Thứ Ba, 25 Tháng 3, 2025

THỨ NĂM TUẦN THÁNH: Suy niệm 1: YÊU ĐẾN CÙNG – HÃY LÀM NHƯ THẦY; Suy niệm 2: CHIỀU THỨ NĂM CỦA TÌNH YÊU TRÒN ĐẦY (FM Saviô Nguyễn Tuấn Hào)

Thứ  Năm Tuần Thánh

(Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15)

Yêu Đến Tận Cùng  – Hãy Làm Như Thầy

          Tình yêu cao đẹp và ý nghĩa nhất, theo Kinh Thánh, đó là sự sống được trao ban đến tận cùng. Tình yêu phải được chứng minh là đẹp, không phải chỉ qua ngôn từ hoa mỹ nhưng trong hành động. Rồi tình yêu nói là cao quý nhất phải kiểm chứng được kết quả của nó, đó là sự sống mới được sinh ra và lưu truyền. Nếu không có những đặc tính này, mọi thứ tình yêu đều trở nên vô nghĩa.

Đức Giêsu trước giờ phút cuối cùng của đời tại thế, Ngài muốn thực hiện những nghĩa cử cuối cùng, những hành động lớn nhất và ý nghĩa nhất của tình yêu cứu thế dành cho con người. Ngài lần lượt thực hiện những nguyên tắc tình yêu đòi hỏi:

          Ngài thiết lập nguyên tắc của tình yêu:  “Đây là điều răn mới, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.

          Ngài diễn giải tình yêu qua cử chỉ, hành động : “Đang khi ăn, Ngài chỗi dậy khỏi bàn ăn, cởi áo choàng, lấy khăn thắt lưng và lấy nước rửa chân cho các môn đệ”

          Ngài chỉ ra điểm lớn, cao trọng nhất của tình yêu là: “Trao hiến sự sống của mình cho người mình yêu”. Để diễn tả hành vi này,  “Ngài cầm lấy bánh và rượu và đọc lời truyền phép. Ngài bảo họ, đây là thịt và máu dưới hình thức bí tích được trao tặng“. Bữa tiệc Vượt Qua của Cựu Uớc gồm thịt chiên, máu chiên, tượng niệm việc Chúa cứu và giải thoát Israel khỏi chết được thay thế bằng thịt máu Chúa Giêsu sẽ đổ ra làm của lễ hiến tế. Có lẽ ngay ở trong bữa an tối này, khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể tình yêu, các Tông đồ vì chưa thấy được hành vi yêu đến tận cùng của Thầy là máu thịt đổ ra nên các ông chưa hiểu, chưa cảm được gì. Nhưng ngày mai, Thứ sáu, trên đường đi lên và ở đỉnh đồi Golgota, máu rơi xuống và đổ ra đỏ thẫm, thấy Thầy bị đóng đinh chết trên thập giá, các ông mới hiểu thế nào là tình yêu cao nhất mà Thầy phải hoàn tất.

          Ngài còn chỉ cho thấy tình yêu phải làm phát sinh sự sống mới và lưu tồn mãi. Chúa Giêsu đã chịu trao nộp và hiến thân chết trên thập giá, nếu cử chỉ tình yêu cứu thế này chấm dứt ở đây, thì có ích lợi gì cho chúng ta hôm nay. Tình yêu bền vững phải làm phát sinh sự sống mới, và sự sống phải được lưu tồn, bằng không, tình yêu đã bị khai tử. Trong lúc lập phép Thánh Thể, Ngài bảo các Tông Đồ:  ” Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy“. Đó là dấu chỉ thiết lập Bí Tích Truyền chức linh mục. Vâng, chức linh mục là sự bảo đảm rằng:  ‘tình yêu của Đức Giêsu đang sống, được lưu truyền. Linh mục được hiểu là dòng giống tư tế nối dài của Chúa Giêsu. Mỗi khi linh mục vâng lệnh Ngài, cử hành Bí Tích Thánh Thể, hành vi “yêu đến tận cùng” của Ngài lại được tái diễn, mang đến sự sống mới, ơn tái sinh cho muôn tâm hồn và sự sống thường tồn qua muôn thế hệ.

