NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
(Lc 15,1-3.11-32)
Minh Triệu, PL
Bàn về lòng nhân hậu của Chúa đối với con người, Tv 130,10 đã diễn tả như sau: “Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”. Chẳng những thế mà còn: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 130,12). Cùng một tư tưởng, thánh Luca trong Tin Mừng hôm nay đã lột tả một cách chi tiết và hết sức sinh động tình thương yêu ấy qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Nhưng thử hỏi dụ ngôn này bởi đâu mà có? Có mục đích gì? Ngoài thuộc tính nhân hậu của người cha – hình bóng của Thiên Chúa, còn có nội dung nào khác nữa không? Và đâu là những bài học chúng ta có được sau khi tìm hiểu dụ ngôn này?
Trước hết, ta tìm hiểu nguồn gốc dụ ngôn. Nhìn vào bản văn Tin Mừng hôm nay, ta thấy có một bố cục gồm hai phần rất rõ ràng. Phần thứ nhất gồm các câu 1-3 trình bày bối cảnh của dụ ngôn; phần thứ hai từ câu 11 đến hết câu 32 là nội dung dụ ngôn. Với bố cục như thế ta dễ dàng nhận ra phần thứ nhất là phần nhập đề của dụ ngôn, trong đó nói rõ cho chúng ta thấy rằng có một sự phản đối đến từ các kinh sư và những người Pharisêu về việc Đức Giêsu đồng bàn với những người tội lỗi: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (c.2b). Sự phản đối trở thành nguyên do giúp giải thích tại sao Chúa Giêsu lại kể cho họ dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”. Không chỉ mỗi dụ ngôn này mà trước đó còn có hai dụ ngôn “Con chiên đi lạc” và “Đồng bạc bị đánh mất”. Cả ba đều chung một bối cảnh (x. Lc 15,1-32).
Lý do là thế nhưng kể ra dụ ngôn này để làm gì?
Trước hết là để sửa sai nhận thức. Họ đâu biết rằng tình thương của Thiên Chúa bao phủ và vượt lên trên tất cả đúng như lời trong Mt 5,45b: “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người là thế, không dừng lại trên những người lương thiện mà còn vượt lên trên những bất toàn tội lỗi của kẻ bất lương. Đây là điều mà các kinh sư và những người Pharisêu còn bị giới hạn về hiểu biết. Đối với họ, những người bị liệt vào danh sách “phường tội lỗi” đều phải bị loại trừ. Như những FO phát sinh từ đại dịch Corona hơn hai năm trở lại đây trong thời đại chúng ta, những người bị xem là “phường tội lỗi” thời bấy giờ bị buộc phải cách ly và còn tệ hơn cả một FO, họ bị tẩy chay khỏi cộng đồng. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn “Người cha nhân hậu” để giúp họ nhận ra rằng: đối với Chúa, người tội lỗi đáng thương hơn đáng giận, đáng được chữa lành hơn bị bỏ rơi. Việc Chúa Giêsu đồng bàn với họ âu cũng vì một lẽ đó.
Không chỉ sửa sai, Chúa Giêsu còn muốn mặc khải cho họ và cũng là cho chúng ta hôm nay nhận ra rằng, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn sẵn sàng tha thứ tất cả cho bất kỳ ai quay đầu trở về sau những ngày tháng lầm lỡ. Không những thế mà còn“Như chim liền cánh, như cây liền cành” (Chinh Phụ Ngâm” – Đặng Trần Côn), tình Chúa đối với nhân loại luôn tồn tại một mối liên hệ hữu cơ không gì có thể chia cắt được. Thảo nào người cha, hình bóng của Thiên Chúa trong dụ ngôn ta đang tìm hiểu luôn luôn yêu thương và gắn bó với các con của mình. Ngay cả lúc “người con thứ” đòi chia tài sản để ra đi thì tình thương của người cha đối với đứa con bất hiếu vẫn không thay đổi. Tình thương ấy bộc lộ qua sự chờ đợi. Một sự chờ đợi mỏi mòn trong đau khổ có thể nói được như lời trong thơ “Thề non nước” của Tản Đà: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Tình thương ấy hiện rõ lên khi trông thấy đứa con trở về (c.20b), mặc dù mục đích trở về chỉ là để được ăn cho đầy bụng (cc.16-17), người cha cũng không bận lòng, trái lại mừng vui khôn xiết (cc. 22-24). “Người con thứ” là thế, “Người con cả” cũng vậy. Mặc dù nổi giận với cha (c.28a) và miệt thị em mình (c.30) nhưng người cha lại hạ mình xuống (c. 28b), dùng lời lẽ nhẹ nhàng mà khuyên bảo (cc. 31-32).
