Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

THẦY BAN CHO ANH EM BÌNH AN CỦA THẦY

Thứ 3 sau Chúa Nhật V Phục Sinh

 “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”

 (Ga 14, 27)

 

Khi gặp một người thân quen, lời đầu tiên ta sẽ chào hỏi với câu “bình an mạnh khoẻ không” ? Đặc biệt nếu người thân yêu của mình vắng mặt lâu ngày không tin tức gì ta sẽ rất lo lắng và tự hỏi không biết người ấy có an lành mạnh khoẻ không, có chuyện gì xảy đến với họ chăng? Qua tâm trạng ấy cho thấy từ trong sâu thẳm lòng mình luôn muốn người đó được sự bình an chứ không phải thứ gì khác. Hoặc ngay khi khởi sự một dự án, công việc nào đó ta đều mong ước cho mọi việc diễn tiến tốt đẹp, bình an. Điều chúng ta mong ước cho người thân yêu, cho công việc được bình an trước tiên cho thấy sự bình an rất cần thiết cho mỗi người trong cuộc sống, ai ai cũng cầu mong, khát khao cho mình, người thân yêu và đất nước được sống trong bình an trật tự hài hoà.

Chúng ta rất cần sự bình an không những bên ngoài với một không gian bớt ồn ào náo nhiệt, không xô bồ, một cuộc sống yên bình với tâm trạng thanh thản, cảm giác an hòa, không khó khăn cực nhọc, không phải đau ốm bệnh tật, phiền muộn lắng lo nhiều. Nhưng thử hỏi cuộc sống mấy ai tránh khỏi quy luật bất di dịch của đời người “sinh lão bệnh tử”, hay nói như nhà phật “đời là bể khổ”. Cả một bể khổ nghĩa là rất nhiều và liên tục. Vậy làm sao chúng ta có thể đối diện, đón nhận những điều trái ý cực lòng, nói cách khác làm sao để sống chung với lũ? Nếu chỉ dừng lại ở bình an theo nghĩa tự nhiên, thể lý sẽ không giúp ta giải quyết vấn nạn mà chỉ bình an trong tâm hồn mới là giải pháp tối hậu. Chúng ta chỉ tìm được nó khi biết đến với Chúa là nguồn phát sinh mọi sự bình an như Ngài đã hứa. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14, 27).

Sự bình an mà thế gian tìm kiếm là thứ gắn liền với những nhu cầu thực tế, có đầy đủ tiện nghi vật chất như: sức khoẻ, nghề nghiệp ổn định, nhiều tương quan làm ăn tốt, tiền bạc đủ đáp ứng một cuộc sống dư giả sung túc, gia đình hạnh phúc, vợ hiền con ngoan…những điều đó thực chất là rất tốt ai cũng mong ước được sở hữu, nhưng nếu nói nó mang lại sự bình an bền vững thì chưa chắc. Sự bình an mà thế gian hằng mong mỏi còn ở việc tích trữ thật nhiều của cải, như người phú hộ khi thấy mình có ê hề của cải thì xây thêm kho lẫm để tích trữ và nhủ với lòng cứ ăn chơi hưởng thụ cho đã. Nhưng Chúa lại nói là đồ ngốc liệu đêm nay người ta đòi linh hồn ngươi thì của cải ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai. Bên cạnh đó, với thế gian, bình an đến từ việc sở hữu nhiều quyền lực, có kẻ đưa người đón, nhà lầu xe hơi có bảo vệ canh gác ngày đêm. Nhưng thử hỏi những người đó tự trong đáy lòng có sự bình an hay họ đang sống trong sợ hãi, lo mất nên cần phải có bảo vệ? Lại có những

để thu lợi nhuận cho riêng mình thì họ phải nghĩ ra thật nhiều cách với những mánh khoé để đạt được mục đích, sống trong tâm trạng như vậy làm sao tự đáy tâm hồn có sự bình an? Ngoài ra sự bình an của thế gian là do không gặp rắc rối, hoạn nạn, thứ bình an do tránh né, chạy trốn không dám đương đầu với thực tế. Bởi thế, sự bình an của thế gian ban tặng chỉ có thể là sự yên hàn bên ngoài, còn bình an mà Thiên Chúa ban là sự bình an nội tâm phát xuất từ sự bình an của Chúa Kitô phục sinh nên đó là một ơn ban, một ân huệ, một quà tặng vô giá. Vậy mỗi người tự đáy lòng mình có muốn được hưởng sự bình an đích thực ấy cho mình, gia đình và đất nước?

