THỨ NĂM TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 5,1-11
Đức Giêsu Kêu Gọi Ông Si-môn
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”
Tin Mừng hôm nay kể lại việc, Chúa Giêsu đã lên thuyền của ông Si- môn, và ông đã cho Ngài lên, ông còn tạo điều kiện cho Ngài ở đó cách dân chúng một khoảng để họ khỏi chen lấn, để Ngài có thể giảng dạy. Dẫu cho sau một đêm vất vả mệt nhọc, và còn mệt hơn nữa là không bắt được gì, muốn dọn dẹp để về ngủ, nghỉ ngơi lấy lại sức. Thế nhưng ông đã quảng đại để Chúa mượn thuyền làm bục giảng dạy dân chúng.
Giảng xong, Chúa Giêsu lại yêu cầu ông chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới. Quả thật đây là yêu cầu rất táo bạo nếu không nói là hơi sốc! Vì Thầy là một vị thầy quen khua môi múa mỏ ở chỗ đông người chứ biết gì về biển với chả cá! Chuyên nghiệp như tôi mà cả đêm không bắt được gì đây! Bụng đói, chân tay run rẩy vì mệt nhọc cả đêm, lưới đã dọn lên rồi, bây giờ lại tung ra sao! Vả lại ban ngày thì làm gì có cá mà bắt! Nếu bắt cá dễ như Thầy nói thì cần gì phải thức đêm thức hôm cho mệt chứ! Nhưng thôi, “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Tôi làm theo ý thầy thôi chứ ý tôi thì không hề muốn, và cũng chả tin rằng có chuyện lạ đời như vậy! Thôi thì ‘Vâng lời Thầy’. Quả thật, đây đúng là một mẫu gương của sự vâng lời tuyệt đối, ‘vâng lời’ để rồi kể mình ra không, bao nhiêu kinh nghiệm của biển khơi và nghề nghiệp không hề tính đến nữa. Tôi đang làm một công việc hoàn toàn đi ngược lại với sự hiểu biết của tôi, với thói quen của tôi và hơn nữa là lập trường của tôi.
Và chính vì sự vâng lời đó mà Si-môn đã thu hoạch được một mẻ cá lạ đến độ lưới gần rách và thuyền đầy ắp và phải kêu đồng nghiệp đến hỗ trợ.
Ta thấy thông thường mục đích của người dân thuyền chài bắt được nhiều cá là đạt đích của mình và người ta hả hê trên thành công ấy như chiến lợi phẩm. Ở đây, trên cả sự hả hê ấy, qua mẻ cá lạ lùng, Phê-rô lại nhận biết một mục đích mới và quan trọng hơn mọi sự đó là nhận biết Thầy Giêsu không phải là một vị thầy như bao các vị thầy khác mà là Thiên Chúa của ông, nên ông đã sấp mặt xuống dưới chân Ngài mà thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi!”
Qua Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể tóm tắt lại về hành trình gặp gỡ Thiên Chúa qua con người của Si-môn Phê-rô.
Trước tiên Thiên Chúa đã đến với Phê-rô. Và ông đã rộng lòng đón tiếp người, tạo điều kiện cho Người ở lại trên thuyền của ông. Thuyền đối với người dân chài chính là căn nhà thứ hai và cũng tượng trưng cho mạng sống của họ. Và ông đã để Chúa sử dụng nó để rao giảng Tin Mừng.
Tiếp đến ông đã vâng lời Chúa mà thả lưới mặc dù ông không muốn, ông đã dám quên mình đi để cho Chúa làm chủ điều khiển công việc và hành vi của mình. Và qua đó ông đã thu hoạch được không chỉ là mẻ cá tượng trưng cho cơm gạo áo tiền, mà còn được nhận biết chính Thiên Chúa đã đến và đã kêu gọi ông trở nên môn đệ của Ngài. Giải phóng ông khỏi những gì tầm thường của vật chất và gọi ông tham gia với Ngài để gặt hái được giá trị vĩnh cửu là chính Chúa và các linh hồn, ông đã bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Qua hành trình ơn gọi của Phê-rô chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với con người và kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, để Ngài ban cho chúng ta những địa vị và những phẩm giá cao cả hơn là trở nên môn đệ của Ngài, là được tham dự vào sứ vụ cao cả của Ngài. Và trên tất cả là được cùng vinh hiển với Ngài trong đời sống vĩnh cửu. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng mở cửa cho Ngài vào căn nhà của mình không? Có dám đáp lại tiếng ‘Xin Vâng’ như Phê-rô không? Nếu chúng ta dám quên mình đi để cho Thiên Chúa sử dụng mình như khí cụ trong công việc của Ngài thì chúng ta sẽ thấy được những mẻ cá bội thu. Nếu chúng ta vâng giữ Lời Ngài, Ngài sẽ biến chúng ta thành khí cụ của bình an, như thánh Phan-xi-cô Assisi, chúng ta hãy cầu xin: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa” để con đem Tin Mừng của Chúa đến với hết mọi người. Đó là điều Chúa muốn và mời gọi mỗi chúng ta như xưa Chúa đã mời gọi Thánh Phê-rô. Amen.