“THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN”
(Bài Suy Niệm Thứ 2 tuần VII PS)
Chúa Giêsu đã quả quyết với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Người ta tự hỏi: Tại sao lại có sự mâu thuẫn, có sự đối kháng hay ngược đời như vậy? Câu trả lời cho vấn nạn nhiêu khê này khởi đi từ lời lẽ đầy quyết đoán và tự tin của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay (Ga 16, 29 – 33): “Thầy đã thắng thế gian”.
“Thầy đã thắng thế gian” là lý do duy nhất giải đáp mọi vấn đề: khai sáng mọi điều khó hiểu, lập lại trật tự vốn bị đảo lộn, là lời trấn an đầy khích lệ và hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Chính vì “Thầy đã thắng thế gian” nên anh em không còn buồn phiền, lo lắng hay thất vọng nữa. Giữa thế giới của Thiên Chúa và tinh thần thế gian, giữa con cái sự sáng và con cái bóng tối luôn luôn có sự đối nghịch, luôn luôn có hai phe, hai chọn lựa khác nhau. Chính vì tiêu chí đưa ra khác nhau, nền tảng giải quyết vấn đề khác nhau và mục đích hướng tới khác nhau nên trong khi thế gian tưởng rằng mình thắng thì thật sự lại thua; trong khi đó Chúa Giêsu theo cách đánh giá của trần gian là thất bại thì Người lại chiến thắng.
Trước mắt người Dothái, Chúa Giêsu là tên tội phạm và đó là thất bại thảm khốc, đáng bị loại trừ. Về mặt tôn giáo, Chúa Giêsu bị tố cáo về những tội mà theo luật Môsê thì phải bị xử tử bằng hình phạt ném đá (x. Ga 8, 59; 10, 31). Ba tội danh khiến người ta phải kết án và giết Chúa Giêsu, càng sớm càng tốt; đó là vì Người phạm tội chống lại Lề luật, xúc phạm Đền thờ và phạm thượng. Bên cạnh đó còn có những lý do xã hội liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu: cả dân chúng và giới lãnh đạo Do Thái đều đã mong chờ Đức Kitô đem lại một cuộc giải phóng chính trị, đánh đuổi quân Rôma, giành lại độc lập cho dân tộc,… thế mà họ chỉ nhận được sự thất vọng. Ngay cả trong số các môn đệ Đức Giêsu cũng có những người đã theo Người với cái ước mơ ấy, cụ thể đối với trường hợp của hai môn đệ trên đường Emmaus: “… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24, 19. 21).
Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn có những lời giảng dạy lạ lẫm, khó nghe, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo, xúc phạm người có chức có quyền khiến ngày càng mất uy tín, bị ghen ghét trước mặt thiên hạ. Người ta không thể chấp nhận, mà còn thấy ngày càng nguy hiểm vì Giêsu đang tìm cách gây ảnh hưởng trên dân. Với tội trạng tỏ tường và “lối sống lập dị” như thế, làm sao Đức Giêsu có thể khẳng định với toàn dân là mình đã thắng thế gian, bởi người ta đang lên án, bắt bớ và tìm giết? Làm sao những người thuộc về “phe” Giêsu được gọi là kẻ chiến thắng khi thủ lãnh của mình bị kết án, bị giết chết nhục nhã như vậy? Thực tế cho thấy chỉ không lâu sau những lời tuyên bố này Đức Giêsu đã bị bắt, bị đánh đòn, bị lên án, bị giết một cách ác độc và nhuốc hổ nhất. Làm sao người ta có thể hiểu được sự chiến thắng của Vua Giêsu khi bị phản bội, bị chối bỏ, bị giáng xuống thành hư không, là kẻ thù của dân tộc như thế?
Riêng với những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, trong suốt thời gian theo Chúa và cho đến lần gặp mặt Chúa Giêsu lần cuối, trước khi Chúa lên Trời, nhiều môn đệ vẫn chưa hết thắc mắc: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1, 6). Đối với các môn đệ họ vẫn hiểu sự chiến thắng của Thầy Giêsu dựa trên quyền lực, tiền tài, danh vọng, chính trị: một quan niệm theo tinh thần thế gian.
