THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 9,51-56
Một Làng Miền Sa-ma-ri Không Đón Tiếp Đức Giêsu
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Có lời phát biểu rằng: “Đừng là một nạn nhân, hãy là một người chiến thắng.” Tinh thần thắng thua này cũng ăn sâu vào ngôn ngữ và tính cách của người dân Việt khi ta hay nghe nói: “Thà mình phụ người chứ không để người phụ mình”. Tinh thần ấy được thể hiện qua hai anh em của Gio-an và Da-cô-bê và đó không phải điều Chúa muốn.
Trong chuyến hành trình của Đức Giêsu lên Giê-ru-sa-lem, sẽ đi ngang qua một ngôi làng Sa-ma-ri. Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái và người Sa-ma-ri thường xem nhau như kẻ thù đáng ghét. Những người hành hương Do Thái đi ngang qua lãnh thổ Sa-ma-ri thường bị hành hung. Trong chuyến hành trình này, Đức Giêsu muốn dừng chân tại một làng của người Sa-ma-ri, vì vậy, Ngài đã gửi trước một số sứ giả để họ liên hệ tìm một nơi để ở, nhưng những người ở đó sẽ không đón nhận Ngài vì biết Ngài đang trên đường đến Giê-ru-sa-lem, nơi mà Người Do Thái gọi là đền thánh, còn người Sa-ma-ri thì họ thờ Thiên Chúa ở trên núi nơi gần giếng nước của Gia-cóp, trong vùng đất của họ đang sinh sống (x. Ga 4,21). Vì vậy họ cho rằng Đức Giêsu cũng là kẻ thù của họ hay ít là không phải là người thuộc nhóm của họ, nên họ đã từ chối không đón tiếp Ngài.
Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an được Chúa gọi là “con của sấm sét” đã thưa với Ngài: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” với tính khí bốc đồng và nóng nảy, các ông muốn đạt được kết quả nhanh chóng và tin rằng việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa có thể giải quyết mọi vấn đề. Các ông muốn nguyền rủa những người không tiếp đón Đức Giêsu. Đây không phải là cách làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hãy chúc lành chứ đừng nguyền rủa”. Hai anh em này cũng đã quên đi bài học mà Chúa Giêsu đã dạy họ: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Vâng, ta thấy Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu có một phản ứng rất khác biệt, Ngài quay lại quở mắng các ông. Điều quan trọng mà Ngài muốn nói với các môn đệ rằng “Con Người không đến để hủy diệt mạng sống của người ta mà là để cứu họ.” Trong sứ vụ tông đồ, chúng ta có thể gặp phải sự kháng cự và chống đối. Phản ứng của một Ki-tô hữu chân chính là không nổi giận với những người phản đối và chống cự mà là kiên nhẫn hơn với họ. Nhiệm vụ của một môn đệ của Chúa Giêsu không phải là hủy diệt mà là xây dựng. Ch10úng ta phải tiết chế xu hướng lấy ác báo ác.
Chìa khóa để kết thúc xu hướng lấy ác báo ác của chúng ta là sự tha thứ và khuất phục quyền uy tối cao Là Thiên Chúa. Khi chúng ta học cách chấp nhận người khác như chính họ mà không đưa ra phán xét hoặc đánh giá họ, chúng ta có thể cộng sinh cách trọn vẹn. Mặt khác, Chúng ta có thể hiểu rằng những người khác đã hành động như họ đã làm, không phải để làm tổn thương chúng ta, mà bởi vì nó đáp ứng nhu cầu của họ.
Cách khác nữa rất cần cho chúng ta hôm nay là sự khoan dung. Thường chúng ta hay thiếu sự khoan dung cho những điều sai trái hay mục đích không đúng. Nhưng, tình yêu Ki-tô giáo tìm kiếm lợi ích cao nhất của người lân cận và cả kẻ thù. Khi Abraham Lincoln bị chỉ trích vì phép lịch sự và lòng khoan dung đối với kẻ thù của mình, thay vì ông phải tiêu diệt chúng, ông đã trả lời: “Tôi không tiêu diệt kẻ thù của mình trong khi tôi biến họ thành bạn bè của tôi?”
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu như Chúa, yêu những kẻ thoá mạ, những kẻ bách hại và đóng đinh mình, để mỗi ngày con nhận ra Thiên Chúa là Cha và tất cả chúng con đều là anh em của nhau, và thánh ý của Cha là muốn chúng con yêu thương nhau trong mọi hoàn cảnh, đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và tình huynh đệ chân thành. Như Chúa đã mời gọi chúng con: “Hãy có lòng thương xót như Cha” (Lc 6,36). Amen