TN-100-TUẦN XV-thứ Hai
TÌNH THẾ KHÓ KHĂN
(Xh 1,8-14.22 / Mt 10,34-11,1)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Một trong những trải nghiệm khó quên đối với chúng ta, đó là kinh nghiệm về những khó khăn. Có những giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta như bị dồn ép về nhiều phía, khó khăn bủa vây về nhiều mặt, vật chất kinh tế, tinh thần thiêng liêng, tương giao với tha nhân, những tồn tại nơi bản thân… Khó khăn về những phương diện có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nơi đâu. Chính vì thế mà từ “khó khăn” được sử dụng rất thường xuyên trên các báo đài cũng như được lập đi lập lại trên cửa miệng. Hình như khó khăn là một kỷ phần của con người, vì nó có thể phát xuất từ chính tâm hồn hay đến từ ngoại cảnh. Có những tình huống khó khăn mà người ta không vượt qua được và bị mắc kẹt để không thể tiến lên. Nhưng cũng có những khó khăn, những hoàn cảnh khó khăn, những tình thế khó khăn, lại trở thành bàn đạp để tiến bước mạnh mẽ hơn và đạt được những thành tựu đáng trân quí. Như vậy, tình thế khó khăn – nghĩa là điều xảy ra bên ngoài – không thể quyết định kết quả, mà do lòng con người – cái bên trong – mới có tiếng nói cuối cùng. Chính vì thế, nhà văn Nguyễn Bá Học đã nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay mở ra trước mắt tôi những tình thế khó khăn. Đó là tình thế khó khăn của một dân tộc đang lưu trú tại đất khách quê người. Đó là tình thế khó khăn mà những ai muốn làm môn đệ Chúa phải đối diện để có chọn lựa mang tính quyết định. Những khó khăn này, đối với tôi, như là cơ hội để suy nghĩ về đời sống của bản thân. Tôi xin chia sẻ với anh chị em về “TÌNH THẾ KHÓ KHĂN”.
1. BỊ VÂY BỦA TỨ BỀ
Trong những tuần qua, chúng ta đã được Giáo Hội cho nghe lại những trích đoạn của sách Sáng Thế liên quan đến Tổ Phụ Áp-ra-ham và dòng dõi ông. Sách Sáng Thế kết thúc với sự kiện ông Giu-se qua đời. Trong những tuần nối tiếp tới đây, chúng ta sẽ được nghe lại các trình thuật trong sách Xuất Hành, là một trong bộ Ngũ Thư gồm Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật. Sách Xuất Hành kể lại cuộc sống của dân Ít-ra-en tại Ai-cập và cuộc ra đi của dân để trở về Đất Hứa. Dân Ít-ra-en tiếp tục sống tại Ai-cập và, trải dài theo năm tháng, họ đã trở nên đông đúc tạo nên một lực lượng đáng ngại. Trích đoạn sách Xuất Hành hôm nay, chương 1 từ câu 8 đến 14 và câu 22, tỏ lộ những khó khăn mà dân Ít-ra-en phải đương đầu. Một tình thế khó khăn như thể bị bủa vây tứ bề.
“Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se.Vua nói với dân mình: “Này đám dân con cái Ít-ra-en đông đúc và hùng mạnh hơn chúng ta. Chúng ta hãy dùng những biện pháp khôn ngoan đối với dân đó, đừng để chúng nên đông đúc, kẻo khi có chiến tranh, chúng hùa với địch mà chống lại chúng ta, rồi ra khỏi xứ”. Lời nói của Pha-ra-ô mới này đụng chạm đến chính lời hứa của Thiên Chúa với các tổ phụ dân Ít-ra-en là sẽ làm cho họ trở thành một dân lớn, ngay tại đất nước Ai-cập. Biện pháp mà Pha-ra-ô đưa ra là ngăn cản sự phát triển dân số. Và như thế, đụng đến chính Thiên Chúa. Nhưng, đó là suy nghĩ với ánh nhìn của đức tin. Còn đối với Pha-ra-ô, vị vua mới này, dân Ít-ra-en đông đúc sẽ là một mối nguy cơ tiềm ẩn, nên cần phải hạn chế sinh sản. Vậy, ông đã ra chỉ thị để ngăn ngừa dân Ít-ra-en bùng nổ dân số.
Đó là áp đặt những công việc nặng nhọc, khổ sai, bằng cách sản xuất những vật liệu để xây dựng các kho lương thực lớn, bằng việc lao động đồng áng…dưới quyền giám sát của những viên đốc công hà khắc. Tóm lại, “tất cả những việc lao động cực nhọc, chúng điều cưỡng bách họ làm”. Đồng thời, Pha-ra-ô ra lệnh cho toàn dân mình: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin; mọi con gái thì để cho sống”. Chúng muốn cho dân Ít-ra-en phải tuyệt tự. Dân Ít-ra-en bị bủa vây tứ bề, với tất cả những thứ khó khăn, những hình thức hành hạ. Đúng là một tình thế khó khăn và nguy cấp. Nhưng đâu là kết quả của những biện pháp trên?
Đương nhiên là con cái Ít-ra-en bị oằn lưng trước những công việc khổ sai, cuộc sống ngày càng đượm màu khổ đau. “Nhưng chúng càng hành hạ họ, thì họ càng nên đông đúc và lan tràn”. Kết quả đã ngược lại với dự tính của Pha-ra-ô và dân Ai-cập. Tại sao? Vì ý định và những kế sách của họ đã đụng vào chính Thiên Chúa và lời hứa của Người. Như vậy, khó khăn có thể làm cho dân Ít-ra-en cảm thấy đau khổ, nhưng không thể phá huỷ được lời hứa của Thiên Chúa và ý định của Người trên họ.
Tình thế khó khăn của dân Ít-ra-en bắt đầu với một ông vua mới không biết đến công lao của ông Giu-se và đã đưa ra những hình thức khống chế sự phát triển của dân này, đồng thời tình hình phát triển dân số vẫn tiếp tục, gợi cho chúng ta thấy rằng sức mạnh của con người, mưu đồ của con người không thể chiến thắng được ý định và đường lối của Thiên Chúa. Khó khăn, tình thế khó khăn, lại là cơ hội làm nổi bật lên hoạt động ẩn kín và kiến hiệu của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Điều đó mời gọi chúng ta tin tưởng hơn vào Thiên Chúa, vào sức mạnh tình yêu của Người, và tiến bước kiên cường hơn ngay trong thử thách, khó khăn.
2. GƯƠM GIÁO VÀ THẬP GIÁ
Bây giờ chúng ta đến gặp Chúa Giê-su để xem Người có đặt chúng ta vào tình thế khó khăn nào không và chúng ta sẽ phải phản ứng ra sao? Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 10 từ câu 34 đến chương 11 câu 1, Chúa Giê-su đưa ra những chỉ thị cuối cùng cho các môn đệ để các ông ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chúa nói đến việc đón tiếp, như để chuẩn bị các môn đệ đi vào những tình huống trong đó những người nghe lời các ông giảng, sẽ tiếp đón thế nào. Chúng ta dành câu chuyện đón tiếp này cho dịp khác. Hôm nay, tôi muốn cũng anh chị em dừng lại lời Chúa nói – mà những lời này có thể gây sốc cho thính giả – khi Chúa nói đến gươm giáo và thập giá.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất: Thầy đến không phải đem bình an, nhưng gươm giáo.” Bình an là gì, ai trong chúng ta cũng đã biết, đã nếm cảm và cũng đã suy niệm với nhau khi bàn về ‘hành trình của bình an’. Tôi xin không bàn đến bình an, nhưng dừng lại nơi hình ảnh của cái gươm và cái giáo. Gươm giáo là hai vũ khí người ta sử dụng trong cuộc chiến và để tấn công giết chết đối phương. Đây là hình ảnh của cuộc chiến gây đổ máu. Chúa đến để mang gươm giáo: không hiểu theo nghĩa tác động hay hay hành động; nghĩa là Chúa chủ động mang gươm giáo đến để gây chiến. Ở đây, cần phải hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là sự hiện diện của Chúa là nguyên do người ta gây nên cuộc chiến với nhau. Tại sao lại như thế? Chúa đến trần gian này, trái đất này, không phải để dạo chơi, mà để kêu gọi người ta đến với Chúa để đi theo Chúa, để đứng về phía Chúa, để thuộc về Chúa. Và điều này cũng muốn nói rằng có những người đi theo Chúa và có những người không đi theo, có những người thuộc về Chúa và có những người không thuộc về, có những người là của Chúa và có những người chọn không là của Chúa. Và như vậy, giữa họ có cuộc chiến. Đây là cuộc chiến “chọn” mang tính quyết định; và vì thế không cùng chiến tuyến thì là đối phương. Và nếu là đối thủ, đối phương, đối nghich nhau, thì chắc chắn sẽ khổ đau, vì gươm giáo sẽ can thiệp. Đây là hình bóng của cuộc chiến để trở thành môn đệ Chúa. Trở thành môn đệ Chúa phải là một cuộc chiến quyết định để chọn Chúa. Kinh nghiệm của những ai trở nên ki-tô hữu, môn đệ Chúa, đã phải vượt thắng bao nhiêu đau khổ, nước mát và có thể cả máu nữa, ngay trong lòng gia đình mình, là một điển hình.
Hình ảnh thứ hai là “thập giá”, nghĩa là cái chết, nghĩa là hy sinh. Đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa, phải thực hiện một cuộc sát tế, một cuộc hiến tế. Sát tế và hiến tế những gì thân thương nhất, những gì gần gũi nhất. Đó là những người trong gia đình, cha mẹ, anh chị em, và trên hết, đó chính là bản thân. Sát tế là đau, là như bị gươm giáo đâm vào tim. Hiến tế là cho đi, không giữ lại chút gì cho mình; như thế cũng đau. Nhưng đó là sát tế và hiến tế cho tình yêu của Chúa Ki-tô, nghĩa là bản thân và những người thân trở thành hy lễ dâng cho Chúa. Như vậy, Chúa trên hết, Chúa ưu tiên, Chúa là tất cả.
Trở thành môn đệ Chúa, sống với tư cách người môn đệ Chúa, là môt cuộc chiến: một cuộc chiến quyết định khi dám chọn Chúa – hay đúng hơn để Chúa chọn bản thân mình cho Chúa -, và đó cũng là cuộc chiến lâu dài của việc sát tế và hiến tế mỗi ngày. Điều quan trọng là “vì Chúa”, “vì tình yêu Chúa”. Đây là cuộc chiến nội tâm, nhưng là cuộc chiến mang đến chiến thắng là hạnh phúc bền vững và muôn đời. Tình thế khó khăn như gươm giáo, như thập giá, lại là nơi diễn tả tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Ki-tô. Tình thế khó khăn trở nên bệ phóng cho điều lớn nhất, quí nhất – là Chúa Giê-su Ki-tô – được sống động trong cuộc đời người môn đệ.
3. ĐỂ CUỘC SỐNG CÓ CHẤT LƯỢNG HƠN
Những suy niệm về tình hình khó khăn của dân Ít-ra-en và của những người môn đệ Chúa gợi lên cho chính bản thân tôi một ánh nhìn tích cực về những tình thế khó khăn, về những khó khăn. Khó khăn giúp cho một đời sống có giá trị, có chất lượng. Nếu cuộc sống dễ dãi, thì nhuệ khí sẽ bị hao tổn và làm cho cuộc sống ra uể oải vì chỉ biết hưởng thụ; và hưởng thụ dẫn đến sự nặng nề, uể oải. Cho nên, để cuộc sống ki-tô hữu của chúng ta có chất lượng hơn, tôi thiết tưởng, cần có một mức độ khó khăn nào đó, không vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Vì những khó khăn, những tình thế khó khăn, lại mở ra những khả thể của ơn phúc của Thiên Chúa, như thánh Phao-lô quả quyết: “Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Ph 4,12-13). Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi làm được mọi sự.