Thứ năm, 10 Tháng mười, 2024

SUY NIỆM TIN MỪNG, LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, Đức Maria hồn xác lên trời – Mầu nhiệm của Thiên Chúa và tương lai của con người

 

Đức Maria hồn xác lên trời

– Mầu nhiệm của Thiên Chúa và

tương lai của con người

Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56

Vào ngày 15.8.2016, tức ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giảng trong thánh lễ với những lời này: “Việc Đức Maria được đón rước vào Thiên Đàng là một đại mầu nhiệm mà nó liên hệ đến từng người một trong chúng ta, nó liên hệ tới tương lai của chúng ta. Thực ra Đức Maria đã đi trước chúng ta trên con đường mà những người đã liên kết cuộc đời mình với Chúa Giêsu nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, như Đức Maria cũng đã thực hiện điều đó với cuộc sống của Mẹ, đã chọn đi theo. Đại Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng về Trời, Đại Lễ này cũng công bố ‘một trời mới và một đất mới, với sự chiến thắng của Chúa Kitô phục sinh trên sự chết và với sự thất bại chung cuộc của Satan”.

Trước đó, trong Buổi đọc kinh Truyền Tin với các Kitô hữu vào trưa thứ tư hàng tuần ngày 15.8.2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói với mọi người tham dự rằng: “Lễ này nói cho chúng ta về tương lai của chúng ta, và nói với chúng ta rằng chúng ta cũng sẽ ở với Đức Giêsu trong hạnh phúc của Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta hãy can đảm và tin tưởng rằng sức mạnh phục sinh của Đức Giêsu cũng có thể hoạt động nơi chúng ta. Và giúp chúng ta sống mỗi ngày như những con người đã được phục sinh, chiếu sáng sự tốt lành vào trong bóng tối của sự dữ trong thế giới”.

Hai lời huấn từ của các Đức Giáo Hoàng trên đây giúp chúng ta dễ dàng nhìn nhận một ý nghĩa kép trong sự kiện Đức Maria được Thiên Chúa đưa cả hồn lẫn xác về Trời. Ý nghĩa ấy là: Đức Maria Hồn Xác Lên Trời vừa là mầu nhiệm của Thiên Chúa và vừa là tương lai của con người. 

1. Đức Maria hồn xác lên trời là một mầu nhiệm của Thiên Chúa

Sự kiện Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác đã được các Kitô hữu tin kính từ rất sớm trong truyền thống phụng vụ và đạo đức bình dân của mình. Bằng chứng của sự tin kính này đã được khẳng định trong một ngày lễ truyền thống có tên gọi là “Lễ Đức Mẹ ngủ”. Do đó, từ rất sớm trong chiều dài của lịch sử Giáo Hội, các Kitô hữu cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều đã mừng kính Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Nhưng mãi đến ngày 1-11-1950, đúng vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII mới long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời với những lời sau: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang Thiên Quốc”.

Kể từ lời tuyên bố trong thánh lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo Hội.

Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 966, xác định chân lý này với những lời như sau: “‘Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết Tội Nguyên Tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết’. Được lên trời cả hồn lẫn xác, Đức Maria tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Kitô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Kitô hữu khác”.

Chắc chắn những lời xác tín này được xây dựng trên nội dung của các bài đọc Thánh Kinh trong thánh lễ kính Đức Maria hồn xác lên trời.

Bài đọc I là một thị kiến và thị kiến này, trước hết chính là hình ảnh về Giáo Hội mà về sau Giáo Hội mới dùng để nói về Đức Maria, bởi Đức Maria chính là Mẹ Giáo Hội, là Hình Ảnh hoàn hảo của Giáo Hội …

“Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Trên bình diện tự nhiên, hình ảnh của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao diễn tả sự thay đổi của vũ trụ và thế giới; còn trên bình diện tâm linh, các dân ngoại dùng những hình ảnh này làm biểu tượng cho những vị thần của họ. Một “người Phụ Nữ” đã lấy những vị thần ấy làm đồ trang sức cho mình thì chứng tỏ “người Phụ Nữ” ấy đang làm chủ chúng.

Giáo Hội là “người Phụ Nữ” ấy và “người Phụ Nữ” ấy đang quằn quại đau đớn sinh con nhưng một Con Mãng Xà cũng đang chờ chực sẵn để rình ăn nuốt đứa bé đó. Ma quỷ đang rình chờ ăn nuốt chúng ta là những người con của Giáo Hội. Ma quỷ ấy là những hình thức cám dỗ trong xã hội.