          Thực vậy, nếu Đức Giêsu chỉ ra lệnh truyền yêu thương bằng ngôn từ, thì không chinh phục lòng người. Nhưng điều gây sửng sốt ngạc nhiên và gây chú ý, như Tin Mừng kể : “Đang dùng bữa, …Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau…”.

          Hành vi cởi áo choàng, thắt dây lưng là việc làm của những người đầy tớ, phục vụ chủ. Đức Giesu đã chọn vị trí của người đầy tớ, Ngài tự đổi thứ vị, Chúa thành người tôi tớ, tôi tớ được phục vụ như một người chủ. Ngài cúi xuống, rửa chân cho các Tông Đồ. Chân và gót chân là chỗ thấp nhất của con người. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa vinh quang. Từ địa vị này Ngài đã trở  nên người phàm chưa đủ, Ngài còn muốn hạ mình xuống cấp thấp của con người: mặc lấy thân nô lệ. Ngài hạ mình xuống để nâng con người lên. Ngài tự nhận là người có phẩm giá thấp để nâng cao giá trị con người. Hành động yêu thương hạ mình phục vụ như người đầy tớ đã làm cho Phêrô hoảng sợ, Phêrô đã vội kêu lên :  “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Làm như vậy, Ngài muốn dạy cho các Tông đồ, cho những ai làm công việc phục vụ Tin Mừng bài học yêu thương qua hành động cụ thể:  “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.

          Đức Giáo Hoàng Phanxico đã làm cho thế giới kinh ngạc, không phải bởi các chuyến công du, không hệ tại ở bài diễn văn, bài giảng hùng biện, nhưng chính là sự hạ cố từ chức phận địa vị là giáo hoàng xuống phục vụ người bé nhỏ như gặp gỡ các tù nhân, rửa chân và hôn chân họ; Hôn người dị tật, điện thoại nói chuyện với người bán giầy, bán báo; ăn cơm với giới thợ thuyền; ngày 26 tháng 03 vừa qua, Ngài mời những người vô gia cư sinh sống tại Roma vào thăm bảo tàng Vatican. Đang khi họ đi thăm viện, Ngài xuất hiện nói chuyện với họ, xin họ cầu nguyện và mời họ cùng ăn tối với Ngài. Chính những cử chỉ phục vụ trong yêu thương, hạ mình là bằng chứng Ngài đã thể hiện tình yêu của Chúa yêu đến cùng và qua đó, Ngài chinh phục thế giới, hoán cải lòng người và gây được sự cảm phục mến mộ của muôn con người.

          Bước vào Tam Nhật Thánh, tham dự và cử hành các mầu nhiệm cực thánh, chúng ta không chỉ để biểu lộ hành vi sốt sáng tôn thờ Chúa hay để sầu thương khóc lóc khi cử hành cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng quan trọng hơn là để học và thực hành bài học cụ thể về tình yêu nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu cần chúng làm theo luật yêu đòi hỏi. Chúng ta nói về tình yêu, dù rằng hấp dẫn nhưng rốt cuộc chẳng đánh động mấy người. Nhưng làm một cử chỉ phục vụ yêu thương, dù rất nhỏ bé cũng đã đủ chinh phục, cuốn hút và gây cảm phục lòng người.

          Đức Cha Giuse – Giáo Phận Phát Diệm, trong ngày lễ Tryền Dầu Thư Tư hôm qua đã huấn dụ cộng đoàn: “Chúng ta bỏ ra rất nhiều thời gian trong những ngày này để đi ngắm nguyện, đi nhà thờ, tham dự các cử hành long trọng của Tuần Thương Khó, vậy tôi xin anh chị em bỏ ra 15 phút đi thăm những ai cô đơn, khốn khổ ở gần nhất, có thể ở bên cạnh nhà mình. Rồi Ngài thêm, khi chúng lên hôn kính Thánh Giá Chúa, hãy nghĩ đến việc hạ mình hôn một người nghèo, một người cô đơn, một người khốn khổ, một người đang cần sự phục vụ trong yêu thương của chúng ta”.