Như vậy, vì nhận thức còn non nớt và sâu xa vì muốn cho chúng ta nhận ra tình thương yêu bao la của Chúa, Chúa Giêsu đã dùng câu chuyện “Một người kia có hai con trai” để qua đó mặc khải cho nhân loại mầu nhiệm về lòng thương xót của Chúa. Mặc khải này không đơn thuần như một lời biện minh cho việc Chúa Giêsu đồng bàn với những người bị liệt vào danh sách “phường tội lỗi” nhưng mở ra một vài khía cạnh khác liên quan đến lẽ công bình cũng như giá trị nhân học.
Nếu xem qua, tình thương của người cha ít nhiều làm tổn thương lẽ công bằng nhưng xem lại ta thấy rằng, không chỉ yêu thương và gắn bó, tình thương của người cha, hình bóng của Thiên Chúa còn làm sáng tỏ lẽ công bình đúng như lời Tv 144,17 đã diễn tả: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm”. Quả vậy với “người con thứ”, người cha đã trao cho nó phần gia tài mà nó đáng được hưởng (c.12b), còn “người con cả” thì: “Tất cả của cha đều là của con” (c.31b). Vật chất là thế, tình cảm cũng không khác gì. Nếu “người con thứ” đón nhận được tình yêu thương ngọt ngào đến từ người cha (c.20c) thì “người con cả” cũng nhận được y như vậy (c.31b). Lại nữa, dù là con thứ hay con cả, cả hai đều chung một người cha, một mái nhà, và là anh em với nhau trong cùng một hoàn cảnh: thân phận tội lỗi. Đó là nội dung ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã đặt vào trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” để giúp người Do Thái năm xưa và chúng ta hôm nay không chỉ hiểu rỏ Thiên Chúa là Cha luôn luôn yêu thương chúng ta vô cùng vô tận mà còn cho biết như một hệ quả tất yếu chúng ta là anh em với nhau.
Vậy bài học chúng ta có thể rút ra ở đây là gì?
Có thể rút ra hai bài học. Thứ nhất, trong tương quan với Thiên Chúa, dù bất toàn tội lỗi đến đâu, chúng ta cũng luôn hy vọng và giúp nhau sống hy vọng, vì Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót sẽ phục hồi phẩm giá cho chúng ta nếu chúng ta biết quay trở về với Ngài. Đừng quên lời trong Is 1,18b: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”, hay như lời trong Rm 5,20: “Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Thứ hai, trong tương quan với người khác, dù là nam hay nữ, giàu hay nghèo, tri thức hay bình dân…đừng bao giờ quên rằng chúng ta là anh em với nhau và chung một hoàn cảnh. Bởi vậy, thay vì phê bình, chỉ trích hay lên án thóa mạ, thậm chí loại trừ nhau, chúng ta hãy tha thứ và sống gắn bó với nhau. Vì suy cho cùng, xét cho tận, trong mỗi chúng ta đều mang nơi mình những thuộc tính nơi người con thứ, lẫn người con cả; phảng phất đâu đó nơi tâm hồn bản tính của người Pharisêu hay kinh sư; cũng chẳng xa lạ gì với người thu thuế hay những cô gái điếm. Có lẽ, ngoại trừ người cha, các nhân vật còn lại trong dụ ngôn đều là những mảnh ghép của cùng một thực tại. Nếu vậy ta hãy tựa lưng vào nhau, chia vui sẻ buồn cùng nhau. Hãy để lời cha già: “Con à”, “em con” đi vào lòng mỗi chúng ta và điệp khúc: “Chúng ta phải ăn mừng” vang lên mạnh mẽ có sức lấp đầy những ngăn cách giữa chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng con biết mến Chúa, yêu người. Đặc biệt trong Mùa Chay thánh này biết trở về với Chúa là Cha để trong tiệc mừng, niềm vui trở nên trọn vẹn. Từ đây, nỗi đau chờ đợi trong mỏi mòn của người cha – hình bóng của Thiên Chúa là Cha chúng con trở thành quá khứ và sự bon chon, đố kỵ đang ở giữa chúng con sẽ tan biến như màn đêm vỡ vụn và nhường chỗ cho những ngày đầy yêu thương và gắn bó dưới ánh sáng của của Đức Kitô, tình yêu duy nhất của chúng con.