Hành trình đến với Đấng tỏ mình
Mt 2,1-12
Vào mỗi dịp Giáng Sinh về, chúng ta lại được chiêm ngắm Ngôi Hai giáng trần tái hiện qua những máng cỏ, hang đá ở khắp nơi. Vẫn quen thuộc như lời Kinh Thánh chép có Mẹ Maria, thánh Giuse, và các mục đồng thờ lạy Hài Nhi. Giữa cảnh nghèo hèn, giữa những con người quần áo lấm bụi vì ở ngoài đồng, chúng ta còn thấy những người mặc quần áo của bậc vương giả, tay bưng tráp, tay dắt lạc đà đang tiến đến để thờ lạy và dâng lễ vật lên Hài Nhi. Đó là hình ảnh của các vị đạo sĩ đến từ Phương Đông. Để có mặt nơi máng cỏ năm ấy hiển nhiên là họ vừa trải qua một cuộc hành trình.
Cuộc hành trình của các đạo sĩ khởi đi từ một điềm lạ – một ngôi sao khác thường. Thực chất ngôi sao này là gì? Vào thời đó, mọi người tin tưởng ở khoa chiêm tinh. Họ tin rằng dựa vào các vì sao họ có thể tiên đoán tương lai vận mệnh của con người. Số mệnh một người được an bài bởi một ngôi sao xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu, thông thường các ngôi sao xuất hiện theo một vị trí cố định. Chúng tượng trưng cho trật tự của vũ trụ. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện thì dường như Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự kiện đặc biệt sắp xảy ra. Như thế ngôi sao chính là một dấu chỉ Thiên Chúa tỏ ra. Nói cách khác Thiên Chúa đã đi bước trước, tỏ mình ra cho các đạo sĩ, cho loài người.
Tuy nhiên, Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, của tự do. Vì thế Ngài không làm gì trái với tự do. Nên dấu lạ Thiên Chúa đã tỏ ra là một lời mời gọi hơn là sự ép buộc con người. Trong đêm đông năm đó, ngôi sao lạ không chỉ xuất hiện riêng cho các đạo sĩ mà cho tất cả mọi người. Nhưng thật đáng tiếc, Thiên Chúa đến viếng thăm nhưng người nhà lại chẳng mấy người nhận biết để đến thờ lạy. Người ta dường như ngủ yên trong thờ ơ, dửng dưng, vô cảm trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Chính vì thế khi biết tin họ mới xôn xao. Tồi tệ hơn, Hêrôđê tham quyền cố vị lại còn tìm cách giết vị Vua mới giáng trần. Đối ngịch lại, các đạo sĩ từ Phương Đông xa xôi khi nhìn thấy ngôi sao như dấu chỉ và lời mời gọi của Thiên Chúa, họ đã đáp lại bằng tất cả tự do và mau mắn lên đường.
Cuộc hành trình của họ không phải là cuộc hành trình vô định, không mục đích. Nhưng họ đi về Phương Đông. Phương Đông là nơi ánh sáng xua tan màn đêm, nơi mặt trời xuất hiện. Hình ảnh đó cũng nói lên hướng đi của các đạo sĩ là đi về miền ánh sáng, nơi Mặt Trời Công Chính mọc lên xua tan bóng đêm tội lỗi. Mặt Trời Công Chính đó là ai nếu không phải là Đức Kitô – Đấng Cứu Độ trần gian? Các đạo sĩ đều có cùng hướng đi, cùng một người để gặp, nhưng cuộc gặp gỡ của họ lại trở nên cá vị. Cá vị vì mỗi người trong số họ mang một lễ vật rất riêng và hơn thế nữa lễ vật của mỗi người lại nói lên một sứ mạng của Hài Nhi. Vàng biểu thị Hài Nhi mới sinh chính là vua. Lễ vật xứng đáng nhất để tiến dâng một vị vua đó là vàng. Nhũ hương nói về chức tư tế của Hài Nhi, còn mộc dược chính là hương liệu để ướp xác người chết. Mộc dược được dâng tiến như muốn ám chỉ tới việc táng xác Chúa sau đó.
Cuộc gặp gỡ cá vị của các đạo sĩ với Ngôi Lời cũng chính là cuộc gặp gỡ phải có của mỗi Kitô hữu. Như đức thánh cha Bê-nê-đic-tô từng nói: “Là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Thông Điệp Deus Caritas Est (25-12-2005). Đúng! Cuộc gặp gỡ đó đem đến một hướng đi quyết định. Các đạo sĩ được thiên sứ báo tin cho biết dã tâm của Hêrôđê nên đã đi qua ngã khác để về xứ sở của họ.
Qua cuộc hành trình của các đạo sĩ chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Cuộc hành trình mà chính Thiên Chúa luôn đi bước trước tỏ mình ra cho loài người. Vì “Trời xanh tường thuật vinh quan Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 18). Và “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Nơi Đức Kitô, mặc khải đã trở nên trọn vẹn. Chính vì thế chúng ta không có lý do để nói rằng chúng ta không biết Thiên Chúa. Nhưng mỗi người cần đặt mình vào tâm thế lắng đọng và lắng tai lòng để luôn nhận ra những dấu chỉ mà Thiên Chúa dùng để hướng dẫn trong từng hoàn cảnh, từng công việc. Để rồi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng tất cả tự do và mau mắn đến gặp Ngài.
Gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá vị, để rồi mỗi Hội Dòng, môi giáo xứ, mỗi một người biết được Thiên Chúa trao cho mình sứ vụ nào. Trong mọi hoàn cảnh Thiên Chúa luôn tỏ ra cho chúng ta những dấu chỉ và mời gọi chúng ta đến gặp Ngài, chính những cuộc gặp gỡ đó sẽ cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Vậy chúng ta đừng trì hoàn nhưng hãy mau mắn đến gặp Thiên Chúa. Không chỉ dừng lạ ở đó, việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa phải dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng đức tin, sống niềm tin của chúng ta. Vậy trong hoàn cảnh này, lúc này Chúa đang muốn tôi sống như thế nào: lặng im, khiêm tốn lắng nghe hay mau mắn lên đường? Câu trả lời chỉ có cho mỗi người khi chúng ta đến gặp vị Thiên Chúa đang tỏ mình.
Trong suốt hành trình của nhân loại Thiên Chúa luôn là người đi trước tỏ mình ra cho nhân loại. Không chỉ thế mà trong mọi hoàn cảnh của dân Thiên Chúa, Ngài luôn tỏ cho họ những dấu chỉ để hướng dẫn họ phải làm gì. Nhưng lịch sử cho thấy nhân loại vẫn gây ra những lỗi lầm. Điều đó xảy ra vì tâm hồn con người quá xáo động, thờ ơ với Thiên Chúa đang tỏ mình. Tệ hơn họ lãng quên, loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Những người không chịu nhận biết Thiên Chúa đó, chúng ta có trách nhiệm với họ. Ước gì Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta là những người may mắn được đón nhận, thì chúng ta cũng sống mầu nhiệm đó để những người khác cũng nhận biết Đấng hiển linh. Nhờ đó họ cũng bước vào cuộc hành trình đức tin tiến về miền ánh sáng, đến gặp gỡ một cách cá vị với Nguồn Ánh Sáng muôn đời, gặp gỡ Vị Thiên Chúa tỏ mình.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh