Thứ tư, 22 Tháng Một, 2025

THỰC HÀNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT

I.LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1.Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót đã quá một nửa. Đây là lúc nên nhìn lại kiểm điểm xem ta đã làm được gì trong 7 tháng qua.Nửa năm qua những lễ nghi cử hành đã nhiều. Những bài nói chuyện, những bài giảng, bài suy niệm cũng đã nhiều. Nhưng việc thực hành thì phải nói là còn rất khiêm tốn, hạn chế.

2.Khởi đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót ta tràn đầy cảm xúc. Những bài hát thật cảm động. Những tâm tình thật sốt sắng. Nhưng sau nửa năm mọi sự đang lắng xuống. Tâm tình bắt đầu ù lì chai đá. Hát những bài về Lòng Thương Xót cũng không còn mấy xúc động. Chưa hết năm mà tâm tình đã nhạt nhòa không còn hướng về Lòng Chúa Thương Xót nữa.

Chính vì thế ta nên nhìn lại. Khơi lại tâm tình sốt mến. Và quan trọng hơn phải biến đổi đời sống. Phải thực hành Lòng Thương Xót. Để Năm Thánh qua đi ta sẽ không hối tiếc. Sẽ không vô ích.

II.THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Để biết sống Năm Thánh, trước hết ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của Năm Thánh

1.Nguồn gốc Năm Thánh

Nguồn gốc Năm Thánh có từ xa xưa trong Cựu Ước. Sách Lê-vi thuật lại lệnh Chúa truyền cử hành Năm Thánh như sau:

Lv 25,1-55: 25,1Trên núi Xi-nai, ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng :

2 “Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một sa-bát kính ĐỨC CHÚA. 3 Trong sáu năm, (các) ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, trong sáu năm, (các) ngươi sẽ tỉa vườn nho của (các) ngươi, và (các) ngươi sẽ thu hoa lợi. 4 Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sa-bát, một thời kỳ đất nghỉ, một sa-bát kính ĐỨC CHÚA: (các) ngươi không được gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, không được tỉa vườn nho của các ngươi; 5(các) ngươi không được gặt lúa tự nhiên mọc sau mùa gặt, không được hái những chùm nho từ vườn nho không cắt tỉa của (các) ngươi: đó sẽ là một năm đất nghỉ. 6 Sản phẩm tự nhiên của đất trong năm sa-bát sẽ nuôi các ngươi, tôi tớ nam nữ của (các) ngươi, người làm thuê của (các) ngươi, khách trọ nhà (các) ngươi; tóm lại các người trú ngụ nơi (các) ngươi. 7 Còn gia súc và dã thú ở trong đất (các) ngươi, thì tất cả hoa lợi của đất sẽ là lương thực cho chúng.

8(Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. 9 Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò ; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. 10 Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. 11 Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. 12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.

13 Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình. 14 Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình. 15……….

24 Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất. …28 Nhưng nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến năm toàn xá; đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình….

39 Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh (các) ngươi và phải bán mình cho (các) ngươi, thì (các) ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ; 40 nó sẽ ở với (các) ngươi như một người làm thuê, một khách trọ, và sẽ phục vụ trong nhà (các) ngươi cho đến năm toàn xá; 41 khi đó, nó cùng với con cái nó sẽ ra khỏi nhà (các) ngươi, sẽ trở về thị tộc mình, sẽ trở về phần sở hữu của cha ông nó.…

…47 Nếu một ngoại kiều hay khách trọ giữa (các) ngươi có phương tiện, và nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh nó và phải bán mình cho ngoại kiều đó hoặc cho khách trọ giữa (các) ngươi, hoặc cho con cháu một gia đình ngoại kiều, 48 thì sau khi bán mình, người anh em ấy vẫn có quyền chuộc: …. …54 Nếu nó không được chuộc bằng những cách trên, thì nó sẽ được ra đi, nó cùng với các con nó, vào năm toàn xá.

