Vị vua gần gũi
Mt 25,31-46, Ed 34,11-12.15-17
Thật là lạ khi nhìn vào Vua Giêsu. Không như bao vị vua khác ở trần gian, Vua Giêsu vừa có tư cách gần gũi như người mục tử, vừa hiện diện nơi những người nghèo hèn đau khổ để con người có thể gần gũi.
1. Tư cách của vua Giêsu
Khi nói đến vua, người ta thường liên tưởng đến một người nào đứng đầu quốc gia có đầy quyền lực và sự giàu sang. Quyền lực như vua Hêrôđê. Ông nắm sinh mạng mọi người dân trong quốc gia của ông. Ông đã dùng quyền lực mà cho chặt đầu Gioan Tẩy Giả, dù ông công nhận Gioan là người công chính thánh thiện (Mc 6,20). Giàu sang như vua Salômôn. Ông được gọi là người giàu có tột bậc. ông có dư vàng bạc để xây dựng ngôi đền thờ Giêsusalem nguy nga lỗng lẫy (1V 6,1).
Còn vị vua Giêsu vốn có đủ quyền năng của một vì Thiên Chúa, vốn có đủ mọi kho tàng giàu có và khôn ngoan, vậy mà trở nên một người mục tử. Bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Êdêkien, mô tả vị Vua Giêsu, qua hình ảnh Đức Chúa, với công việc của một người mục tử nhân lành, một người hết tình vì đàn chiên. Đặc biệt, trong những lúc chiên bị tản mác. Người mục tử ấy yêu thương chăm sóc từng con chiên một, từ những con bị mất, những con đi lạc, những con bị thương, những con bệnh tật, đến cả con chiên béo khỏe.
Vua Giêsu vốn giàu sang tột bậc, vậy mà trở nên những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, yếu đuối, tù đày (trong bài Tin Mừng). Bình thường chẳng ai muốn cho mình trở thành những hạng người bị coi là những người bất hạnh như thế. Ấy mà Đức Giêsu lại đồng hóa mình với những người như vậy. Đó cũng là cách Người muốn gần gũi, chia sẻ và thông cảm với những người thiếu may mắn trong xã hội.
Vua Giêsu không phải là vị vua ở lầu son gác tía, thay vào đó Người ở trong gia đình Nagiarét nghèo hèn đơn sơ. Trong gia đình Nagiarét, vua Giêsu không được cung phụng như một hoàng tử, thay vào đó Người sống trong tư cách là một bác thợ mộc lam lũ làm ăn kiếm sống như bao người. Khi thi hành sứ vụ, Người không ở trong một ngai tòa lỗng lẫy giàu sang, thay vào đó Người sống rày đây mai đó, khiến Người dám khẳng định: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Những người mà Vua Giêsu gặp gỡ hàng ngày không phải là những người thuộc hàng ngũ quan chức, thay vào đó là bất cứ mọi người thuộc bất cứ hạng người nào, đặc biệt là những người nghèo hèn, tội lỗi. Với nếp sống như thế, Người đã đồng hóa mình với những người thiếu may mắn, hay nói ngược lại những người thiếu may mắn là hiện thân của Vua Giêsu.
2. Hiện thân của Vua Giêsu
Đặt bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng trong khung cảnh ngày lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta có thể thấy một điều lạ lùng là: Vua Giêsu vừa là mục tử chăm sóc những con chiên bị thương tích, bị bệnh tật, những con chiên mà dưới con mắt người đời là những con thiếu may mắn; vừa là hiện thân của những người đói khát, khách lạ, trần truồng, tù đày. Sự hiện thân của Vua Giêsu quá lạ khiến không mấy ai ngờ. Quả vậy, những người đáng được chúc phúc và những người thuộc hạng bị nguyền rủa đều ngạc nhiên như nhau khi nghe phán quyết về hành động của họ đã làm hay không làm cho những người đói khát, trần truồng, tù đày. Nghiã là tất cả họ không nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu trong người nghèo, người đói khát, người đau khổ.
Đối với chúng ta là những người sống sau Chúa Phục Sinh, chúng ta được biết rằng Đức Giêsu hiện diện mọi nơi, nhất là trong tha nhân. Vậy nếu chúng ta giúp đỡ những người đói khát, tù đày, đau khổ là chúng ta đang làm điều tốt lành cho chính Vua Giêsu.
Khi tôn vinh ai chúng ta thường đặt người đó lên vị trí cao mà chúng ta cho là xứng đáng với họ. Còn Đức Vua Giêsu, một đàng Người là vua của các vua, chúa của các chúa, chúng ta không thể nâng Người cao hơn vị trí của Người được, chỉ có Chúa Cha mới là Đấng nâng Người lên và đặt ở vị trí cao nhất; đàng khác, Người lại vượt thời gian và không gian, Người hiện thân trong những người nhỏ bé, nghèo hèn và người cần được giúp đỡ. Điều này khiến cho Vua Giêsu đang sống gần gũi chúng ta, và chúng ta có điều kiện sống gần gũi với Người.
Chúng ta tôn vinh Đức Giêsu là Vua, điều đó chẳng thêm vinh dự cho Người; nếu chúng ta không tôn vinh Người, thì cũng chẳng vì vậy mà Người bị giảm bớt vinh dự. Còn khi chúng ta giúp đỡ người nghèo hèn, khốn khổ là chúng ta đang giúp chi thể của Người bớt đau khổ. Đây là cách Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ Chúa Kitô Vua muốn chúng ta tôn vinh Vua Giêsu, và đồng thời cũng là tiêu chuẩn xác định mình là chiên hay dê, là người được chúc phúc hay người bị nguyền rủa.
Với chúa nhật cuối năm phụng vụ, Giáo Hội có ý nhắc nhở chúng ta hướng về ngày cánh chung, ngày đó mọi người sẽ được phân loại là người được chúc phúc hay người bị nguyền rủa, người được vào vương quốc của Vua Giêsu để được hưởng hạnh phúc đời đời hay người bị loại ra ngoài. Kết quả sẽ ra sao, tùy mỗi người quyết định làm điều thiện hay không làm điều thiện cho những người cần được giúp đỡ.
M Bosco
Bosco