THÁNG 5 DÂNG HOA KÍNH MẸ MARIA
Sáng nay bước ra cổng Đan viện bổng dưng thấy hàng cây hoa phượng bắt đầu chớm nở, khoe sắt màu đỏ thắm báo hiệu mùa hè, tháng 5; Tháng Hoa kính Đức Mẹ sắp đến. Lòng trào dâng phấn khởi vì những ký ức, những sinh hoạt, nghi lễ tôn kính Đức Mẹ tuôn về. Thật vậy, hàng năm phụng vụ dành rất nhiều dịp để tôn kính Đức Mẹ nhưng tháng 5 là tháng mà người Kitô hữu, đặc biệt các tín hữu Việt Nam dành cho Đức Mẹ nhiều tâm tình đạo đức nhất qua những bó hoa thiêng, chuỗi Mân Côi, những lời kinh sốt sắng trong các Giờ Chầu, Giờ Ðền Tạ tại tư gia hay trong các nguyện đường. Những bài viết suy niệm về Đức Mẹ, những điệu múa, cánh hoa dâng cho Mẹ. Những bài thánh ca ngợi khen Đức Mẹ cứ rộn vang khắp nhà thờ thôn xóm. Chúng ta tự hỏi, tại sao người Kitô hữu lại dành cho Đức Mẹ những tâm tình ấy? Có rất nhiều lý do nhưng ở đây xin chia sẻ một vài tâm tình.
1. Đức Mẹ cao cả
Mẹ Maria là thụ tạo rất đặt biệt, cao cả, được Thiên Chúa tuyển chọn cho Ngôi Lời nhập thể. Trong thông điệp “Dung mạo của lòng thương xót”(Misericordiae vultus), số 3, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sau khi nguyên tổ Ađam-Evà phạm tội, Thiên Chúa đã không muốn bỏ mặc con người dưới quyền lực của sự dữ. Vì thế, Ngài đã nghĩ đến Đức Maria thánh thiện và được trở nên tinh tuyền trong tình thương(x.Ep 1,4), và muốn chọn Đức Trinh nữ làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc loài người”. Vì được Thiên Chúa ưu tuyển nên Đức Mẹ được Ngài bảo vệ chở che và ban cho Đức Mẹ nhiều ơn đặc biệt mà nhân loại không có, như: Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai, Mẹ được ơn Vô Nhiễm thai, Mẹ đồng trinh trọn đời, Mẹ lên trời cả hồn xác. Quả vậy, Đức Mẹ là một thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Lời sứ thần chào: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” (Lc 1, 28). Đầy ơn phúc nghĩa là cuộc đời Mẹ được bao trùm bằng ân sủng của Thiên Chúa ngay từ lúc thụ thai. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ bằng ân sủng của Ngài để Mẹ không vấn vương tội nhơ, không tỳ ố trong xác phàm để cung lòng Mẹ xứng đáng là đền thờ cho Con Chúa Trời ngự. Mẹ thực sự được chúc phúc hơn các người phụ nữ (x. Lc 1: 42).
Jean Guitton trong cuốn “Vie de la Vierge Marie” Cuộc đời Đức Trinh Nữ Maria, đã viết: Đức Mẹ như một thửa vườn khép kín, đến nỗi ma quỷ và tội lỗi không thể nào ảnh hưởng và để lại những dấu vết. Chính cái đẹp, sự cao trọng đó đã cuốn hút, làm cho người Kitô hữu ngưỡng mộ yêu mến và dành cho Đức Mẹ những gì cao đẹp nhất hay nhất. Điều này cũng dễ hiểu. Ở xã hội, người nào cao trọng, lại thêm nhiều đức hạnh, chắn sẽ được mọi người yêu mến ca tụng tung hô. Mẹ Maria rất cao trọng vì là Mẹ Ngôi Lời nhập thể. Mẹ nhiều nhân đức. Các nhà tu đức nói đức Mẹ có 12 nhân đức nên Mẹ đẹp tuyệt mỹ. Cuộc đời Mẹ tỏa hương thơm thánh thiện, trong sạch, mến Chúa yêu người hết tâm hồn. Mẹ xứng đáng mọi lời ca tụng.
Ngoài ra các tín hữu cũng nhận ra, nhờ Mẹ hy sinh vất vã cưu mang Con Thiên Chúa, nhờ Mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ mà nhân loại được hưởng nhờ. Công lao của Mẹ rất lớn. Thế nên các tín hữu luôn dành cho Mẹ những tâm tình sùng kính đặc biệt.
