Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng CN V MC, C: TRỞ VỀ VỚI CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH

 

 

 

TRỞ VỀ VỚI CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH

(Ga 8,1-11)

 

M. Mátthêu Lê Văn Viết, PL

 

Khác với các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu thường xuyên gặp gỡ phường tội lỗi, những người thu thuế, các cô gái điếm, những người bệnh tật, các thành phần thấp kém trong xã hội. Người thường lui tới ăn uống với họ, công bố ơn tha thứ của Thiên Chúa cho họ, chữa lành và an ủi họ. Vì thế, Đức Giêsu được những thành phần này yêu mến, tin tưởng và hay lui tới để nghe Người giảng (x. Lc 15,1-2). Tuy nhiên, chính thái độ và cách hành xử như thế của Đức Giêsu lại trở thành cái gai trong mắt của các kinh sư và người Pharisêu. Điều này giải thích cho chúng ta tại sao Đức Giêsu luôn bị hai nhóm này chống đối và tìm cách để hại Người khi có cơ hội. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc các kinh sư và người Pharisêu tìm cách để hại Đức Giêsu. Nói đúng hơn, đây là một trong những cách thức mà họ dùng để gài bẫy Người: Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,2-5).

Đặt khung cảnh của bài Tin Mừng trong cách giải thích của thánh Gioan: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8,6a), chúng ta có thể khẳng định các kinh sư và người Pharisêu muốn đưa Đức Giêsu vào một hoàn cảnh đặc biệt và đây được xem là một kế sách hoàn hảo ở hai cách thức. Cách thức thứ nhất, nếu Đức Giêsu kết án người phụ nữ ngoại tình thì Người công nhận lập trường khắc nghiệt của họ đối với kẻ tội lỗi là “phải ném đá hạng đàn bà đó” (Ga 8,5a); điều này cũng đồng nghĩa với việc Đức Giêsu sẽ tự phủ nhận những lời giảng dạy của Người về ơn cứu độ, về lòng thương xót, về sự tha thứ và về lòng yêu mến của Người đối với những người tội lỗi. Bởi Người đã từng tuyên bố: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Cách thức thứ hai, nếu Đức Giêsu tha cho người phụ nữ tội lỗi này thì Người vi phạm Lề Luật và bị coi là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Vì thế, trong các bẫy mà họ giăng ra để hại Đức Giêsu suốt thời gian hoạt động của Người, thì cái bẫy này có lẽ xảo quyệt hơn cả, nếu so sánh với cái bẫy về việc có nộp thuế cho Caesar hay không? (x. Lc 20,20-26), vì nó không chỉ đụng chạm trực tiếp đến giáo huấn của Người và còn liên hệ tới sự sống chết của một con người, đó là người phụ nữ ngoại tình.

Nếu như chúng ta bắt gặp trong tường thuật về việc nộp thuế cho Caesar, mà thánh sử Luca trình bày, thì chúng ta thấy được các hành động của Đức Giêsu diễn ra một cách liên tục, nghĩa là khi những người đến hỏi Đức Giêsu có được nộp thuế cho Caesar hay không thì lập tức Người bảo họ đưa cho xem một quan tiền, sau khi xem xong Người liền trả lời cho họ “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” một cách không do dự (x. Lc 20,20-26). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn ngược lại. Người im lặng. Người chẳng đưa ra câu trả lời nào. Người không nhìn các kinh sư và người Pharisêu, cũng chẳng nhìn người phụ nữ. Người làm như thể không có bất cứ ai chung quanh. Người chỉ “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6b). Có lẽ lúc này, các kinh sư và người Pharisêu đang đắc thắng trước cái bẫy mà họ đặt ra, người phụ nữ thì sợ hãi bởi theo luật thì cô sẽ bị ném đá, còn đám đông lại căng thẳng không biết Đức Giêsu sẽ xử lý tình huống này như thế nào. Phải chăng Người đang lâm vào thế bí? Có lẽ không. Người đang phân tích các yếu tố và các khía cạnh khác nhau của sự kiện để tìm cách trả lời có lợi nhất? Có lẽ không. Hay Người đang cố ý tạo một quãng thời gian thinh lặng để buộc mọi người phải suy nghĩ? Điều này có vẻ hợp lý nhất. Vậy Đức Giêsu muốn gửi đến họ thông điệp gì khi Người lấy tay viết trên đất? Theo cách giải thích của thánh Hiêrônimô thì lúc này Đức Giêsu viết ra các tội của những người đang kết án người phụ nữ này. Thánh nhân dựa vào Gr 17,13: “Lạy Yavê, hy vọng của Israel, tất cả những ai tráo trở với Ngài đều sẽ có tên viết trên mặt đất” (Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn).

