BÀI CHIA SẺ TẠI LA VANG DỊP TĨNH HUẤN
(Thánh lễ khai mạc – Lễ về Chúa Thánh Thần)
(1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
M. Hiền Lâm – PL
Mọi người chúng ta khi xem hay cổ vũ các môn thể thao, thấy đội chơi tấn công thì chúng ta nói là “đá có lửa”, “đá rất bốc”, “đá rất nhiệt”… Cầu thủ “cháy hết mình” vì HLV, vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ và vì phần thưởng cao quý…; còn nếu đá chậm và nhạt nhòa thì chúng ta cho là “thiếu lửa”, “thiếu nhiệt huyết”…
Một đội thể thao thiếu nhiệt huyết, chơi thiếu lửa là vì trong đó các vận động viên đã không còn đoàn kết và không còn gắn kết với nhau nên phối hợp rời rạc, chơi cá nhân và không hỗ trợ nhau để tấn công (thiếu hiệp nhất). Có thể là do các cầu thủ đã không tin tưởng lẫn nhau cảm thấy không an tâm để sát cánh với nhau (không bình an), hoặc do thiếu đi sự tha thứ và chấp nhận nhau (thiếu tha thứ).
Với một chút ví dụ nho nhỏ về thể thao, xin rút ra 2 ý nghĩa của lửa xuất phát từ “ngọn lửa tình mến” là Chúa Thánh Thần, tương ứng với các bài đọc Lời Chúa hôm nay, đó là:
- Nhiệt huyết
- Hiệp nhất
Lửa nhiệt huyết.
Ý nghĩa đầu tiên của lửa tình mến từ Chúa Thánh Thần phải nói đến đó là nhiệt huyết, là đốt cháy, là sưởi ấm cho nhau. Đây là thứ lửa mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian và khát khao cho nó bùng cháy lên (x. Lc 12, 49. 24,32).
Bài Tin Mừng Gioan chúng ta vừa nghe, các môn đệ Chúa Giêsu đã chán nản buông xuôi và thất vọng sau cái chết của thầy, cảm thấy mất định hướng và mờ mịt tương lai, lòng nhiệt huyết hăng say xưa đã nguội. Chính sự xuất hiện của Chúa Kitô phục sinh đã khơi lại cho các ngài lửa mến và bùng cháy lên nhiệt huyết can đảm và một khởi đầu mới mạnh mẽ hơn, không còn lén lút đóng cửa sợ sệt nữa, mà là ra đi loan báo Tin Mừng.
Nhìn lại cuộc đời kitô hữu, cách riêng là đời sống tu trì của chúng ta, ban đầu ai cũng nhiệt huyết lắm, ai cũng muốn cháy hết mình vì Chúa, vì Hội dòng và vì lý tưởng… nhưng rồi bắt đầu nguội dần theo thời gian, thậm chí buông xuôi tà tà sống như không còn gì để phấn đấu và tấn tới. Cha Tổ Phụ cũng đã nhìn thấy điều này khi cảnh giác chúng ta trong Di Ngôn số 140.
Tại sao vậy? Lòng nhiệt huyết bị bị phai nhạt bắt nguồn từ đâu? Thiết nghĩ lý do đầu tiên phải kể đến, đó là sự bình an và hiệp nhất đã bị rạn nứt trong tương giao giữa người với người, giữa mỗi thành viên trong cộng đoàn với nhau.
Lửa hiệp nhất.
Giống như trong một đội bóng đá, trận đấu mất lửa, mất chiến thắng là do có cầu thủ đã không còn cháy hết mình, một mắt xích nào đó trong sơ đồ chiến thuật đã bị gãy không kết nối được với các tuyến, không hỗ trợ nhau tấn công tiến về phía trước, có thể do tính cá nhân hoặc do “phe nhóm cừu đen” nào đó không bằng lòng với HLV và tìm cách phá đội bóng, cũng có thế là do tác động từ bên ngoài mua chuộc bán độ.
Trong bài đọc I, thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đem ra một sự sánh ví thật tuyệt vời là: Mỗi một người chúng ta được ví như một bộ phận trong Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong Hội thánh, và thu nhỏ hơn là trong cộng đoàn tu trì của chúng ta.
Trong một thân thể, mà một bộ phận bị đau thì cả thân thể đều đau. Các bộ phận không phát triển chung trong sự hài hòa mà chỉ lo cho mình phình to ra hay co rúm lại thì biến thân thể thành quái thai, thành quái vật, thành dị nhân và bệnh tật rồi chết sớm.
Có thể trong các cộng đoàn chúng ta, có những mắt xích bị gãy vì chia rẽ, vì không hài lòng với bề trên và anh em, nên tìm cách phá hoặc vô can với cộng đoàn, hoặc bị những tác động ngoại cảnh kéo mình bị phân tâm xa dần ơn gọi. Chính sự chia rẽ, mất đoàn kết và nghi kị lẫn nhau đem đến sự mất bình an và kéo theo cộng đoàn đi xuống. Cha Tổ Phụ chúng ta cũng đã cảnh giác điều này trong Di Ngôn số 128.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã hiện đến, ban Thánh Thần bình an để nối kết các môn đệ lại với nhau, không còn ai chán nản tìm về với con người cũ nữa, mà cùng chung một niềm tin một lòng mến hăng say đi loan báo Tin Mừng. Lại nữa, liền sau việc ban Thánh Thần bình an, thì Chúa Giêsu ban Thánh Thần tha tội. Theo nghĩa rộng, việc ban Thánh Thần tha tội không chỉ dừng ở “năng quyền tha tội” mà còn là một lời mời gọi và là điều kiện bắt buộc phải có lòng tha thứ.
Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Như thế, để ngọn lửa hiệp nhất được bùng cháy lên, phải có sự bình an và thứ tha.
Kết
Để kết cho bài chia sẻ về Thánh Thần – Ngọn lửa tình mến, xin được kể câu chuyện như sau:
Tương truyền rằng, ngày nọ, họa sĩ Michael Cardo đến dâng tặng vua Charles III một bức họa Icon vẽ hình con chim bồ câu mỏ màu cam, cánh xanh lam, ngực vàng, đuôi xám. Nhà vua lấy làm lạ và hỏi họa sĩ sao hình chim bồ câu giống chư con đồi mồi vậy? Họa sĩ Michael trả lời rằng: Đó là biểu tượng Chúa Thánh Thần, trong đó màu đỏ cam là lửa thiêu đốt, màu xanh lam là hòa bình, màu vàng là ánh sáng và màu xám là màu bông lau làm chổi quét…
Ngụ ý là, Chúa Thánh Thần thánh hóa miệng lưỡi tín hữu để nói Lời Thiên Chúa, là ánh sáng xuất phát từ (lồng ngực) trái tim để chiếu tỏa tình yêu Chúa đến với tha nhân, quét sạch mọi hận thù chia rẽ chiến tranh, đặc biệt, là đôi cánh hòa bình đem bình an đến cho thế giới.
Vâng, xin Chúa Thánh Thần ngự đến, để khơi lên trong chúng ta lòng nhiệt huyết, để chúng ta cháy hết mình cho Chúa và cho cộng đoàn, đồng thời nối kết chúng ta nên một trong than thể mầu nhiệm Chúa Kitô, cùng một lòng một ý và một chí hướng trong sự đào luyện bản thân và phát triển cộng đoàn.