SỬA LỖI NGƯỜI ANH EM
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Tự bản chất, con người vốn yếu đuối, mỏng giòn và dễ sai phạm. Lịch sử cứu độ cho thấy điều đó. Biết bao lần, con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho nhau và tác hại đến các loài thụ tạo. Cùng là thân phận con người, chúng ta có thể đồng hành, nâng đỡ và cảm thông nhau, nhất là chúng ta có thể sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên tốt hơn.
1. Cần sửa lỗi cho nhau
Lỗi phạm của người anh em có thể gây ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta cũng cần phải sửa lỗi cho nhau, vì đó là một trách nhiệm. Chúa đòi ta trả lẽ về sự sai phạm của người anh em, nếu ta không sửa lỗi họ (x. bài đọc I). Trong mối liên đới là con một Cha trên trời, là chi thể của Đức Kitô, chúng ta có trách nhiệm nâng đỡ và giúp nhau nên tốt hơn: “Chúng ta phải để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,19).
Hơn nữa, sửa lỗi còn là một hành động thể hiện tình bác ái với nhau. Việc sửa lỗi chân thành ngăn chặn hậu quả của những sai phạm, giúp người anh em chu toàn lề luật và tiến đến sự hiệp thông trong đức ái. Nếu ta nhắm mắt, bịt tai để cho người anh em trong tình trạng sai phạm tội lỗi, đánh mất linh hồn, chúng ta trở thành những người vô cảm, thiếu tình liên đới.
2. Sửa lỗi là một nghệ thuật
Người sữa lỗi cần phải có sự khôn ngoan. Bởi theo tính tự nhiên, không ai muốn bị sửa dạy, nhất là khi điều đó chạm đến tự ái của họ. Trong Cựu Ước, việc ông Nathan sửa lỗi vua Đavít cho ta bài học về sự khôn ngoan. Sau khi kể cho vua nghe về câu chuyện người giàu bắt con chiên của người nghèo. Ngôn sứ Nathan để cho vua bừng bừng nổi giận rồi mới nói: “kẻ đó chính là ngài!” (2Sm 12,7). Vua Đavít bừng tỉnh và thú nhận: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2Sm 12,13).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta một nghệ thuật sửa lỗi. Người sửa lỗi phải tế nhị, kín đáo: “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15). Nhưng khi thấy tình hình không tiến triển thì hãy nhờ đến người khác (x. Mt 15,16). Làm sao cho người được sửa lỗi cảm thấy mình được cảm thông và tôn trọng. Họ sẽ sẵn sàng sửa lỗi khi đã có thể đảm nhận trách nhiệm của mình trong tự do. Nghĩa là họ sẽ thay đổi khi đạt đến một bước tiến của sự trưởng thành.
3. Sửa lỗi cần một tâm hồn chân thành
Sửa lỗi là một việc tế nhị, nên ngoài sự khôn ngoan, người sửa lỗi phải có một tâm hồn chân thành. Đôi khi, chúng ta sửa lỗi người khác vì bực mình, vì bức xúc, vv… Chúng ta có nhu cầu chỉnh sửa hơn là thiện chí giúp người anh em mình nên tốt hơn. Chúng ta thích lấy cái rác trong con mắt người anh em (x. Lc 6,42). Chúa Giêsu dạy chúng ta khi sửa lỗi anh em thì: “chỉ một mình anh với nó mà thôi” (Mt 15,16). Nghĩa là việc sửa lỗi phải thực hiện cách chân tình và trong thiện chí. Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, Chúa không lên án người phụ nữ cũng không thỏa hiệp với sai lầm của chị. Người bảo: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Người sửa lỗi không được làm lớn chuyện, không tiết lộ bí mật và những yếu đuối của người anh em, nhưng phải cảm thông chân thành với người có lỗi. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, không đốt cháy giai đoạn. Nếu người anh em chưa sẵn sàng để thay đổi, chúng ta có thể khôn ngoan thay đổi cách thức, nhưng phải kiên nhẫn để ơn Chúa Thánh Thần hoạt động trong họ.
4. Cầu nguyện cho nhau: thần dược tốt nhất
Chúng ta cần phải xin ơn Chúa Thánh Thần, phải cầu nguyện cho người được sửa lỗi. Đây là thần dược tốt nhất. Bà thánh Monica cho ta một minh chứng hùng hồn về sức mạnh của lời cầu nguyện. Hơn hai mươi năm, khi Augustino, con mình sai lạc, bà âm thầm cầu nguyện trong nước mắt. Cuối cùng thì Chúa đã nhận lời bà mà cho Augstino trở lại và thành một vị thánh lớn. Nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho người có lỗi thì đó là một điều đẹp lòng Chúa. Vì “các thiên thần trên trời sẽ hoan hỷ vui mừng vì một người tội lỗi trở lại” (Lc 15,10). Hơn nữa: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 15,20). Khi cầu nguyện cho người có lỗi, chúng ta học cách để yêu thương và đón nhận họ cả khi họ không sửa đổi. Chúng ta dâng lên Chúa những lầm lỗi của người anh em. Bởi vì chúng ta sửa lỗi cho nhau nhưng Thiên Chúa mới có khả năng ban ơn để họ sám hối và Ngài đền tội cho họ cũng như cho chúng ta: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang lên cây thập giá ” (1Pr 2, 24).
Sửa lỗi quả là một việc rất khó và mang tính đòi hỏi. Nhưng khi ý thức trách nhiệm của mình với anh chị em, chúng ta sửa lỗi trong sự khôn ngoan và chân thành, biết cảm thông nhau, nhất là cầu nguyện cho nhau, ắt hẳn Thiên Chúa sẽ chúc lành cho thiện chí của chúng ta, và làm cho người anh chị em được biến đổi.
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con biết sửa lỗi cho nhau chân thành và cũng học cách đón nhận khi được sửa lỗi.
M. Clara Nguyễn Thị Diệu