HÀNH TRÌNH THĂM VIẾNG CÓ CHÚA CÙNG ĐI
Lc 1,39-56
Trong cuộc sống, nơi các mối tương quan, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương cho nhau bằng nhiều cách, chẳng hạn: một tin nhắn, một lần gặp gỡ nhau qua điện thoại, một lá thư điện tử, một lá thư viết tay, hoặc gởi cho nhau một món qùa gói trọn tất cả tấm lòng của mình cho người mình thương mến… Thế nhưng, những cách thức đó không thể thay thế bằng sự thăm viếng trực tiếp. Thật vậy, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức, để mỗi người chúng ta noi theo. Hôm nay chúng ta noi theo gương thăm viếng của Mẹ Maria.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật lại biến cố Mẹ Maria đi thăm viếng bà chị họ Êlisabét. Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ Maria chấp nhận “xin vâng” trước lời sứ thần Gabriel truyền tin là Mẹ sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế.
Thánh Luca viết: “Khi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Ta thử suy nghĩ xem, hành động “vội vã” của Mẹ nhằm mục đích gì? Phải chăng Mẹ muốn nhanh chân đến để kiểm chứng lời sứ thần loan báo rằng bà Elisabét đã có thai có đúng không? Hoặc đến để khoe khoang với bà Êlisabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Thưa, thánh Ambrôsiô cho ta câu trả lời: “Mẹ lên đường không phải vì không tin lời sứ thần báo cho Mẹ, mà vì hối hả ước ao làm ơn cho gia đình bà chị. Sung sướng vì được làm cho người khác sung sướng và tận lực thi hành đức ái.”
Hơn thế nữa, sự vội vã của Mẹ nói lên tâm tình của Mẹ. Mẹ Maria là người mẹ tuyệt vời trong việc nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân, nên Mẹ đã đi bước trước mà không đợi ai phải cậy nhờ hay nhắn gởi. Vì thế, Mẹ đã hy sinh lên đường để đem Chúa đến cho gia đình bà chị họ Êlisabét. Vì yêu, Mẹ muốn đến để chia sẻ niềm vui và giúp đỡ người chị họ được Chúa thương cho mang thai một người con trong lúc tuổi đã cao niên. Cho dẫu đường miền núi có gập ghềnh trắc trở đến đâu, có nguy hiểm đến đâu, cũng không thể ngăn cản được ngọn lửa tình yêu mà Thiên Chúa đã đốt lên trong lòng Mẹ, ngọn lửa đó phải được cháy bùng lên (x. Lc 12,49). Quả thật là Mẹ Maria có tấm lòng bác ái yêu thương và tinh thần phục vụ đối với bà Êlisabét.
Không dừng lại ở đó, sứ điệp Lời Chúa gởi đến cho chúng ta không chỉ đơn thuần là kể lại việc Mẹ Maria đi thăm bà Êlisabét. Nhưng còn muốn gợi lên cho chúng ta ý nghĩa sâu ra hơn xuyên qua biến cố thăm viếng này. Đó là chính Thiên Chúa thăm viếng con người qua trung gian Mẹ Maria. Vì trong cung lòng thanh khiết của Mẹ đang cưu mang một thai nhi, thai nhi đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa làm người và ở giữa dân người. Chính vì thế, Mẹ được mệnh danh là “Hòm Bia Giao Ước”.
Hơn thế nữa, cuộc thăm viếng này được diễn tả rõ hơn khi Mẹ Maria cất tiếng chào bà Êlisabét thì hài nhi trong lòng bà nhảy mừng. Hành động hài nhi Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng” cũng gợi lại cho chúng ta thấy việc vua Đavít nhảy mừng trước Hòm Bia Thiên Chúa, khi ông rước Hòm Bia Thiên Chúa về Giêrusalem (x. 2Sm 6,14). Quả là một niềm vui vĩ đại vì được Thiên Chúa thăm viếng và ở cùng. Cách diễn tả “Thiên Chúa thăm viếng” được sử dụng rất nhiều trong Kinh Thánh, để diễn đạt những hồng ân mà Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại. Chẳng hạn trong bài thánh ca “Chúc tụng” của ông Dacaria: “Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Hoặc dân chúng chứng kiến việc Chúa Giêsu đã cho con trai bà góa thành Nain sống lại và họ ca tụng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16)…
Hôm nay cũng là ngày kết thúc tháng hoa, Giáo hội mời gọi con cái cùng hòa chung niềm vui với Mẹ hát lên bài ca Magnificat để nói lên tâm tình chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… Đấng đã đoái thương đến phận nữ tỳ hèn mọn, Đấng ban tặng cho Mẹ hồng ân nhưng không. Noi gương Mẹ Maria xin cho mỗi người chúng ta trên hành trình đức tin, khi khám phá ra ý nghĩa Thiên Chúa thăm viếng con người, thì chúng ta cũng hãy trở nên những khí cụ hữu hiệu trong những cuộc thăm viếng và phục vụ tha nhân.
Noi gương Mẹ Maria, bạn và tôi hãy là một ánh bình minh gieo niềm vui, một tia nắng ấm mang tình thương đến cho những ai đang sầu khổ. Như lời thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư Rôma: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), hãy thăm viếng tha nhân trong sự thật không giả hình (x. Rm 12,9-11). Và lời dạy của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đức Maria là mẫu gương cho Hội thánh trong việc lên đường mang ánh sáng và niềm vui của Chúa Kitô đến cho mọi người và mọi nơi”.
M. Jean Mai Anh, CĐ Phước Thiên