Thứ Năm Tuần Thánh 2020
GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG TRONG TÂM DỊCH COVID -19
Cha Viện trưởng Đaminh Savio CSNQ
Chúng ta và thế giới Công Giáo khắp nơi đang cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly giữa tâm chấn của đại dịch virus covid-19. Bầu khí lo âu, hoảng loạn, bất an và mùi tử khí dịch bệnh đang bao phủ khắp đia cầu. Đại lễ khai mạc Tam Nhật Thánh này chỉ được cử hành trong một không gian nhỏ và sẽ chỉ có rất ít người tham dự trực tiếp.
Chúng ta nối kết và hiện tại hóa cuộc mừng lễ của Chúa khi xưa. Ngài cũng đã cử hành lễ Tiệc Ly – Chiên Vượt Qua trong một không gian riêng tư, chỉ gồm các tông đồ và trong một bầu khí như Chúa cho biết, là tâm hồn Ngài xao xuyến buồn rầu quá đỗi. Buồn sầu vì nội tình sẽ có một trong 12 môn đệ sẽ nộp thầy. Buồn sầu vì bên ngoài những người Do thái đang lùng bắt và giết Ngài. Đúng là bầu khí ảm đạm nhuốm mùi tử khí!
Chúa yêu thương hạ mình phục vụ làm gây kinh ngạc.
Giữa những xao xuyến, giữa mùi tử khí gần như áp đảo, Chúa đã làm gì? Chúa quyết định trao giới răn yêu thương: “Thầy ban cho các con một điêu răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”. Chúa quyết định yêu thương trong hành động hạ mình phục vụ:” Ngài đứng dậy, ròi bàn ăn, cởi áo ngòa ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ“. Chúa quyết định hành động yêu thương, phục vụ là hiến mình khi lập lập Bí Tích Thánh Thể, tiên báo hy lễ mà Ngài sẽ hoàn tất ngày hôm sau trên thập giá: “Đây là mình thầy, đây là máu thầy, hiến tế vì anh em…”
Hành động Chúa vừa làm khiến các môn đệ môn đệ đặc biệt là Phero kinh ngạc. Tại sao kinh ngạc? Đây không phải là sự kinh ngạc tâm lý, làm cho sao xuyến thể lý mà là sự kinh ngạc làm sập đổ các loại tư tưởng, quan niệm và các thứ chủ nghĩa độc tôn. Bởi vì hành động đó đã phá đi tiền lệ và đổi ngôi vị: chủ, người được phục vụ đã trở thành đầy tớ để hầu hạ; Đầy tớ, kẻ hầu hạ chủ được trở thành chủ và được chủ phục vụ. Phero kinh ngạc phải thốt lên đến hai lần: Thầy mà rửa chân con sao, không đời nào con chịu đâu! Rồi hành động đó đã làm các ông kinh ngạc vì đang làm sụp đổ khỏi các ông các thứ ngẫu tượng. Ngẫu tượng quyền hành: người làm lớn thì thống trị; Ngẫu tượng đặt mình là trung tâm: người làm lớn thì ngồi chỗ cao, chỗ nhất trong hội đường; Ngẫu tượng về các thứ ảo danh: làm lớn thì thích mọi người gọi mình là rabbi – thầy và ưa được chào hỏi xưng tụng nơi công cộng. Và sau khi Phero đã hiểu ý nghĩa việc Thầy làm ông đã xin Thầy không chỉ rửa chân và cả tay và đầu nữa. Ông muốn cho tất cả, tay- hành động, đầu- suy tưởng, có nghĩa là từ chân đến đầu, tất cả con người thấm nhuần tinh thần của Thầy.
Vâng, không phải bằng lời giáo huấn đã làm cho các môn đệ ngạc nhiên, biến đổi cuộc đời, con người và sứ vụ và quan niệm sống mà là hành động, hành động hạ mình, hiến mình phục vụ. Sau khi Chúa làm tất cả điều này Chúa nói với các mồn đệ: anh em hãy yêu thương, hãy phục vụ như thầy đã yêu thương và đã phục vụ anh em và ở việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể Chúa còn thêm: ” anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.
Các con hãy làm mà tưởng nhớ đến Thầy!
Hãy phục vụ, hãy hiến mình mà tưởng nhớ đến Thầy! Chúa muốn chúng ta và cả Giáo Hội, trong thời khắc khủng hoảng nhất của thế giới, cử hành Lễ Tiệc Ly và khai mạc Tam Nhật Thánh này, sẽ làm ít đi các cử chỉ, các nghi thức long trọng biểu lộ sự tôn thờ dành cho Chúa. Nhưng, nhân danh Chúa chúng ta àm, và sẽ làm nhiểu hơn nữa những việc hiến mình, mạo hiểm mạng sống mình để phục vụ và cứu giúp con người.
