MV-08-TUẦN II-chúa nhật (C)
TIẾN BƯỚC
(Br 5,1-9 / Pl 1,4-6,8-11 / Lc 3,1-6)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong Mùa Vọng – với bốn tuần – những bài suy niệm Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta đi vào một tiến trình năng động dẫn đến gặp gỡ Chúa Giê-su mà điểm hẹn là ngày lễ Chúa Giáng Sinh cũng như ngày Chúa quang lâm. Tuần thứ nhất đã được dành cho việc suy niệm về chủ đề “HY VỌNG”. Niềm hy vọng ẩn sâu trong tâm hồn và được diễn tả qua một số khía cạnh trong cuộc sống cụ thể. Nhưng niềm hy vọng không phải là tâm tình suông – dù rằng rất cần thiết đi nữa – mà phải trở thành động lực thúc đẩy hành động. Hy vọng không phải là một thứ thái độ chờ đợi thụ động – một thứ “nằm chờ sung rụng!”- mà là sức bật dẫn đến việc lên đường tìm kiếm điều hy vọng. Cho nên, trong tuần thứ hai Mùa Vọng, các bài suy niệm sẽ xoay quanh chủ đề “TIẾN BƯỚC”.
Các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật thứ hai Mùa Vọng năm C như mời gọi chúng ta cùng lên đường với những đoàn người hay một con người nào đó: họ TIẾN BƯỚC hoặc trong một không gian địa dư hoặc trong một không gian nội tâm. Họ tiến bước trong “nơi chốn” đó với tâm thái nào để hướng về đâu, để đạt được điều gì?
- DÂN CHÚA TIẾN BƯỚC TRỞ VỀ GIÊ-RU-SA-LEM
Bài đọc một, trích sách Ba-rúc chương 5 từ câu 1 đến 9, như một bản tường thuật của đoàn dân Ít-ra-en lưu đầy tại Ba-by-lon tiến bước về quê hương mà Giê-ru-sa-lem như là biểu tượng của dân tộc này. Sách Ba-rúc được viết với mục đích khuyên dân chúng – dân Ít-ra-en – đang sống lưu đầy tại Ba-by-lon hãy sống một cuộc đời gương mẫu tại vùng đất dân ngoại, bằng việc trung thành với Thiên Chúa, Đấng tuyển chọn họ. Đồng thời họ phải luôn nuôi niềm hy vọng về ngày hồi hương. Trích đoạn chúng ta vừa nghe như là đoạn kết đẹp của sách Ba-rúc và của những ngày khổ đau sống nơi đất dân ngoại. Đây dân chúng TIẾN BƯỚC trở về Giê-ru-sa-lem.
Giê-ru-sa-lem được nhân cách hoá như một bà mẹ. Trong thời lưu đày, bà mặc áo tang khổ nhục, thì nay hãy đổi trang phục. “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy áo vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” Và khi đã trang phục với những trang sức lộng lẫy mà Thiên Chúa trao ban, hãy nhìn lại mình để biết mình là ai, với tên gọi mới “bình an xây dựng trên công chính” và “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”. Rồi với tâm thái và sự kiều diễm của mình, Giê-ru-sa-lem hãy đứng lên và nhìn xem: “Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Đức Chúa nhớ đến, chúng hớn hở vui mừng.” Chúng tụ họp lại để làm gì? Để chúng trở về với ngươi – bà mẹ Giê-ru-sa-lem – “Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi trong vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng”.
Những hình ảnh này cho phép chúng ta tưởng tượng cảnh huy hoàng, hân hoan, của đoàn dân Ít-ra-en hồi hương – như những đứa con trở về với mẹ mình sau bao nhiêu năm dài xa cách. Niềm HY VỌNG họ ấp ủ trong lòng suốt thời gian đẳng đẳng trong đêm tối, nay được hiện thực bằng việc TIẾN BƯỚC. Và để cho dân trở về bình an, Thiên Chúa còn hành động như một nhà lãnh đạo tận tâm: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en TIẾN BƯỚC an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”.
Hình ảnh đoàn dân Ít-ra-en tiến bước trở về cố hương mời gọi chúng ta cũng lên đường, cùng tiến bước đến Giê-ru-sa-lem trên trời, nơi Thiên Chúa ngự trị. Nếu chúng ta mang trong mình niềm hy vọng hướng về trời cao, thì chính niềm hy vọng đó thúc bách chúng ta tiến bước. Đồng thời chúng ta cũng nhận ra rằng Thiên Chúa xếp đặt “đường ngay nẻo chính” để chúng ta bước trên đó mà về quê hương vĩnh cửu. Mùa Vọng mời gọi chúng ta tiến bước trong niềm hân hoan để đi gặp Chúa.
- ÔNG GIO-AN TẨY GIẢ TIẾN BƯỚC KHẮP VÙNG SÔNG GIO-ĐAN
Nếu Thiên Chúa ra lệnh “san bằng ngự lộ”, thì lệnh đó phải đến với chúng ta với tư cách cá nhân và cộng đoàn, với con đường của chính mình và của chúng ta.
