TẠ ƠN VÀ HỐI LỖI
Lễ Giao Thưa: Ds 6, 22-27; 1Tx 5, 16-26, 28; Mt 5, 1-10
Fr. Vicent Hoa
Chúng ta tin rằng thời gian là hồng ân quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và do đó mỗi ngày là những hồng ân mà chúng ta đều phải tạ ơn Chúa, và thánh lễ nào cũng là thánh lễ tạ ơn. Thế nhưng có thể nói trong thánh lễ giao thừa này, chúng ta có một tâm tình tạ ơn cách đặc biệt hơn cả. Tại sao? Thưa vì nếu như ngày đầu năm, và thánh lễ đầu năm mới chúng ta thường xin ơn: xin hết ơn này đến ơn khác, không chỉ người công giáo chúng ta mà thôi mà tất cả mọi người đều đi chùa, hay đi đến các đền, miếu… để cầu xin sự bình an và mọi sự tốt đẹp cho một năm mới. Và do đó, thánh lễ cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị bước vào năm mới này là thánh lễ mang tâm tình hồi tâm cách đặc biệt hơn cả. Và từ chỗ hồi tâm đó, chúng ta sẽ nhận thấy muôn ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt một năm qua, nhất là ơn về sự sống, về thời gian… mà nhiều khi chúng ta hay lãng quên. Và cũng từ tâm tình hồi tâm đó, chúng ta cũng sẽ nhận ra biết bao nhiêu điều thiếu sót, sai lỗi với Chúa và với anh anh. Do đó trong giây phút này, con xin được chia sẽ hay đúng hơn là một vài gợi ý về hai tâm tình: Tạ ơn và hối hận hay hối lỗi.
- Tâm tình tạ ơn
Xin ơn và biết ơn hay tạ ơn là nét riêng và cao cả của con người, làm cho con người khác với các con vật khác, vì chỉ có con người mới ý thức được việc xin ơn và tạ ơn. Nhìn lại một năm qua, trên phương diện tập thể: cộng đoàn, giáo họ, gia đình… cũng như phương diện cá nhân, chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu là hồng ân của Chúa và của nhau. Có thể nói nhiều lắm, giờ này chúng ta không thể nào nhớ hay kể ra hết được. Chỉ cần suy nghĩ một chút về việc giờ này chúng ta đang được bằng an, được ngồi bên nhau để dâng thánh lễ Giáo Thừa này thôi, cũng đã thấy hồng ân to lớn thế nào rồi. Biết bao người hôm đầu năm chúng ta còn nói chuyện, còn thăm hỏi, còn cầu chúc nhau…giờ này đã xa chúng ta…. Hay cha già Ngọc chúng ta, giờ này đang ngồi bên cạnh chúng ta đây, trong khi bao nhiêu người đang mắc kẹt bên Mỹ, không thể về Việt nam được, nếu không nói là bỏ xác bên Mỹ… Một vài gợi ý như thế để cho thấy biết bao nhiều hồng ân mà chúng ta- ngang qua cộng đoàn hay gia đình- đã nhận được từ Thiên Chúa, để rồi chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn trong giây phút này.
