Thứ tư, 22 Tháng Một, 2025

THÁNG 10 SUY NIỆM VỀ KINH MÂN CÔI-Lm. Hoàng Luật

THÁNG 10 SUY NIỆM VỀ KINH MÂN CÔI

Người Kitô hữu nói chung, người Công giáo Việt Nam nói riêng, luôn dành cho Mẹ Maria những tâm tình mến yêu rất đặc biệt qua kinh nguyện, thánh lễ, qua các sinh hoạt đạo đức bình dân, nhất là qua việc lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Lòng sùng kính Mẹ Maria càng mạnh mẽ, hào hứng hơn mỗi khi chuẩn bị bước vào Tháng Mười; tháng Giáo hội kính Đức Mẹ Mân Côi. Trong tháng này sẽ có những sinh hoạt đặc sắc để tỏ lòng mến yêu Đức Mẹ. Một trong những việc không thể thiếu trong tháng này đó là các tín hữu, các hội đoàn, nhất là Hội Mân Côi sốt sáng lần hạt kính Mẹ Maria.

1. Giá trị của Kinh Mân Côi

Có thể nói, trong các kinh nguyện Kitô giáo, không có kinh nào thông dụng, được nhiều người đọc, suy niệm, cầu nguyện cho bằng Kinh Kính Mừng. Từ Giáo Hoàng cho tới người tín hữu; từ người trí thức cho tới người bình dân đều đọc. Kinh Mân Côi được các tín hữu đọc trên mọi nẻo đường, mọi hoàn cảnh, khi vui, lúc buồn để ca ngợi, tôn vinh Thiên Chúa, ngợi mừng Mẹ Maria. Với tràng chuỗi Mân Côi trên tay, người Kitô hữu dễ dàng đi vào tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Lời Kinh Mân Côi là lời kinh đẹp nhất, được yêu thích nhất, là lời kinh không thể thiếu trong đời sống đức tin người Kitô hữu. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng, trong Tông Thư Kinh Mân Côi xác tín: “Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ”. Đúng vậy, Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chuỗi hạt Mân Côi 200 hạt, 150 hạt, 100 hạt, 50 hạt, hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng, là “lời ca tụng Đức Kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” (x. ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18). Mỗi chục Kinh Mân Côi khởi đầu bằng việc suy niệm về một mầu nhiệm quan trọng cuộc đời Chúa Giêsu. Kế đến là Kinh Lạy Cha, và kết thúc bằng Kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy, Kinh Mân Côi là việc đạo đức bình dân bắt nguồn từ việc thực thi Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là gì nếu không phải là lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ. Kinh Kính Mừng là gì nếu không phải là lặp lại lời chào của sứ thần Gabriel và của bà Elisabet mà chúng ta nghe trong Tin Mừng Luca(x.Lc 1,26-38). Tất cả đều được rút từ Tin Mừng. Hơn nữa, khi lần hạt chúng ta tiếp cận và sống toàn bộ Tin Mừng qua những mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu Ngôi Lời nhập thể. Vì thế mà thánh Phaolô VI Giáo Hoàng trong Tông Huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Tin Mừng rút gọn”(x. MC 46). Thật vậy, 20 mầu nhiệm Kinh Mân Côi trình bày cho chúng ta những giai đoạn chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với nội dung phong phú như thế, Kinh Mân Côi không chỉ là một lời kinh chúng ta đọc trên môi trên miệng, mà còn là những đề tài suy gẫm rất hữu ích cho đời sống đức tin. Chính thánh Phaolô VI Giáo Hoàng cũng từng nói: “Nếu lần chuỗi Mân Côi cách thư thả, trầm tưởng thì sẽ là một lời kinh chiêm ngắm, suy niệm về những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô qua tâm hồn của Đấng đã ở gần Chúa hơn hết, và như vậy mới khám phá ra những kho tàng vô tận của phép lần hạt”(MC 47)[1]. Linh mục Alan de la Roche, OP, ở thế kỷ 15, bảo đảm rằng: Chuỗi Mân Côi là nguồn vô biên của các phúc lành; Tội nhân được tha thứ. Linh hồn nào khao khát sẽ được thỏa khát. Ai khổ sầu sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ai bị cám dỗ sẽ được bình an. Người nghèo được giúp đỡ. Tu sĩ được canh tân. Ai không hiểu biết sẽ được hướng dẫn. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng một người rất yêu mến Đức Mẹ cũng từng xác quyết: Lần Chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ”.