Như vậy Năm Thánh đã có từ ngàn xưa. Và từ nguyên thủy Năm Thánh nào cũng là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Và thực hành trong Năm Thánh chủ yếu là Lòng Thương Xót. Thương Xót con người nên phải trả lại tự do cho người bán mình làm nô lệ, trả lại đất đai cho chủ cũ.. Thương Xót súc vật nên Năm Thánh để lại cây trái nuôi súc vật. Thương Xót đất đai nên phải để cho đất đai nghỉ ngơi không được khai thác, trồng trọt.

Điều này đáng cho ta suy nghĩ. Để cử hành Năm Thánh, Chúa không truyền cử hành phụng vụ thật long trọng. Hay có lễ nghi nào khác. Năm Thánh thuần túy là để thực hành Lòng Thương Xót với mọi người, với súc vật và với cả đất đai. Đọc lại nguồn gốc Năm Thánh ta không khỏi ray rứt, vì cách ta cử hành đã đi quá xa và khác với cách Chúa mong muốn khi truyền cử hành Năm Thánh. Đó là phải thực hành Lòng Thương Xót trong Năm Thánh.

2.Lòng Thương Xót phải thực hành

Năm Thánh là để thực hành Lòng Thương Xót. Huống hồ Năm Thánh Lòng Thương Xót càng đòi hỏi ta phải thực hành Lòng Thương Xót nhiều hơn. Theo nguyên ngữ La-tinh Lòng Thương Xót Misericordia ghép bởi hai từ. Miseria: sự khốn cùng. Cor: Trái tim. Lòng Thương Xót là trái tim đặt cạnh sự khốn cùng. Trái tim xúc động trước cảnh khốn cùng. Trái tim cúi xuống cảnh khốn cùng. Trái tim yêu thương người khốn cùng.Trái tim băng bó sự khốn cùng. Trái tim chữa lành sự khốn cùng. Trái tim vực dậy sự khốn cùng.

Nhìn lại nửa năm qua ta thấy thật thiếu sót. Ta đã cử hành nhiều nghi thức nhưng thiếu thực hành Lòng Thương Xót. Ta đã có nhiều cảm xúc nhưng chưa biến thành hành động cụ thể.

Và nhìn vào tình hình thế giới, đất nước, cộng đoàn và chính bản thân ta ta thấy “Miseria” nhiều. Quá nhiều sự khốn cùng. Nhưng “Cor” thì vắng mặt. Chưa thấy trái tim đâu. Vì thế chưa có Lòng Thương Xót.

Chỉ xin nêu ra vài trường hợp tiêu biểu.

Trên thế giới IS không ngừng khủng bố khắp nơi. Đã khiến cho hàng triệu người Syria và Iraq, đặc biệt người công giáo phải từ bỏ quê hương, tài sản để bảo vệ mạng sống, lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Nhiều giám mục linh mục tu sĩ giáo dân bị bắt cóc, bị giết, bị ép bỏ đạo.

Chỉ trong tháng 6 thôi thế giới đã chứng kiến những cảnh khốn cùng. Vào ngày 12-06 thì vụ xả súng hàng loạt vào một câu lạc bộ tại thành phố Orlando, tiểu bang Florida, Hoa kỳ, đã khiến 50 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Ngày 28-06 vừa qua sân bay Attaturk trong thành phố Istanbul, Thổ nhĩ Kỳ bì khủng bố. Hơn 30 người chết. 150 người bị thương. Những nạn xả súng giết người hàng loạt cũng xảy ra như cơm bữa. Thế giới đang lâm cảnh khốn cùng.

Tại Việt nam biết bao thảm cảnh xảy ra. Ngư dân bị tàu Trung quốc hành hạ. Máy bay ra vùng biển Đông gặp tai nạn. Tiêu biểu là hai thảm cảnh lớn. Đụng chạm đến hằng triệu người. Và đụng chạm đến những người anh em gần gũi với chúng ta.

