SỬA LỖI CHO NHAU
(Mt 18,15-20)
Đức Thiện, PL
Bất toàn là bản tính của con người. Có rất nhiều câu nói về sự bất toàn ấy: “Lầm lạc là phận bạc con người”; “nhân vô thập toàn”. Chính vì bất toàn và sai lỗi nên con người cần phải sửa chữa và thay đổi. Với những lỗi lầm mà mình ý thức được thì có lẽ dễ thay đổi và sửa chữa, nhưng rất nhiều khi chúng ta không ý thức được những sai lỗi của mình có thể do thói quen, do vô tình, vô ý. Chính vì thế, mỗi người cần được người khác nhắc nhở, khuyên bảo, có khi là sửa phạt để trở nên tốt hơn cho bản thân.
Sửa lỗi cho nhau là điều cần thiết, vì con người không chỉ sống một mình nhưng là sống cùng, sống với tha nhân. Tuy nhiên, sửa lỗi như thế nào là cả một vấn đề, và có thể nói đó là một nghệ thuật. Nếu không khéo léo, việc sửa lỗi cho nhau sẽ không có tác dụng và tình hình còn tồi tệ hơn cho cả người sửa lỗi lẫn người được sửa lỗi. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nêu ra cho chúng ta những bước để giúp sửa lỗi người khác cách hiệu quả.
Thái độ của người sửa lỗi cũng là một điều hết sức quan trọng trong việc lắng nghe và thay đổi người anh em của mình. Qua bài Tin Mừng hôm nay, thiết nghĩ để việc sửa lỗi cho nhau được thành công, chúng ta cần góp ý cách chân thành, đúng lúc và tế nhị.
Tế nhị: Sửa lỗi cho nhau trước hết cần sự tế nhị và nhẹ nhàng vì không ai muốn người khác nói đến những điều không hay, không tốt của mình: “Nếu người anh em của anh có lỗi thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi”. Sự tế nhị này thể hiện qua một cuộc đối thoại riêng tư kín đáo giữa hai người với nhau. Làm ầm ĩ trước sai lỗi của người khác là điều hết sức không nên vì có thể gây đỗ vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người. Ngay trong đời sống đan tu, bề trên là người có quyền sửa dạy anh em nhưng ngài cũng cần rất tế nhị và nhẹ nhàng chứ không phải lúc nào cũng dùng quyền uy.
Góp ý đúng lúc: Chọn thời điểm để góp ý và sửa lỗi cũng rất cần thiết vì tâm lý và cảm xúc con người luôn thay đổi: Lúc vui, lúc buồn, khi giận dữ, khi dễ chịu…Chính vì thế, cần chọn những lúc người anh em đang vui vẻ, dễ chịu để góp ý thì tốt nhất.
Góp ý chân thành và xây dựng: Để thực sự góp ý chân thành và xây dựng, cần ý thức về những yếu đuối và thân phận mỏng dòn của bản thân mình và người khác. Hẳn ai cũng muốn mình trở nên tốt hơn nên cần góp ý chân thành và xây dựng chứ không phải vì điều gì khác. Bên cạnh đó người sữa lỗi nhờ thấy những khuyết điểm nơi người khác cũng biết sửa đổi chính bản thân mình.
Có hai thái độ không nên có khi sửa lỗi: Nhân danh bác ái để hạ giá thanh danh người khác và im lặng trước những sai lỗi của họ. Thái độ thứ nhất không thực sự là một sự xây dựng và muốn tốt cho tha nhân nhưng là một hành vi bác ái giả tạo. Thái độ thứ hai thể hiện một sự vô trách nhiệm và thờ ơ trước những sai lỗi của anh em khác. Điều này có thể do ngại ngùng khi phải góp ý, sợ rắc rối, đụng chạm… Dù sao đây là điều không nên có trong đời sống chung.
Vì biết rằng ai cũng có những lỗi lầm thiếu sót nên chúng ta không phải lúc nào cũng là người sửa lỗi nhưng sẽ có lúc là người được sửa lỗi. Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thường chú ý nhiều đến thái độ của người sửa lỗi và thường đặt mình trong vị trí của người sửa lỗi, chứ ít khi đặt mình vào vị trí của người được sửa lỗi. Liệu khi được người khác góp ý và sửa lỗi, chúng ta có thái độ nào, lắng nghe, tiếp thu hay cố chấp?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, dường như Chúa Giêsu không chỉ nói đến những sai lỗi thường ngày trong cuộc sống nhưng đúng hơn, Ngài còn nói đến những sai lỗi nghiêm trọng đến đức tin và luân lý. Chính vì những sai lỗi như thế nên cần đến hai hoặc ba người, lớn hơn nữa là quyền của Hội thánh. Chính Hội thánh sẽ quyết định và đưa ra những phán quyết về những sai lỗi của người ấy. Hội thánh nhận được quyền này từ Đức Kitô, chính vì thế mà một khi Hội thánh quyết định điều gì cũng là Đức Kitô quyết định như thế. Quyền này được Chúa ban cho các Tông đồ mà Phêrô là người đứng đầu và ngay nay, quyền này được thể hiện nơi Đức Thánh Cha là đấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục là những người kế vị các thánh Tông đồ. Điều này làm chúng ta suy nghĩ về quyền bính của Giáo hội và sự vâng phục của các tín hữu trong đời sống đức tin. Ngày nay, những phán quyết của Tòa Thánh và của Đức Thánh Cha đôi khi bị phản ứng và không được thi hành. Điển hình là những phản ứng cứng rắn của Giáo hội tại Đức, và không phải nơi các giáo dân nhưng là từ chính các vị giám mục. Trong bất cứ phán quyết nào cũng cần có sự đối thoại nhưng không vì thế mà đánh mất đi sự vâng phục phải có.
Nguyện xin Chúa ban cho Giáo hội luôn được hiệp nhất và bình an, cũng như ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe nhau, biết đón nhận những góp ý chân thành của người khác để trở nên tốt hơn. Amen