2. Đọc Kinh Mân Côi làm vui lòng Đức Mẹ

Mẹ Maria là mẹ thật chúng ta (x. Ga 19,26-27). Con cái bao giờ cũng yêu mẹ mình và muốn mẹ mình vui. Mẹ rất vui khi thấy chúng ta chăm chỉ sốt sáng đọc Kinh Mân Côi hàng ngày. Khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta đang sống với Mẹ, đang cùng Mẹ ca ngợi chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa quyền năng, tình thương, Đấng đã ban cho Mẹ đầy ơn phúc. Đang cùng với Mẹ “nghi nhớ và suy niệm trong lòng” những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại, cho Giáo hội, cho gia đình và cho bản thân chúng ta. Đặc biệt qua Kinh Mân Côi chúng ta làm sống lại những biến cố của Con Mẹ khi xưa, Đấng đã yêu thương và yêu thương cho đến chết vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Và khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta giáp mặt, đối diện với những thực tế cuộc sống: vui buồn, đau thương, những trái ý nghịch lòng, những thành công thất bại… Mẹ Maria đã đối diện với những biến cố đó. Những biến cố đó đã không làm Mẹ đầu hàng, trái lại Mẹ đã thăng hoa tất cả mọi biến cố ấy thành giá trị cứu độ bằng niềm tin, tình mến, bằng sự tín thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nên, khi lần chuỗi Mân Côi, không những giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong niềm tin mà còn giúp chúng ta biết cách sống với nhau, giúp chúng ta biết đón nhận những biến cố cuộc đời trong tin yêu phó thác. Bởi thế, Mẹ Maria rất muốn chúng ta năng đọc Kinh Mân Côi nhất là những lúc gặp khó khăn sầu muộn. ..

Chúng ta còn nhớ, Mẹ đã truyền cho thánh Đaminh phải lần chuỗi Mân Côi khi Giáo hội đối diện với bè rối Albigense đang phá hoại Hội Thánh. Mỗi lần hiện ra ở chỗ nào Mẹ cũng mời gọi con cái ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và lần chuỗi Mân Côi, chẳng hạn như ở Lộ Đức, ở Fatima. Vậy trong tháng Mân Côi này, với tình con thảo, chúng ta hãy sám hối, cải thiện đời sống và nhất là năng lần Chuỗi Mân Côi như một cử chỉ mến yêu Mẹ, làm đẹp lòng Mẹ. Thánh Piô Năm Dấu từng chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”.

3. Kinh Mân Côi nuôi dưỡng đời sống đức tin

Đọc Kinh Mân Côi là việc đạo đức bình dân nhưng lại rất hiệu nghiệm cho đời sống đức tin, nhất là những lúc tăm tối khổ đau. Sức mạnh vạn năng huyền nhiệm của Kinh Mân Côi đã hiệu nghiệm rất rõ ràng qua những biến cố đau thương của Giáo Hội. Chẳng hạn vào năm 1571, trước sức mạnh đe dọa của Hồi Giáo trên phần đất nước Ý, thánh Giáo Hoàng Piô V đã kêu gọi con cái mình chung sức bảo vệ. Các vua chúa Công Giáo Châu Âu đáp lời. Đạo binh Thánh Giá lên đường ra tiền tuyến. Hậu phương yểm trợ bằng Kinh Mân Côi. Nhờ vậy, Giáo hội thoát sự thôn tính của Hồi Giáo. Để ghi nhớ ơn Đức Mẹ, thánh Piô V đã thiết lập ngày lễ Mẹ Mân Côi vào ngày 07.10 hàng năm. Hoặc như tại Việt Nam thời kỳ bách hại đạo, các Kitô hữu phải trốn lên rừng, phải ở nơi kín đáo để giữ đạo. Những lúc như vậy, Kinh Mân Côi đã nối kết các Kitô hữu thành một sức mạnh phi thường để giữ vững đức tin. Mỗi khi Kinh Kính Mừng được cất lên, lòng họ cảm thấy ấm lên, có niềm vui, được sự an ủi rất nhiều vì biết rằng có Chúa và Mẹ Maria đang hiện diện. Đọc lại lịch sử Mẹ hiện ra tại Lavang chúng ta thấy điều đó.