Trong Kinh Thánh chữ bình an là Salom không có nghĩa là không có rắc rối, hoạn nạn. Sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là sự bình an đã trải qua đau khổ. Khi hiện ra, Chúa cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn điều đó minh chứng một sự kiện lịch sử là Chúa Kitô đã sống lại thật sự từ cõi chết. Bàn tay đã bị đóng đinh, cạnh sườn đã bị đâm thâu cho thấy Đấng chịu đóng đinh và Đấng đã phục sinh chỉ là một và như thế sẽ không có phục sinh nếu không qua khổ nạn. Sự bình an của Chúa Giêsu phục sinh cũng là sự bình an của Đấng chịu đóng đinh. Đó là sự bình an xuyên qua đau khổ, hy sinh và chịu chết vì tình yêu, đó là sự bình an phát xuất từ con tim, sự bình an mang đến ơn cứu độ, bình an chiến thắng.

Từ kinh nghiệm cuộc sống cho thấy cả đời con người hầu hết chỉ tìm kiếm địa vị, nhan sắc, giàu có quyền lực và tầm ảnh hưởng…Những thứ đó nếu trong mức độ vừa phải thì tốt, nhưng khi ta quá chú trọng vào đó như là cùng đích, là lẽ sống cuộc đời thì cuối đường sẽ là những xáo trộn bất hoà, làm mất sự bình an cho mình và người khác, hậu quả là những thất bại đắng cay ê chề đang chờ đón vì ta chỉ đi tìm bức phông an toàn, hạnh phúc. Nhưng khi có sự bình an của Chúa sẽ giúp ta đối diện và giải quyết những vấn đề khó khăn nan giải với một thái độ bình tĩnh tự tin của một con người có khí chất. Dẫu biết rằng, hoàn cảnh bên ngoài mà ta phải dối diện hằng ngày trong cuộc sống vẫn còn đó như vất vả lo toan cơm áo gạo tiền, đớn đau bệnh tật khổ đau … Sự bình an Chúa ban cho ta không miễn chước những thực tại ấy nhưng là nguồn sức mạnh, như những bước đệm đàn của chất xúc tác giúp ta thắng vượt trên những điều đó một cách bình an thanh thản.

Ngoài ra, sự bình an đích thực bởi có sự hiện diện của Chúa và chính Ngài sẽ ban ơn giúp sức để ta biết gìn giữ lương tâm trong sạch, biết sống quảng đại tha thứ, không đam mê tật xấu, không bon chen, so đo tính toán giận hờn, ghen tương đố kỵ, buồn phiền oán trách. Vì thế, bình an mà Thiên Chúa ban là sự bình an nội tâm khác hẳn với bình an theo quan điểm người đời. Mỗi người chúng ta sống trong cuộc đời này đều gặp rất nhiều đau khổ thử thách, long đong vất vả, trong lòng mình vẫn luôn có một lỗi âu lo sợ hãi và bất an. Tất cả loài người chúng ta thường xuyên sống trong sợ hãi, sợ mất nhiều thứ: mất của cải, công ăn việc làm, sợ mất vị trí của cái ghế, sợ đau khổ tủi hổ khi danh dự bị người khác làm tổn thương, sợ mất người mình yêu thương nhất, và sợ nhất là lúc biết mình sắp chết… Sự sợ hãi của con người rất đa dạng, phong phú và tất cả những nỗi sợ hãi đó chiếm chỗ, chi phối toàn tập cuộc đời ta. 

Nhưng sở dĩ chúng ta vẫn vượt qua và vươn lên được vì niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh có khả năng là xua tan sợ hãi. Vì khi tôi tin vào Chúa Kitô phục sinh là tôi tin vào sự sống đời đời của Người. Người đã trải qua đau khổ, chết và sống lại, một sự sống vượt trên tất cả không một quyền lực nào có thể lấy mất. Vì thế, tin vào Ngài tôi được bảo đảm an toàn chắc chắn nhất.  Tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh và xác tín rằng chính Chúa mới là suối nguồn bình an và giúp cho ước mơ, dự phóng của ta thành hiện thực chứ không phải quyền lực thế gian hay người đời. Quyền lực thế gian tự bản chất không phải là trên hết và không tồn tại mãi mãi. Mà chỉ có Chúa vì Ngài là Đấng tạo dựng và làm chủ vận mệnh cuộc đời, là Đấng có thể làm cho linh hồn, thân xác được sống lại, là Đấng luôn yêu thương và ban phát cho chúng ta mọi điều tốt đẹp nhất. Tin tưởng vào chân lý đó thì không một kinh nghiệm đau thương của cuộc sống trần gian nào có thể cướp lấy sự bình an của chúng ta, không có cám dỗ hay nỗi đam mê buồn rầu nào có thể làm suy giảm sự bình an, dù cuộc sống có phong ba bão táp thế nào ta vẫn giữ được tâm trạng bình an thanh thản, và nhất là biết làm chủ được những cảm xúc, ước muốn của mình vì biết rằng Chúa luôn yêu thương che chở nâng đỡ và ở cùng ta. Nên chỉ khi ta đặt niềm tin, hy vọng cậy trông vào sức mạnh tình yêu quan phòng của Chúa tâm hồn mới được bình an thanh thản, nhẹ nhàng.