Đức giám mục Anphong Nguyễn Văn Long (Giám mục Phụ tá – Giáo phận Hưng Hóa) kể truyện: Ở ngoài Bắc, nhiều người không dám sống đức tin Kitô giáo vì đang đi làm cho Nhà Nước. Có một bà đến xin được thực hành Đạo lại “vì con vừa nhận được sổ lương hưu rồi”. Còn chồng con, xin cha cho thư thả vài năm nữa, khi ông ấy về hưu đã.

Có bà không muốn rửa tội cho con, tuy con đã lớn rồi, nên đã nói với cha xứ: “Xin cha để cho nó lớn lên mà tìm được việc làm chứ rửa tội rồi thì sợ mai này nó không tìm được việc làm”.

Gia đình của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta cũng là một Giáo Hội tại gia, Giáo Hội thu nhỏ, liệu các thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn có gặp những cám dỗ như vậy chăng?

Gia đình, cộng đoàn của chúng ta có những lúc xem ra già nua, bấp bênh vì sự hoành hành và quật ngã của những “Con Mãng Xà” nhưng chúng ta đừng thất vọng, vì Thiên Chúa luôn chiến đấu với chúng ta và ở bên chúng ta.

Vì thế, sự kiện Đức Maria hồn xác lên trời cũng nói lên tương lai của con người và của mỗi chúng ta.

2.Đức Maria hồn xác lên trời khẳng định tương lai của con người

Cuộc chiến giữa người Phụ Nữ và Con Mãng Xà có kết quả là: “Người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc, tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở. Và có tiếng hô to trên trời: ‘Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính’” (Kh 12,6a.10ab).

Thực ra, việc người Phụ Nữ, hay Giáo Hội và Đức Mẹ phải chiến đấu với Con Mãng Xà cũng chính là việc tiếp nối cuộc chiến mà Đức Kitô đã thực hiện, như nội dung của Bài đọc II khẳng định: Đức Kitô sẽ “tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần”; để rồi như “Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” thì “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1Cr 15,25-27).

Đức Kitô đã toàn thắng sự chết để những ai thuộc về Người thì cũng sẽ được sống với Người: “Nhưng mỗi người phải theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15,23).

Chính Đức Kitô đã khẳng định điều này khi nói: “‘Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để thầy ở đâu, anh em cũng ở đó’ (Ga 14,3). Đức Giêsu đã nói với chúng ta điều đó và Đức Maria là bảo chứng cho sự thực hiện lời hứa của Đức Kitô. Bởi đó, sự Lên Trời của Mẹ đã trở nên ‘một dấu chỉ của sự hy vọng được bảo đảm và là một sự yên ủi’ cho chúng ta” (Vatican II – Lumen gentium, số 68).

Nói cách khác, sự Lên Trời của Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy đích nhắm mà mọi người muốn dõi theo, là gương mẫu cho những ai biết gắn đời mình vào chính Đức Giêsu và những ai muốn theo Đức Giêsu như Mẹ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giảng: “Ngày hôm nay, chúng ta lại chiêm ngưỡng việc Mẹ đã đạt tới được ngọn núi của Thiên Chúa như thế nào: “Một phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1) – như sách Khải Huyền đã viết – và chúng ta thấy Mẹ đã bước qua ngưỡng cửa quê hương trên trời. Mẹ là người đầu tiên đã tin vào Con Thiên Chúa, và Mẹ cũng là người đầu tiên đã được rước về Thiên Đàng cả hồn lẫn xác. Với tư cách là người đầu tiên, Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu, và đã ẵm Ngài trên đôi tay của Mẹ, khi Ngài còn là một Hài Nhi, và Mẹ là người đầu tiên mà Chúa Giêsu đã đón nhận vào trong vòng tay của Ngài, để dẫn đưa Mẹ và trong vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha. …

Vì thế, niềm hân hoan được diễn tả trong bài ca Magnificat của cô thiếu nữ khiêm hạ miền Galilea đã trở thành bài ca vui của toàn thể nhân loại, mà nhân loại ấy vui mừng vì được chứng kiến cảnh Đức Chúa đang nghiêng mình xuống trên tất cả mọi người nam và mọi người nữ – những thụ tạo yếu ớt và khiêm nhu -, và đang đón nhận họ về với mình trên Thiên Đàng” (Quảng trường Thánh Phêrô trưa thứ Hai ngày 15.08.2016Lm. Đaminh Thiệu OCchuyển ngữ).

Thay mặt cho toàn thể mọi người nam và mọi người nữ của nhân loại đang được Thiên Chúa đón nhận và đưa về Thiên Đàng, Đức Maria đã nói lên ba niềm vui Mẹ qua Kinh Magnificat:

  • Niềm vui vì Mẹ là người luôn có Chúa “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46).
  • Niềm vui vì Mẹ là người nghèo của Thiên Chúa “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người khiêm nhường” (Lc 1,52).
  • Niềm vui vì Mẹ là người làm cho lời hứa của Thiên Chúa đối với dân tộc Israel được thực hiện “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Như vậy, niềm vui của Đức Maria được diễn tả qua Kinh Magnificat là niềm vui gắn liền với cá nhân, với tình trạng ân sủng của cá nhân và với cả dân tộc của Mẹ. Do đó, hành trình thăm viếng Bà Êlisabeth và nội dung của lời Kinh Magnificat cũng chính là nội dung trong hành trình về Trời của mỗi chúng ta.

3.Hành trình về Trời của mỗi chúng ta

Không phải không có chủ đích khi Giáo Hội chọn đọc Đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay, bởi nếu sự kiện Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một mầu nhiệm của Thiên Chúa thì hành trình về Trời của con người và của mỗi chúng ta lại được thực hiện từ trong những sự kiện rất đỗi bình thường và cụ thể trong đời sống hàng ngày, như hành trình Đức Maria đi thăm viếng Bà Êlisabeth vậy.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giảng về hành trình thăm viếng ấy như sau: “‘Trong những ngày ấy, Maria vội vã tiến lên miền núi …’ (Lc 1,39). Những lời của trình thuật Tin Mừng cho chúng ta nhìn thấy, bằng con mắt đức tin, một thiếu nữ miền Nazarét đang trên đường hướng về ‘thành phố miền Giuđê’ nơi ở của người chị họ, để giúp đỡ bà. Điều làm chúng ta xúc động nơi Đức Maria đó là sự quan tâm đầy tình âu yếm đối với người bà con lớn tuổi. Đó là một tình yêu cụ thể nó không giới hạn trong những lời thông cảm nhưng trong sự dấn thân của chính mình trong những trợ giúp thật sự. Đức Mẹ không chỉ cho người chị họ những gì thuộc về mình mà còn cho chính con người mình và không đòi hỏi một sự đáp trả nào. Mẹ hoàn toàn hiểu rằng, hồng ân nhận được nơi Thiên Chúa là một đòi buộc hơn là một sự ưu tiên, đó là một sự dấn thân nhưng không cho tha nhân. Đây là đặc tính riêng của tình yêu.

‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa’ (Lc 1,46). Khi gặp bà Elisabeth, những tình cảm của Đức Maria tuôn trào trong thánh ca Magnificat. Qua đôi môi của Mẹ, sự mong đợi đầy niềm hy vọng của những ‘người nghèo của Đức Chúa’, cũng như sự cảm nhận sự thực hiện lời hứa được diễn tả, bởi vì Thiên Chúa ‘nhớ lại lòng thương xót của Người’ (x. Lc 1,54).

Chính vì sự cảm nhận này mà niềm vui của Đức Maria dâng trào, một niềm vui xuyên suốt trong bài thánh ca: Vui vì biết mình được Thiên Chúa ‘đoái nhìn’ cho dù ‘phận hèn’ của mình (x. Lc 1,48); vui vì mình có thể ‘phục vụ’ nhờ vào ‘những sự trọng đại’ mà Đấng Toàn Năng đã kêu gọi và giao cho Mẹ (x. Lc 1,49); vui vì được nếm trước hạnh phúc cánh chung dành cho những người ‘khiêm nhu’ và ‘đói khát’ (x. Lc 1,52-53).

Sau bài thánh ca Magnificat là một sự im lặng. Chúng ta không biết gì về sự hiện diện của Đức Maria trong ba tháng bên cạnh bà chị họ Elisabeth. Hoặc có thể một điều quan trọng nhất được nói với chúng ta: Điều tốt không gây sự ồn ào, sức mạnh tình yêu được diễn tả trong sự phục vụ thường nhật một cách âm thầm.

