THỨ HAI TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,18-26
Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! ” Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! ” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
* SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu đến nhà một vị thủ lãnh để chữa cho con gái của ông được sống lại. Câu chuyện bị gián đoạn bởi trên đường đi xảy ra việc xuất hiện một phụ nữ bị bệnh loạn huyết lẻn vào đám đông vây quanh Chúa Giêsu để chạm và Người. Xuyên suốt tường thuật nổi bật lên chứng từ niềm tin của hai nhân vật và Chúa Giêsu đã ra tay thực hiện điều họ ao ước bởi niềm tin của họ.
+ Niềm tin và sự can đảm.
“Lòng tin của con đã cứu con”.
– Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành.
Người phụ nữ bị loạn huyết mang trên mình vừa căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị đau đớn và ra dơ dáy, tinh thần đau khổ vì bị mọi người xa lánh vì sợ bị nhiễm uế theo luật. Bởi sách Lêvi quy định ai bị loạn huyết sẽ phải bị coi là ô uế, ai chạm đến họ thì cũng bị ra ô uế, họ đụng đến thứ gì thì thứ đó ra ô uế, và ai đụng đến những thứ người ô uế đã ngồi hay nằm lên thì cũng bị ô uế (x. Lv 15,18-30) . Như vậy, người bị rong huyết nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng: tuyệt vọng vì đã 12 năm tán gia bại sản, tuyệt vọng vì bệnh vô phương cứu chữa., tuyệt vọng vì bị loại trừ khỏi cộng đồng. Thế nhưng, người phụ nữ bị loạn huyết trong Tin Mừng hôm nay đã liều lĩnh vượt lên trên mọi mặc cảm và sự cấm kỵ để được chạm vào Chúa Giêsu.
Thật vậy, hôm nay Chúa Giêsu đang trên đường đi, đám đông chen lấn vây quanh Chúa Giêsu, vì ai cũng sợ bị nhiễm uế theo luật, nên nếu xuất hiện một kẻ ô uế trà trộn chen vào đụng hết người này qua người khác, thì chắc chắn sẽ phải mang tội chết. Nhưng không, chính niềm tin vào Đấng duy nhất có thể chữa căn bệnh quái ác của mình, người phụ nữ đã liều lĩnh lẻn vào đám đông để được gặp Chúa Giêsu. Niềm tin đó còn mãnh liệt hơn khi bà nghĩ rằng, chỉ cần được chạm vào gấu áo Chúa thôi là được khỏi rồi, và niềm tin của bà đã được đền đáp khi Chúa Giêsu phát hiện ra và nói với bà với lời đầy cảm thông yêu thương: “Này con, đức tin của con đã chữa con”.
Như vậy, đức tin đôi khi cần một sự can đảm và liều lĩnh, vượt trên mọi mặc cảm và cả sự nguy hiểm để được chạm vào Chúa Giêsu.
– Mọi người chúng ta muốn đến được với Chúa rất cần một sự can đảm và liều lĩnh, nhất là khi chúng ta đang sống trong sự bi đát của tội lỗi, sống tách biệt với cộng đoàn đã lâu năm, bị mọi ngăn trở xã hội và cả tôn giáo tạo nên ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Hãy can đảm đứng lên, mau chạy đến bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành thương tích linh hồn, để hoà nhập với cộng đồng. Hãy chạy đến bí tích Thánh Thể để tâm hồn được chạm đến Chúa Giêsu và sinh lực từ Thánh Thể sẽ phát ra làm cho chúng ta nên mạnh mẽ.
+ Niềm tin và lòng kiên nhẫn.
“Đừng sợ! Cứ vững tin”
Thông thường, việc chữa bệnh của Chúa Giêsu xảy ra tại nơi ngài đang giảng dạy hoặc đang trên hành trình, đôi khi Ngài chữa bệnh từ xa bằng cách nói: “Ông về đi, con ông sống…”. Nhưng hôm nay, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, có ông thủ lãnh đến bái lạy xin chữa lành cho con gái ở nhà, Chúa Giêsu lại lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà bị loạn huyết chen vào ‘phá đám’ nên chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông thủ lãnh đã chết. Có lẽ lúc này đức tin của ông thủ lãnh bị đặt trước một thử thách rất lớn, bởi lẽ ra Chúa Giêsu đã có thể đến sớm hơn để “bệnh nhân không chết nếu bác sĩ Giêsu đến kịp”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã vội trấn an: “Ông đừng sợ, cứ vững tin!”. Và vì vững tin mà con gái ông thủ lãnh đã được Chúa cho hồi sinh.
