THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 22,1-14
Dụ Ngôn Tiệc Cưới
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Ai trong chúng ta đã bao giờ được mời đến một bữa tiệc trang trọng mà trong thiệp mời có chú thích phải mặc y phục theo yêu cầu của chủ tiệc chưa? Và nếu bữa tiệc trang trọng mà chúng ta không mặc y phục theo yêu cầu thì chắc chắn sẽ bị bảo vệ từ chối không cho vào trong phòng tiệc.
Như thế, chắc rằng anh chàng đáng thương trong câu chuyện ngụ ngôn của tiệc cưới đã không đọc bản in chú thích trên thiệp mời của mình. Anh ta bị ném ra nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Rồi Chúa Giêsu kết luận, nhiều người được gọi nhưng rất ít người được chọn. Ngài không cho chúng ta manh mối về lý do tại sao điều này xảy ra.
Song song bản văn trong Lu-ca 14,14-24 nói về dụ ngôn: một người giàu có tổ chức một bữa tiệc. Trong phúc âm hôm nay, đó là một vị vua chuẩn bị tiệc cưới cho con trai mình. Tại sao câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu dường như tập trung vào một vị vua nổi giận, cuối cùng ông ta đã trừng phạt những người từ chối lời mời của mình và đã ngược đãi những người đầy tớ của ông? Dụ ngôn của Chúa Giêsu hàm chứa hai câu chuyện. Trước tiên là việc phải ưu đãi đối với những vị khách ban đầu được mời dự tiệc nhưng họ từ chối. Thứ hai là câu chuyện tập trung vào những người không có trong danh sách của nhà vua và những người sẽ không bao giờ nghĩ đến việc nhận được lời mời như vậy.
Khi suy gẫm đoạn Tin mừng này, theo Đức cha Soc Villegas trong cuốn sách của Ngài mang tựa đề ‘Yêu Như Chúa Giêsu’ ngài đưa ra ba điểm:
Trước tiên là Lời Mời: Chúa có lời mời chúng ta mỗi ngày đến với bữa tiệc ân sủng của Ngài. Ngài đã chuẩn bị tất cả; Ngài đã trả phí cho bữa tiệc, nhưng có chấp nhận lời mời của Ngài hay không lại tùy thuộc vào chúng ta. Đôi khi chúng ta từ chối cách lịch sự; chờ thời điểm khác, hay chúng tôi sẵn sàng chấp nhận lời mời của Ngài nhưng với điều kiện. Thành thật mà nhận định, trong số tất cả các tôn giáo trên thế giới, con người luôn chủ động tìm kiếm Thiên Chúa nhưng trong Ki-tô giáo, Thiên Chúa là Đấng tìm kiếm chúng ta. Ngài là Đấng tìm kiếm con người. Khi nào chúng ta sẽ đáp lại lời mời với sự chân thành và trung thực của Ngài đây?
Thứ hai là Sự Thờ Ơ. Những người được mời đã thờ ơ. Họ dửng dưng với lời mời. Họ đã đi đến các doanh nghiệp và công trình riêng của họ. Họ mặc kệ Chúa. Chỉ cần tưởng tượng, chính Chúa mời gọi chúng ta và sau đó chúng ta có can đảm nói “Không” với lời mời của Ngài vì chúng ta có những việc khác phải làm. Sự thờ ơ này tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Những người được mời nhưng không đáp lời có thể được phân loại thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất là những người được mời không quan tâm đến lời mời của Thiên Chúa, không đề cập gì đến. Nhóm thứ hai là họ chẳng thấy thú vị gì về sự được mời, đây là những người chống đối hoặc những người đối đầu với Chúa Ki-tô và Giáo hội của Người. Nhóm thứ ba là họ muốn thay đổi Giáo hội bằng hành động chính trị và sự thiếu tôn trọng.
Thứ ba là Không Phù Hợp, nói lên sự thiếu tôn trọng của những người được mời. Giống như người đàn ông được cung cấp trang phục phù hợp trước khi bước vào tiệc cưới, nhưng tự nghĩ rằng anh ta nên được chấp nhận như anh ta muốn. Có lẽ chúng ta không quá chú trọng về cách ăn mặc trong khi tham dự thánh lễ. Nhưng là cách chúng ta sống ở trong Giáo hội: sự chuẩn bị bên trong của chúng ta; Làm thế nào tâm hồn của chúng ta ăn mặc đúng cách. Hay nhiều khi chúng ta hiện diện về thể chất nhưng vắng bóng về mặt tinh thần. ‘Hồn con đâu chứ xác con đây!’
Hãy nghe nhà Vinh gia kêu gọi: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi chớ cứng lòng nữa” (Tv 94,8). Xin giúp chúng con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng tất cả tâm hồn, trí khôn và ý muốn, vì bữa tiệc của Chúa là bữa tiệc vĩnh cửu và cùng đích của đời sống mà Chúa chuẩn bị cho mỗi người chúng con đi vào Nước Trời. Amen.