếng” hay “Con chim có lông, con người có tiếng.” Đối với con người, danh tiếng rất quan trọng, chính vì thế người ta làm mọi thứ, hy sinh nhiều điều để có danh thơm tiếng tốt, để lại danh tiếng trên đời. Vậy mà, những lỗi phạm những điều xấu chính là nguyên nhân làm mất thanh danh của người ta. Đức Giê-su rất tâm lý, tế nhị khi truyền dạy, sửa lỗi người anh em trước hết phải âm thầm kín đáo chỉ mình anh với nó. Việc âm thầm kín đáo, tế nhị không chỉ dừng lại ở việc giữ danh thơm tiếng tốt nhưng còn để đối thoại với người trót lỗi phạm. Đối thoại để làm gì?
Ai trong chúng ta chắc cũng biết câu chuyện của thầy trò Khổng Tử và Nhan Hồi. Đến một bậc thánh hiền như Khổng Tử mà có lúc cũng suýt hồ đồ, thì huống hồ là những con người phàm tục như chúng ta. Cái mà chúng ta nhìn, chúng ta cảm nhận chưa hẳn là sự thật. Hơn nữa, mỗi câu chuyện, mỗi lỗi lầm đều có nội tình của nó. Cho nên sẽ là tổn hại không lường cho đương sự khi chúng ta chưa hiểu rõ nội tình mà đã rêu rao cho cả thiên hạ biết. Có khi sai sự thật, có khi làm tiêu tan cả một đời cố gắng của họ và cũng không ít người đã đi đến tuyệt vọng hoàn toàn. Chính vì thế, khi thấy người anh em sai lỗi cần âm thầm một mình với họ để đối thoại nhằm tìm hiểu sự thật, nội tình. Từ đó chúng ta mới có thể sửa lỗi cho họ bằng cả con tim cảm thông mà không chỉ trích, chân thành mà không trịch thượng. Đừng để lòng thù hận ghen ghét che mờ lý trí và tình yêu của chúng ta. Nhưng hãy lấy đức ái mà chữa lành người anh em lỗi phạm. Nhưng khi đức ái của một cá nhân không thể làm người anh em hối lỗi “…thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (Mt 18, 16).
Khi việc đối thoại cá nhân với người sai lỗi không đem lại kết quả, việc đem thêm người để sự việc có hai ba nhân chứng có thêm sức thuyết phục người có lỗi. Công việc này nhằm cho người lỗi phạm nhận thấy lời khuyên của người thứ nhất không phải là cái nhìn chủ quan, nhưng sáng suốt và được nhiều người khác công nhận. Như thế, việc đem thêm người phải đi đến mục đích khách quan nhất cho sự việc. Cần tránh thái độ suy xét cách chủ quan, riêng tư, cá nhân, nhất là suy xét một cách ấu trí, theo cảm tính. Tuy nhiên việc gọi thêm người cũng có nguy cơ, những người được mời đến nói năng thiếu lập trường, a dua, xu nịnh. Chính vì thế, sửa lỗi cho người anh em cần có sự khách quan và cần tránh việc dùng sức mạnh của số đông để uy hiếp. Chúng ta hãy dùng sự khách quan để cho họ thấy lỗi phạm, rồi để tự do lương tâm của họ lên tiếng. Hãy để họ quyết định sửa lỗi hay không. Khi họ vẫn ngoan cố “ … thì hãy đi thưa với Hội Thánh.”
Việc đưa tội nhân ta trước Giáo Hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyên dụ hoán cải nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp này, Giáo Hội chẳng còn làm gì khác hơn là công bố chính sứ điệp của mình: lời ân xá và tha thứ; nhưng lời này sẽ trở thành lời xét xử đối với những ai bác bỏ, khước từ. Chính vì công bố sứ điệp đó mà cộng đoàn nhận được quyền cầm buộc và tháo cởi. Quyền bính của cộng đoàn không phải là quyền bính của một tòa án hay một cơ quan tài phán nhân loại, vì nó hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối điện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Kết quả là kẻ “chẳng màng nghe Giáo Hội”, nghĩa là từ chối nghe lời mời gọi ăn năn, thì đương nhiên tự loại trừ khỏi cộng đoàn được xây dựng trên ân sủng trong Chúa Kitô; đương sự không còn là “anh em” nữa. Điều y đã làm khi phạm tội (cách riêng tư), giờ đây cộng đoàn chỉ còn công khai xác nhận và đòi y phải trả lẽ. Y đã tự tách khỏi cộng đoàn vì tội của y, nên cộng đoàn mới chứng thực sự kiện bằng cách ghi nhận y đã từ chối nắm bàn tay đưa ra để lôi y vào. (x. Chú giải của Giao Hoàng Học Viện Đà Lạt – www. Chuanhat23tna,giaophanbaria). Trên đây là tiến trình mà chính Đức Giê-su đã truyền dạy để sửa lỗi một người anh em. Để thực hiện được tiến trình này cần hai tuân theo hai nguyên tắc: Chân lý và tình yêu.