Nhưng cuối cùng, vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” (Ga 8,7-9). Quả thế, những kinh sư và người Pharisêu chỉ nhìn khía cạnh của Lề Luật và tội lỗi của người phụ nữ. Họ quá chắc chắn về mình và quá tự mãn. Nhưng Đức Giêsu thì ngược lại, Người mời gọi họ quay trở về với lương tâm của họ. Người kêu gọi họ ý thức về tội lỗi của chính họ; họ không thể làm như mình vô tội và không cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa này thì có lẽ Đức Giêsu đã đặt cuộc tranh luận sang một bình diện khác, nghĩa là trước Nhan Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân và đều cần ơn tha thứ. Đức Giêsu kéo các kinh sư và người Pharisêu trở lại với dữ kiện thực tế mà họ đã lãng quên đó. Nhưng Người khiến các kinh sư và người Pharisêu phải băn khoăn suy nghĩ biết chừng nào! Thủ đoạn của các ông chỉ ở bên ngoài thôi, các ông không nhìn vào tận đáy lòng mình. Các ông thấy người phụ nữ ngoại tình, nhưng chính các ông không tự nhìn vào mình. Mà bất cứ ai biết chăm chú nhìn vào bản thân thì sẽ khám ra mình cũng là người tội lỗi.

Hội thánh Công giáo không những tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, tin xác loài người ngày sau sống lại, mà còn tin vào việc tha tội của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải. Thực ra, chính sự tha thứ của Thiên Chúa giúp chúng ta nhận ra tội lỗi trong thân phận mỏng giòn của kiếp người. Khi chúng ta nhận thức được tội của mình thì lúc đó tội đã bị triệt tiêu do lòng nhân hậu của Chúa. Hiểu theo nghĩa này thì khoảnh khắc mà người phụ nữ ngoại tình biết những gì chị đã làm, không phải là khi chị đối diện với các Pharisêu và người kinh sư, nhưng là lúc chị đối diện với Đức Giêsu đang nhìn chị và nói: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11b). Có lẽ vào giờ đó, chị không còn đối diện với luật, nhưng là với tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Chính tình yêu và lòng xót thương ấy đã cho chị thấy tội lỗi của chị hơn là cách thức mà các kinh sư và người Pharisêu viện dẫn vào những khoản luật.

Trong đời sống thường nhật của mỗi người, đôi khi chúng ta cũng thường tự mãn về bản thân. Tưởng rằng đọc kinh nhiều là mình kính mến Chúa. Chỉ mới ăn chay, hãm mình một chút vậy mà tự cho mình quyền chê bai người khác không biết kiêng khem. Làm việc bố thí chưa bằng người khác vậy mà tự phong cho mình là người giàu lòng nhân hậu. Chỉ lo tìm kiếm những thiếu sót nơi người khác hơn là nhìn các sai lầm của bản thân. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với con người thật của mình, gạt đi tính ghen tương, bỏ xa thái độ soi mói người khác, và biết cảm nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa trước những tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Ngài và đến tha nhân. Để rồi mỗi ngày chúng ta làm mới lại con người bằng cách ăn ở ngay lành, công chính trước sự hiện diện của Chúa và với những người xung quanh.

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...