THỨ HAI TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,1-12
Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.” Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!
Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.
II. SUY NIỆM
Dụ ngôn “các tá điền gian ác” mỗi lần được đọc lên thì có lẽ ai cũng hiểu ngay là Chúa Giê-su ám chỉ đến những nhà lãnh đạo Do-thái đã muốn tiếm quyền của Chúa trên dân Israel và đã ra tay giết các ngôn sứ mà Chúa đã gửi đến cảnh tỉnh họ, nhất là đã đóng đinh giết chết chính Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa. Để rồi, Nước Thiên Chúa đã được dành cho ai biết sinh lợi cho Chúa.
Vì thế mà bài chia sẻ này sẽ không tập chú phân tích về điều mà ai cũng đã hiểu đó nữa, nhưng tìm đi tìm ý nghĩa thời sự mà dụ ngôn vẫn tiếp tục cảnh tỉnh chúng ta ngày hôm nay.
1. Ý nghĩa tá điền và vườn nho ngày nay.
– Vườn nho Giáo hội: Cũng như dân Israel xưa được ví như là vườn nho do Đức Chúa trồng và canh giữ, Giáo hội Công giáo là “dân mới” của Thiên Chúa (có thể nói như là sự thay thế dân Do-thái xưa sau khi họ bất tuân phản bội giao ước). Giáo hội – trên danh nghĩa hoàn vũ hay địa phương – thì cũng đều là của Chúa Giê-su. Thế nhưng, không thiếu những đấng bậc lạm dụng chiếm làm của mình, rồi thao túng Giáo hội (cộng đoàn, giáo xứ) theo sự vụ lợi hoặc tham danh cho mình; bảo thủ và phớt lờ những tiếng nói ngôn sứ, thậm chí bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ ra những lạm dụng và sai trái, và cuối cùng “giết chết một Chúa Giê-su đích thực” trong Giáo hội, và chỉ còn lại là sự xuống cấp về niềm tin và luân lý. Chính vì thế, Lời Chúa trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” vẫn luôn thức thời và mời gọi cách riêng những đấng bậc trong Giáo hội từ cấp giáo hội địa phương đến các cộng đoàn giáo xứ hay tu trì luôn phải ý thức vai trò và cách thức mình đang phục vụ, có hợp với đường lối Chúa muốn hay không.
– Vườn nho tâm hồn: Mỗi người cũng được ví như một vườn nho mà Chúa đã trồng và giao cho việc tự quản lý và sinh hoa lợi cho Người. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã coi thường tiếng nói của lương tâm, phớt lờ những lời dạy dỗ và sửa đổi của những người có trách nhiệm, bỏ qua lề luật Chúa và Hội Thánh, hững hờ với việc nghe Lời Chúa, và cuối cùng là “giết chết” Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn – bỏ đạo và hư đi đời đời… Lời Chúa mời gọi mỗi người luôn ý thức về mình để biết trông giữ tâm hồn và làm sinh lợi cho sự nghiệp nước Chúa.
2. Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi và trao cho dân tộc xứng đáng…
Người làm vườn làm không đạt mà còn quậy thì đương nhiên ông chủ sa thải và giao vườn cho những người khác làm tốt hơn. Cũng thế, khi Nước Thiên Chúa được trao cho cộng đoàn hay cá nhân mà không biết làm phát triển và sinh hoa kết quả cho Chúa, thì việc bị cất đi và dành cho dân tộc hay cá nhân xứng đáng hơn âu cũng là điều phải lẽ. chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.
Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.
Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…
Lại nữa, như vườn nho vẫn hút nhựa sống từ “đất”, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo.Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.
Có vườn nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ “đất”, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.
THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Ngày 31/05: LỄ ĐỨC MẸ ĐI VIẾNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 39-56
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
II. SUY NIỆM
“MẸ SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ, MẸ ĐI ĐỂ TRAO GIÊSU”
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau.
Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên hai đặc trưng: Đức tin và sự trao ban – phục vụ.
1. Đặc trưng niềm tin
Với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem (khoảng 100km) với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1, 45).
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 49) . Câu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ.
Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin . Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16, 26; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa” . Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó . Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin nàybao một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo.
2. Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.
Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.
THỨ TƯ TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
I. BÀI TIN MỪNG: Mc 12,18-27
Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.
Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! “
II. SUY NIỆM
Trong thời đại Chúa Giêsu, dân tộc Do Thái tồn tại hai “đảng phái” xem ra luôn đối lập nhau và có ảnh hưởng nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đó là nhóm Pha-ri-siêu và nhóm Sa-đốc (ngoài ra còn một vài nhóm nhỏ như Essenien và Jelos không đáng kể).
Chúa Giê-su không theo một đảng phái nào cả, Người chỉ trích phái Sa-đốc tham quyền cố vị và người Pha-ri-siêu giữ luật giả hình. Chính vì thế mà cả hai nhóm này đều tìm cách bắt bẻ gài bẫy Chúa Giêsu. Nhóm Pha-ri-siêu thường hỏi Chúa Giê-su về những gì liên quan đến luật và nộp thuế, còn nhóm Sa-đốc lại thắc mắc liên quan đến quyền bính và vấn đề kẻ chết sống lại.
Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia?
Qua cách thắc mắc, ta dễ nhận thấy rằng quan niệm và niềm tin của nhiều nước, nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn tin rằng thế giới “bên kia” cũng tổ chức và sinh hoạt như thế giới chúng ta đang sống, và cụ thể là vẫn cưới vợ gả chồng. Tuy nhiên, cái chủ đích mà người Sa-đốc nhắm tới để gài bẫy ở đây là nhằm phủ nhận sự sống lại. Chúa Giêsu đã trả lời cách khẳng định cho họ hai điểm chính yếu sau đây:
1. Có sự sống lại thật.
Chính vì nhóm Sa-đốc chỉ nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, nên Chúa Giêsu trích chính sách Xuất Hành là một trong Ngũ Kinh đó để trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp vẫn đang sống.
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta là vô ích, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên không thể lĩnh hội được. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Giêsu, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. «Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng» (Cv 2,32; x. Cv 10,41). Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Kitô hữu, đến nỗi có thể nói ai không tin vào sự sống lại thì không phải là người Kitô hữu.
2. Đời sống thiên thần (vita angelica)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Và theo quan niệm Do Thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này.
THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,28b-34
Khi ấy, có một người trong các kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? ” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do Thái đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.
Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…) là 3 điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và 7 điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
Chúa Giêsu không chỉ gồm tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa:
1. Yêu mến Thiên Chúa HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN và HẾT TRÍ KHÔN.
– Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.
– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.
– Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
2. Yêu thương kẻ khác NHƯ CHÍNH MÌNH ngươi.
– Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
– Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp.
– Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (1Ga 3, 18). Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ (x. 1Ga 3, 17).
– Thánh Bênađô nói: Mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ” và thánh Augustino cũng dạy: “Bạn hãy cứ yêu đi rồi làm gì hãy làm”. Nghĩa là lòng thương xót, yêu thương và bác ái chúng ta không đạt ra cho nó một giới hạn, nhưng là hãy làm những gì chúng ta có thể làm được, và dù làm việc lành gì đi nữa, mà trong việc làm đó không có sự yêu mến thì cũng vô ích mà thôi.
Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.
THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
I. BÀI TIN MỪNG: Lc 15,3-7
Khi ấy, Đức Giê-su nói cùng các kinh sư và người Pha-ri-sêu rằng: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
II. SUY NIỆM
Hằng năm, ngày thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội tiếp tục mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như là một tiếp nối mừng mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trao ban cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại: trao ban cả chính Thân Mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng từ Thánh Tâm đầy yêu thương.
Điều thật lạ lùng là trong sự độc ác của con người mà tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ – khi sự tàn nhẫn của loài người dùng lưỡi gươm đâm vào trái tim Chúa Giêsu là lúc dòng nước và máu cứu độ tuôn trào.
Hình ảnh một người lính đâm vào cạnh sườn Chúa Giê-su và máu cùng nước chảy ra: Máu nói lên sự sống và tình yêu, nước chảy đến đâu như muốn rửa sạch đến đó. Khi nói Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su, Tin Mừng Gioan muốn tỏ cho mọi người thấy trái tim Chúa đang đổ hết sức sống và tình yêu của Người ra để rửa sạch tội lỗi con người để họ trở thành tạo vật mới, thánh thiện, trong sạch đẹp lòng Chúa.
Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su là hình ảnh phát sinh các bí tích và sinh ra Giáo Hội.
Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay xoay quanh chủ đề Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tội nhân, qua hình ảnh “người mục tử đi tìm con chiên lạc và đưa chiên trở về”.
