Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

TÌNH YÊU MÁCH BẢO – Suy niệm Chủ Nhật, Tuần XII TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-078-TUẦN XII-Chúa Nhật

TÌNH YÊU MÁCH BẢO

(G 38,1.8-11 / 2Cr 5,14-17 / Mc 4,35-41)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong đời sống con người, để hiểu người khác, cần có nhiều cách, đặc biệt có hai cách thức: cách thức thứ nhất trực tiếp, đó là sống chung để có cơ hội tiếp cận giúp khám phá ra con người mình muốn biết; cách thức thứ hai gián tiếp, đó là được người khác nói cho biết, mách cho biết. Cả hai đều cần thiết. Nhưng để mách bảo cho người khác biết về người nào đó, cần có sự trung thực, cần có trái tim ngay thẳng và cũng cần có trải nghiệm về người đó. Dù vậy, cũng cần lưu tâm đến mục đích của thông tin: để xây dựng hay phá đổ uy tín, để nối kết tương giao hay tạo nên sự xa cách… Cho nên, sống với nhau thành một cộng đồng xã hội, con người cần biết về nhau và cũng cần nói về nhau, một cách tích cực và về những điều tích cực.

Các bài đọc Kinh Thánh của chúa nhật XII thường niên năm B, gợi cho bản thân tôi về các thức để khám phá ra người khác. Nhưng trọng tâm của các bài đọc dẫn chúng ta đến sự khám phá ra chính Thiên Chúa, chính Chúa Ki-tô. Sự hiểu biết về Thiên Chúa được mặc khải hoặc do chính Thiên Chúa lên tiếng, hoặc do hoàn cảnh sống giúp tiếp cận với Người, hoặc do kinh nghiệm cá nhân có về Người. Tất cả những cách thức này như là một sự mách bảo cho biết. Nhưng cần có sự mách bảo trung thực, chân thật; vì thế mà tình yêu cần phải nhập cuộc. Trong tư tưởng đó, tôi xin chia sẻ với anh chị em về “TÌNH YÊU MÁCH BẢO”.  

 1. TÌNH YÊU LÊN TIẾNG VỀ TÌNH YÊU

Chúng ta bắt đầu với bài đọc một, trích sách Gióp chương 38, câu 1 và từ câu 8 đến 11. Chúng ta biết rằng sách Gióp là một cuốn sách mang tính chất giáo huấn, và chủ đề về sự đau khổ của người công chính. Vấn đề đặt ra là tại sao người công chính, như ông Gióp, lại phải chịu nhiều tai ương, đau khổ. Ông Gióp là một người giầu có, rất giầu có, và có một cuộc đời danh thơm tiếng tốt. Nhưng rồi tai hoạ ập đến: từ mất hết tài sản, đến tất cả con cái đều thiệt mạng, và cuối cùng là thân xác ông bị ghẻ lở, giòi bọ lúc nhúc, khiến ông vừa đau trong thân xác vừa khổ trong tâm hồn. Các bạn ông đã đến, ngồi quanh ông, và sau mấy ngày im lặng, họ lên tiếng bằng cách nêu lên những quan điểm của họ cho rằng ông nhận hình phạt của Thiên Chúa vì ông đã phạm tội, tuy rằng ông nhất mực khẳng định mình vô tội. Tất cả những lý luận của các bạn ông làm ông đau khổ thêm. Mọi lý luận nhân loại như bế tắc trước sự kiện của ông Gióp, và chính ông cũng như thấy suy tư của mình chỉ dẫn vào ngõ cụt.

Và đây là lúc Thiên Chúa lên tiếng. Thiên Chúa không trả lời trực tiếp về những ý kiến và lý luận của ông Gióp và các bạn của  ông, nhưng Người đã nêu lên một vài việc trong công trình sáng tạo, bằng cách trước tiên đặt câu hỏi: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” Rồi Thiên Chúa khẳng định: “Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi của đóng then cài; rồi Ta phán: ‘Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành”.

Đặt câu hỏi như thế cho ông Gióp và các bạn ông, Thiên Chúa đã nói lên một sự thật là Thiên Chúa có quyền năng làm tất cả. Đó là công việc của Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào công cuộc của Thiên Chúa. Điều đó nhắc cho ông Gióp – cho chúng ta – rằng đừng có tham vọng can thiệp vào công việc của Thiên Chúa, mà chỉ thấy sự kiện rồi khám phá ra ý nghĩa mà thôi. Cũng đừng tham vọng thấu hiểu Thiên Chúa hoàn toàn. Đây là quyền năng của Thiên Chúa, một quyền năng mang tính mầu nhiệm: Thiên Chúa có uy quyền làm tất cả mọi sự. Như vậy, đứng trước những sự kiện của cuộc sống, đối diện với những khổ đau – như trường hợp ông Gióp – con người không thể tìm ra lý luận nhân loại toàn diện, mà hãy nghe tiếng mách bảo của tình yêu. Những hiện tượng thiên nhiên được nói đến trên kia – đại dương, thác lũ, vực sâu, sóng cao – là những hình ảnh làm cho con người sợ hãi; nhưng đó lại là nơi thể hiện quyền năng yêu thương của Thiên Chúa: chúng phải tuân phục Thiên Chúa, khi Người đặt giới hạn cho chúng. Những hiện tượng đó chỉ có thể hiểu được bằng tình yêu, và chỉ tình yêu mách cho biết ý nghĩa của chúng. Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa mách bảo cho chúng ta về tình yêu của Người; và tình yêu của chúng ta mới hiểu được sự mách bảo tình yêu của Người. Gian nan, đau khổ, có trở thành nơi để chúng ta khám phá ra tình yêu không, tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của đồng loại? Đại dịch Covid đang làm bao người đau khổ, căng thẳng, nhưng cũng có biết bao bài học về tình yêu. Hãy để tình yêu mách bảo tình yêu.

 2. ĐAU KHỔ MÁCH BẢO TÌNH YÊU

Hình ảnh của ông Gióp và lời nói của Thiên Chúa – trong bài đọc một – là hình bóng cho chính kinh nghiệm của các tông đồ. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 4 từ câu 35 đến 41. Chúa Giê-su cùng với các môn đệ dong thuyền để sang bên kia hồ Ga-li-lê.

Đang khi các ông đi chuyển, thì một cơn cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Chúa Giê-su vẫn ngon giấc ở đàng lái. Đây là hình ảnh của những con người gặp nguy hiểm, sợ hãi tột cùng, vì mạng sống bị đe doạ. Đó cũng là hình ảnh của Giáo Hội. Nhưng điều làm cho các môn đệ sợ hãi, đó là Chúa ngủ. Trong thâm tâm, các môn đệ nghĩ gì về Chúa? Đâu là hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa khi đối diện với thử thách, gian nan, thí dụ như trong cơn đại dịch Covid hiện tại? Không dễ có hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, khi Người như “ngủ quên” trước cảnh khổ đau của con người!!!

“Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Trước những nguy hiểm có thể mất mạng, khi cảm thấy sợ hãi, người ta “kêu gào” hay “kêu cầu”. Kêu gào là diễn tả sự thất vọng, sự bất lực, và cả việc mất hết niềm tin. Còn kêu cầu là đặt niềm tin vào người mình kêu cứu, là đặt niềm hy vọng, niềm tin vào người đó. Các môn đệ, trong lúc nguy khốn, đã kêu cầu Chúa. Chính nỗi sợ hãi đã thúc đẩy các ông gọi Chúa dậy: “chúng ta chết mất”. Nhưng chính tình yêu mách bảo cho các ông biết Thầy các ông sẽ hành động: “Thầy chẳng lo gì sao?” Đây không phải là một lời khiển trách, mà là “nhắc khéo” Chúa. Tình yêu đã mách bảo các ông kêu cầu Chúa.

Sau khi ngăm đe gió bắt “im đi, câm đi”, gió liền ngưng. Chúa nói với các môn đệ: “Sao mà nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Đây là lời khiển trách, nhưng nhẹ nhàng. Chúa biết giới hạn của các môn đệ Chúa, nhưng Chúa cũng đòi hỏi họ phải có đức tin vào Chúa. Chính tình yêu của Chúa mách bảo các ông rằng lòng tin rất quan trọng trong mọi cơn thử thách. Lời Chúa vừa là một lời khiển trách vừa là một lời mách bảo về đức tin.

Trích đoạn dẫn đến thái độ của các môn đệ: “Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả gió và biển cũng tuân lệnh”. Hai nỗi sợ hãi: nỗi sợ hãi trước hiện tượng thiên nhiên và nỗi sợ hãi trước uy quyền của Chúa đối với thiên nhiên. Cả hai nỗi sợ hãi này đều có giá trị, khi chúng giúp khám phá thêm, hiểu biết thêm về Chúa. Nỗi sợ thứ nhất đẩy họ đến kêu cứu Chúa, nỗi sợ hãi thứ hai để lại ấn tượng mạnh để dần dần họ khám phá ra con người của Chúa. Như vậy, mọi cơ hội đều có giá trị, như sau này thánh Phao-lô quả quyết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Như vậy, qua các biến cố, tình yêu mách bảo cho chúng ta về ý nghĩa của các sự kiện và sự cố, cũng như mách bảo chúng ta về Đấng có quyền trên tất cả mọi sự và Người làm tất cả để cứu giúp. Điều quan trọng nơi chúng ta là biết mở “đôi tai lòng” để lắng nghe được tiếng mách bảo của tình yêu, để dám tin vào Tình Yêu. Tiếng đó có khi trực tiếp qua lời thì thầm ngỏ với tâm hồn, có khi gián tiếp qua các biến động của sự kiện bên ngoài. Lời mách bảo đó có thể là chính thiên nhiên mách bảo chúng ta để chúng ta “hiểu” Chúa hơn, như lời vịnh gia “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18,2), hay như lời của Thiên Chúa trong bài đọc một, trích sách Gióp, hoặc như gió biển im lìm sau lời của Chúa Giê-su. Lời mách bảo đó có thể do ai đó ngỏ với chúng ta để giúp chúng ta “ngộ” ra cách hành động của Chúa. Người đó, chắc chắn có kinh nghiệm về Chúa, mách bảo cho chúng ta hiểu nhờ quan điểm của tình yêu.

 3. QUAN ĐIỂM CỦA TÌNH YÊU

Con người đó, chính là thánh Phao-lô mà chúng ta vừa nghe ngài nói trong bài đọc hai, trích thư thứ hai của ngài gửi giáo đoàn Cô-rin-tô chương 5 từ câu 14 đến 17. Trong trích đoạn này, thánh Phao-lô khẳng định: “Cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”. Qua câu nói này, thánh Phao-lô đề cập đến hai quan điểm về Chúa Ki-tô: quan điểm loài người và quan điểm kia mà ngài không nói rõ là của ai. Nhưng khi nói kiểu trước kia là quan điểm loài người, và sau này, thì có thể hiểu là quan điểm của Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô đã biết Chúa Ki-tô theo quan điểm loài người khi mà ngài còn là một người theo đạo Do Thái và là một người biệt phái nhiệt thành đi bắt bớ những ai tin vào Đức Ki-tô. Khi ấy ngài biết về Chúa theo quan điểm loài người về “một ông Ki-tô” mà ngài phải triệt hạ những người tin ông ta. Đó là quan điểm loài người về Chúa Ki-tô mà Phao-lô chưa có đức tin, chưa có kinh nghiệm, và vì thế chưa có tình yêu. Nhưng biến cố tại Đa-mát đã thay đổi Phao-lô hoàn toàn, mà sau này ngài viết về cái lợi được biết Chúa Giê-su Ki-tô: “Nhừng gì xưa kia tôi coi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi coi là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Ph 3,7-9). Từ nay quan điểm của Phao-lô về mọi sự và về Thiên Chúa là quan điểm của Chúa Ki-tô. Quan điểm đó đặt nền tảng trên tình yêu, như chính ngài viết trong trích đoạn thư hôm nay: “Thưa anh em, tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng ta, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Ki-tô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. Đây là quan điểm của tình yêu Đức Ki-tô. Và từ đây, thánh Phao-lô sống với quan điểm này. Quan điểm này chi phối chọn lựa và hành động của ngài: “TÌNH YÊU ĐỨC KI-TÔ THÚC BÁCH TÔI”. Chính tình yêu Đức Ki-tô mách bảo cho ngài tất cả. Và thánh Phao-lô cũng mách bảo cho chúng ta về tình yêu đó, tình yêu thúc bách chúng ta để chúng ta sống cho Chúa Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta.