Bằng lời nói và sự thinh lặng của mình, Đức Maria tỏ ra như một gương mẫu cho hành trình của chúng ta. Một hành trình không dễ dàng bởi lỗi của nguyên tổ, nhân loại mang trong mình vết thương tội lỗi, mà hậu quả của nó vẫn còn hiện diện nơi những người được cứu chuộc. Nhưng sự dữ và sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng! Đức Maria xác minh điều đó qua sự hiện hữu của Mẹ, như là chứng nhân sống động của sự chiến thắng của Đức Kitô, sự Vượt Qua của chúng ta. Người tín hữu hiểu rõ điều đó. Bởi vậy họ lũ lượt đến nơi hang đá để nghe những lời khuyến cáo đầy tình mẫu tử của Mẹ, tin nhận nơi Mẹ là ‘người nữ mặc áo mặt trời’ (Kh 12,1), là Hoàng Hậu chói ngời bên ngai Thiên Chúa (thánh vịnh đối đáp) cầu bầu cho họ” (Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Bài giảng Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại Lộ Đức – ngày 15.08.2004).

Chúng ta đang xây những bậc thang về Trời bằng những cuộc chiến và bằng những cuộc thăm viếng như “người Phụ Nữ”, Giáo Hội và Đức Maria đã thực hiện trên đây, theo gương chiến đấu và đời sống của Đức Kitô, Đấng đang “ban ơn cứu độ” cùng “biểu dương uy lực và vương quyền” (Kh 12,10) trên đời sống chúng ta.

M. Vianney, cộng đoàn Phước Sơn

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối vòng tay lớn

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối Vòng Tay Lớn Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Cha Anthony De...

Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47-48: Giáo huấn của Chúa Giêsu

      GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) M. Pet. Dũng Nguyễn Đình Khi, Phước Lý Bài Tin Mừng của Mác-cô hôm nay khá...

Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ

  TINH THẦN PHỤC VỤ (Mc 9,30-37) Hữu Quỳnh, Phước Lý Chúa Nhật tuần trước chúng ta được nghe thánh sử Marcô trình thuật lại câu chuyện Chúa...

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C (Xh 32,7-11.13-14; Lc 15,1-32): Niềm vui hoán cải

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C (Xh 32,7-11.13-14; Lc 15,1-32) Niềm Vui Hoán Cải Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Lời Chúa tuần này toát...

Chúa Nhật XXIV TN, B, Mc 8,27-35: Mức độ biết Đức Giêsu

  MỨC ĐỘ BIẾT ĐỨC GIÊSU (Mc 8,27-35) M. Bosco, PS     “Đức Giêsu là ai?” là câu hỏi được đặt ra suốt 20 thế kỷ nay...

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) Xin Chữa Con theo Cách Của Chúa

Chúa Nhật XXIII, Thường Niên B (Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37) XIN CHỮA CON THEO CÁCH CỦA CHÚA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Một cô...

Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria

QUÀ SINH NHẬT (Mt 1,18-23) M. Clara, Phước Thiên Nếu có dịp đi dự tiệc sinh nhật ai đó, chúng ta thường không đến tay không nhưng...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Canh tân tâm hồn

    CANH TÂN TÂM HỒN (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Gioan Nguyễn An, Vĩnh Phước Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên, Năm B hôm nay là những lời giáo...

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Lời Sống

  LỜI SỐNG (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) M. Augustino, Phước Hải Ngôn ngữ đã xuất hiện từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này. Ngôn ngữ giúp con...

Chúa Nhật XXI TN, B: Còn sống là còn chọn lựa

  CÒN SỐNG LÀ CÒN CHỌN LỰA (Gs 24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69) Jos. ĐB, Phước Vĩnh Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã suy diễn câu nói...

Chúa Nhật XXI TN, B: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống.”

"BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI, VÌ THẦY CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG" (Ga 6,54a.60-69) Thầy Phêrô Kim-Ngôn Nguyễn Bảo Duy, Phước Hiệp Trích đoạn Tin mừng...

Lễ thánh Bernardo: Thánh Bernardo – Muối và Ánh sáng trong Giáo Hội

    THÁNH BERNARDO – MUỐI VÀ ÁNH SÁNG TRONG GIÁO HỘI (Mt 5,13-19) M. Anselmo Nguyễn Minh Quang, An Phước Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu 5,13-19, Chúa...