SUY NIỆM
SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT
Ca dao Việt Nam nói: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Trong tâm tình biết ơn những người ra đi trước, Giáo Hội dành riêng tháng 11 hàng năm, nhất là ngày mồng 02 tháng 11 để nhắc nhở và mời gọi chúng ta tưởng nhớ, dâng lễ, cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các đẳng linh hồn. Các ngài là những người thân chúng ta, cũng có thể là những người chúng ta không biết. Đồng thời Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta về sự mỏng dòn yếu đuối chóng qua của kiếp nhân sinh, để chúng ta chuẩn bị tâm hồn, vì không biết chết giờ nào vào lúc nào(x.Mt 23,13). Thánh vịnh 103,15-16) nói:
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Thánh vịnh 89 nói:
“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát chúng ta đã khuất rồi”.
Đúng vậy, ai cũng phải cái chết. Người chết trẻ kẻ chết già. Người chết trên giường kẻ chết ngoài đường. Người chết trên sông kẻ chết “trên không”. Chúng ta hãy ra các nghĩa trang mà xem, già trẻ, quyền cao chức trọng, đẹp xấu, vô danh-danh tiếng đều có. Một thời họ cũng từng sống như chúng ta; vui buồn, hạnh phúc, lo lắng khổ đau, hơn thua thiệt thòi, tranh chấp… giờ chỉ còn nấm mồ, chẳng còn gì. Mới ngày nào đó còn cha còn mẹ, còn ông bà, giờ khuất bóng. Mới ngày nào đó những người thân quen trong: “Tình làng nghĩa xóm”, trong cộng đoàn, trong giáo xứ đang sống; nét mặt, tiếng nói, cách sống của họ vẫn còn đó, giờ không còn. Khi nhìn lại bản thân, chúng ta thấy cuộc đời trôi đi rất nhanh, mới ngày nào đó còn bé, còn trẻ, tuổi đôi mươi, mới chập chưởng bước vào đời, bước vào nhà dòng, giờ đã 40,50, 60, 70 tuổi cả rồi. Cuộc đời bắt đầu “xuống cấp”: Tóc bắt đầu bặc, răng bắt đầu long, lưng bắt đầu còng, chuẩn bị bước vào ngưỡng của sự chết. Liệu giờ này sang năm tôi còn sống nữa không? Chúng ta không chắc, sự chết đến rất bất ngờ không ai nói trước được. Trong suốt một năm nay chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu người ra đi bất ngờ do chiến tranh, bệnh tật, tai nạn… Chẳng hạn tai nạn chiều 2/1/2019, xe Container đã tông hàng loạt xe máy ở ngã tư gần cầu Bến Lức, Long An, khiến 4 người chết, gần 20 người bị thương. Tại nạn thảm khốc chiều 21/1/2019, tại cầu vượt Kim Lương, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương, khiến 8 người tử vong, 7 người bị thương. Tai nạn sáng 27/3/2019, tại ngã 4 quốc lộ 2C với tuyến đường đi Mả Lọ, địa bàn xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, xảy ra tai nạn giao thông giữa xe ôtô khách với đoàn người đưa đám ma, làm 7 người chết, 1 người bị thương. Không nói đâu xa, trong năm vừa rồi, gia đình, giáo xứ, hội dòng đã phải ngậm ngùi, rơi lệ, đau xót khi khi tiễn đưa, vĩnh biệt những người thân của mình hoặc là ba, hoặc là mẹ.. hoặc là anh chị em trong hội dòng. Chúng ta chứng kiến cái chết thường xuyên.
Đứng trước sự chết, ai cũng cảm thấy đau, cảm thấy mất mát. Nhưng trong niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta biết rằng, chết không phải là hết, mà bước qua một hành trình mới. Chết để rồi để sống. Như hạt giống nó phải thối đi nó mới nẩy mầm(x.Ga 12,24-28). Việc kẻ chết sống lại là một chân lý. Trong cơn đau đớn, ông Gióp đã mạnh mẽ xác tín: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống,và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa”(G 19,25-26). Và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu quả quyết “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời(x. Ga 37-40). Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngày thu, chúng tôi không muốn anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu… Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau”(1 Tx 4,13-14.18).