Các bài đọc Kinh Thánh chúa nhật hôm nay mở ra cho chúng ta những điều tốt lành về Thiên Chúa và về cách thức để hiểu biết Thiên Chúa hơn, hiểu biết Chúa Ki-tô hơn. Mỗi ngày chúng ta được mách bảo bao điều tốt lành, bao điều thiện hảo, chúng ta hãy lắng nghe và đem ra thực hành. Và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng hãy mách bảo cho người khác về Chúa Ki-tô, về tình yêu của Người, như thánh Gioan đã làm: “Điều đã có từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…Chúng tôi loan báo cho anh em nữa, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người” (1Ga 1,1.3).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024: Lịch sử của Tình Yêu (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024 LỊCH SỬ CỦA TÌNH YÊU Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Thoạt đọc bài Tin mừng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 11,1-10: Người tôi tớ của Thiên Chúa đi vào con đường khổ nạn

NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO CON ĐƯỜNG KHỔ NẠN  M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý  Trong cuộc kiệu lá hôm nay, Hội Thánh...

Thánh Giuse giáo dân (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Giuse 19.03.2024 THÁNH GIUSE GIÁO DÂN 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nếu đưa ra câu hỏi: Ai là...

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria: Thánh Giuse uy quyền

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria, Mt 1,16.18-21.24 / Lc 2,41-51 Thánh Giuse Uy Quyền Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Hợp với Hội Thánh...

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33: Hạt lúa đơm bông cánh đồng rạng rỡ

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33 Hạt Lúa Đơm Bông Cánh Đồng Rạng Rỡ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khi nhìn thấy đồng lúa...

Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – B: Chết để được sống

Suy Niệm Chúa Nhật V  Mùa Chay Năm B CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG (Ga 12,20-33) Mai Anh, CĐ Phước Thiên Vì yêu thương nhân loại từ ngàn xưa,...

Lễ thánh Giuse 19/3 – Việc làm to lớn của thánh Giuse

Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria  (Mt 1,18-24) Cha M. Gioan Bosco Nếu nói Tin Mừng hay kể chuyện lạ thì chuyện về Giuse là...

Chúa Nhật IV Mùa Chay, B, Ga 3,14-21: Đấng bị treo lên thập giá

ĐẤNG BỊ TREO LÊN THẬP GIÁ (Ga 3,14-21) Tùng Linh, Phước Lý Chuyện kể rằng: “Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng...

Chúa Nhật III MC, B: Thanh tẩy Đền thờ

THANH TẨY ĐỀN THỜ "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 68.10) M. Jos. Ba, PV      Với...

Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B, Ga 2,13-25: Thanh tẩy Đền thờ

Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B  (Ga 2,13-25)   Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, người ta tin rằng nơi đây...