Đức Cha Francesco Beschi của Giáo Phận Bergamo, Tâm dich miền Bắc Ý, nơi đã có hơn 30 linh mục và cả chuỗi vô tận các nạn nhân nhiễm bệnh và chết mỗi ngày đã chia sẻ cảm nhận về Đức Thánh Cha Phanxico: “Tôi cảm thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đi bên cạnh chúng tôi… Tôi rất nhiều cảm xúc khi Ngài gọi điện thoại cho tôi. Ngài gần gũi hiền phụ với tôi, với các linh mục, với người bệnh, với những người chăm sóc họ và cho cả Cộng đồng của chúng tôi. Ngài hỏi chi tiết về tình huống ở Bergamo… Ngài đã rất xúc động bởi sự đau khổ của nhiều người đã chết và sự tách rời của các gia đình buộc phải sống theo cách đau khổ như vậy. Ngài yêu cầu tôi mang đến cho họ sự chúc lành ân sủng, ánh sáng và sức mạnh…; Lời an ủi gần gũi đến với người bệnh và tất cả những người đang làm việc cách anh hùng vì lợi ích của người khác: bác sĩ, y tá, cơ quan dân sự và y tế, nhân viên thực thi pháp luật… Ngài đã hứa rằng sẽ mang chúng tôi trong trái tim và trong lời cầu nguyện hàng ngày của Ngài…” (x. nguồn http://vietcatholicnews.net/News, ngày 30-03.2020).
Lúc này, chỉ những hành động như Đức Giesu đã làm là hạ mình phục vụ, hiến mình phục vụ, liều mạng sống mình vì tình yêu và để cứu giúp đồng lại là điều vĩ đại, đáng kính trọng và được kể là cao cả nhất.
Đức Thánh cha đang làm như vậy. Ngài mời gọi chúng ta và tất cả Giáo Hội, cách riêng là các mục tử, đừng xa rời bỏ sứ vụ hiến tế vì đàn chiên của mình. Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng trong thư Hướng Dẫn Mục Vụ đại dịch ngày 19.3.2020 đã dặn riêng các linh mục: “… Quí cha có nghĩa vụ đi xức dầu thánh và mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, ngay cả trong những lúc dịch bệnh hay những thời khắc nguy hiểm, để đem đến cho họ sự sống thiêng liêng và niềm hy vọng vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời. Nếu từ chối, chúng ta phải tự hỏi mình làm linh mục để làm gì. Chúng ta hãy nhìn vào gương các bác sĩ y tá hy sinh quên mình để cứu chữa bệnh nhân, hay nhiều anh em linh mục trên khắp thế giới đã hiên ngang đi vào tâm dịch để nâng đỡ tinh thần của giáo dân cũng như lương dân…Nếu phải hy sinh mạng sống vì thừa tác vụ thánh, thì đó là một hiến tế thánh thiêng cao đẹp của đời linh mục”.
Giáo Hội, Đức Thánh Cha, các mục tử, và số ít các tín hữu đang cử hành, tham dự các Lễ và nghi thức Tam nhật thánh tại Dinh Tông Tòa, Các Nhà Thờ Chính Tòa, Nhà Thờ Giáo Xứ, Các Đại Giáo Đường, các Nhà Nguyện. Tất cả, kể cả các tín hữu tham dự Thánh Lễ trực tuyến đã không hướng về đó như một nơi an toàn và trung tâm. Nhưng tất cả, khởi từ đó, dành cho và hướng về những nơi, đang có những người người đau khổ vì dịch bệnh phải sống cách ly, đang hấp hối và đã chết một cách đơn độc, không người thân, không ai chăm sóc, không được gặp linh mục để được lãnh nhận của ăn đàng bảo chứng cuối cùng cho phần hồn. Đó là cuộc cử Đại Lễ Long Trọng ý nghĩa và đang sinh ơn cứu chữa.
Đức Hồng Y PiacenzaTổng trưởng Thánh bộ Ân xá nhắc chúng ta trong lúc dịch bênh rằng:Tình thương xót của Chúa không bị đóng khung trong việc cử hành phụng vụ bí tích, nó còn được thể hiện qua các việc bác ái phục vụ, việc chìa tay ra nâng đỡ những người đau khổ và đối với linh mục là chuyển nhượng sự tha thứ của Thiên Chúa. Đối với những người đang sinh thì hay đã chết cần được lòng thương xót của Thiên Chúa qua những lời cầu nguyện của chúng ta trong cuộc thương khó sự chết và sự phục sinh của Đức Kito.