Sự bình an là hoa trái của một cuộc chiến đấu không phải với vũ lực bên ngoài mà là cuộc chiến đấu nội tâm, là một hành trình kéo dài suốt cuộc đời. Bởi thế, sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu ban tặng là điều ta không thể thấy bằng giác quan mà chỉ có thể cảm nhận bằng chính cuộc sống ngang qua cuộc chiến chống lại tính ích kỷ, chống lại ý chí thống trị muốn áp bức người khác, chống lại ý muốn dành quyền lợi cho riêng mình và chà đạp ý muốn người khác. Như thánh Phaolo nói: “Gieo ít thì gặt ít, gieo nhiều thì gặt nhiều”. Sống ở cấp độ nào thì sẽ cảm được tầm mức ấy. Vậy chúng ta phải sống thế nào để nhận lãnh được sự bình an cách trọn vẹn mà Chúa đã hứa ban? Không gì làm chúng ta mất bình an cho bằng sống trong tình trạng tội lỗi và không biết quảng đại tha thứ cho người có lỗi với mình. Điều đó cho thấy ơn giao hòa giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau quả thực rất quan trọng là điều kiện cần và đủ để tâm hồn có được sự bình an đích thực của Chúa. Muốn tha thứ đòi hỏi ta phải biết bỏ mình, ít nghĩ đến bản thân hơn và tự nhủ rằng mình chẳng là gì cả, nhất là phải biết chấp nhận sự thật bản thân cũng là con người yếu đuối bất toàn, nay người mai ta và đồng thời siêng năng chiêm ngắm mẫu gương tha thứ của Chúa và cầu nguyện với Ngài để xin ơn trợ giúp. Vì không có ơn Chúa chúng ta không đủ can đảm, sức mạnh để có thể sẵn tha thứ cho anh chị em mình. Khi ta biết quảng đại tha thứ sẽ là cửa mở dẫn đến sự bình an thanh thản và có chỗ để Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn. Sống theo tinh thần mẫu gương của Chúa, ta sẽ có sự bình an thực sự.

M. Anphong – Vĩnh phước 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 : Rửa chân cho nhau

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 Rửa chân cho nhau Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm, Tuần Thánh thường có...

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 : Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh Gioan tông đồ đã thấu cảm...

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38: Ôi tình Chúa tuyệt vời!

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38 Ôi Tình Chúa Tuyệt Vời! Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bữa tiệc mà Chúa Giêsu cùng ăn uống với các...

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11: Phục vụ Chúa như thế nào?

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11 Phục vụ Chúa như thế nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin mừng Thứ Hai Tuần Thánh, gợi lên cho chúng...

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56: Chết vì yêu

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56 Chết Vì Yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chứng kiến phép lạ cả thể, Đức Giêsu cho Lazaro sống...

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42: Tin là lựa chọn

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42 Tin Là Lựa Chọn Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Lời Chúa những ngày áp Tuần Thánh càng...

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29: Buông bỏ để nhận được

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29 Buông Bỏ Để Nhận Được Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có ba...

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59: Sống Lời Chúa đời nở hoa

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59 Sống Lời Chúa Đời Nở Hoa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng...

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30: Tin thờ Thiên Chúa Thật

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30 Tin Thờ Thiên Chúa Thật Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài trích sách Đanien thuật lại câu...

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm B, Ga 8,1-11: Hãy về và đừng phạm tội

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm A/B, Ga 8,1-11 Hãy Về Và Đừng Phạm Tội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Mặt trời chiếu sáng cho mọi...

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30: Nhiệt tâm thi hành sứ vụ

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30 Nhiệt Tâm Thi Hành Sứ Vụ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay, cho ta biết Chúa...

Thứ Năm Tuần IV, Mùa Chay, Ga 5,31-47: Làm nhân chứng

Thứ Năm Tuần IV, Mùa Chay, Ga 5,31-47 Làm Nhân Chứng Lasan Ngô Văng Vỹ, O.Cist Đoạn Tin Mừng ngày hôm qua, Chúa Giêsu khẳng định cho...