Đó là cá chết tại Vũng Áng và khắp bờ biển miền Trung,kể từ đầu tháng 4 đến nay, khiến hàng triệu người lâm cảnh thất nghiệp đói khổ. Tương lai không biết đi về đâu. Ta đã làm gì cụ thể. Hay chỉ có một tiếng chép miệng thở than. Đọc tin tức cho biết. Không một lời cầu nguyện cho các nạn nhân. Cầu nguyện xin Chúa cất sự dữ khỏi đất nước. Nói chi đến thăm viếng an ủi. Và có hi sinh đóng góp chút nào để giúp đỡ các nạn nhân không? Ít lắm. Chưa có Lòng Thương Xót.

Và thảm cảnh tại Đan viện Thiên An. Ngày 20-06 vừa qua, Người ta phá đổ thánh giá. Đập nát thánh giá. Chà đạp lên thánh giá. Chiếm đất của đan viện. Những người anh em đan sĩ của chúng ta lâm nạn. Ta làm gì cụ thể để chia sẻ với anh em? Việc tối thiểu là cầu nguyện ta có làm không? Nói gì đến hỏi thăm chia sẻ. Và đóng góp công sức để hỗ trợ.

Quả thật ta đang dửng dưng lạnh lùng vô cảm. Ta chưa sống Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ta chưa thực hành Lòng Thương Xót. Hôm nay là dịp ta xét mình lại. Để còn nửa năm ta sẽ cố gắng không để uổng phí ơn Chúa.

Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta là mẫu gương tiêu biểu thực hành Lòng Thương Xót.Ta hãy chiếm ngắm để noi gương Mẹ.

III. NOI GƯƠNG MẸ TÊ-RÊ-XA

Lòng Thương Xót là một lý tưởng mà Mẹ Tê-rê-xa đã theo đuổi suốt cuộc đời qua 6 giai đoạn.

1.Từ xúc động trước cảnh khốn cùng

Khi còn nhỏ Mẹ Tê-rê-xa là một thiếu nhi nhiệt thành trong giáo xứ Thánh Tâm thuộc thành phố Skopje. Cha xứ Jambrekovic, một linh mục Dòng Tên người Nam Tư rất năng động. Ngài có nhiều bạn bè dòng Tên người Nam Tư làm việc truyền giáo tại Ấn độ. Họ thường viết thư thăm ngài và kể lại tình hình truyền giáo tại Ấn độ. Ngài đem những bức thư đó chia sẻ trong nhà thờ với giáo dân. Nghe biết cảnh nghèo khổ khốn cùng của người dân Ấn độ, Mẹ Tê-rê-xa rất xúc động. Trong trái tim Mẹ đã nhen nhúm ao ước muốn làm điều gì đó cho người Ấn độ.

2.Đến dấn thân phục vụ người nghèo

Những xúc động trước cảnh nghèo khổ của người Ấn Độ không tan loãng theo thời gian. Trái lại cứ ăn sâu và lớn dần trong tâm hồn Mẹ. Năm 18 tuổi, Mẹ Tê-rê-xa quyết định dâng mình cho Chúa để phục vụ người nghèo. Mẹ bàn hỏi với cha xứ Jambrekovic. Khi biết Mẹ mong muốn đi truyền giáo bên Ấn độ, cha xứ khuyên Mẹ nên vào dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô tại Ái nhĩ Lan. Vì dòng này có chi nhánh hoạt động bên Ấn Độ. Thế là Mẹ Tê-rê-xa gia nhập dòng Đức Mẹ Lô-rét-tô và sang Ấn Độ phục vụ.Mẹ sang Ấn Độ để có thể trực tiếp phục vụ những người nghèo khổ khốn cùng.

3.Từ sống như người nghèo

Mẹ đã ở dòng Lô-rét-tô 20 năm. Đã khấn trọn đời. Đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Làm bề trên nhà. Làm hiệu trưởng trường trung học Thánh Maria. Và đã rất thành công. Nhưng Mẹ chưa thể toàn tâm toàn ý phục vụ người nghèo. Vì còn phải giữ luật trong nhà dòng. Và phải chu toàn nhiệm vụ giảng dạy trong trường học. Hơn nữa Mẹ còn phải điều hành cả cộng đoàn lẫn trường học. Vì thế Chúa muốn Mẹ phải ra khỏi dòng Lô-rét-tô. Phải sống với người nghèo. Như người nghèo. Điều này khiến Mẹ lo âu sợ hãi. Nhưng Mẹ đã vâng lời Chúa.