2. Tâm tình của người con thường rất sâu đậm với người mẹ.
Trong gia đình người mẹ chính là người mà đứa con gần gủi yêu mến nhất. Chín tháng mười ngày cưu mang. Sinh nở rồi được vòng tay mẹ ắm dưỡng nuôi đêm ngày. Mọi buồn vui đều được mẹ quan tâm chăm sóc. Thế nên, người con thường có một tình cảm rất gần gủi và yêu mến mẹ rất nhiều. Người mẹ là nơi nương tựa vững chắc an toàn. Ở đâu có mẹ là có niềm vui hạnh phúc: Người ta hay nói: Đi khắp tứ phương không ai tốt bằng mẹ. Ngược lại, người mẹ nào cũng gần gũi, hy sinh, yêu con cái hết tình hết mình, bất chấp những khó khăn. Một đời tần tão nuôi con nên người. Đứa con nào hư mà người mẹ không đau xót. Đứa con nào thành công ngoan hiền mà mẹ không vui.
Qua Chúa Giêsu, các tín hữu trở thành con cái Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria là mẹ thiêng liêng của các tín hữu. Chúa Giêsu là đầu, chúng ta là chi thể(x. Cl 1, 18; Gl 3,27-28). Chúa Giêsu là con Mẹ thì chúng ta cũng là con Mẹ. Hơn nữa trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình(Ga 19,26-27)”.
Với tâm tình người con, các tín hữu luôn dành cho Mẹ những tâm tình trân quí mến yêu nhất để tỏ lòng hiếu thảo thương yêu. Việc dành tháng 5, Tháng Hoa để tôn kính Mẹ nói lên điều đó. Chúng ta biết việc dâng hoa, rước kiệu tôn kính Mẹ đặc biệt vào tháng 5 mà chúng ta thấy như ngày nay, bắt nguồn từ lòng tôn kính của các tín hữu ở những thế kỷ đầu. Tại Rôma, thời điểm này, người ta tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên, bằng những cuộc rước linh đình để tôn kính Hoa là nữ thần của mùa Xuân. Người Công Giáo thời điểm đó vì yêu mến Đức Mẹ nên đã “rửa tội” cho văn hóa tập tục này. Thay vì tôn kính Hoa là nữ thần mùa xuân, các tín hữu dâng hoa, rước kiệu để tôn kính Đức Maria để cầu mùa, cầu bình an. Nhiều nơi, người ta rước những cành lá có nụ, có hoa ở đầu cành. Những cành hoa, lá, được đưa về nhà thờ trang trí và nhất là nơi ngai tòa Mẹ Maria. Các nghệ nhân thì đua nhau điêu khắc hay vẽ những bông hoa thật đẹp để tôn lên vẻ đẹp kiều diễm của Mẹ. Các nghệ sĩ thì sáng tác những bài hát thật hay để ca ngợi vẽ đẹp của Mẹ. Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã khởi xướng việc trang hoàng hoa muôn sắc chung quanh tượng Mẹ để tỏ lòng tôn kính. Thánh Philiphê Nêri, vào ngày 01 tháng 05, đã quy tụ các trẻ em lại quanh bàn thờ Mẹ, hướng dẫn các em dâng lên Mẹ những bông hoa tươi sắc. Ngài cũng dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng còn trong trắng đơn sơ để Mẹ dìu dắt các em. Sang thế kỷ thứ 17, việc dâng hoa kính Mẹ được cử hành trong toàn dòng các nữ tu kín Clara. Mỗi chiều đều vang lên những bài hát kính Đức Mẹ. Từ đó, dần dần được lan rộng ra bên ngoài nơi các xứ đạo lân cận. Đầu thế kỷ 19, việc tôn kính Mẹ được lan rộng nhiều nơi. Linh mục Chardon là người có công nhiều nhất trong việc phổ biến lòng đạo đức này. Thời điểm trên, lòng tôn kính Mẹ được cử hành rầm rộ nhất là tại nước Pháp và một số nước lân cận.