          Chúa đã lập giới răn yêu thương, thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chức Linh Mục, lấy nước quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, không gì khác hơn là để làm, để thực hành những gì mà luật tình yêu đòi hỏi. Ngài đã để lại cho chúng ta hiến chương tình yêu, không phải đã được lên bằng chữ nghĩa, nhưng là một con người sống động, con người rời khỏi bàn ăn, cởi áo choàng, thắt dây lưng, quỳ xuống, rửa chân.  Giáo Hội chỉ trở nên hấp dẫn, cộng đoàn chúng ta trở nên thu hút và gia đình chúng ta trở nên hấp dẫn khi chúng ta làm, khi chúng ta hạ mình phục vụ theo luật yêu thương đòi hỏi.

           Xin vì công nghiệp cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, giúp chúng ta nghiệm cảm, thực hành bài học về tình yêu trao ban đến tận cùng, cứu chúng ta, mọi người khỏi án phạt và ban cho sự sống đời đời. Amen.

 

 

Suy Niệm 2: Thứ Năm Tuần Thánh

CHIỀU THỨ NĂM CỦA TÌNH YÊU TRÒN ĐẦY

Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh có một ý nghĩa sâu xa, kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu thành lập bí tích Thánh Thể, chức Linh Mục thừa tác và ban giới răn yêu thương.

Chúng ta gọi đây là mặc khải trọn vẹn của giới răn tình yêu.

  • Tình yêu chuyển từ lời – đến hành động hạ mình

Đức Giêsu đã trối lại cho các môn đệ giới răn tình yêu: ” Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em“. Và Ngài nói: “Đây là giới răn mới”.

Thế nào là điều răn mới và thế nào là yêu như Thầy yêu?

Cái mới của tình yêu là Thiên Chúa yêu trong hành động và hạnh động hạ mình. Thiên Chúa đã dùng lời để diễn tả tình yêu. Lời của Chúa nói về tình yêu thì hay, nhưng làm sao hiểu hết được, vì lời Chúa thì cao sâu, huyền nhiệm. Hơn nữa, con người thuộc thực tại xác phàm, nếu chỉ nghe lời, thì có thể nghe tai này ra tai kia, nhớ kỹ nhưng với thời gian dễ quên. Nhưng kỳ diệu nơi tình yêu Thiên Chúa là Ngài đã chuyển lời thành hành động để diễn tả tình yêu. Như chúng ta đã thấy, Ngài đã dùng lời để tạo dựng nên vũ trụ. Nếu chỉ nghe Thiên Chúa nói về tình yêu, con người đâu cảm nhận được cái đẹp, cái hay, cái vĩ đại nơi tình yêu Thiên Chúa, nhưng vì Ngài đã hành động qua việc tạo dựng vũ trị nên khi nhìn vào vũ trụ kết quả tình yêu Ngài, con người cảm nhận và phục bái tình yêu Ngài.

Trong trình thuật tin mừng hôm nay, để diễn tả ý nghĩa cụ thể của tình yêu, “Đức Giêsu chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, Ngài rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”. Hành động là chỗi dậy, rời khỏi vị trí bàn ăn, cởi áo, rửa chân, lấy khăn lau chân… đó là phận việc của người giúp việc, hầu bàn. Đức Thánh Cha Phanxico giải thích : ” Vào thời đó đây là thói quen, vì khi tới nhà nào chân người ta bẩn vì bụi đường. Hồi đó chưa có đường lót đá. Đó là bụi đường và khi vào nhà thì người ta rửa chân. Nhưng điều này chủ nhà không làm, nhưng là các nô lệ. Đó là công việc của các nô lệ. Và Chúa Giêsu rửa chân cho chúng ta, cho các môn đệ, như nô lệ. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta biết bao đến trở thành nô lệ để phục vụ chúng ta, chữa lành và rửa sạch chúng ta” (Đức Thánh Cha Phanxico, Rửa chân Thứ Năm Tuần Thánh 2015 tại nhà tù Rebbibia).