Trái ngược với cái nhìn loại trừ của các kinh sư Do Thái, khi họ bàn tán xầm xì với nhau về việc Chúa Giêsu đã đón nhận và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu trả lời các kinh sư bằng loạt dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất, và người cha nhân hậu (người con phung phá).
Chỉ có Tin Mừng Luca mới có loạt dụ ngôn đặc biệt này, tác giả đã trình bày sự “lạc lối” của con người theo từng cấp độ khác nhau.
– Con chiên lạc: Đây là một sự lạc lối không có chủ ý bỏ đàn và bỏ mục tử mà đi, nhưng vì nó đam mê tìm hoa thơm cỏ lạ nước mát suối ngon, để rồi dần dần bị lạc đàn xa chủ mà không tìm được hướng đi lối về… bơ vơ. Ám chỉ hình ảnh con người dù ban đầu không bỏ Chúa hay bỏ đạo và không sa lầy vào tội, nhưng vì đam mê của cải, thế tục và đi tìm những thứ mới lạ, đắm mình trong những sở thích cho thân xác… để rồi đánh mất Chúa và lạc lối lúc nào không hay.
– Đồng bạc mất: Người phụ nữ Do Thái có chồng thì có 1 chuỗi xâu 10 đồng bạc mang ở cổ, khi mất đi một đồng, phần thì bị thiếu không mang được, phần thì do không còn bằng chứng để chứng minh mình đã có chồng và khí tiết với chồng, nên cần phải tìm cho thấy đồng bạc mất. Ở đây, có ý nói, đồng bạc trong một xâu chuỗi bị mất, là bị đứt dây liên kết, tách lìa hoàn toàn với xâu chuỗi và rời khỏi cổ chủ hoàn toàn. Nghĩa là, hình ảnh một người hoàn toàn cắt đứt với Giáo Hội và xa lìa khỏi sự cưu mang của Chúa.
– Người con phung phá: Là một người con quyết ra đi có chủ ý, dù không từ nhận cha mình, không cắt đứt với anh mình, nhưng nó muốn bỏ nhà cha và xa anh em để ra đi khẳng định mình bằng những gì mình mang theo (dù đó là của cha cho), muốn tự lập và tự do thoải mải ngoài luân thường đạo lý. Đây là mẫu người dù không từ chối Chúa và Hội Thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình (mặc dù khả năng đó là do Chúa ban), muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội Thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.
Cách riêng, trong bài Tin Mừng hôm nay, dừng lại ở dụ ngôn “con chiên lạc”. Hình ảnh con chiên lạc như đã nói trên là vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội Thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.
Chúng ta đừng thất vọng, Chúa sẽ đi tìm chúng ta, dù chúng ta đã xa lìa Giáo Hội, nhưng Chúa vẫn không bỏ ta, Giáo Hội vẫn mở rộng cửa đón chờ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt nói lên tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Cả triều thần thiên quốc và Hội Thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, biết học nơi Chúa cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen
THỨ BẢY TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
LỄ THÁNH MẪU KHIẾT TÂM
Lễ nhớ
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,41-51
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! ” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
II. SUY NIỆM
“MẸ HẰNG GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG”
Liền sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội tiếp tục cho chúng ta mừng kính Trái Tim vẹn sạch của Thân Mẫu Con Thiên Chúa, là Mẹ Maria.
Nếu Trái Tim Chúa Giê-su được gọi là nguồn mạch của Tình Yêu, thì Trái Tim Mẹ Maria là “máng thông ơn” trung chuyển Tình Yêu từ Chúa Giê-su đến cho nhân loại cách sung mãn nhất. Nếu Trái Tim Chúa là Lòng Thương Xót và sự che chở, thì Trái Tim Mẹ Maria là Tình Mẫu Tử và cảm thông với nhân loại đau khổ. Nếu Trái Tim Chúa đã chịu lưỡi đòng đâm thâu cách hữu hình để khơi Nguồn Suối Cứu Độ, thì Trái Tim Mẹ cũng chịu gươm đâm thâu cách vô hình để hiệp thông cứu chuộc loài người. Tắt một lời, Trái Tim Chúa Giê-su và Trái Tim của Mẹ Maria cùng nhịp đập tình yêu dành cho con người.
Bài Tin Mừng lễ Mẹ Khiết Tâm hôm nay như là một bức họa chân dung ba vị đại thánh là Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giê-su, nhưng vì là ngày lễ kính Trái Tin Mẹ, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng một đặc tính đặc biệt của Mẹ đó là Chiêm Niệm, qua câu: “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51b).
Mẹ Maria sống với đôi mắt luôn nhìn vào Chúa Kitô và luôn đón nhận lời Người như kho tàng của mình. Những kỷ niệm về Chúa Giêsu ghi khắc trong lòng Mẹ, đồng hành với Mẹ trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn nhìn lại những thời điểm cuộc đời mình được sống bên Chúa Giêsu . Từ đó Mẹ sống một cách âm thầm trong sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ không vênh vang về đặc ân của mình, nhưng hầu như rút vào thinh lặng, và có lẽ như vậy mà sau những trình thuật thời thơ âu của Chúa Giêsu, hầu như các Tin Mừng rất ít nói về Mẹ.
Có thể nói, Mẹ Maria sống âm thầm bằng cách không xuất hiện giữa công chúng, ít nhất khi không cần thiết. Và khi cần, Mẹ Maria tức khắc có mặt, nhưng chỉ hiện diện như người phục vụ, chứ không phải như kẻ có quyền để sai khiến. Điều này thật rõ ràng trong tiệc cưới Cana, nơi cho thấy một hình ảnh trung thực về vai trò của Mẹ. Nơi đó, tác giả Tin Mừng thứ tư cũng ghi nhận sự can thiệp kín đáo của Mẹ qua những lời lẽ tế nhị, gọn gàng chính xác (x. Ga 2).
Maria là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu theo sự thường, mặc khải là vén mở những điều ẩn giấu bằng lời nói và hành động, thì nơi Mẹ Maria, Thiên Chúa mặc khải bằng sự che giấu. Không phải bằng lời nói hay hành động nhưng bằng thinh lặng và chiêm ngưỡng. Có thể nói, mặc khải bằng lời nói và thinh lặng là phương thế dành cho đại chúng. Nhưng mặc khải bằng sự âm thầm và thinh lặng là phương thế ưu việt dành cho những linh hồn đặc tuyển.
Mẹ Maria chiêm ngắm chính thần tính (Chúa Giêsu) mà Mẹ mang trong mình, thần tính đó được kết hợp với xương thịt mình trong ngôi vị là Con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô nguồn mọi sự khôn ngoan thông hiểu (x. Cl 2, 3); thế mà Người ở trong Mẹ Maria, nên trong Mẹ đã được che dấu mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu.
Cũng có thể nói Mẹ Maria là một nhà chiêm niệm, Mẹ chiêm ngắm vinh hiển của Chúa Ba Ngôi trong Con Một Thiên Chúa mà Mẹ sinh ra từ xác thịt Mẹ. Chúa Kitô tỏ cho biết làm sao sự vinh hiển của Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong lúc chiêm niệm khi Người nói: “Không ai biết Con trừ ra Cha, cũng như không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ mà Con mặc khải cho” (Mt 11, 27). Thế mà Chúa Giêsu đã từng mặc khải Chúa Cha và chính mình với tư cách là Con cùng Chúa Thánh Thần cho nhiều người, phương chi cho chính Mẹ mình, vì lòng trong sạch của Mẹ vượt hẳn mọi người, xứng đáng chiêm ngắm Thiên Chúa. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Không ai thấy Chúa Giêsu bằng Mẹ Người đã sinh ra Người do chính xác thịt mình. Cũng thế, khi Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha của Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Thiết nghĩ, nếu Chúa Giêsu đã mặc khải mọi sự cho các Tông đồ, thì lẽ nào Người lại giấu không mặc khải cho Mẹ Người là “Nữ Vương các Tông Đồ”?
Tóm lại, nơi Trái Tim tinh tuyền của Mẹ Maria có mọi ơn lành của Thiên Chúa để thông truyền cho những ai chạy đến với Mẹ. Và cũng nơi Mẹ, vì Chúa Giê-su đã cho mẹ được hiểu biết tròn đầy về Thiên Chúa nhờ sự chiêm niệm – chiêm ngắm Người, thì giờ đây Mẹ cũng tỏ ra hết cho những ai học với Mẹ để hằng ngày suy niệm Lời Chúa – suy đi nghĩ lại trong lòng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi kính nhớ trái tim vẹn sạch của Thân Mẫu Ngài, thì cũng biết noi gương Mẹ mà gìn giữ trái tim mình cho trong sạch hầu tda2nh riêng cho Chúa và để hiệp thông cứu độ các linh hồn. Amen.
Hiền Lâm.