Không chỉ giáo dân thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt trong tháng 5, mà các nhiều Đức Giáo hoàng cũng có những tâm tình với Đức Mẹ mạnh liệt. Chẳng hạn Đức Piô VII đã cổ võ việc sùng kính Mẹ vào tháng Năm. Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này. Đức Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, đã thêm vào và có tính khuyến khích: “Việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”. Đầu thế kỷ 20, Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ được Đức Phaolô VI ban hành, trong đó có đoạn viết: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công Giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Mẹ Thiên Chúa. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ những tấm lòng, những lời cầu nguyện để tôn kính mến yêu Mẹ cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số 1). Và ngài nói: “Tôi lấy làm vui mừng và an ủi bởi thói quen đạo đức liên kết với Tháng Năm, là tháng dành dâng kính Đức Trinh Nữ, nó mang lại nhiều lợi ích cho dân Kitô giáo. Bởi vì Đức Maria được xem như một con đường mà qua đó chúng ta được dẫn tới Chúa Kitô, người nào gặp gỡ Đức Maria thì không thể không gặp gỡ Đức Kitô như vậy. Vì lý do nào khác mà chúng ta lại không tiếp tục trở về với Đức Maria để tìm kiếm Đức Kitô trong cánh tay của Mẹ, tìm gặp Đấng Cứu Độ chúng ta trong, qua và với Mẹ? Con người cần phải trở về với Đức Kitô trong thế giới đầy lo âu và nguy hiểm, thôi thúc bởi trách nhiệm và nhu cầu cấp bách của trái tim con người hầu tìm thấy một nơi ẩn trú an toàn và một mạch nước sự sống siêu việt”.
Và thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra Tông thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi” để lặp lại xác tín và lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong dịp khánh nhật truyền giáo năm 2003, ngài nhắc nhở các tín hữu: “Hãy cùng với Đức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giêsu cho những người đồng thời với mình”.
Những tâm tình đạo đức trên đã và đang tồn tại trong lòng các Kitô hữu theo dòng thời gian. Nên mỗi độ tháng 5 về, các tín hữu lại có những hoạt động chuẩn bị tỏ lòng tôn Kính Mẹ Maria. Vậy tôi có tâm tình nào khi tháng hoa kính Mẹ Đức về?
3. Hy vọng những ơn lành từ Mẹ
Ngoài việc tôn kính Đức Mẹ vì Mẹ đáng được như thế, thì các tín hữu cũng muốn qua việc tôn kính này để được Mẹ yêu thương phù giúp, được Mẹ đồng hành chở che trên đường dương thế này. Vì biết rằng Đức Mẹ quyền uy, rất hiểu những khó khăn của phận người nên các tín hữu đến với Mẹ với niềm hy vọng. Hy vọng Mẹ sẽ ban ơn về phần hồn và phần xác. Mẹ có tước hiệu: “Mẹ hằng cứu giúp” nên các tín hữu xác tín Mẹ không bao giời từ chối những lời cầu xin. Mẹ sẽ chúc phúc cho những ai tốt với Mẹ, tôn sùng Mẹ. Thật vậy, khi đến các trung tâm hành hương, chẳng hàn như Fatima, Lộ Đức, Lavang…chúng ta thấy những tấm bia tạ ơn Đức Mẹ rất nhiều. Điều đó chứng tỏ họ được ơn Đức Mẹ. Không nói đâu xa, ở Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, hàng ngày, nhất là sáng ngày 13 hàng tháng, đặt biệt là tháng 5, người ta đến với Đức Mẹ rất đông. Đến để yêu mến Mẹ, đến để tạ ơn, đến để cầu xin. Và quả thật người ta được ơn Mẹ rất nhiều, nhất là ơn hoán cải đổi mới cuộc đời.
Có lẽ nhiều người từng nghe về cầu chuyện Mẹ cứu phần rỗi linh hồn cho một người đàn ông chỉ vì một cử chỉ nhỏ ông đã làm cho Đức Mẹ trong Tháng Hoa: Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình. Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, đi chơi cả ngày ít khi ở nhà. Nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ. Thế rồi một ngày ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm. Bà qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan Vianey liền bảo: Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ? Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy. Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ cầu nguyện cho ông chóng ra khỏi nơi này. Nghe xong lời cha Vianey bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.
Nếu chỉ một vài bông boa dâng Mẹ mà cũng được Mẹ thương cứu như vậy thì chẳng lẽ những việc chúng ta làm như hy sinh, lần chuỗi, dâng hoa, rước kiệu tôn vinh Mẹ trong tháng này mà Mẹ không ban ơn cho chúng ta! Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.
Ước gì trong Tháng Hoa này mỗi chúng ta yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn. Khi yêu mến Đức Mẹ chắc chắc chúng ta cũng được mời gọi noi gương bắt chước Đức Mẹ: sống với Chúa, sống tha nhân. Khi chúng ta noi gương những nhân đức của Đức Mẹ thì chúng ta hy vọng cũng sẽ được về nơi vinh phúc mà Chúa đã thưởng ban cho Mẹ.
Xin Mẹ nhận nơi chúng con tấm lòng đơn sơ ngang qua những lời kinh lời ca, qua những bó hoa tươi gói trọn niềm tin, kính yêu Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ sống thánh thiện với Chúa và yêu thương đồng loại như Mẹ đã từng sống, để một ngày kia chúng con cũng được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa như Mẹ.
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật