Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niêm Tin mừng Chúa nhật XXIV năm C, Thiên Chúa của chúng ta là thế đó!

Kết quả hình ảnh cho thien chua giau long thuong xot

Thiên Chúa của chúng ta là thế đó!

Lc 15,1-32

Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Ki-tô Giê-su. Nơi Đức Giê-su Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình và lên đến tột đỉnh (Misericodiae vultus số 1). Sống động và hữu hình vì Thiên Chúa không còn tỏ lòng thương xót dân Ngài qua những con người, kỳ công hay những biến cố. Nhưng chính Thiên Chúa trong Ngôi Hai làm người đã ở cùng nhân loại. Đến với nhân loại, Đức Giê-su không chọn địa vị cao sang, nhưng Ngài đến với những người cùng khổ, những người bị xã hội, tôn giáo, con người coi là hạng tội lỗi, những người bị loại ra bên lề cuộc sống. Để rồi những người Pharisêu và các kinh sư phải lẩm bẩm, càu nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15, 2). Để chỉ cho họ và muôn người thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cho “họ” thấy sự xấu xa trong lòng họ, Đức Giê-su đã kể cho họ ba dụ ngôn: “Con chiên lạc”, “Đồng quan bị mất” và “Người con hoang đàng”.

Để mời gọi thính giả động não, Đức Giê-su nói: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên, mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kì được con chiên bị lạc mất” (Lc15, 4). Đây quả là một vấn đề hóc búa. Nếu không có tình yêu, người ta sẽ không thể hiểu được “logic” của chuyện này. Tính theo lợi nhuận, không ai lại bỏ chín mươi chín con ngoài đồng hoang để đi tìm một con lạc mất. Theo số học, giữa số một và số chín mươi chín không thể đánh một dấu bằng (=). Nhưng “trái tim có lý lẽ của nó mà lý trí không biết được” (Blaise Pascal). Trong tình yêu, dấu số học mang một ý nghĩa khác, giữa chín mươi chín và một đặt được một dấu bằng (=). Thiên Chúa của chúng ta có lý lẽ tương tự như thế đó. Ngài thương yêu tất cả mọi người. Trong trái tim của Ngài, mỗi người có một giá trị độc nhất và vô giá. Đến nỗi, có thể nói vì một người đó mà Ngôi Hai đã xuống thế để chuộc về.

Như con chiên lạc chiếm hết ý nghĩ của người mục tử. Nó khiến người mục tử không biết mệt mỏi, nắng nôi, chạy khắp đồi núi để tìm cho kì được. Cũng thế, người tội lỗi chiếm hết khao khát của Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta khao khát được tha thứ, thương xót con người. Ngài khao khát hối nhân, và đi tìm cho kì được hối nhân cuối cùng. Đó có thể là bạn, là tôi!

Tìm được con chiên lạc, người mục tử quên hết mọi nhọc nhằn, nắng nôi hay cảm giác đau đớn của đôi chân trần chạy trên đồi núi. Anh vui mừng vác nó trên vai. Không những thế, khi về đến nhà, anh còn mời bạn bè đến chung vui, vì anh đã tìm thấy con chiên bị mất. Thiên Chúa của chúng ta cũng là thế đó! Ngài quên hết mọi lỗi lầm, xúc phạm chúng ta làm đau đớn trái tim Ngài. Thiên Chúa vui mừng tha thứ mọi lỗi lầm, Ngài hoan hỷ thương xót chúng ta. Niềm vui của Người cũng trào tràn ra cả Thiên Đình.

Cùng một bố cục và cách thế trên, Đức Giê-su kể một dụ ngôn song song. Lần này không phải là người mục tử khá giả có một trăm con chiên. Nhưng đó là một người phụ nữ nghèo có mười đồng quan – bằng mười ngày lương của một người làm nông nghiệp (x Mt 20, 2). Chẳng may bà đánh mất một đồng. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng giàu sang vô cùng. Nhưng Thiên Chúa của chúng ta là thế đó! Ngài tự biến mình ra nghèo nơi Ngôi Hai nhập thể, để thấy một hối nhân cũng rất đáng giá với Ngài. Ngài đã làm tất cả để tìm những người tội lỗi. Dầu họ nhỏ nhoi như một đồng quan vậy.

Qua hai dụ ngôn, Đức Giê-su mặc khải một Thiên Chúa luôn đi bước trước. Không phải con chiên lạc đi tìm mục tử, hay đồng quan đi tìm người phụ nữ, nhưng là ngược lại. Thiên Chúa của chúng ta cũng là thế đó! Người luôn đi trước để tìm kiếm hối nhân, dù người tội lỗi có hối cải hay không. Điều này có xảy ra nơi dụ ngôn thứ ba hay không? Dụ ngôn “Người con hoang đàng” hay đúng hơn phải gọi “Người cha hoang phí”.

Một người cha phải đau khổ với cả hai người con, nhưng ông vẫn một lòng xót thương. Người con út chỉ biết nổi loạn, khiếu nại và đòi hỏi được càng nhiều càng tốt. Anh đã làm một chuyện trái với đạo hiếu – đòi chia tài sản trong khi người cha vẫn còn sống. Điều này chẳng khác gì anh coi cha mình đã chết.

Người con cả cũng không khá hơn chút nào. Anh sống với cha của mình bao năm, nhưng anh cũng chỉ coi cha như một ông chủ hà khắc, keo kiệt. “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn” (Lc 15, 29).

