Thứ Ba, 25 Tháng 3, 2025

TRỜI ĐẤT VÀ LỜI CHÚA – THỨ SÁU XXXIV TN – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

TN-237-TUẦN XXXIV-thứ sáu

TRỜI ĐẤT VÀ LỜI CHÚA

(Dn 7,3-14 / Lc 21,29-33)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn 

Trong câu cuối cùng của trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 21 từ câu 29 đến 33, Chúa Giê-su tuyên bố: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”. Trong câu khẳng định này, Chúa Giê-su dạy chúng ta nhận ra những gì sẽ qua đi với thời gian và điều gì còn mãi xuyên suốt thời gian. Trời đất là vũ trụ vật chất này và tất cả những gì chứa đựng nơi đó – con người với lịch sử nhân loại -, cùng những gì cấu thành nên trời đất, tất cả sẽ tuần tự biến mất. Còn Lời của Chúa là “đường, sự thật, sự sống” – là chính Chúa – không bị chi phối bởi thời gian và không gian, nên sẽ tồn tại muôn đời.

Những Lời Chúa trong những ngày cuối năm phụng vụ đặt chúng ta như đối diện với chính lịch sử của trời đất, của nhân loại và của mỗi chúng ta. Đối diện với Lời Chúa, chúng ta cần suy niệm để có thể hiểu và biết điều Lời Chúa muốn chuyển tải.

Trước lời khẳng định trên của Chúa, đâu là thái độ của chúng ta khi sống trong vũ trụ này – trời đất này – và khi tiếp cận với Lời Chúa? Cả hai thực tại này có mối liên hệ hỗ tương và soi sáng cho nhau không? Làm sao để “cái qua đi” dẫn đến “điều không qua đi”, và “điều không qua đi” soi sáng “cái qua đi”? Với tư cách là Ki-tô hữu, tôi sống hai thực tại đó như thế nào?

  1. LỜI CHÚA SÁNG TẠO TRỜI ĐẤT

Như nói trên kia, trời đất vừa là vũ trụ vật chất gồm các tinh tú, các hành tinh, bao gồm cả trái đất chúng ta. Nhưng cần phải hiểu trời đất với ý nghĩa rộng hơn, năng động hơn, đó là con người và lịch sử nhân loại. Đến ngày nay, người ta chưa khám phá một nơi nào khác trái đất mà có những sinh vật như con người sinh sống. Trái đất giữ vai trò “trung tâm” của vũ trụ theo nghĩa là nơi đó có con người, là thụ tạo cao cả nhất vượt trên mọi tinh tú, vì con người “có xác và hồn”, và nhất là “hình ảnh Thiên Chúa”. Khi nói đến trời đất, chúng ta mở rộng ánh nhìn theo nhãn giới này.

Khi Chúa Giê-su nói: “Trời đất sẽ qua đi, còn lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”, Chúa đặt song song hai thực tại này nhưng trong hai trạng thái đối nghịch: qua đi và không qua đi. Nhưng trước khi đi đến tình trạng này, cả hai thực tại – trời đất và lời Chúa – đều phát xuất từ Chúa. Điều đó có nghĩa gì?

Khi đọc lại công trình Sáng Tạo – trong sách Sáng Thế – chúng ta ghi nhận điều gì? Đó là Lời Chúa đi trước các sự vật. “Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng”. Và tất cả các thụ tạo và ngay cả con người phát xuất từ Thiên Chúa qua Lời của Người. Lời Thiên Chúa đã đưa trời đất hiện hữu. Như vậy Lời Chúa vượt trên mọi thực tại trong trời đất, gồm cả con người. Lời Chúa sẽ không bao giờ qua đi, dù trời đất cũng muôn vật sẽ biến đi, cũng như “con người sẽ trở về bụi đất”. Lời Chúa không những sáng tạo trời đất mà còn giữ trời đất trong trật tự hài hoà, được vận hành trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Nhưng, như nói trên kia, trời đất phải hiểu cả theo nghĩa lịch sử nhân loại và cả qúa trình cuộc sống con người? Câu hỏi đặt ra là lịch sử đó có phát xuất từ Thiên Chúa không? Và nếu có, thì phải hiểu thế nào về những tội ác, những “con thú” xuất hiện trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử nhân loại- mà sách Đa-ni-en, trong bài đọc một, chương 7 từ câu 2 đến 14 -, nhắc đến?