Khác với mọi nhà chính trị, trước khi Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha, Chúa đã tiên báo cho những kẻ theo Chúa toàn là những sự khốn khó, nào là bắt bớ, ưu phiền, nào là chống đối, tan rã… Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột. Hơn nữa, chính bản thân người môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ. Tuy nhiên, chính những thứ thất bại trước mắt người đời lại là chiến thắng của người môn đệ Đức Kitô, vì họ cùng theo một Đấng “đã thắng thế gian”.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng của Chúa Giêsu là chiến thắng chính mình. Sở dĩ Chúa Giêsu thắng được thế gian vì trước hết Người chiến thắng được cái tôi, ý riêng…. để có thể vâng phục ý Cha trọn vẹn, nhờ đó ơn cứu độ được thành toàn (x. Dt 5, 7-9; Pl 2, 6-8).
Trong khi thế gian tưởng rằng ngăn cấm, kết án, giết được Chúa là mình nắm phần thắng thì đó lại là sai lầm, là chọn lựa đi đến diệt vong: họ đã phạm tội “giết Đấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3, 15; 2, 23. 36; 5, 30; 10, 39). Con đường rộng thênh thang không được hướng dẫn bởi “Bài giảng trên núi”, việc thiếu ép mình vào khổ giá,… là bước đưa người ta đến sự thất bại trong đời sống tâm linh, trong việc đón nhận ơn cứu độ.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay không phải là một định chế phân biệt kiểu thắng – thua như quan niệm bình thường của người thế gian vẫn hiểu. Chúa Giêsu chỉ muốn cho chúng ta xác tín và sống một qui luật tất yếu: bất cứ ai muốn đi vào tiến trình “thắng thế gian” mà Người đã đi trước cũng như yêu cầu của các môn đệ tiếp bước đi theo họ phải trải qua bao gian nan thử thách, vượt qua bao lực cản, trở ngại của tinh thần thế gian, tinh thần đời. Mọi môn đệ Đức Kitô đều chịu theo một qui luật tất yếu của những kẻ “phải trải qua bao gian khổ rồi mới vào trong vinh quang”, qua thập giá mới đến chiến thắng là sự thật, là chuyện đương nhiên.
Có một nghịch lý cũng là vấn đề xưa nay dường như chưa có lời giải đáp xác đáng nơi đời sống đạo của các Kitô chúng ta là ai cũng khao khát điều tốt đẹp, mong ước thành công nhưng lại ngại dấn thân, ngại chấp nhận những qui luật tất yếu của cuộc sống. Trên thực tế không phải ai cũng nhận thức được như vậy hoặc có nhận thức nhưng chưa thực hiện nên không phải ai cũng sẵn sàng bước theo con đường thập giá, không phải ai cũng kiên trì theo Chúa để cũng được chiến thắng với Người. Là Kitô hữu nghĩa là tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa. Chúa Giêsu báo trước rằng khi Người bị nạn thì các môn đệ sẽ bỏ Người: “Nay đã đến giờ, và đến giờ rồi, các con sẽ mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình”. Cần lắm một sự chiến đấu anh dũng, một lòng quả cảm, một chọn lựa hy sinh, một mất mát thực sự để có thể hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Lời của ca khúc “Xin thương xót con” đã diễn tả đúng con người và cách sống của thân phận yếu đuối của chúng ta:
Theo Chúa nhưng con sợ thập giá đời,
Con mong thỏa hiệp với tình trần gian.
Con đến với Ngài nhưng lòng còn mơ,
Mơ theo thói đời quyền thế, bạc tiền,
Theo Chúa nhưng con còn thường ngoảnh lại…
Ngài vác thập giá, còn con đứng nhìn,
Ngài tìm thiên ý, còn con tìm mình…
Tóm lại, Chúa Giêsu không thắng thế gian bằng danh dự, quyền lực, tiền tài nhưng chiến thắng oai hùng của Người là ơn bằng an, tình yêu thương, và nhất là ơn cứu độ tất cả loài người. Nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn thế gian thì Chúa Giêsu thất bại nhưng Chúa Giêsu đã trả lời với Philato: “Nước tôi không thuộc thế gian này”. Như vậy sẽ có hai thời: thời hiện tại với vui cười, tự do, thoải mái, chiến thắng,… thì đi đến cái kết ở thời sau là thất bại. Trái lại ngay lúc này chịu đau khổ, bắt bớ, thập giá vì tình yêu Chúa thì sẽ đạt được thành công, chiến thắng ở đời sau.
Nếu số phận của Đức Giêsu chịu thất bại trước mặt thế gian để chiến thắng thế gian thì số phận của các môn đệ và chúng ta cũng thế: cũng sẽ bị ghét bỏ, bị bách hại, cả đến chỗ bị giết (x. Ga 15.18-20; 16, 2). Lời quả quyết của Chúa Giêsu cũng là lời khích lệ chúng ta: “Ở thế gian anh em sẽ gặp gian nan khốn khó nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.
Mai Thi