Thứ Năm, 3 Tháng 7, 2025

Suy niệm Tin Mừng – Tuần IV Mùa Chay – Năm C: “NHỮNG BƯỚC CHÂN HOANG ĐÀNG CỦA NGƯỜI CON CẢ” (M. Anré Dũng Lạc – Châu Thủy)

 

(Gs 5,9.10-12; 2Cr 5,117-21; Lc 15,1-3.11-32)

 

NHỮNG BƯỚC CHÂN HOANG ĐÀNG CỦA NGƯỜI CON CẢ

 

Tình cảnh bi đát lớn nhất của phận người có lẽ là ngày ngày vẫn sống với nhau đó, thấy được hình dáng của nhau nhưng ánh mắt và vòng tay thì rời xa nhau. Biên cương yêu thương cách nhau có một bàn tay nhưng không bao giờ với tới nhau được. Lối thoát duy nhất được mở ra, đó là quên đi những ham muốn ích kỷ của bản thân và nhìn người bên cạnh như là anh em đích thực của mình. Trang Tin mừng thứ 4 Mùa Chay hôm nay thật đẹp, với hình ảnh người cha vô cùng nhân hậu, nhưng cũng nhạt nhòa với sự “Hoang đàng” vô độ của hai người con. Người con thứ thì cao chạy xa bay với những thú vui trần thế, bỏ lại cha già với ánh mắt mỏi mòn trông chờ ngày con quay bước trở về. Người con cả thì thể xác thì vẫn ở bên cha nhưng tâm hồn lại lạc xa vào bờ bến của những ham mê tiền tài và lòng ích kỷ. Hình ảnh người anh cả diễn tả tâm trạng của các Pharisêu, Luật sĩ xưa và cả chúng ta hôm nay nữa, chúng ta luôn tự hào mình là đạo gốc, là tu sĩ, linh mục suốt ngày ở bên Cha, nhưng tâm hồn thì xa Cha. Anh ta xa Cha ở những điểm nào?

 

1.Chung một mái nhà nhưng không chung một chí hướng

Dụ ngôn mở đầu bằng những bước chân hoang đàng. Lâu nay, người ta thường gán sự ra đi cho người con thứ mà quên mất rằng người con cả cũng đã “bỏ nhà ra đi” xét về phương diện nào đó. Người con cả ra đi khi nào? Tin mừng viết: “Người con thứ nói với Cha: ‘xin cho con phần gia tài con được hưởng. Ông liền chia gia tài cho hai con” (Lc 15, 12). Ông không chia cho một mà cả hai đứa. Và theo luật Do thái, người con cả sẽ được chia 2/3 phần sản nghiệp so với các người con khác, và dù đã chia gia tài thì quyền thu hoa lợi vẫn thuộc về người cha cho đến khi ông qua đời (Dnl 21, 17). Điều này khiến người con cả cứ lầm tưởng tài sản còn lại chưa thuộc về mình. Anh ta lo sợ và cứ ám ảnh mãi để rồi cuộc sống hằng ngày của anh vẫn canh cánh trong lòng về mớ tài sản kếch xù đó. Chúa Giêsu đã từng nói: “Không ai làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này thương chủ kia và ngược lại. Và không ai có thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài được” (Lc 16, 13). Cho nên, đầu óc anh cứ dành hết sự quan tâm vào tài sản thì còn tâm trí và tình thương đâu cho người cha nữa. Anh ở trong nhà cha, mà tấm lòng chỉ là quán trọ tính toán nơi phố chợ. Anh sống những ngày ảm đạm của một tấm lòng khắc khoải âu lo, khắc khoải vì tài sản của cha, khắc khoải vì bổn phận dài lê thê bên cạnh cha và khắc khoải âu lo của một ngày không vui khi người em trở về. Tuy vậy vẻ bề ngoài, anh vẫn ngày ngày bên cha, tất bật lo cho công việc gia đình ngày càng phát triển nhiều của cải hơn.

 

Thế rồi, điều anh không mong chờ cũng đã đến, người em trở về. Lúc người em trở về, anh đang ở ngoài đồng. “Ở ngoài đồng” biểu trưng cho con người đang làm việc. Người con thứ trở về, ông bố mở tiệc ăn mừng. Tiệc mừng thì phải có quan khách, mà quan khách đầu tiên và danh dự phải là con cháu trong nhà. Hà cớ gì lúc này, “Đàn ca nhảy múa” đã trổi lên mà người con cả vẫn ở ngoài đồng? Người cha không quan tâm đến trưởng nam hay sao? Dĩ nhiên, một người cha vô cùng nhân hậu như thế lại không thể không quan tâm đến trưởng nam được. Ông quá hiểu người con cả: anh là người say mê công việc và chỉ công việc mà thôi. Bao năm cậu sống bên ông, ông đã nhận ra điều đó và dù có ra mời về thì anh vẫn không về, vì công việc chưa xong. Một người như thế đôi khi tình nghĩa chỉ là thứ yếu!

 

Lúc trở về, anh thấy sự kiện lạ liền kêu người đây tớ ra mà hỏi. Tại sao anh không vào nhà ngay? Nhà của anh thì anh có quyền vào, có quyền được biết lý do mà không cần phải hỏi hay xin phép ai cả. Điều đó, thánh sử Luca cho thấy đối với anh mái nhà lúc này chỉ là nơi dung thân tránh mưa nắng chứ không phải nơi để trở về và nơi để chia sẻ yêu thương. Lâu nay, anh ở chung nhà với cha anh, nhưng là vì bổn phận hơn là vì tình yêu thương cha. Anh mong tài sản của cha hơn là nỗ lực xây dựng một tương quan thân tình và cùng chí hướng với cha.

 

2.Chung một huyết thống nhưng không chung mối giây tình thân

Bước chân hoang đàng của người con cả trở nên cao điểm khi Tin mừng diễn tả đoạn đối thoại giữa anh và cha khiến chúng ta cảm thấy uất nghẹn và xót thương cho tình cảnh của người cha lúc này: “Ông coi, đã bao năm trời tôi hầu hạ ông, và chẳng bao giờ trái lệnh ông, thế mà chưa bao giờ ông cho tôi một con dê để ăn mừng với chúng bạn” (Lc 15, 29). Danh xưng đã được thay đổi “Ông tôi” thay “Cha con”. Đối với người con cả lúc này, người cha trở thành một ông chủ hà khắc và anh trở thành nô lệ trung thành mang bức xúc là không được trả công xứng đáng hơn là tình cha con. Hình ảnh được thánh sử Luca diễn tả rất hay qua việc so sánh con bê béo và con dê nhỏ. Anh ta ví mình với ước mong nhỏ nhoi và tầm thường như con dê nhỏ mà thôi!

 

Cao trào của thù ghét của người con cả khi anh thốt ra lời chua cay: “Thằng con của ông đó” (Lc 15, 30). “Thằng con của ông đó”, thế thì anh ta là con của ai? Trong hai đứa, đứa nào con của ngoại hôn? Khi anh ta nói như thế, thì nỗi đau của người cha đã lên đến cùng cực. Ông không thể ngờ rằng, trưởng nam của ông lại đối xử như thế. Điều này cũng giống như người Pharisêu trong dụ ngôn Luca 18, 10 -14 nói đến: “Tên thu thuế kia” với giọng miệt thị. Tin mừng không nói đến sự xúc phạm của người em với người anh, nhưng ở đây anh ta đã xúc phạm đến người em. Triết gia Gariel Marcel nói: “Khi chúng ta đến với tha nhân với thái độ như là “Thằng hay hắn” thì chúng ta chưa đến đúng với người anh em thật, đến với một con người thật sự. Chỉ khi nào ta đến với tha nhân bằng tâm tình như là người anh em thì lúc ấy ta mới đến với con người thật sự” (trần Thái Đỉnh, triết học hiện sinh, tr. 288). “Thằng con của ông đó” mở ra một sự loại trừ và cắt đứt tương giao với tha nhân, mà khi tương giao với đồng loại bị cắt đứt thì tương giao với Thiên Chúa cũng bị loại trừ. Thánh Gioan viết: “Nếu ai nói, tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy được” (1Ga 4, 20). Mến Chúa yêu người phải luôn song hành với nhau. Ai tự ý cắt đứt quan hệ với tha nhân cũng là đoạn tuyệt với Đấng Tuyệt Đối. Anh có mối giây huyết thống với người em nhưng dòng máu đó đã nhạt phai bởi lòng thù hận và tính ích kỷ hẹp hòi.

