THỨ HAI TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17,1-6
Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!
Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.”
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
II. SUY NIỆM
Có ba bài học Chúa dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là: Tránh làm cớ cho người khác vấp ngã, tha thứ không giới hạn và xin Chúa tăng thêm niềm tin cho chúng ta.
1. Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã.
– Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn.
Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: ”Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.
– Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.
Giống như đám cỏ gấu không thể diệt sạch được vì nó có rễ sâu, nhưng chúng sẽ bị lấn át khi chúng ta trồng khoai lang vào. Cũng thế, gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn. Điều đáng ghi nhận là hiện nay nhiều người đã biết dùng những sinh hoạt và trò chơi lành mạnh để thay thế và giúp giới trẻ quên dần những tệ nạn. “không ai làm tôi hai chủ” nếu chúng ta lo tìm kiếm những điều tốt, thì tự nó cái xấu sẽ lụi tàn.
2. Tha thứ không giới hạn.
– Chúng ta thường nói “quá tam ba bận”, như thế đã là hiều, ấy thế mà trong Tin Mừng Chúa dạy phải tha đế bảy lần. Hơn nữa, theo ngôn ngữ Do Thái, con số 7 là con số đủ, tha đến bảy lần có nghĩa là không đưa ra một hạn định nào cho sự tha thứ. Chúa Giêsu trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
– Khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
3. Sức mạnh của niềm tin.
– Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em có lòng tin nhỏ xíu bằng hạt cải thôi, anh em có thể truyền lệnh cho cây dâu nầy bật gốc lên, xuống mọc dưới biển kia cũng được”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình.
– Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông đồ không cân xứng với khả năng nghèo nàn của con người họ. Vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình… thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin giúp chúng con biết học các Tông Đồ mà chạy đến với Chúa và thưa: “Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con”, để rồi, nhờ sức mạnh của niềm tin vào Chúa, chúng con dám nghĩ và dám làm những điều mang lợi lợi ích cho sự nghiệp nước Chúa. Amen.
THỨ BA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17, 7-10
“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
II. SUY NIỆM
Sống đức tin là sống phục vụ. Có làm được điều gì tốt lành thì đó là việc phải làm chứ chẳng có gì để mà vênh vang tự đắc hay có quyền đòi Chúa hay mọi người biết ơn. Do đó, mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi người phải khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “người tôi tớ tầm thường, vì đã làm việc bổn phận đấy thôi.”
Nếu nhờ đức tin, mọi người đều lấy mình làm tôi tớ lẫn nhau thì chắc chắn đức tin ấy sẽ làm được những việc phi thường. Đó là phép lạ của đức tin có hành động. Và cũng chính hành động nầy sẽ kiểm tra chất lượng đức tin của chúng ta xem nó bằng bao nhiêu sánh với hạt cải bé nhỏ.
Tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo Hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giêsu đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… là những việc lành mà Thiên Chúa buộc phải ân thưởng bội hậu cho họ.
Hình ảnh của người đầy tớ tự cho mình là người vô dụng mà Chúa Giêsu sử dụng trong mạch văn này có ý nói rằng, con người không có bất cứ quyền nại đến công nghiệp nào của mình để buộc Thiên Chúa ban ơn cho mình. Thiên Chúa ban ơn cho con người một cách nhưng không, và để đáp lại ân huệ của Ngài, con người chỉ có thể nói lên lòng tri ân và phó thác mà thôi. Tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì mình làm được, con người chỉ có thể và dâng lên Thiên Chúa như một đáp đền và phó thác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại quan niệm về Thiên Chúa mà chúng ta đang có, cũng như cách diễn tả niềm tin của chúng ta:
– Liệu chúng ta đã tính toán so đo với Chúa trên cách sống đạo của chúng ta?
– Liệu chúng ta đã giơ tay cầu nguyện, xin lễ, ăn chay, hãm mình và làm bao nhiêu những việc lành phúc đức khác để cốt Thiên Chúa trả công và chúc lành cho những công việc làm ăn và cuộc sống của chúng ta?
– Liệu có những lúc chúng ta tự phụ rằng, những thành công và may mắn chúng ta đang có là một ân thưởng mà Thiên Chúa đã ban tặng vì công nghiệp và hy sinh của chúng ta…?
Lạy Chúa Giê-su, là tín hữu, chúng con có phận vụ phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, xin cho chúng con lo chu toàn nghĩa vụ của một người con Chúa mà không so đo tính toán hay tìm vinh danh cho mình, nhưng tất cả theo ý Chúa và cho vinh quang Chúa. Amen
THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh đường Lateranô. Lễ kính.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 2,13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? ” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? ” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
II. SUY NIỆM
Hôm nay kỷ niệm cung hiến Thánh Đường Gioan Latran là thánh đường rất cổ xưa và là thánh đường mẹ trong Giáo Hội Công Giáo. Phụng Vụ cho đọc bài Tin Mừng thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh, đồng thời tôn trọng thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự:
1. Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi chợ búa.
