THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Lu-ca 24,13-35
Chúa Giêsu Xuất Hiện Trên Đường Đến Emmaus
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Tin Mừng hôm nay kể lại việc hai môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu là người đồng hành với họ trên đường đến Emmaus. Thật ra họ quá thất vọng vì kết cục bi thảm của Chúa. Cái chết của Ngài làm vỡ mộng, phá tan hy vọng và ước mơ của họ. Và Chúa Giêsu đã giải thích Kinh Thánh để cố gắng cho họ hiểu ý nghĩa của những sự kiện vượt ngoài tầm hiểu biết của con người đã xảy ra trong thành thánh. Ngài giải thích cho họ một lần nữa ý nghĩa của những lời tiên tri về Đức Kitô, Đấng phải chịu đau khổ và chết vì tội lỗi nhân loại. Điều này, khi thấu hiểu được sự kỳ diệu của tình yêu thập giá, Thánh Phao-lô đã nhờ đó mà vượt qua những đau khổ của cuộc đời theo Chúa mà hãnh diện tuyên bố rằng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19).
Điều gì khiến họ khó nhận ra Ngài? Thánh Âu-gút-ti-nô một giáo phụ nổi tiếng sống ở thế kỷ thứ năm đã viết về các môn đệ trên đường Emmau như sau: Người ta rất băn khoăn khi thấy Ngài bị treo trên thập tự giá mà họ quên mất lời dạy của Ngài, đã không tìm kiếm sự Phục Sinh của Ngài và họ cũng đã không giữ lời hứa của Ngài[1]. Cho nên mắt của họ bị che khuất, họ đã không nhận ra Ngài cho đến khi bẻ bánh. Vì thế, theo trạng thái của tâm trí, những người này vẫn không biết gì về sự thật rằng Chúa Kitô sẽ chết và sống lại, đôi mắt của họ bị cản trở. Sự hụt hẫng là do họ tưởng mình bị Đức Giêsu lừa, thực ra chính họ không thể nhận thức được sự thật[2] Và chỉ đến khi bẻ bánh, hai môn đệ mới nhận ra Chúa Giêsu.
Ngày nay, nhờ đức tin, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra Ngài trong Bí tích Thánh Thể, cũng như qua Kinh Thánh. Đây là hai cách tốt nhất để nhận biết Chúa Kitô. Sự nhận biết Chúa Kitô qua Lời Ngài sẽ dẫn ta đến sự hiểu biết Ngài đầy đủ trong Mầu nhiệm Mình Thánh và Máu Thánh của Ngài, đó là đỉnh cao của tình yêu của Thiên Chúa làm người. Giáo lý Giáo Hội Công giáo dạy chúng ta rằng:
Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người, và dâng hy tế duy nhất đó cách bí tích, trong phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong tất cả Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đều thấy sau các lời tường thuật về việc Chúa thiết lập Thánh Thể, một kinh nguyện được gọi là kinh Tưởng Niệm.” (GLGHCG số 1362).
Nhờ sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể, Ngài đồng hành, ở cùng chúng ta trong cuộc sống và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng.
Bí tích Thánh Thể gồm tóm tất cả những điểm sau đây:
- Lời tạ ơn – đối với Thiên Chúa về công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
- Mầu nhiệm đức tin; Trái tim thần linh của Giáo Hội, (Thông điệp Ecèreia de Eucharistia, của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II)
- Trao ban Bánh Hằng Sống (Cv 2,42; Lc 24,21).
- Tưởng niệm cuộc Vượt Qua và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
- Sự hy sinh thánh thiện: Chúa Kitô đang hiến chính mình cho Chúa Cha và sau đó cho tất cả chúng
- Bí tích tình yêu: Thánh Ép-rem đã viết rằng: Chúa Giêsu đã đổ đầy Bí tích Thánh Thể bằng Thánh Linh tình yêu của Ngài.
- Thánh Âu-gus-ti-nô đã viết: Bí tích thành kính, dấu chỉ hiệp nhất, ràng buộc bác ái!
- Bữa tiệc Vượt Qua: Bánh ban sự sống; Chén cứu độ vĩnh cửu.
- Quà tặng tuyệt hảo: Chính thân mình Đức Kitô và công cuộc cứu độ của Ngài.
- Cam kết vinh quang vĩnh cửu: Sự sùng kính Thánh Thể vượt xa một việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua, vì qua sự hiệp thông tại bàn thờ, chúng ta được tràn đầy phước lành và ân sủng trên trời. Bây giờ Bí tích Thánh Thể là một dự đoán về vinh quang trên trời.
- Lời hứa về sự trở lại của Chúa Kitô: Maranatha! Hãy đến, lạy Chúa Giêsu! (Kh 1,4; 22,20)
- Phụng vụ thiêng liêng (Thánh lễ) – Việc làm mỗi ngày của dân thánh theo hướng dẫn thiêng liêng. Đây là lối vào phụng vụ Thiên đàng, nơi Thiên Chúa sẽ là tất cả. (1Cr 15,28)
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra sự hiện diện màu nhiệm của Chúa trong việc tiếp xúc với Lời Ngài và trong bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Amen.
[1] Bài giảng 235. 1.
[2] The Harmony of the Gospels, 3.25.72.