 

3. Yêu thương nối kết những rạn vỡ

Điều duy nhất khiến người con cả lạc xa cha và người em chính là hai chữ “Tài sản”. Vì tài sản anh sinh ra nghi ngờ lòng yêu thương của cha và thù ghét người em. Nhưng cũng chính tài sản này lại là điểm nối kết giữa người con cả với cha và với người em. Thánh sử Luca khắc họa hình ảnh đầy yêu thương của người cha qua những cử chỉ nhẹ nhàng, từ tốn: “Con à, lúc nào con cũng ở với Cha, tất cả những gì của Cha là của con” (Lc 15, 31). Người cha biết mức độ quan tâm lớn nhất của trưởng nam là tài sản thì giờ đây ông sẵn sàng tuyên bố tài sản đó thuộc về anh ta. Hơn nữa, qua hành động này, ông muốn nói với anh ta rằng: tình thương của cha dành cho con là tài sản lớn nhất. Vâng, tình thương ấy ông không giữ lại cho mình mà trao tặng cho các con. Ông còn muốn truyền tải tình thương ấy cho con qua hành vi tha thứ cho nhau, thay vì “Thằng con của ông đó” thì phải là “Vì em con đây”. Chỉ có tình yêu mới hàn gắn lại những vết rạn vỡ mà lòng thù hận và ích kỷ gây nên, để tình thân ái luôn trào tràn trong tâm hồn và trong mọi mối tương giao.

 

Tin mừng hôm nay kết thúc bằng hành vi bỏ ngỏ không đáp án: người con cả có vào nhà dự tiệc mừng người em trở về hay không? Thánh sử Luca bỏ ngỏ một kết quả dang dở. Dang dở để mỗi người chúng ta đi tìm câu trả lời cho chính mình. Giả như tôi lúc đó là người anh cả, tôi có vào nhà hay không? Tôi có muốn cuộc vui hôm đó và cuộc sống về sau nơi mái nhà Cha luôn là bài ca yêu thương hay không, là quyết định của tôi lúc này?

                                                           M. Anré Dũng Lạc Phạm Văn Phong (CT)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 29/6 – Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô: Hai con người, hai cách làm chứng, một đức tin

Ngày 29/6 – Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ Hai Con Người – Hai Cách Làm Chứng Một Đức Tin Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm C (Ed 34,11-16; Lc 15,3-7) – Xin ơn thánh hóa các linh mục: “Này là trái tim quá...

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm C (Ed 34,11-16; Lc 15,3-7) - Xin ơn thánh hóa các linh mục “Này là trái tim quá yêu...

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Thánh Tâm Chúa Giêsu mở ra vì yêu

Thánh Tâm Chúa Giêsu Mở Ra Vì Yêu (Mt 11,25-30) Dom. Mai Đăng Minh, Thiên Phước Hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Thánh Tâm Chúa...

Ngày 24-06, Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả: “Tên cháu là Gioan” – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ

Ngày 24-06, Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả "Tên cháu là Gioan" – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ Lasan Ngô Văn Vỹ,...

24/6 Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Lc 1,57-66.80: Người con của ân phúc

    NGƯỜI CON CỦA ÂN PHÚC (Lc 1,57-66.80) Lam Châu, Phước Lý Theo Tin Mừng Luca, ông Dacaria và bà Elisabeth đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon...

Chúa Nhật Kính Mình và Máu Chúa Kitô: Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu, nguồn sống

Chúa Nhật Kính Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu, Nguồn Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, trong niềm...

29/6: Lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

  Suy niệm  Lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô M. Tadeo OCist, Fatima Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô không chỉ là...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi sống trong ta

Lễ Chúa Ba Ngôi CHÚA BA NGÔI SỐNG TRONG TA (Mt 28,16-20) Luca, CĐ Phước Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm trung tâm của...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU  M. Teresa Avila Thảo- PH       Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một chân lý cao...