– Cũng vậy, hành trình đức tin của mọi Kitô hữu chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bao yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông thủ lãnh trong Tin Mừng hôm nay thì sẽ được cứu độ.
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta luôn vững tin vào Chúa dù gặp phải bao khó khăn thử thách. Đức tin được rạng ngời nhờ sự thanh luyện gian nan và trường kỳ. Đức tin đòi hỏi một sự can đảm liểu lĩnh và một sự kiên nhẫn vững tâm, để nhờ đó chúng ta mới đạt đến chân lý cuối cùng là Ơn Cứu Độ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa giữa những thử thách đau thương của cuộc đời. Xin cũng cho chúng con biết năng chạy đến với bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành bệnh tật thiêng liêng trong tâm hồn chúng con. Amen.
THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,32-38
Người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ! “Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
* SUY NIỆM
Mở đầu bài Tin Mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỷ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng Biệt phái thì độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỷ mà trừ quỷ. Khi đã không ưa thì người ta đố cho dưa thối, Biệt phái Pharisêu tìm mọi cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Người đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Người không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin Mừng phải được loan báo cho muôn dân.
+ Sự ganh tị của người Pharisêu.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do Thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Trong ý thức hệ của người Do-thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những hành động Người làm. Họ tìm cách lèo lái dân thỏa hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỷ.
Thật vậy, khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt Biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án. Cũng thế, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án.
+ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do Thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Người như một “mục tử” và “lương y”.
Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít! Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Bởi vì nếu người ta tin vào tầm quan trọng của sứ vụ mà người ấy phải thực hiện, thì mọi việc đều có thể làm được để nó sẽ không chết cùng với chúng ta, mà đúng hơn là nó vẫn tiếp tục với những người khác qua chúng ta và sau chúng ta.
Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.
Sứ mệnh của các môn đệ được Chúa sai đi bằng rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Lạy Chúa Giêsu, khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng con mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Xin cho chúng con khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em. Amen.
LỄ THÁNH BIỂN ĐỨC
Click vào ĐÂY để xem
THỨ TƯ TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,1-7
Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”.
* SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu lựa chọn các Tông Đồ, ban năng quyền cho các ngài và sai đi loan báo Tin Mừng:
+ Chọn các Tông Đồ
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…
Trong Giáo Hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội Thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.
+ Ban năng quyền rao giảng và chữa lành
“Chúa Giêsu gọi mười hai Tông Đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật”.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí Tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
+ Sai đi
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Đời sống tôn giáo và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi chủ đề Tin Mừng hôm nay: Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,6-15
“…Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơ-đôm và Gô-mô-ra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.
* SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt họa lên chân dung của một vị Tông Đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Mang sứ điệp Nước Trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người.
Chúa Giêsu sai mười hai Tông Đồ đến nơi nào? Dặn dò các ông mang thứ gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Và bảo các ông phải làm gì? Đó là những gì chúng ta cùng nhau chia sẻ:
+ Đi đâu?
Các Tông Đồ được sai đến trước hết dành cho chiên lạc nhà Israel (x.Mt 10,7). Điều này cho thấy sứ mạng tại thế ban đầu của Chúa Giêsu là: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel” (Mt 15,24), nghĩa là ơn Cứu Độ đầu tiên đến từ dân Do-thái bời Chúa Giêsu đã nhập thế làm một người Do-thái nên đã ưu tiên quy tụ “những con chiên lạc” trước. Lúc sai các Tông Đồ đi truyền giáo Chúa Giêsu cũng muốn các ngài tiếp nối điều này “Hãy đến với chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6). Đây không phải là một sự phân biệt dân Do-thái hay dân ngoại, mà là một sự tiệm tiến bắt đầu từ dân Do-thái trở đi. Sau này, mệnh lệnh được truyền cho các Tông Đồ qua thánh Phêrô phải đi rao giảng cho cả dân ngoại cách chính thức qua thị kiến “chiếc khăn buộc túm bốn góc chứa đầy bò sát mà Phêrô được mời gọi làm thịt mà ăn” (Tđcv 11, 1-8). Thánh Phaolô cũng nói về điều này với người Do-thái: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Tđcv 13,46).
Nhiều người chúng ta vẫn mơ tưởng là phải điến nơi nào đó xa xôi băng rừng vượt suối để rao giảng Tin Mừng, nhưng lại quên mất rằng ngay bên cạnh nhà chúng ta đang ở, bạn cùng lớp chúng ta đang học, người cùng phòng chúng ta nơi công sở, làng xóm bên cạnh giáo xứ chúng ta là lương dân. Lại nữa, chúng ta mong đưa về cho Chúa những con chiên mới, những những con chiên lạc của giáo xứ chúng ta đang cần được giúp đỗ chúng ta lại khọng biết…
+ Mang gì?
“Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (Mt 10,9-10).
Chúa Giêsu không bảo vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
Hơn nữa, loan Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo sẽ tự nó trở nên phản chứng.
+ Nói gì?
Sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn rao giảng là: “Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến” (Mt 10,7). Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Cùng với việc rao giảng Nước Trời là đem bình an đến cho những ai đón nhận Tin Mừng: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.13 Nếu nhà ấy xứng đáng, thì -bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10,12-13). “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.
+ Làm gì?
“Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).
Cùng với việc rao giảng, các Tông Đồ nhận được năng quyền chữa lành để vừa củng cố niềm tin, vừa đẩy lui quyền lực của sự dữ và ma quỷ.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí Tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Tất cả đều được lãnh nhận nhưng không từ nơi Chúa chứ không do sức riêng mình, nên Chúa cũng mời gọi các Tông Đồ cho đi một cách nhưng không mà không đòi hỏi được đề đáp.
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Lạy Chúa Giêsu, như xưa Chúa sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, xin cho mọi người chúng con hôm nay cũng biết sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng con. Amen
THỨ SÁU TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,16-23
Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.
* SUY NIỆM
Bài Tin mừng hôm nay tập chú đến lời tiên báo của Chúa Giêsu về sự bách hại mà các tông đồ và những ai bước theo Chúa sẽ phải chịu, nhưng trong mọi thử thách bách hại luôn có Chúa đồng hành để ban Thánh Thần soi sáng và sức mạnh để làm cho các chứng nhân nên kiên vững và làm chứng cho Người.
+ Chịu bách hại vì mang danh Chúa.
Chúa Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, loại bỏ, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô.
Ngày nay, sự bách hại vẫn diễn ra, nhưng mang tính tinh vi và trường kỳ. Vì danh Chúa, người môn đệ phải đối diện với những thử thách do nội tâm, do xác thịt, do cuộc sống và do xã hội gây nên.
Để được vinh thân phì gia và được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.
+ Ơn soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu khích lệ: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, và phải nói gì, vì ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh cho anh em biết những điều phải nói”.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn con người đi tìm chân lý, đi tìm sự thật. Qua mọi thời và mọi nơi, Chúa Thánh Thần an ủi và nâng đỡ Giáo Hội và các Kitô hữu can đảm tuyên xưng đức tin.
Thật vậy, trong hành trình sống đạo, chúng ta có Thiên Chúa luôn quan phòng đồng hành qua bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần, nhất là sự khôn ngoan, hiểu biết và mạnh bạo để làm chứng cho Chúa. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người bao bọc và bảo vệ con người, nên hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, giữa cuộc đời này, chúng con luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin cho chúng con, một khi đã tin vào Chúa, phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa, bước theo và làm chứng nhân cho Ngài. Amen.
THỨ BẢY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10, 24-33
“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.
“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
* SUY NIỆM
Cha ông chúng ta thường nói rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nghĩa là con cái và cháu chắt thừa kế nhiều nét giống nhau từ cha mẹ và ông bà mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói: “Trò không hơn Thầy và tố không hơn chủ”. Nghĩa là Chúa Giêsu thế nào thì những ai theo Chúa cũng như vậy. Kitô hữu là những người phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.
Điều mà Chúa Giêsu nói môn đệ sẽ giống như Người trước hết chính là chịu chung số phận bách hại như Thầy từng phải chịu: “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi một cách dứt khoát cho những ai dám bước theo Người là: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”.
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
– Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
– Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
– Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
– Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…
Lạy Chúa Giêsu, khi được dìm vào trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng con đã được nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là Kitô hữu, là con cái Chúa, và chúng con càng nên giống Chúa hơn trong mọi thử thách đau thương, để không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.
HIỀN LÂM.