Ngày nay giữ đạo tương đối dễ, cuộc sống văn mình hiện đại. Thế nhưng cảm bẩy tội lỗi, sự chết luôn rình rập cuộc đời người Kitô hữu. Ai cũng thấy sự ích kỷ, tham lam, tham nhủng, gian dối, bất công, tàn ác, bạo hành, dửng dưng vô tâm… làn tràn đó đây, làm cho đời sống mất phương hướng, mất niềm tin. Muốn vượt qua những cảm bẩy đó, người Kitô hữu chúng ta cần phải đọc Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi như cái phao giúp chúng ta khỏi bị chìm xuống đáy sự dữ. Nhìn vào thực tế hôm nay, nhiều gia đình Công giáo bị khủng hoảng, mái ấm gia đình nhiều nguy cơ đổ vở, một phần cũng vì người ta không có giờ hoặc làm biếng không chịu qui tụ lại để đọc Kinh Mân Côi sớm hôm. Quả vậy, gia đình nào giữ được truyền thống đạo đức tốt đẹp; đọc kinh chung, lần chuỗi Mân Côi với nhau thì gia đình đó bình an hạnh phúc. Chính vì vậy, Giáo Hội luôn cổ võ việc lần chuỗi Mân Côi trong các gia đình. Các Đức Giáo Hoàng không ngừng khuyến khích các Kitô hữu siêng năng lần chuỗi. Ví dụ Đức Giáo Hoàng Piô IX nói: “Chúng con muốn được sự bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và trong xứ sở… thì hãy hợp nhau ban tối để cùng nhau lần hạt Mân Côi”. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII thì nói : “Cha mạnh dạn quả quyết rằng: Gia đình nào có truyền thống lần hạt Mân Côi hằng ngày, sẽ không bao giờ mất đức tin”. Đức Giáo Hoàng Piô XII rất tin tưởng vào phép mầu của tràng chuỗi Mân Côi, nên đã tuyên bố: “Không có một phương cách nào linh diệu hơn để tiếp nhận nhiều ơn lành của Chúa xuống cho gia đình, cho bằng lần hạt Mân Côi”. Đức Giáo Hoàng Piô XI viết: “Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi”. Thánh Giáo Hoàng Piô X cũng nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình không được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng trong tuần lễ đầu khi mới đắc cử Giáo Hoàng đã nói với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”. Và chính ngài là người đã thêm Mầu Nhiệm Năm Sự Sáng vào Kinh Mân Côi qua Tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 16 tháng 10 năm 2002 nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngài được bầu làm Giáo hoàng.

Vậy trong tháng 10 này, chúng ta hãy dâng cho Mẹ Maria những nghĩa cử đẹp đó là sốt sáng lần Chuỗi Mân Côi để tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ. Và qua việc lần chuỗi Mân Côi, chúng ta hy vọng Mẹ sẽ cầu bầu cho thế giới, cho Hội Thánh và gia đình chúng ta được an vui hạnh phúc.

Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật

 

[1] X. TỪ ĐIỂN ĐỨC MẸ, chủ biên Anphonso Botsa, S.M.M, Mathia M. Ngọc Đính dịch, trang 64

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy: Phong Chức Linh Mục và Phó Tế ngày 27.12.2024

  ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ (27.12.2024) Đường link xem hình: https://www.flickr.com/photos/129715621@N04/albums/72177720322802740/ Bầu khí Giáng sinh vẫn...

Hồng Ân Thánh Hiến – Đan Viện Xitô Châu Thủy, 11.07.2023

HỒNG ÂN THÁNH HIẾN - ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY Hôm nay ngày 11.07.2023, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức viện phụ,...

Thánh lễ An Táng – Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành

THÁNH LỄ AN TÁNG - Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành Cách đây gần 4 tháng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã...

Thánh lễ An táng Đan sĩ Lm. M. Clemente Phạm Sĩ Ân 10.02.2023

THÁNH LỄ AN TÁNG  Đan sĩ Linh mục Maria PHẠM SĨ ÂN         Xem hình ảnh tại đây      Bầu khí Đan...

Lễ Phong chức Linh mục tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy 19.12.2022

THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy Thứ ba - 20/12/2022 Xem hình          Gần tới Lễ Chúa...

Xin kính dâng Cha (dâng lễ) St: Lm. Hoàng Luật, Tb: Tốp ca MTG Vinh

https://youtu.be/ZzbEenqJrn0      

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY

  ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY(Phần I)     I....

Lịch sử Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy(Phần II)

  LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU...

Lễ Phong Chức linh mục và Phó Tế, Cộng Đoàn Châu Thủy

LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ Đan...

Khấn Dòng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: HỒNG...