THỨ TƯ TUẦN I MÙA CHAY
Lu-ca 11,29-32
Nhu Cầu Về Một Dấu Hiệu
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Có lẽ không chỉ cách đây hơn hai ngàn năm mà loài người ngày nay cũng thế, điềm thiêng dấu lạ luôn là một sự thu hút người ta. Nếu có ai đó có thể làm những dấu lạ thì quả thật, người ta ở mọi nơi sẽ ùn ùn kéo tới. Đó dường như là tâm lý chung của con người, cái gì ghê gớm to lớn vượt ngoài tầm tay cũng như trí hiểu thì người ta dễ đón nhận hơn. Chắc chắn Chúa Giêsu dư biết chuyện đó, nhưng sao Phúc Âm hôm nay ta thấy Chúa Giêsu đã tỏ thái độ rất khó chịu với những người đến xin dấu lạ? Quả thật, một dấu lạ có sức thu phục người ta bằng ngàn vạn lời nói. Nếu chúng ta là Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ làm gì? Chắc chắn chúng ta sẽ tỏ uy quyền làm một phép lạ nào đó rất ngoạn mục khiến mọi người chứng kiến phải phục lăn sát đất. Sao Chúa Giêsu lại không làm như vậy nhỉ?
Ta nhớ lại rằng, khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã lui vào hoang địa và bị ma quỷ cám dỗ. Ngài đã trải qua ba cơn cám dỗ, quỷ đã thách thức Chúa dùng quyền, “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy biến đá thành bánh để ăn cho khỏi đói”, nó muốn Chúa Giêsu quỳ lạy nó để được nó ban cho toàn cõi trần gian, hay xúi Ngài dùng quyền để nhảy từ trên nóc đền thờ xuống cách ngoạn mục để người ta tin vào Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã cự tuyệt với lời cám dỗ ấy. Và hôm nay, dưới chiêu bài xin một dấu lạ, nhưng thực ra người ta đang tìm cách thách thức Ngài để Ngài dùng quyền mà thu phục người khác. Và cũng như những cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã nói không với những yêu sách này. Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy, Ngài là Thiên Chúa làm người và không có nhiệm vụ làm theo những yêu sách của con Người. Mặc dù trong những tình huống khác, Ngài đã làm biết bao nhiêu phép lạ, xua trừ ma quỷ, chữa các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại… nhưng tất cả những gì Ngài thực hiện là do tình yêu và lòng thương xót của Ngài, chứ không phải do những yêu sách nhiêu khê của con người, hay do Ngài thích thu phục người ta bằng quyền lực. Vì nếu Ngài muốn dùng quyền lực mà thu phục người ta thì có lẽ việc nhập thể của Ngài là điều không cần thiết, càng không cần thiết hơn cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài.
Chúa Giêsu không muốn thu phục con người bằng quyền năng nhưng bằng tình yêu và sự hy sinh tính mạng để minh chứng cho tình yêu đó. Để tình yêu giữa Thiên Chúa và con người không có sự ép buộc chênh lệch bởi quyền năng, nhưng hoàn toàn ngang bằng và tự do tuyệt đối. Điều mà Thiên Chúa đã ban cho con người từ khi tạo dựng nên nó. Thế nên, dấu lạ mà Ngài trả lời cho những ai đòi hỏi đó là dấu lạ của tiên tri Gio-na, một người đã nằm trong bụng cá ba ngày. Dấu lạ đó ám chỉ đến chính cái chết của Ngài và sự Phục Sinh sau ba ngày. Đó là dấu lạ vĩ đại nhất, dấu lạ của Thiên Chúa làm Người, chấp nhận cho người ta đóng đinh mình trên khổ giá, chết, mai táng và Phục Sinh để minh chứng tình yêu của mình cho con người, vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vì thế, chính Chúa Giêsu là một dấu lạ lớn nhất, dấu lạ ngàn đời để con người nhìn vào đó mà tin và được Ngài ban ơn cứu độ.
Thật thế, Chúa Giêsu muốn đề cập đến dấu lạ Gio-na vì Gio-na là người đã rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa cho dân thành Ni-ni-vê và họ đã ăn năn trở lại, bốc tro bỏ lên đầu, mặc áo nhặm tỏ lòng thống hối. Ngài cũng đưa ra hình ảnh của Nữ hoàng Phương Nam là người đã nhận ra lời khôn ngoan của Salomon, bà đã băng ngàn vượt núi, đến để được nghe lời khôn ngoan. Thế nhưng đối diện với họ ở đây không chỉ là lời lẽ khôn ngoan, mà là chính Đấng Khôn Ngoan. Không chỉ là kẻ công bố lời của Thiên Chúa mà là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa. Nhưng người ta lại không đón nhận. Họ chỉ lo đi tìm những điềm thiêng dấu lạ, những gì ngoạn mục bên ngoài Thiên Chúa. Hay đúng hơn, người ta đang đi tìm cái bản ngã kiêu căng tự phụ của chính mình.
Còn chúng ta thì sao, có hơn gì những người Do Thái xưa không? Biết bao lần nghe Lời Tin Mừng của Chúa, biết bao lần Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời của ta qua các bí tích. Và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Thế nhưng thực sự chúng ta có chú tâm đến Ngài không, hay chỉ đi lễ vì bổn phận, sau khi rước lễ là nhốt Chúa vào trong buồng tối om với một tâm hồn nguội lạnh của mình. Còn sau đó, mong cho ra khỏi nhà thờ thật nhanh để tiếp tục đi tìm những dấu lạ ở mọi nơi mình muốn. Như nhà hàng, rạp hát, bạn bè tụ tập, mua sắm… tệ hơn nữa, không ít người còn thích chạy theo những tà thuật, bói toán, mê tín dị đoan, xem tử vi, phong thủy để định hướng cho tương lai. Đó là những hành động đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, hay muốn Chúa Giêsu phải cúi xuống để đáp ứng các tiêu chuẩn, cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của con người, thay vì con người đi tìm vâng phục thánh ý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, con người chúng con thì giới hạn nhưng lại tự cao và hay cho mình là tài là giỏi, sự kiêu ngạo đã ăn rễ sâu vào tâm hồn và làm lu mờ cái nhìn thuần khiết của con mắt tâm linh, nên chúng con không thấy được quyền năng và tình yêu của Chúa thể hiện trong mọi giây phút của cuộc đời. Chỉ cần vài phút không có không khí để thở thì cả thế giới này tiêu tan, thế mà chúng con không nhìn ra bàn tay quan phòng kỳ diệu của Ngài. vẫn cứ mải mê tìm những dấu lạ nơi trần thế. Hoặc như những người Do Thái xưa đã từng thách thức về quyền năng của Ngài, đó là khi chúng con chạy theo các ngẫu tượng, đồng cốt và cho đó là linh hơn, là khả giác hơn! Xin giúp chúng con biết hoán cải trở về, để tâm hồn chúng con được trong sạch và con mắt đức tin được mở ra để thấy Chúa trong mọi sự, thấy tình yêu của Ngài luôn an bài trên cuộc đời chúng con. Amen.