Trái lại, người cha dù đã phải đau khổ nhiều vì chịu đựng đứa con hẹp hòi, mòn mỏi nhiều vì chờ đợi đứa con đi hoang. Nhưng ông vẫn một lòng xót thương hai con. Ông luôn rộng lượng với con cả. “Con à! Lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.” Ông không chỉ cho không, mà còn luôn chia sẻ, cho đi một cách vô vị lợi và luôn tôn trọng tự do của con cái mình. Ngay cả khi đứa con út đòi chia gia tài, rồi trẩy đi phương xa.

Nhân loại cũng là thế đó! Những người vô thần ở mọi thời đại, như người con út nổi loạn. Họ hưởng dùng mọi thứ bởi Thiên Chúa, nhưng chối bỏ Người. Không dừng lại ở đó, họ còn muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để có “tự do tuyệt đối”. Họ muốn nổi loạn, điển hình như Nietzche. Ông nói : “Thiên Chúa đã chết”, “hãy giết Thiên Chúa để con người làm chúa”. Nhưng than ôi! Ông đã chết từ bao đời, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trường tồn.

Thà như những người vô thần, còn hơn những người con sống trong nhà Chúa mà mang tâm tình của đứa ở, thằng đầy tớ. Họ là những người đi đạo, giữ đạo với tâm trí “cu-li”. Họ giữ đạo không phải vì yêu mến Thiên Chúa, phục vụ tha nhân, mà chỉ mong có “một con dê con”. Họ là những người đi tu, giữ luật dòng để lên án anh em, để xét nét người khác. Họ chỉ mong “con dê con danh vọng”, “con dê con quyền hành…”.

Cả hai người con đó, có thể là tôi, là bạn! Vì như thánh Phaolô từng nói: “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1, 15).

Trước thực trạng này, hình ảnh Thiên Chúa là cha nổi rõ lên. Người đã đau khổ không những với những đứa con bỏ Ngài đi hoang. Những đứa con chối bỏ Ngài, những đứa con đòi giết chết cha mình. Ngài còn đau khổ với những đứa con ở trong nhà mà chẳng có một chút mảy may nào gọi là có tình yêu với cha. Họ ở với Cha chỉ để được cái này, cái kia. Nhưng Thiên Chúa luôn thương xót, Ngài luôn rộng lượng với chúng ta. Ngài nói: Trời đất Cha đã dựng nên, tất cả của Cha đều là của con. Sao con cứ phải lăn tăn tính toán với Cha, với anh em con làm gì? Thiên Chúa cũng là người cha nhân hậu, không chỉ cho không, mà con luôn chia sẻ cách vô vị lợi và luôn tôn trọng tự do của con người. Ngày cả khi con người bỏ Ngài đi hoang, sống trái luân thường đạo lý. Để rồi xuống cấp, tụt xuống hàng thú, sống như một con heo.

Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là người đi bước trước. Ngài không bỏ mặc con người, Ngài đã sai con của mình xuống để tìm, để cứu những người tội lỗi. Và Chúa Cha vẫn ngày ngày mòn mỏi chờ những đứa con đi hoang trở về. Để một khi thấy nó đằng xa là quên đi mọi lỗi lầm của nó, “quên đi” địa vị Thiên Chúa để chạy tới ôm cổ, hôn lấy hôn để, để thể hiện sự tha thứ, thương xót một cách nhưng không. Không chỉ dừng lại ở đây, Thiên Chúa quên đi mọi phiềm muộn, đau đớn mà tội nhân gây ra cho Ngài, để phục hồi phẩm giá cho họ. Như người cha nhân hậu đeo nhẫn, đi dép, mặc áo đẹp cho người con hoang đàng. Thiên Chúa cũng mặc cho hối nhân phẩm giá con Thiên Chúa, khi họ trở về.

Thiên Chúa cũng không quên thương xót, năn nỉ đứa con cả toan tính, ở trong nhà mà lòng trí cu – li. Ngài phung phí tình thương cách không tiếc xót. Ngài sẵn sàng “phung phí” tất cả để con người vào nhập tiệc mừng trong nước của Ngài. Nhưng chúng có vui với niềm vui của Cha, sẵn sàng đón nhận người anh em để vào nhập tiệc Thiên Quốc hay không?

Lạy Chúa! Đã bao lần con tự ý xa đàn như con chiên lạc, nhưng Ngài đã tìm con về. Con xin tạ ơn Ngài! Cũng đã bao lần con đi hoang, phung phí tài nguyên Chúa ban cho con, sống trái luân thường đạo lý, làm mất phẩm giá của mình. Dù con có sám hối hay không, Ngài vẫn ở đó đợi con. Dù bất cứ lúc nào con trở về, luôn có đó một vòng tay chờ đón. Con xin tạ ơn Ngài! Khi con ở trong nhà Chúa, giữ luật Chúa, con đã mong cái gì đó, hơn là được chính Chúa. Dựa vào một vài việc làm được để xét nét, so sánh mình với người khác. Nhưng Ngài đã năn nỉ con vào chung vui với niềm vui Thiên Quốc vì một người anh em trở lại, vì sự dữ bị đẩy lùi một chút trên thế gian. Lạy Chúa! Con xin ta ơn Ngài! Tắt một lời: “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng. Tình thương Chúa muôn đời trường cửu” (Tv 88 và Tv 135).

 Ân Tâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...