Khởi đi từ việc sửa lỗi với tư cách là cá nhân, rồi đến một nhóm hai hoặc ba người và sau cùng là thẩm quyền của Hội Thánh. Tất cả những cấp bậc đó nhằm nói lên tính khách quan của công việc sửa lỗi. Những người sửa lỗi không nói lên với cảm tính, suy luận cách cá nhân, nhưng dựa trên chân lý. Cũng có thể nói tiến trình sửa lỗi là tiến trình đưa người lỗi phạm ra khỏi mê lầm để đi tìm chân lý. Chân lý là gì? Chân lý đó chính là Lời được khắc ghi trong mọi sự. Thật vậy “mọi vật đều mang dấu ấn không thể xóa nhòa của một Nguyên Lý tạo dựng vẫn truyền lệnh và hướng dẫn (Verbum Domini, số 8). Nói cách khác chân lý chính là thiên luật được đặt trong vạn vật và trong chính mỗi người. Lời cũng đã hiện thực hóa khi thánh Gioan nói: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng” (Ga 1, 14). Chính Người sau đó, khi đi rảo giảng đã tuyên bố: “Chính Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Như thế, để có thể sửa lỗi người anh em trong chân lý cần có một những cuộc đối thoại với Lời. Lời đó là thiên luật đã được ghi khắc, được sống động cụ thể hóa nơi Đức Ki-tô. Từ cuộc đối thoại với Lời chúng ta mới có thể tự tin thông truyền mệnh lệnh của Thiên Chúa cho người anh em. Như lời Chúa phán với Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Người sẽ nghe lời từ miệng ta phán ra, rồi thay ta báo cho chúng biết” (Ed 33,7). Nhưng ở một nơi khác chúng ta cũng thấy rằng, Ngôi Lời chính là Thiên Chúa (x.Ga 1,1), mà Thiên Chúa chính là tình yêu (1 Ga 4,8). Vậy nên nghe Lời và truyền đạt lời cũng chính là vâng theo luật tình yêu và truyền đạt lệnh truyền của Thiên Chúa tình yêu. Đó là nguyên tắc thứ hai của việc sửa lỗi.
Thánh Phao-lô đã nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tình tường thân tương ái; vì yêu người, thì đã chu toàn Lề luật” (Rm 13,8). Thật thế, chúng ta mang món nợ yêu thương, vì chúng ta được hiện hữu là nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Mang nợ thì phải trả, Thiên Chúa muốn chúng ta trả món nợ đó bằng tình thương với anh em đồng loại. Cho nên khi sửa lỗi người anh em của mình cũng phải lấy tình yêu và lòng bao dung làm nền tảng cho những hành động. Vì nếu thiếu tình yêu trong việc sửa lỗi thì công việc này sẽ biến chúng ta thành những con người xoi mói, chỉ trích, trịch thượng. Nó biến số đông thành sức mạnh hủy diệt hối nhân, biến Hội Thánh thành công cụ để thanh trừng… Chính vì thế, công lý, chân lý đòi người anh em sai lỗi phải sửa chữa, nhưng người anh em cũng cần tình yêu để chữa lành. Chân lý và tình yêu phải là đôi cánh không thể tách rời trong việc sửa lỗi anh em. Nó không chỉ đưa người anh em lỗi phạm ra khỏi vũng lầy tội lỗi, nhưng còn dẫn đưa họ về với Đấng là Chân lý, là sự thật và là sự sống. Trên hết đó là Đấng được gọi là tình yêu.
Sửa lỗi cho người anh em đó là tránh nhiệm của mỗi người chúng ta. Vì tội lỗi có chiều kích xã hội, mà con người là hữu thể xã hội. Tuy nhiên công việc sửa lỗi người anh em đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, tế nhị và nhất là đòi hỏi một tình yêu lớn lao. Công việc đó phải được hướng dẫn bởi chân lý và được chữa lành bằng tình yêu.
Lời Chúa dạy chúng ta phải sửa lỗi cho anh em mình. Nhưng cuộc sống vẫn luôn tồn tại hai thái cực: một số người luôn xoi mói, rêu rao chuyện của người khác; còn số khác thì sống chết mặc bay, không quan tâm đến người khác. Là những ki-tô hữu chúng ta có quyết tâm sống lời Chúa dạy hay không?
Lời Napoleon: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự yên lặng của những người tốt.” Trước bất công, trước điều ác, chúng ta có dám đứng ra để bênh vực cho sự thật hay không? Hay như Đức Thánh Cha Biển Đức VXI từng nói: “Chỉ vì sự tiến thân mà anh em chấp nhận làm con cho câm hay sao?” Chó câm hay con chó biết sống đúng với bản chất, bản tính của nó là tùy thuộc vào sự chọn lựa. Hãy can đảm sống cho sự thật khi bạn còn có thể, đừng đợi đến khi bị sự ác đè bẹp rồi hối hận.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh