ƯỚC MUỐN ĐƯỢC SẠCH
Mc 1,40-45
“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1,40b)
Qua bài Phúc Âm của ngày hôm nay, thánh Mác-cô trình bày cho chúng ta phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm cho người phong hủi. Nói tới bệnh phong hủi, ai trong chúng ta, dù chỉ là được nghe kể lại hay đã từng chứng kiến tận mắt, đều có cảm giác sờ sợ. Thật vậy, chứng bệnh nan y này đã lấy đi tất cả những gì mà người mắc bệnh có: gia đình, bè bạn, tương quan xã hội, tương lai, mơ ước và cộng đoàn tôn giáo.
Mặc dầu ngày nay y khoa đã tìm ra những phương pháp đặc trị, nhưng cái tên của nó vẫn gây sợ hãi và mang đến sự ám ảnh cho con người. Anh bị bệnh phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay, vì là người Do-thái, nên chắc chắn là anh phải chịu sự cô lập như bao người phong hủi khác trong nước Ít-ra-el: “Nếu mắc bệnh phong, người ấy sẽ trở nên ô uế” (Lv 13,44), “Người mắc bệnh phong phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế ! Ô uế ! Bao lâu còn mắc bệnh, … Người ấy sẽ phải ở riêng ra, chỗ ở của họ sẽ là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Trong thực tế, hầu hết những ai bị rơi vào hoàn cảnh đó đều mang cảm giác thất vọng, buông xuôi và chỉ sống những ngày tháng còn lại cách vật vờ để mong chờ thần chết đến giải thoát khỏi kiếp nạn này. Thế nhưng, anh bị bệnh phong này đã không hề xuôi tay chờ chết mà cố gắng bơi ngược “dòng đời” để tìm lại sức sống và ý nghĩa cho cuộc sống mình. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40b), câu nói này không diễn tả tâm tình thờ ơ hay lòng tin nữa ngờ vực của anh vào Thầy Giê-su, nhưng là nỗi mong ước trào dâng tận đáy lòng và luôn trong tư thế hoàn toàn tự do thuận theo thánh ý Chúa cũng như lòng tin tuyệt đối vào quyền năng của Đức Ki-tô. Chính điều đó là sức mạnh làm cho anh bật dậy, “rủ bùn mà đứng lên”, vượt qua mọi tường rào ngăn cách của luật lệ, vượt qua cái mặc cảm tự ti đang như cục chì đang dìm cuộc đời của anh xuống “tận đáy của xã hội” để tới gặp Thầy Giê-su và thốt lên lời đó. Và đáp lại lòng tin và sự can đảm tuyệt vời của anh, Đức Ki-tô đáp lời: “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” (Mc 1,41a). Những lời này chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh giúp anh tháo gỡ gánh nặng cuộc đời và từ nay giúp anh bơi lội tự do giữa biển đời đầy sóng gió và bão táp.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được hai bài học. Thứ nhất, hãy học nơi Đức Ki-tô sự quan tâm và nâng đỡ những người chung quanh đang bị cô lập, bị loại trừ hay bị bỏ rơi vì bị mắc phải căn bệnh này. Chúng ta biết rằng, trong xã hội đề cao cách quá đáng cái đẹp thể xác, sự giàu sang phú quý, địa vị cao và coi khinh những gì thấp kém và thiếu hoàn mỹ như ngày nay, thì những người bị bỏ rơi bên lề xã hội không nhất thiết là bị mắc chứng bệnh này. Họ có thể là những người nghèo neo đơn, những người tàn tật, những người vô gia cư và không nghề nghiệp. Họ rất cần được nâng đỡ, được trợ giúp để tìm lại sức sống, tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống hiện sinh và tìm lại mối tương quan bằng hữu thân tình.
Thứ hai, hãy can đảm và vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa như anh bị bệnh phong hủi trong bài Tin Mừng. Bởi vì, đôi lúc hay thường xuyên, chúng ta tuy không bị phong hủi về thể lý nhưng lại bị bệnh cùi về tinh thần: mặc cảm tội lỗi làm ta không dám đến toà giải tội và xa lánh nhà thờ; mặc cảm tự ti vì cảm thấy mình thấp kém hay không bằng ai: đia vị, tài năng, nhan sắc …; hoặc bị bỏ rơi hay bị cô lập vì tính tự cao tự đại, vì thái độ vênh váo thích làm thầy dạy thiên hạ, vì tính “nổ” trong khi thực tế mình chẳng có gì cả. Tất cả những thứ đó như cái vòng kìm xiết chúng ta trong “ốc đảo” của riêng mình và cắt đứt hết mọi tương quan xã hội. Hãy đứng lên và chạy đến với Chúa Giê-su để Ngài giúp chúng ta giải thoát khỏi căn bệnh xây ốc đảo cho riêng mình và bế quan tỏa cảng đối với Thiên Chúa cũng như người chung quanh để cuộc sống trở nên vui tươi hơn và ý nghĩa hơn.
Xin Chúa ban sức mạnh để giúp chúng con thoát khỏi “những căn bệnh cùi thể lý và tinh thần” đang làm cho cuộc sống của chúng con như những bông hoa ngày càng héo úa và tàn phai! Xin đổ tràn ân sủng trên chúng con để “tẩy sạch” chính mình và đem lại niềm vui cho những người anh em! Amen. ]
M. Emardo Hoàng