Đền thờ Giêrusalem được nói đến đây là đền thờ thứ ba được vua Hêrôđê Cả xây dựng (đền thờ đầu tiên do vua Salômon, đền thờ thứ hai thời Esdra-Nơkhemia đã bị tàn phá) có ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác.
Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.
Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân bảo kê móc túi…
Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.
Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?
2. Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa ngự.
Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa.
Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Tin Mừng giải thích rằng Chúa muốn ám chỉ về thân xác của Người bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh.
Và cũng từ những chứng từ này, mà trong Bài Đọc II, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”
Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó.
Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Chứ đừng để cho “thần tài” ngự hoặc “súc vật” làm ô uế như người Do-thái xưa đã làm cho Giêrusalem.
Lại nữa, như lời thánh Phaolô dạy, không ai có quyền phá huỷ thân xác mình hay thân xác kẻ khác. Tự huỷ hoại thân xác mình hay làm hại người khác đều là tội giết người.
Cuối cùng, vì lòng nhiệt thành với Chúa, chúng ta không sợ kẻ giết thân xác mình, vì xác tín rằng, đền thờ thân xác chúng ta sẽ được Chúa xây dựng lại trong ngày chung thẩm.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen.
THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17, 20-25
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay “Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa! hay “Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
II. SUY NIỆM
Tin vào ngày tận thế hay ngày Chúa quang lâm là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, các tín hữu tuyên xưng sau truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.
“Chúa lại đến”. Đức Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Chúa Giêsu quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết về thời gian ngày tận thế. Chính vì vậy, Chúa Giêsu cảnh báo đừng tin những tiên tri giả và những lời đồn đoán gây hoang mang, như “ngày 22/12”, sự cố Y2K (năm 2000), tối mấy ngày đêm… và rõ ràng là đã không hề xảy ra, dù không thiếu những người, kể cả người công giáo đã tin theo và lo trữ nến và trữ mì ăn liền để “trốn” Ngày Chúa Đến.
Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Chúa Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi.
Chúa Giêsu nói: “Giống như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi”. Không ai thấy trước được ánh chớp, Chúa đến bất ngờ như ánh chớp loé ra và chúng ta chỉ thấy được khi Người đã xuất hiện rồi, khi đó thì đã muộn nếu chúng ta không sẵng sàng. Chúa đến trong uy quyền sáng láng, nhưng trước đó Người phải chịu tử nạn, nghĩa là con đường của thân phận con người qua thập giá đến vinh quang.
Lạy Chúa Giê-su,
xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa…. để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào quê trời vinh hiển. Amen.
THỨ SÁU TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17, 26-37
“Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
“Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy? ” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
II. SUY NIỆM
Những ngày cuối năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho đọc những bài Tin Mừng liên quan đến việc Chúa Giêsu quang lâm và kêu gọi mọi người sẵn sàng tỉnh thức. Toàn cảnh Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt nhấn mạnh đến hình ảnh cuộc quang lâm đầy tính bất ngờ và việc được cứu vớt hay bị tiêu diệt.
1. Tính bất ngờ của ngày quang lâm.
Chúa Giêsu không mạc khải về thời giờ cụ thể của ngày này, Người chỉ nói sẽ có ngày tận thế và ngày ấy đến một cách rất là nhanh chóng và bất ngờ như “ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia” (x. Mc 13,32).
Và để minh họa cho tính bất ngờ của ngày tận thế ấy, Chúa Giêsu dùng hai sự kiện cụ thể trong thời Cựu ước, đó là Lụt Đại Hồng Thủy thời Nôe và Lửa thiêu hủy Sôđôma thời ông Lót để mời gọi mọi người phải có thái độ sẵn sàng cho ngày ấy. Ngày tận thế sẽ đến bất ngờ và nhanh chóng và cái chết cũng đến với mỗi chúng ta bất ngờ như vậy. Vì thế, cần luôn tỉnh thức cầu nguyện và chuẩn bị hành trang thiêng liêng là làm việc lành phúc đức, để khi Chúa đến, Người sẽ gặp thấy chúng ta là những người đầy tớ trung thành và khôn ngoan và triều đại Thiên Chúa sẽ thuộc về chúng ta.
2. Một sự phân định dứt khoát.
Ngày tận thế, khi cuộc phán xét chung diễn ra. Đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”.
Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Ngày kẻ lành được thưởng công và kẻ dữ bị tiêu diệt. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong tâm thế sẵn sàng đón Chúa quang lâm, trong khi vẫn dấn thân xây dựng trần thế tốt đẹp theo ý Chúa. Việc sẵn sàng đối diện với ngày Chúa đến không phải lo tích trữ đèn nến hay lương thực để đối phó (vì chỉ vô ích) mà hãy lo chuẩn bị tâm hồn trong sạch để xứng đáng với ngày Vua Công Chính ngự đến.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân ; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.
