YÊU CHÚA HAY YÊU NGƯỜI
(Lc 14,25-33)
M. Michael Hội, Phước Lý
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một số tiêu chuẩn và điều kiện cần để trở thành môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, những yêu cầu này có vẻ khó nghe, khó chấp nhận và dường như đi ngược lại với luân thường đạo lý.
Xã hội con người nói chung, và đặc biệt là truyền thống Đông phương rất coi trọng tình cảm gia đình và huyết tộc. Trong đó, chữ “hiếu” được xem như là nhân đức đứng hàng đầu trong tam giáo. Mở đầu tác phẩm Hiếu Kinh, Nho gia nói về đạo hiếu như sau: “Hiếu là gốc của đức, người ta có trăm nết, hiếu đứng đầu. Đạo hiếu đã không rõ thì con người không đáng để làm gì”.[1] Bỏ rơi không phụng dưỡng cha mẹ đó là đại tội bất hiếu, không xứng đáng làm người.
Thế nhưng, khi đòi hỏi người môn đệ phải từ bỏ – hay dịch sát hơn là “ghét”[2] – cha mẹ, vợ con, gia đình thân yêu, và cả mạng sống mình nữa, phải chăng lời Chúa Giêsu mâu thuẫn với lòng từ bi nhân hậu của Ngài, và đi ngược lại với các giá trị đạo đức, cũng như phá bỏ các chuẩn mực xã hội?
Cần phải khẳng định ngay: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu là đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu không bao giờ ghét bỏ ai, Ngài cũng không dạy môn đệ thù ghét người khác. Ngược lại, Ngài yêu thương hết thảy mọi người. Vì yêu, Chúa đã đến thế gian. Vì yêu, Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho dân chúng được no thỏa. Vì yêu, Chúa đã làm phép lạ xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh nhân. Và cuối cùng Ngài đã hiến thân trên thập giá vì người mình yêu. Chính Chúa Giêsu là sứ giả và là hiện thân của tình yêu. Và Ngài cũng dạy mọi người phải làm như thế: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); hay ở nơi khác, Ngài đã nhắc lại vế thứ hai của giới luật yêu thương: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31).
Vậy ý Chúa là gì, khi đặt điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ Ngài, phải ghét cha, ghét mẹ và những người thân yêu trong gia đình?
Nên biết, người Do Thái thích dùng những từ đối lập, tương phản để trình bày hay so sánh một giá trị thua kém hơn, chẳng hạn như: bóng tối và ánh sáng; dối trá và sự thật; ghét và yêu. Cũng vậy, theo ngôn ngữ Hy Lạp, chữ “ghét” (miseis) Chúa Giêsu dùng không biểu thị thái độ thù nghịch, mà diễn tả một sự yêu thích (agape) kém hơn.[3] Theo đó, ý của Chúa Giêsu muốn nói ở đây là ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đặt Ngài làm trung tâm cuộc đời họ. Nghĩa là họ phải “yêu mến Chúa trên hết mọi sự”, những thứ tình cảm, quyến luyến khác đều là thứ yếu, kể cả tình yêu cha mẹ, con cái, hay anh chị em ruột thịt. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn yêu cầu này của Chúa Giêsu khi đối chiếu với đoạn Tin Mừng tương ứng trong Mt 10,37: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Mệnh lệnh này của Thầy Giêsu không nằm ngoài giới răn của Thiên Chúa, giới răn quan trọng nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30). Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, Ngài đã yêu thương chúng ta trước, thì chúng ta cũng phải đáp lại bằng một tình yêu lớn nhất, với một trái tim không chia sẻ. Quả thế, vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì yêu, Đức Giêsu Kitô đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, và chịu chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Là Kitô hữu, đặc biệt là tu sĩ, là đan sĩ, tức là những môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ngài.
Quả thật, con đường của Chúa Giêsu là con đường thập giá, con đường đầy gian nan thử thách. Vì thế khi theo Ngài, người môn để cũng phải sẵn sàng với một thái độ nghiêm túc và dứt khoát. Người môn đệ của Chúa phải có thái độ như người xây tháp, hay như người ra chiến trường, như Chúa đã dạy qua hai dụ ngôn. Nghĩa là họ phải suy tính cẩn thận, toàn tâm toàn ý để theo đuổi và hoàn thành mục đích của mình. Mục đích lớn nhất của người môn đệ là theo sát Thầy Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Do đó, người môn đệ phải hy sinh từ bỏ những gì có thể làm cản trở mối tương quan với Thầy Giêsu.
Sứ điệp lời Chúa hôm nay đòi buộc mọi Kitô hữu phải đặt tình yêu Thiên Chúa lên hàng đầu, vì chính Ngài là tình yêu tuyệt đối, là đối tượng và là cùng đích của chúng ta. Mặt khác, tình yêu Thiên Chúa là nguồn mạch phát sinh mọi tình cảm và các mối dây liên hệ ngay lành của con người. Vì thế, một khi kết hiệp mật thiết với Chúa, người môn đệ cũng sẽ chu toàn những mối tương quan khác. Khi đó, tình yêu Thiên Chúa sẽ khích lệ chúng ta “thảo kính cha mẹ”, hướng dẫn chúng ta “yêu thương người thân cận”, định hướng và làm tăng trưởng bản thân chúng ta trong một tình yêu vị tha.
___________________________
[1] Đoàn Trung Còn, Hiếu Kinh, Nxb Tổng hợp Đồng Nai 2003, 150.
[2] Nếu dịch sát hơn phải là “ghét” theo nguyên ngữ Hy Lạp “miseis”
[3] X. Hans-Hermann Jantzen, https://www.theologie.uzh.ch/predigten/en/lukas-14-25-33/ (27.10.2023).