Mặc dầu tâm tình tạ ơn như thế đôi khi cũng không dễ dàng, vì trong lúc nay đây, biết đâu vẫn còn đó, những tâm trạng thất vọng trước những đau khổ cá nhân hay tập thể xã hội, để rồi khó nhận ra những ân huệ Chúa ban, và do đó khó nói lên lời tạ ơn. Quả vậy nhìn lại một năm qua, có thể nói là một năm biến động, với những dịch bệnh trên khắp thế giới, hay những thiên tai ở miền trung… Rồi cũng có những người đau khổ vì bệnh tật, vì thất bại hay nghèo khổ… Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta vẫn phải tạ ơn, vì đối với chúng ta tất cả là hồng ân, và do đó chúng ta vẫn phải tạ ơn luôn, tạ ơn không ngừng, như thánh Phaolo trong thư 1Tx mà chúng ta được nghe trong bài đọc thứ nhất: chúng ta phải tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tại sao lại như vậy? Thưa vì mặc dầu những khó khăn nhưng chúng ta vẫn còn được Chúa cho sống đến giờ này. Và nếu có đau khổ hay bệnh tật đi nữa thì, – với niềm tin Kitô giáo của chúng ta về mầu nhiệm đau khổ- vẫn là những phúc lành cho chúng ta, vì như thánh Phaolo nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Quả vậy bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mà chúng ta thường gọi là Bát Phúc, cho chúng ta thấy, các phúc lành của Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải chỉ là những điều mà chúng ta cảm thấy tốt đẹp như sự giàu có, sung túc, sức khoẻ hay sự bằng an theo kiểu thông thường của thế gian mà thôi, mà cả những đau khổ, những điều mà thế gian cho là tai hoạ, thậm chí coi là bị chúc dữ… Có thể nói, chính ngang qua đau khổ mà chúng ta mới thực sự nhận được các phúc lành đích thực từ Thiên Chúa. Sự nghèo khó, sự sầu khổ, sự bách hại, sự vu khống… lại là những phúc thật mà qua đó đưa chúng ta đến sự sống thật. Và ngược lại, cũng chính ngang qua mầu nhiệm đau khổ, cụ thể là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Chúa Kitô đã dùng để chuyển tải phúc lành từ Thiên Chúa cho chúng ta. Do đó giờ phút này chúng ta phải nói lời tạ ơn với hết cả tấm lòng của chúng ta, dù tâm trạng chúng ta đang ra sao hay chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào.
- Tâm tình hối lỗi.
Bên cạnh tâm tình tạ ơn, có lẽ chúng ta cũng cần phải nói đến tâm tình hối lỗi, một tâm tình không thể thiếu trong giờ phút này đối với Chúa và đối với nhau. Tại sao lại như vậy? Thưa vì có lẽ không ai trong chúng ta lại không cảm thấy những thiếu sót, những sai lỗi đối với Chúa và đối với nhau trong suốt một năm qua. Và do đó chúng ta ai cũng cảm thấy hối hận về những cơ hội Chúa và cộng đoàn hay gia đình trao ban cho chúng ta mà chúng ta đã bỏ lỡ. Hồi tâm lại, chúng ta sẽ thấy Chúa đã ban cho chúng ta thời gian sống của một năm, với những điều kiện thuận lợi để chúng ta sinh hoa kết quả, để chúng ta nên người, nên thánh. Nhưng chúng ta đã sử dụng thế nào? Chúng ta có tận dụng hết những ân huệ Chúa ban đó không? Chúng ta đã sử dụng những phương tiện là những tài năng, là những cơ hội, là sức khoẻ để phụng sự Chúa và phục vụ anh em một cách hiệu quả chưa?v.v.v. Để rồi khi hồi tâm suy nghĩ trong giờ phút này về những ân huệ của một năm qua, chúng ta không những thấy mình còn nhiều thiếu sót mà thôi, mà thậm chí còn nhận ra mình còn sử dụng (hay lợi dụng) những ân huệ là thời gian, là cơ hội, là những phương tiện Chúa ban đó để làm điều dữ, điều xấu xa, điều bậy bạ nữa. Không những phương hại đến mình mà còn phương hại đến cả anh em, ảnh hưởng đến cộng đoàn hay gia đình và xã hội nữa. Nói thế để thấy được rằng đây cũng là những giây phút- như là cơ hội cuối cùng trong năm- để chúng ta hối hận, để chúng ta xin Chúa và xin anh chị em thứ tha những thiếu sót những lỗi phạm mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và đến nhau.
Trên đây chỉ là một vài chia sẻ như thể gợi ý giúp chúng ta sống tâm tình của những giây phút còn lại cuối cùng trong năm nay mà thôi. Còn biết bao nhiêu tâm tình khác mà trong giờ phút linh thiêng này mỗi cá nhân muốn trải lòng mình ra với Chúa và với anh em cách âm thâm. Vậy chúng ta hãy dành một chút thing lặng để mỗi người có thể lặng đọng tâm hồn nhìn thấy mình cách rõ hơn, qua đó có thể giải bày lòng mình ra với Chúa cách trung thực nhất và tâm tình nhất với Chúa trong giờ phút này!