Dòng Xi-tô
Ngày 11/11: LỄ KÍNH THÁNH MARTIN TURINO GM
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,31-40
“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? ” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh của toà phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Đó cũng là tinh thần của thánh Martin Turino mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Tính liên đới trách nhiệm với đồng loại là đòi hỏi căn bản để được thưởng hay phạt trong ngày chung thẩm mà Chúa Giêsu xác định ngay từ bây giờ cho chúng ta:
1. Một sự phân định dứt khoát
Được phân biệt ra hai hạng người lành và dữ, như chiên và dê; chứ không còn hâm hẩm nửa vời không nóng không lạnh, không chiên mà cũng chẳng dê.
Thánh Gioan Tông Đồ từng nói về việc Chúa phán với hạng người sống kiểu nửa vời trong sách Khải Huyền rằng: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16).
Thái độ sống đạo của nhiều người ngày hôm nay cũng thế, chiên không ra chiên dê không ra dê, sống kiểu nửa đời nửa đạo, Chúa cũng muốn mà thần tài cũng ham, (hifi bên nào cũng muốn, tu cũng muốn mà tình cảm yêu đương cũng ham…).
Chúa sẽ xét xử chúng ta cách dứt khoát trong ngày chung thẩm, nhưng Chúa cũng muốn chúng ta cần một sự lựa chọn cho việc sống đạo ngày hôm nay, cần xác định chúng ta đang chọn Chúa hay chọn ma quỷ cùng những quyến rũ của nó.
2. Một thực tế sống chứ không phải trừu tượng.
Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: Đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đày. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết. Điều đặc biệt hơn cả là Chúa Giêsu đồng hoá mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Chúa Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
3. Tình liên đới.
Đặt mình vào viễn cảnh phán xét chung, có lẽ những người lành hay dữ đều chung một suy nghĩ là Vua Giêsu sẽ hỏi: Con cháu ai? Làm nghề gì? Chức vụ gì? Học hành cao hay mù chữ…? Hay đọc bao nhiêu kinh, hành hương bao nhiêu lần, đóng góp hoặc xây bao nhà thờ…? Nhưng không ngờ Vua chỉ hỏi: Các ngươi có chia phần của các ngươi cho kẻ đói nghèo, rách rưới, khách lạ hoặc tù đày không? Và kết cuộc, các người ăn thịt Chiên Con cũng đâu có nhớ họ đã ăn bao nhiêu lần, mấy chục ký… nhưng Thần Khí soi sáng cho họ biết là họ chưa hề quên san sẻ cho tha nhân. “Bé cái lầm”, nhưng cái lầm của người bên hữu thật có phước.
Tóm lại, việc thi ân làm phúc bố thí cho đồng loại lại chính là làm cho Chúa như Chúa Giêsu đã khẳng định qua bài Tin Mừng hôm nay. Thể hiện tình liên đới qua việc làm phúc đóng vai trò quyết định cho phần rỗi chúng ta khi ra trước toà phán xét.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đồng hoá mình nơi những người bé nhỏ bất hạnh trên mọi nẻo đường, đang mong chờ sự tấm lòng quảng đại của mỗi người chúng con. Xin mở mắt tâm hồn chúng con để chúng con nhận ra Chúa nơi họ mà sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Amen
THỨ BẢY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 18,1-8
Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: “Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.”
Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? “
II. SUY NIỆM
Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo, chính là thể hiện niềm tin, phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện, đồng thời Người dạy mỗi chúng ta hãy kiên trì và trung thành khi cầu nguyện.
1. Kiên trì cầu nguyện.
Kiên trì là bí quyết chắc chắn để đạt tới thành công trong mọi lĩnh vực, như người ta thường nói: “có chí thì nên” hoặc: “cố công mài sắt, có ngày nên kim.” Trong lĩnh vực tâm linh cũng thế, nếu chúng ta biết kiên trì cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận được điều chúng ta nhẫn nại cầu xin.
Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã, đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn. Nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hi vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hi vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn. Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực của riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa là Cha tốt lành.
Chúa Giêsu khẳng định: “…Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Tuy nhiên, chúng ta dễ hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời. Chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.
Thiên Chúa thoả mãn ta bằng những điều thiện hảo rất cao quý; Người ban Thánh Thần cho ta. Khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu.
Đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.
Thiên Chúa ban điều tốt lành hơn chúng ta mong đợi. Giống như trường hợp đứa bé đòi uống nước ngọt có ga, nhưng mẹ lại cho uống sữa, vì bà biết sữa sẽ tốt hơn cho sức khoẻ, còn nước ngọt dễ làm bé đau bụng, dù sữa không làm cho bé khoái khẩu. Cũng thế, Thiên Chúa ban cho ta điều tốt cho ta, dù trước mắt chúng ta cảm thấy không thoả mãn.
Thiên Chúa có thể không ban trực tiếp điều ta xin, vì có thể làm cho chúng ta ỷ thế lười biếng chờ sung rụng, nhưng Người ban cho chúng ta sức khoẻ, thì giờ và phương tiện để chúng ta đạt được điều chúng ta ao ước chính đáng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
Hiền Lâm.