Lập ra dòng Thừa Sai Bác Ái, Mẹ vâng lời Chúa sống giữa người nghèo, như những người nghèo nhất. Nhà cửa rất đơn sơ. Phòng Mẹ ở chỉ có một chiếc giường, một cái bàn và một chậu nước. Các nữ tu không dùng điện thoại, không máy vi tính. Chiếc áo dòng là một áo sa-ri của mọi người nghèo. Trị giá 8 rupi. Một rupi trị giá khoảng 400 VND hiện nay.

4.Đến nên một với người nghèo

Không chỉ sống như người nghèo, Mẹ còn hoàn toàn kết hợp với người nghèo. Mẹ hoàn toàn có tâm tình cảm nghĩ như người nghèo. Trong những công việc vất vả. Trong nỗi nhục nhã bị khinh miệt hất hủi. Trong nỗi sợ hãi bị bỏ rơi.

Ngay ngày đầu tiên khi ra khỏi dòng Loreto Mẹ phải đi khắp nơi để tìm chỗ ở. Mệt mỏi rã rời mà vẫn không tìm được chỗ trọ. Lại còn bị hất hủi xua đuổi, Mẹ đã cảm nhận được hết những đau khổ của thân phận người nghèo. Mẹ tâm sự: “Tôi cảm thấy rất cần một chỗ để có thể chăm sóc cho những người bị bỏ rơi. Vì thế tôi bắt đầu đi tìm kiếm. Ngày qua ngày, tôi tiếp tục bước đi trên đôi chân của mình, cho tới khi tôi không thể nào bước đi được nữa. Chính lúc đó, tôi mới cảm nhận được thế nào là cái cùng cực nhất của những con người nghèo thật sự, lúc nào cũng lo đi tìm cho có chút cơm, miếng bánh, manh áo, viên thuốc, và những nhu cầu cơ bản khác để có thể sống còn” (Jose Luis Gonzales Balado, Tâm hồn tràn ngập niềm vui, tr.83-84)

Nên một với người nghèo nên Mẹ yêu thương họ và tận tụy phục vụ họ đến tận cùng. Có lần Mẹ gặp một em bé hấp hối. Mẹ bế em vào bệnh viện. Bệnh viện không muốn nhận. Nhưng Mẹ kiên quyết bế em đứng ở cửa bệnh viện. Cho đến khi bệnh viện chịu mở cửa đón tiếp mới thôi. Lần khác Mẹ gặp một phụ nữ hấp hối. Mẹ cũng đưa vào bệnh viện. Cũng phải đấu tranh quyết liệt bệnh viện mới cho vào. Không có chỗ phải nằm trên sàn nhà ở trong góc tối. Mẹ đã ở bên cạnh bà cho đến khi bà qua đời.

Sở dĩ Mẹ có thể nên một với người nghèo vì Mẹ kết hợp với Chúa Giê-su là người nghèo nhất.

5.Từ kết hợp với Chúa GS trên thánh giá

Mẹ cho biết bí quyết giúp Mẹ phục vụ người nghèo đó là nhìn thấy Chúa Giê-su trong người nghèo. Mẹ nói ta phải cám ơn người nghèo. Vì người nghèo cho ta cơ hội được gặp gỡ và phục vụ Chúa.

Còn hơn thế nữa Mẹ khám phá thấy Chúa là người nghèo nhất. Trên thánh giá Chúa chẳng còn lại gì. Vì thế thật xấu hổ khi ta sống giầu hơn Chúa.

Vì yêu mến Chúa Mẹ hoàn toàn kết hợp với Chúa đến độ chia sẻ cơn khát của Chúa. TA KHÁ đó là tiếng than vang vọng từ đáy sâu tâm hồn Chúa Giê-su chấn động tâm hồn Mẹ Tê-rê-xa. Mẹ chia sẻ cơn khát của Chúa trong những nỗi đớn đau cùng cực. Mẹ muốn làm giãn cơn khát của Chúa bằng sẵn sàng phục vụ người nghèo. Đồng cảm với người nghèo. Đồng phận với người nghèo. Chịu tất cả mọi đau khổ như người nghèo.

Quả thật Mẹ đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Nhưng đau khổ lớn lao nhất là bị chính Chúa bỏ rơi. Mẹ hoàn toàn chia sẻ với Chúa Giê-su trên thánh giá như cảm thấy Chúa Cha bỏ rơi. Suốt đời Mẹ sống trong bóng tối dầy đặc. Nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng chấp nhận để đáp lại tình yêu của Chúa. Và để linh hồn những người nghèo khổ được về với Chúa.

Vì hi sinh chịu đau khổ Mẹ đã đem lại niềm vui cho mọi người.

6.Đến trở thành niềm vui cho mọi người

Thật lạ lùng. Trong thâm tâm chịu biết bao đau khổ. Nhưng lúc nào Mẹ cũng nở nụ cười. Và thật lạ lùng hơn nữa. Mẹ đi đến đâu đem niềm vui đến đấy. Niềm vui cho người nghèo là điều chắc chắn. Nhưng niềm vui cả cho mọi người. Từ những người quyền cao chức trọng đến những người bé nhỏ nghèo hèn. Từ những người trong đạo đến những người ngoài đạo. Từ những người mến đạo đến những người ghét đạo.Từ những người tư bản đến những người cộng sản.

Ai gặp Mẹ cũng cảm thấy niềm vui toả lan từ một tâm hồn nhân ái. Và được ơn biến đổi trở nên tốt hơn. Thật lạ lùng. Một người nghèo khổ ăn mặc tầm thường nhưng lại khiến những người quyền cao chức trọng nhất phải cúi đầu khi gặp. Một bà lão nhăn nheo xấu xí nhưng lại có sức hấp dẫn lôi cuốn những tâm hồn trẻ trung tuốn đến hoặc đi tu, hoặc cộng tác làm thiện nguyện.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Mẹ là hiện thân Lòng Thương Xót của Chúa. Người ta gọi Mẹ là thiên thần thành phố Cancutta. Mẹ làm biến đổi thế giới. Thế giới trở nên khác khi Mẹ xuất hiện.

Ngày 04 tháng 09 tới đây Mẹ sẽ được tôn phong lên hàng hiển thánh. Mẹ là vị thánh tiêu biểu của Lòng Thương Xót.

IV.CHÚNG TA

Mẹ Tê-rê-xa là mẫu gương sống Lòng Thương Xót hoàn hảo. Mẹ không chỉ xúc động trước cảnh khốn cùng, nhưng còn xắn tay áo lao vào hành động. Mẹ đã đặt trái tim bên cạnh sự khốn cùng. Mẹ đã có Lòng Thương Xót.

Nhưng còn hơn thế nữa. Mẹ đến sống với người nghèo khổ. Mẹ chia sẻ sự khốn cùng của họ. Mẹ hóa thân thành một người khốn cùng. Để yêu thương. Để đồng cảm. Để gánh lấy sự khốn cùng. Lòng Thương Xót của Mẹ đã trở nên hoàn hảo. Không còn là một trái tim cúi xuống sự khốn cùng. Nhưng là trái tim mặc lấy sự khốn cùng. Yêu thương sự khốn cùng.Gánh lấy sự khốn cùng. Hòa nhập với sự khốn cùng. Nên một với người khốn cùng. Đó là Lòng Thương Xót cao độ, hoàn hảo.

Mẹ nên một hoàn hảo với người cùng khổ. Đó là vì Mẹ đã trở thành Lòng Thương Xót của Chúa. Thực vậy Mẹ Tê-rê-xa đạt đến cao độ trong Lòng Thương Xót vì Mẹ nhìn thấy Chúa trong người cùng khổ, phục vụ Chúa trong họ. Yêu mến Chúa tha thiết nên Mẹ đã chia sẻ cơn khát của Chúa trên thánh giá. Mẹ sẵn sàng chịu mọi đau khổ như Chúa trên thánh giá. Nếu trên thánh giá Chúa Giê-su là người cùng khổ nhất thì Mẹ Tê-rê-xa cũng sẵn lòng trở thành người cùng khổ nhất. Đến độ Mẹ sẵn sàng chịu xa Chúa để người nghèo được gần Chúa. Và Mẹ sẵn sàng chịu bỏ rơi nếu điều đó an ủi Chúa, làm vui lòng Chúa. Nếu Chúa là Lòng Thương Xót thì Mẹ Tê-rê-xa đã nên một với Chúa để trở thành bản sao của Lòng Chúa Thương Xót. Đó chính là bí quyết khiến Mẹ đi đến đâu đem niềm bình an, vui tươi, hy vọng đến đấy.

Đọc lại nguồn gốc cử hành Năm Thánh và chiêm ngắm tấm gương Lòng Thương Xót của Mẹ Tê-rê-xa ta cảm thấy áy náy lương tâm. Vì ta Năm Thánh đã qua đi hơn một nửa mà ta chưa thực hành được gì. Năm Thánh là để sống chứ không phải chỉ để cử hành. Đặc biệt Lòng Thương Xót phải thực hành mới là Lòng Thương Xót đích thực. Nếu không chỉ là giả hình giả dối mà thôi.

Tấm gương của Mẹ Tê-rê-xa thật sống động cụ thể giúp ta sống Lòng Thương Xót. Cảm xúc trước cảnh khốn cùng phải dẫn đến hành động. Hành động phải có tình yêu thương chia sẻ với thân phận người nghèo. Và đỉnh cao của Lòng Thương Xót là kết hợp với Chúa. Có tâm tình như Chúa. Đó chính là khẩu hiệu Misericordes sicut Pater. Hãy thương xót như Chúa Cha.

Xin đề nghị mấy việc cụ thể sau đây:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa tỏ Lòng Thương Xót với ta là kẻ tội lỗi, phản bội.

Hãy đền tạ Lòng Thương Xót bằng ăn năn sám hối và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi. Lánh xa dịp tội.

Hãy tha thứ cho những người mắc nợ chúng ta. Nợ vật chất. Nợ tinh thần. Tha thứ những người xúc phạm đến ta. Làm tổn thương ta. Làm hại ta.

Hãy làm hoà với những người ta bất hoà. Đền bù những người ta làm thiệt hại. Xin lỗi những người ta lỡ xúc phạm.

Hãy đặt mình vào những người lâm cảnh khốn cùng. Để cảm thông. Để yêu thương. Để cầu nguyện. Và để có thể chia sẻ với họ.

Hãy có đóng góp cụ thể, tích cực, giúp đỡ những người lâm cảnh khốn cùng. Cụ thể đối với nạn nhân Vũng Áng. Và đan viện Thiên An.

Trong nơi mình sống hãy chú ý đến những người bé nhỏ nhất, khiêm nhường nhất, âm thầm nhất, đau khổ nhất, thiệt thòi nhất, bị bỏ quên nhất.

Hãy cầu nguyện cho những kẻ độc ác, những người tội lỗi. Cầu nguyện cho những người lầm lạc và những người đang gieo rắc sự khốn cùng trên thế giới. Xin Chúa hoán cải tâm hồn họ.

Chúng ta hãy thực hành Kinh Năm Thánh. Hãy phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này. Hãy là Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người. Hãy làm cho những ai tiếp xúc với ta cũng đều cảm thấy họ được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến, tha thứ.

Và ta hãy nghe Lời Chúa: Nếu con nhận biết hồng ân của Thiên Chúa. Hãy mau tận dụng. Kẻo thời gian qua đi uổng phí.

Lòng Thương Xót của Chúa đang chờ đợi ta. Và thế giới chung quanh đang chờ ta tỏ Lòng Thương Xót.

Lạy Trái Tim Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

Tĩnh tâm tháng tại Đan Viện Châu Sơn

Ngày 01 tháng 07 năm 2016

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...