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 3 từ câu 1 đến 6, nhiều nhân vật lịch sử xuất hiện. Đó là những nhà cầm quyền nhân sự, chính trị. Thánh Lu-ca nêu tên của họ để chứng minh rằng những sự kiện xảy ra mang tính lịch sử. Chúng ta không phân tích vai trò của họ. Chú tâm của chúng ta hướng về một nhân vật quan trọng, đó là ông Gio-an Tẩy Giả. Nơi ông qui tụ niềm hy vọng của dân tộc Ít-ra-en, nghĩa là niềm hy vọng vào Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện. Vì chính niềm hy vọng đó mà ông TIẾN BƯỚC trong vùng đất ven sông Gio-đan: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội”. Ông tiến bước trong vùng đất này với lời kêu gọi, như một biểu tượng của sự tiến bước trên những con đường. Những con đường cần được tu sửa để con người đi trên đó mà đến gặp gỡ Đấng Mê-si-a, và cũng trên những con đường đó Đấng Mê-si-a sẽ đến gặp gỡ con người.
Nhưng ai là người sẽ “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”? Ai là người nhận được lệnh truyền “mọi thung lũng, hãy lấp đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng”? Những người đó là mỗi người và cộng đoàn. Mỗi người phải thực hiện việc san lấp, tu sửa, chỉnh trang, ngay nơi chính bản thân mình. Đây không phải là những con đường địa dư của không gian bên ngoài, mà là những “khúc lòng”, những “con đường tâm hồn”, mà mỗi người cần biết để làm sao cho đầy, cho thẳng, cho thấp, để Chúa đến và đến với Chúa. Muốn như vậy, hãy trở về với chính tâm hồn mình, với không gian nội tâm để kiểm tra và hành động. Đó cũng là công việc của cộng đoàn, nghĩa là của tất cả mọi người, của chúng ta, để xét xem những con đường dẫn đến nhau, để cùng đi với nhau và đến với nhau. Những lối hành xử phát xuất từ những tâm tình nào cần phải đối diện, khám phá và sửa đổi. Chúng ta đến với Chúa không chỉ với tư cách cá nhân, mà cả cộng đoàn, vì vậy, cần phải “ngồi lại với nhau” dưới ánh sáng sự thật, để biết và thực hiện những gì cụ thể để những con đường phải “thẳng”, phải “ngay”, phải “thật”, phải an toàn để tiến bước trong bình an.
Ông Gio-an Tẩy Giả, trong lòng trào dâng niềm hy vọng vào Đấng Mê-si-a, TIẾN BƯỚC trong vùng ven sông Gio-đan với lời kêu gọi sám hối bằng cách “chuẩn bị những con đường” là hình ảnh của mỗi chúng ta và cộng đoàn Giáo Hội. Chúng ta cần kêu gọi nhau thực hiện những gì thật cụ thể để Chúa Giê-su TIẾN BƯỚC trên con đường của chúng ta, để chúng ta cũng TIẾN BƯỚC trên những con đường đó, với tất cả sự an tâm và hân hoan. Đó là điều chúng ta cần làm cho nhau, với nhau, đặc biệt trong Mùa Vọng này. Và khi hành động như vậy, chắc chắn chúng ta đang tiến đến chỗ thành toàn cuộc đời.
- CÁC MÔN ĐỆ CHÚA TIẾN BƯỚC TỚI CHỖ THÀNH TOÀN
Mang trong mình niềm hy vọng, tiến bước trên những con đường đã được chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ đi đến “nơi”, đến “điểm hẹn” với biết bao nhiêu điều kỳ diệu đợi chờ.
Trong bài đọc hai, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê chương 1 từ câu 4 đến 6 và từ câu 8 đến 11, thánh nhân ca ngợi các Ki-tô hữu của gíao đoàn này đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, và ngài cầu nguyện với niềm xác tín: “Đấng đã thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó đến chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm”. Lời thánh Phao-lô quả quyết diễn tả việc cùng TIẾN BƯỚC của các Ki-tô hữu này với ngài, và chắc chắn sự cùng tiến bước sẽ đạt tới chỗ thành toàn của công cuộc loan báo Tin Mừng. Đồng thời, ngài cũng cầu xin cho họ tiến bước hơn nữa trong đời sống Ki-tô hữu, nghĩa là “lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn”. Hướng tới cái “tốt hơn” bao hàm sự TIẾN BƯỚC trong đời sống về mọi phương diện.
Lời cầu xin của thánh Phao-lô cho các Ki-tô hữu của giáo đoàn Phi-lip-phê cũng phải trở thành lời cầu xin của chúng ta cho anh chị em mình cũng như cho chính bản thân, để luôn tiến bước hướng về cái “thêm”, cái “hơn”, vì chính cái hơn, cái thêm đó giúp cuộc sống chúng ta “được tinh tuyền và không gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm”.
Lời Chúa của chúa nhật hôm nay, hơn là một lời mời gọi, là một thúc đẩy mạnh mẽ để chúng ta TIẾN BƯỚC, vì chính Thiên Chúa muốn chúng ta tiến đến với Người qua những con đường ngay thẳng, cũng như tiến bước trong đời sống thánh thiện và yêu thương nhau tha thiết “với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su”. Vậy, chúng ta hãy đứng dậy, TIẾN BƯỚC.