THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
(Bài Suy Niệm Thứ 5 tuần XI TN)
Nhìn vào thực tế cuộc sống trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy đủ mọi vấn đề phức tạp xảy ra. Nguyên nhân của những rắc rối đủ loại ấy là do ai cũng theo đuổi và chủ trương sống chủ thuyết “qui ngã”, tôn thờ cái tôi, chẳng chịu tha thứ cho mình và cho người khác. Đã có biết bao người tự “giải thóat” mình bằng cái chết, vì không tìm được cách nào hóa giải các bế tắc của cuộc sống. Có biết bao gia đình đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất, rơi vào cảnh đổ vỡ, chia ly. Và cũng không thiếu những tổ chức, xã hội đang đi vào ngõ cụt của tình trạng suy vong, có nguy cơ bị xóa sổ trong thời gian gần…. Tất cả đều do thiếu lòng khoan dung tha thứ: tha thứ cho mình và tha thứ cho nhau.
Trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 6, 7-15), sau khi dạy các môn đệ lời kinh quan trọng nhất, đẹp nhất và mới nhất, Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ phải tha lỗi cho người đồng loại thì mới mong được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi cho mình: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6, 14-15).
Đối với Đức Giêsu, tha thứ cho người khác không hẳn chỉ là sự công bằng, điều phải lẽ: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31) mà còn là điều kiện bắt buộc để được Thiên Chúa tha thứ cho mình: nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Thiên Chúa cứ dựa trên cách hành xử của chúng ta với người đồng loại để phán quyết công trạng của chúng ta.
Thật là logic khi kết hợp giữa sự tha thứ cho nhau với giới răn mến Chúa yêu người. Chúng ta chỉ yêu người khác vì có lòng mến Chúa, và không thể nói mến Chúa nếu không có lòng yêu thương người đồng loại. Sự tha thứ cũng như vậy, không thể được Thiên Chúa tha thứ nếu chính mình không biết tha thứ cho người khác. Dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18, 23- 35) vẫn là một thực tế còn đang xảy ra dưới nhiều hình thức tương tự trong xã hội chúng ta hôm nay.
Tha thứ là việc phải thực hiện ngay nếu không muốn những bất trắc sẽ xảy đến. Hiệu quả của sự tha thứ thật rõ ràng: mình tha thứ cho người ta thì người ta mới tha thứ cho mình. Đức Giêsu đã chẳng dạy chúng ta khi nói: anh em muốn người khác làm cho mình điều gì thì hãy làm cho người ta trước là gì. Kinh hòa bình của thánh Phanxicô có câu thật ý nghĩa, cũng là cách lặp lại đòi hỏi của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.
Tha thứ cho nhau là điều cần thiết để được Chúa tha thứ; tuy nhiên nói, hiểu và biết tha thứ là một chuyện còn bắt tay vào thực hiện lại là chuyên khác. Ai cũng có kinh nghiệm rằng tha thứ là việc làm không dễ, nó đòi chúng ta không những nghị lực mà cả lòng khiêm tốn và nhẫn nại. Động lực khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người anh chị em trước hết là ý thức mình đã được Thiên Chúa thứ tha trước: vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng tha thứ cho người anh chị em của ta. Trong lời cầu nguyện Đức Giêsu dạy chúng ta khiêm tốn thưa với Cha: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6, 12). Chính Đức Giêsu đã quả quyết ai thực thi lòng thương xót, người ấy được chúc phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).
Muốn tha thứ đòi chúng ta khiêm tốn đi bước trước: Giacóp tìm đến với Esau (x. St 32-33), Đavít mặc dù có thể giết bố vợ, ông Saul nhưng đã kiềm lòng để tha thứ (x. 1Sm 24).
Tha thứ là hành động của đức tin. Làm sao Đavít có thể tha thứ cho bố vợ, kẻ thù của mình nếu không nhận ra kẻ đáng phải chết ấy đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong? Sau này Đavít đã sọan rất nhiều Thánh vịnh mang nội dung cầu xin Thiên Chúa ban ơn và chỉ cho biết cách tha thứ cho kẻ thù.
Mẫu gương tuyệt hảo của sự tha thứ là Đức Giêsu: không những tha thứ cho những kẻ tố cáo, sỉ nhục, và giết Người, hơn nữa còn cầu xin Cha tha cho họ nữa. Phát xuất từ lòng yêu thương tột cùng nên Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ tất cả: thật là quảng đại. Nếu Đức Giêsu – hiện thân lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để tha thứ cho chúng ta tất cả: “nếu Chúa chấp tội nào ai được rỗi” (x. Tv 129) thì chúng ta cũng được mời gọi tha thứ cho anh chị em của chúng ta.
Để kết thúc bài suy niệm, xin được trích lại những lời nhắn gởi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong phần dẫn nhập các bài giảng tĩnh tâm nhân dịp Năm Thánh Thương Xót dành cho các linh mục và chủng sinh, (từ ngày 1 tới ngày 3 tháng Sáu – 2016): “… không gì kết hợp ta với Thiên Chúa nhiều hơn một hành vi thương xót, chính vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi ta và ban ơn thánh để ta thực hành các hành vi thương xót nhân danh Ngài. Không gì củng cố đức tin ta nhiều hơn việc được tẩy sạch mọi tội lỗi. Không gì có thể rõ ràng hơn giáo huấn của tin mừng Mátthêu chương 25 và các mối phúc thật, “phúc thay người có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót” (Mt 5, 7), đối với cái hiểu của ta về thánh ý Thiên Chúa và sứ vụ Ngài ủy thác cho ta. Ta có thể áp dụng vào lòng thương xót câu Chúa phán rằng “đong đấu nào các con sẽ được đấu đó” (Mt 7, 2)”.
Mai Thi