Quả thực Đức Giêsu như Thánh Phaolo đã xác định: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa…, nhưng đã trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ...” (Pl 2, 6-7). Đức Giêsu đã chỗi dậy khỏi đia vị là Thiên Chúa, là chủ xứng đáng để được phục vụ, nhưng muốn trở nên như nô lệ. Tất nhiên không phải là nô lệ mất tự do, mất phẩm giá mà là nô lệ đệ phục vụ tình yêu. Bởi vì đặc tính của tình yêu đòi hỏi một sự cho đi nhưng không, phục vụ không tính toán. Chỉ có phục vụ tình yêu như người nô lệ mới không có tính toán. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi suy niệm về việc Chúa rửa chân cho các Tông Đồ Ngài nói :”… khi rửa chân cho các tông đồ, Người tuyên bố một cách cụ thể quyền tối thượng của tình yêu thương, tình yêu thương biến thành sự phục vụ và trao ban chính mình…” (Huấn Dụ Tại Thính Đường Phaolô VI 19-02-2008).

  • Tình yêu trao hiến đến cùng và phải lặp lại mỗi ngày

Cái mới nữa nới tình yêu nơi tình yêu của Đức Giêsu là Ngài trao ban và hiến mình, chết cho người mình yêu và yêu mãi mãi. Tình yêu chỉ dừng lại ở hành động bên ngoài như việc hạ mình, phục vụ như người tôi tớ vẫn chưa tròn ý nghĩa. Tm Nhất lãm và trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrinto – bài đọc II, đã tường thuật việc Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, hoàn tất điều đã tiên báo ở Cựu Ước về bữa tiệc Vượt Qua. Vào tiệc trước đêm bị nộp Chúa cầm lấy bánh và rượu và đọc: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em…Và đây là chén máu Thầy, Máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra vì anh em...” ( x. Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22, 19-20; 1Cr 11,23-25).

Đức Giesu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để diễn giải việc Ngài trao giới răn mới và yêu đến kỳ cùng, điều mà Ngài sẽ hoàn tất vào ngày hôm sau- ngày thứ sáu tuần thánh.

Không có một tôn giáo nào mà thần linh yêu con người đến nỗi hạ cấp xuống bằng con người, lại còn trao ban thân mình cho con người. Ở đây, Đức Giêsu – Thiên Chúa làm người, đã tự hạ mình xuống bằng và thấp hơn con người, phận nô lệ, lại còn chết cho con người. Đó là cái mới nhất của tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu khi yêu con người, Ngài muốn cả con người thần tính và nhân tính của Ngài thấm nhập vào linh hồn của con người. Mỗi khi họ ăn, họ uống hữu thể của chính Ngài ban, họ không chỉ học bài học của tình yêu mà còn được nuôi sống nhờ sự sống của Ngài. Con người trở thành người lưu truyền và nhân bản tính yêu Thiên Chúa.

Rồi thêm nữa, sau mỗi lần tuyền phép bánh rượu Đức Giêsu thêm: “Anh em hãy làm việc  này mà nhớ đến Thầy!” Tình yêu và việc làm của tình yêu chỉ diễn ra có một lần rồi kết thúc thì tình yêu sẽ bị tuyên bố khai tử. Tình yêu và việc làm của tình yêu để nó sống động còn phải thực hiện hàng ngày. Hai người hứa yêu nhau trọn đời. Nhưng cái trọn đời của tình yêu giữa hai người sẽ chẳng dồn ở đoạn kết cuộc đời mà phải diễn ra từng giờ và mỗi ngày. Đức Giêsu ở đây đã thiết lập chức linh mục để lưu truyền hiến tế tình yêu này. Ngài muốn trao ban, muốn hiến tế từng ngày. Mỗi lần linh mục cử hành Bí Tích Thánh Thể, lại một lần mới nữa, Đức Giêsu hiến tế chính mình vì người mình yêu. Đó là sáng kiến vĩ đại lớn lao nhất của tình yêu Thiên Chúa và Ngài đã trao lại cho chúng ta.