Vâng, chết để rồi sống, nên sự chết với người có niềm tin vào Chúa Giêsu không có gì phải sợ, không rơi vào ngỏ cụt mà đi vào tương lai hy vọng. Thánh Phanxicô Assisiô coi sự chết như một người chị rất gần gủi: Chị Chết. Dù muốn dù không Chị cứ đến với cuộc đời ta như người nhà. Chị đến mà không báo trước, chẳng cần ai dẫn đường. Cuộc sống nơi dương gian này tạm bợ chóng qua. Trịnh Công Sơn ví cuộc đời này như quán trọ không có gì bề vững. Ai rồi cũng phải chết, bỏ lại đàng sau tất cả không mang được gì. Ý thức được điều đó, mỗi người khi còn sống hãy lo cho mình có một giấy thông hành để vào Nước Trời. Giấy thông hành này chỉ có thể mua được bằng tấm lòng sám hối, sự canh tân, việc đạo đức, quảng đại, hy sinh, hãm mình, sống đức công bằng, bác ái yêu thương, sống và làm theo Lời Chúa dạy. Có thế, ta mới hy vọng được chung hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa.
Trong suốt tháng 11 này, Giáo Hội tưởng nhớ các linh hồn ở nơi luyện ngục. Các ngài là những người ra đi trước, trong đó có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em họ hàng, làng xóm. Khi còn sống các ngài đã tin vào Chúa Giêsu. Không những thế, các ngài còn giáo dục, dạy chúng ta tin vào Chúa Giêsu nữa. Với đời sống người Kitô hữu luôn tin yêu vào Chúa Giêsu, chúng ta xác tín rằng các ngài cũng được tham dự vào sự sống của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không biết các ngài đã hưởng hạnh phúc với Chúa chưa, hay còn ở nơi thanh luyện. Điều chúng ta biết chắc, đã là con người thì bất toàn, không tránh khỏi những lầm lỗi; lỗi lầm do yếu đuối, lỗi lầm do cố tình, do hoàn cảnh, và có thể do chúng ta gây nên nữa. Bởi thế, chúng ta hãy giúp các ngài. Giúp bằng cách nào? Sách 2 Macabê chỉ cho ta: Hy sinh, dâng lễ tế cầu ơn xá tội cho họ(x. 12,43- 45) .
Người Công giáo chúng ta có truyền thống rất đẹp đó là gần tới ngày lễ các đẳng linh hồn, người ta sửa sang, trang hoàng đất thánh. Đây là những nghĩa cử rất đẹp đối với những người đã khuất. Tuy nhiên, cách thức và ý nghĩa hơn cả vẫn là dâng lễ, hy sinh, làm việc lành phúc đức cầu nguyện cho các ngài. Khi chúng ta cầu nguyện cho các ngài là chúng ta tỏ lòng biết ơn, tỏ lòng hiếu thảo, tỏ lòng bác ái đối với các ngài. Bởi thế trong tháng này chúng ta hãy nhớ tới các ngài một cách đặc biệt hơn qua việc dâng lễ, hy sinh, cầu nguyện cho các ngài sớm hưởng hạnh phúc nhan Chúa. Khi các ngài được hưởng hạnh phúc trên trời thì các ngài cũng sẽ không quên cầu bầu cho chúng ta. Và khi chúng ta cầu nguyện cho các ngài, chúng ta cũng xác tín có sự sống mai sau và chúng ta sẽ ý thức hơn cách sống hiện tại của mình.
Ước mong tháng 11 sẽ là cơ hội để chúng ta tỏ lòng tri ân, hiếu tháo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em bạn hữu, không chỉ bằng nén hương que nhang thắp trước phần mộ mà bằng cả tấm lòng mong muốn làm điều gì đó để đền bù cho họ vì những thiếu sót trong thân phận con người. Xin cho các linh hồn sớm được nghỉ yên trong tình yêu Chúa muôn đời. Amen
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật