A, THEO CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN, C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 18, 9-14.
Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
II. SUY NIỆM
“LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM TỐN”
Bài Tin Mừng hôm nay nói về tinh thần khiêm tốn khi cầu nguyện:
Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên Chúa”.
+ Sở dĩ người Pharisiêu không nhận được ơn sau khi cầu nguyện là:
– Ông phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “…vì không như tên thu thuế kia!”. Lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác.
“Đứng thẳng” kênh kiệu và ảo tưởng, khẳng định mình bằng cách phủ định kẻ khác, bằng cách dèm pha nói xấu bôi nhọ khinh chê người ta thì quả thật là trơ trẽn. Nội dung lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ. Đó là những lời kết tội anh em, lỗi đức ái, không có chút gì tích cực xây dựng cộng đoàn và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa.
– Ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Ông tự cho rằng việc ông ta giữ luật là điều kiện buộc Chúa phải ban ơn, nhưng thực ra việc Chúa ban ơn hay không là quyền của Chúa.
– Ông đến cầu nguyện mà tự cho mình đầy dẫy nhân đức, nên chẳng còn chỗ cho Chúa đổ ân huệ vào. Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống chọn luật làm cứu cánh của ông.
+ Người thu thuế được ơn lành là vì:
– Ông ý thức thân phận tội lỗi của mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa, bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp bị coi là tội lỗi phản quốc hại dân.
– Ông đến với lòng thống hối và khao khát Chúa.
– Ông khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.
“Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, là thái độ ham danh và ham quyền lực muốn được ở trên mọi người. Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối.
– Luật lệ là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống, nếu qua lề luật người ta nhận ra bàn tay và tấm lòng của Thiên Chúa luôn dẫn đưa và giáo hóa con người. Giữ luật thì luật giữ mình, chứ không phải giữ “đạo tại tâm”, miễn là không coi luật là cứu cánh, mà là phương tiện giúp chúng ta đến với Chúa.
– Chúng ta giữ luật là vì yêu mến Chúa, chúng ta ăn chay, bố thí, dâng công đức… là vì bổn phận đối với Chúa và phục vụ tha nhân cũng như lợi ích chung, chứ không phải giữ để kể công và tỏ ra hơn người.
– Không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, không tự cho mình công chính hơn người vì giữ luật, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.
– Đạo đức đích thực chính là dung hòa giữa nỗ lực và cậy trông. Nghĩa là vừa nỗ lực hoàn thiện vừa biết cộng tác với ơn Chúa, chứ không phải muốn tự mình khẳng định mình và bắt Chúa và mọi người công nhận mình là công chính.
– Không “đứng thẳng” vỗ ngực ta đây như ông biệt phái. Con người chúng ta dễ phân biệt sang hèn, so sánh tài năng và thiểu trí… để rồi dễ bề khinh thường người thiếu may mắn. Nhất là khi chúng ta có điều gì đó hơn người, rất dễ tỏ ra kênh kiệu lên mặt và coi thường người khác dở hơn mình. Giàu thì chê nghèo, giỏi thì khinh dốt, đẹp thì khinh xấu… Chúa mời gọi chúng ta biết tôn trọng mọi người trong tinh thần của Chúa, là một Thiên Chúa tối cao đã không khinh chê con người tội lỗi thấp hèn.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học lấy sự khiêm hạ thẳm sâu, là biết nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình, và rất cần đến lòng bao dung trắc ẩn của Chúa tha thứ. Xin cho chúng con cũng đừng quy mình là trung tâm và tự tôn mình là đạo đức, để rồi xét đoán và chê xấu anh em. Amen.
B. KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”
Trách nhiệm truyền giáo của chúng ta là Kitô hữu là phải truyền giáo. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ già rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.
Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…
Bài Tin Mừng Khánh Nhật truyền giáo hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:
– Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
– Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
– Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
– Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.
2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.