  • Nhận lãnh thì hãy làm điều tình yêu đòi hỏi

Chúng ta có một món nợ lớn nhất như thánh Phaolô đã xác định đó là món nợ tình yêu: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” ( Rm 13,8). Chúng ta nhận lãnh mọi sự, nhận lãnh tình yêu đã chịu chết nơi Chúa, rồi ân huệ tình yêu Tc ban qua Giáo Hội, của người khác, nhưng đến lần mình thì xem ra còn quá ít hoặc chưa có gì gọi là cho đi và hiến tế vì tình yêu đối với anh chị em của mình.

Cho đến hôm nay vừa là kết thúc mùa chay, vừa khởi sự Tam Nhật Thánh, chúng ta xét kiểm xem, đã có bao nhiêu người chúng ta hạ mình phục vụ nhân danh tình yêu Chúa?  Chúng ta tự nhận là: tôi đã làm quá nhiều công việc, tôi đã hy vất vả, kể cả phải làm những việc bẩn thỉu, hèn kém, rồi giúp đỡ rất nhiều vật chất cho nhiều nơi, nhiều người… Nhưng tự hỏi, liệu tôi đã làm những việc này, như Chúa Giêsu, là trở nên người tôi tớ phục vụ vì tình yêu vô vị lợi hay vì mình? Mục Sư Rick Warren, tác giả cuốn sách ‘Sống Theo mục đích’ đã nói:” Thật không may, nhiều khi việc phục vụ đức ái của chúng ta trở thành phục vụ chính mình. Chúng ta phục vụ để được người người khác yêu thích, thán phục hoặc nhằm mục đích riêng. Đó là thủ thuật chứ không phải là sứ vụ tình yêu đòi hỏi” ( trg 336).

Nhiều khi chúng ta sợ và coi như mình bị xúc phạm, hạ chất phẩm giá, mất sự cao trọng thánh thiêng của linh mục của thầy dòng, của người quyền cao chức trong khi phải hạ mình xuống gặp gỡ, tiếp xúc, phục vụ những người hèn kém, người tội, người ghét mình, người chống mình, người quấy nhiễu mình. Không, nhân cách và căn tính của chúng ta vẫn giữ nguyên và nó còn được tỏa sáng khi chúng ta thi hành đức ái tình yêu như Chúa đã nêu gương. ĐGH. Phanxico được thể giới biết đến nhất khi Ngài với hết trái tim tình yêu, hạ mình xuống làm công việc tầm thường và phục vụ người tầm thường, xấu bẩn, tội lỗi nhất.

 Bài hát ‘Tình Khúc’ của Cha Ân Đức viết và dệt nhạc theo tâm tình của Đức Nguyên Viện Phụ Gioan Vương Đình Lâm có đoạn :” ĐK: Lạy Đấng Tình Quân con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa. Chúa nay thuộc về con. Mũi tên nào say đắm. Bắn trúng con tim hồng. Để từ nay con sống là sống cho cho tình yêu. Và dầu cho con chết là chết cho cho tình yêu. Pk1. Con xin làm nô lệ của tình yêu. Con xin làm khí cụ của tình yêu. Cho mọi người nhận biết Chúa yêu thương. Cho mọi người thức giấc sau đêm trường“.

Làm nô lệ, làm khí cụ theo cách của tình yêu Chúa thì chẳng khi nào chúng ta thấy rằng mình đã đã làm đủ, đã phục vụ đủ, đã dấn thân đủ, và cũng không khi nào coi mình là đã bị xúc phạm phẩm giá, bị xấu hổ, hạ nhục khi làm những điều mà tình yêu Chúa đòi hỏi.

 Xin cho chúng ta biết đón nhận giới răn yêu thương và bài học yêu thương từ cuộc thương khó của Đức Giêsu để lại, để chúng ta cũng biết hiến thân cho tình yêu và sống chết cho tình yêu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...