Quả thực, giữa tâm dịch nguy khốn, chỉ những người và những ai làm hành vi hiến mình, liều mình cứu sống người là người vĩ đại. Cả thế giới, đặc biệt tại các nơi tâm dịch như ở Ý, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ hàng ngày mọi người theo giờ đã định, mở cửa sổ vỗ tay, hát, cỗ vũ và cám ơn các y bác sĩ. Bé Sophie, sống ở Joinville-le-Pont ngoại ô Paris tối nào cũng chờ đúng 20 giờ, để mở cửa sổ và vỗ tay. Bé nói: ” Con cảm ơn và cổ vũ các y tá, bác sĩ và cũng để tưởng nhớ những bác sĩ đã qua đời. Chúng con cổ vũ họ bằng cách gõ xoong nồi, vỗ tay. Ngoài ra còn có nhiều người, như những người bán bánh mỳ, họ gửi bánh mỳ kẹp, bánh pizza đến bệnh viện để động viên các y bác sĩ. Bởi vì, nhờ họ mà chúng ta có thể khỏi bệnh Covid-19. Nếu như không có các y tá, bác sĩ, thì những người cần được chăm sóc, có lẽ đã qua đời hết rồi. Vì thế, chúng ta phải động viên họ ». Các y bác sĩ là những người hiến mình và mạo hiểm đời mình nhất giữa đại dịch. Họ là ân nhân và như cứu tinh của thế giới. Lâm vào đại dịch, tất cả hộ đều cùng một cảm nhận, là trở nên tự cô lập, cách ly với gia đình vợ chồng, con cái, cha mẹ, người thân. Các bác sĩ ở nhiều tâm dịch, hầu như đều đã viết di chúc vì biết rằng mình đã hoặc sẽ nhiễm bệnh và có khả năng sẽ chết. Họ và những ai thiện nguyện làm những việc tương tự quả là những người đang nhận, thi hành, lặp lại giới răn yêu thương của Chúa.
Một vài anh em nói và xin là: “nếu có dịch bệnh lan tràn cần người phục vụ, cha cho con đi giúp đỡ họ“. Đúng là khi dân tộc, Giáo Hội lâm nguy vì dịch bệnh bùng phát, người bệnh và cái lan tràn và được lời hiệu triệu, chúng ta không ngại việc tự nguyện sẵn sàng hiến mình. Nhưng giờ đây, đang ở trong nội vi Đan viện, với ơn gọi và sứ mạng cứu thế đặc thù của mình, nếu chúng ta trung tín, kiên nhẫn, thì chúng ta vẫn đang làm, đang hạ mình, hiến mình để mang lấy, để cứu chữa những đau khổ chết chóc của thế giới.
Đức Tổng Phụ Mauro-Giuseppe Lepori, kết thúc bức thư Tuần Thánh – Phục Sinh 2020 đã trích dẫn một đoạn trong lá thư của thư một nữ y tá người Ý và gửi đến chúng ta, chỉ ra cho chúng ta thấy, ở những nơi đau khổ họ đang cầu xin và muốn chúng ta làm gì trong thân mình đang đau khổ của Chúa Kito: ” Từ các đan viện của các bạn, tôi cầu xin các bạn hãy là Aaron của chúng tôi, những người giơ tay khi chúng tôi mệt mỏi và chán nản, hãy sẵn sàng lau khô dòng lệ của chúng tôi mỗi khi chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi bất lực không thể làm điều đó, hãy an ủi những ai đang chờ đợi chúng tôi ở nhà mà không biết chúng tôi đang ở đâu…Những người chết một cách cô đơn mà không có người thân bên cạnh, được chết trong tình yêu của Thiên Chúa. Các bạn hãy lấp đầy những trái tim đang chiến đấu từng giờ, từng khoảnh khắc để giành giật sự sống cho những người dường như không còn nữa! Các bạn hãy là sức mạnh của chúng tôi trong Kinh Mân côi; hãy là hơi thở của chúng tôi trong việc đọc Lời Chúa và hãy là ngọn đèn dầu trong Giờ Kinh Phụng vụ! Các bạn hãy là sự phục sinh trên thiên đàng cho các bệnh nhân của chúng tôi trong lúc bẻ Bánh, nơi mà Chúa Kitô đã tự tỏ hiện sống động cho từng người con đang khát mong Nguồn Ơn Cứu độ của Ngài! “
Lạy Chúa, vì Mầu Nhiệm Thánh hôm nay và Tam Nhật Thánh chúng con cử hành, mang đến ơn giải thoát, cứu chữa thế giới chúng con khỏi cơn đại dịch và ban ơn sự sống, ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.