Chúng ta không nói đến lịch sử hình thành các tinh tú hay tất cả những thực thể vật chất trong trời đất. Các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm những giải đáp từ những giả thiết được đặt ra suốt thời gian dài. Trời đất vẫn là “mầu nhiệm”. Nếu vũ trụ vật chất là mầu nhiệm, phương chi con người luôn là một mầu nhiệm lớn, vì nó mang trong mình mầu nhiệm của chính Thiên Chúa – con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Và lịch sử con người dệt nên từ ngày hiện hữu đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, cũng đậm nét huyền niệm. Đó là mầu nhiệm của “tự do” mà Thiên Chúa trao ban như một tặng ân riêng cho con người, một thụ tạo ưu việt. Với tự do đó, con người có thể tự quyết “không phạm tội”. Nhưng thực tế cho thấy “con người đã phạm tội”, và xuyên suốt lịch sử, tội ác là thứ không thiếu trong cuộc sống nhân loại. Những “con thú” dưới mọi hình thức xuất hiện và tàn phá cuộc sống gây nhiều mất mát, khổ đau về mọi phương diện, trong lãnh vực xác cũng như hồn. Thiên Chúa “không làm nên cái ác”, nhưng chính con người, nghe ma quỉ xúi dục, nên đã gây nên những tội ác. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người – mà Người không bao giờ lấy mất -; nhưng Người đã tìm cách cứu độ con người bằng cách “ban Lời Người đến trần gian”, đó là Ngôi Lời Nhập Thể, để Lời của Đấng Thiên Sai trở nên sự sống và ánh sáng cho nhân loại (x.Ga 1,3-4.9). Lời Thiên Chúa, trước khi trở thành lời con người, là chính Ngôi Lời đồng bản thể với Thiên Chúa Cha.

Như vậy, tất cả những gì là thụ tạo, có sinh thì có tử, có bắt đầu thì có kết thúc, – là trời đất và những gì xảy ra trong đó -; trong khi đó hiện hữu từ muôn đời là Ngôi Lời và Lời Người nói sẽ hiện hữu cho đến muôn đời. “Trời đất sẽ qua đi, còn lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi”. Nhưng Lời Chúa được nói cho con người về những gì liên quan đến cuộc sống con người, nên có sự tương tác với nhau.

  1. LỜI CHÚA SOI SÁNG TRỜI ĐẤT

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Từ khi Ngôi Lời trở thành con người, thì Người đã dùng ngôn ngữ nhân loại – và thứ ngôn ngữ của một dân tộc cụ thể – để
mặc khải” những “mầu nhiệm” được dấu ẩn từ tạo thiên lập địa. Như vậy, Lời của Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giê-su Ki-tô mang trong Lời đó chiều kích muôn đời, nghĩa là Lời Chúa trong thời gian nhưng vượt thời gian. Chính vì yếu tố “không qua đi” mà Lời Chúa Giê-su soi sáng cho những thực tại “qua đi”. Điều đó muốn diễn tả diều gì?

Khi đọc và suy niệm Lời Chúa, chúng ta sẽ dần dần khám phá và hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa nói về các thực tại trời đất. Chúng ta hiểu trời đất do Thiên Chúa tạo dựng. Chúng ta cũng hội được ý nghĩa của tội lỗi, của sự ác qua các trình thuật. Chúng ta hiểu được tầm quan trọng khẩn thiết của việc hoán cải đời sống bằng việc phụng thờ Thiên Chúa với tất cả con người của mình và yêu thương tha nhân như chính Chúa Giê-su Ki-tô yêu thương họ. Chúng ta cũng hiểu được trời đất này đang đi đến chỗ nào và hướng về đâu, như Lời Chúa Giê-su Ki-tô nói cho chúng ta trong những ngày qua… Nói tóm lại, chính Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của những thực tại trời đất và những gì xảy ra nơi đó. Lời Chúa chính là sự thật cho biết những sự thật của trời đất, của cuộc sống con người. Lời Chúa là sự sống vì Lời đó mang lại sự sống thần linh, dồi dào (x.Ga 10,10). Nhưng làm sao để có thể đạt được những mục tiêu mà Lời Chúa hướng tới?

Chúng ta cần yêu mến Lời Chúa. Và nếu thật sự yêu mến Lời Chúa, chúng ta sẽ dành thời gian để tiếp cận sách Kinh Thánh, nhất là Tân Ước. Khi người ta yêu mến ai, điều gì, người ta sẽ dành thời gian cho người đó, cho điều đó. Cách thức tiếp cận Lời Chúa qua Lectio Divina không chỉ dành riêng cho các đan sĩ hay giới tu trì, mà cho mọi Ki-tô hữu. Đó là “đọc”, rồi “suy niệm”, nghĩa là nhắc đi nhắc lại trong tâm trí, “nhai đi nhai lại” Lời Chúa để tiêu hoá. Từ đó, Lời Chúa là nơi của cầu nguyện: Lời Chúa ngỏ với chúng ta để chúng ta thưa với Chúa. Tâm hồn khi ấy chan hoà niềm vui của sự chiêm ngưỡng các mầu nhiệm Thiên Chúa và con người. Từ đó phát xuất ra hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Lời Chúa như vậy là lương thực nuôi dưỡng chúng ta; vì Lời Chúa “không qua đi” nên giúp chúng ta “tồn tại” trong ân sủng và tình yêu của Chúa.

“Hãy cầm lấy và đọc”: đó là lời mời gọi mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện, để “điều không qua đi” – Lời Chúa – hướng dẫn chúng ta sống đúng với ý Chúa trong các thực tại “qua đi”. Đồng thời, những thực tại cuộc sống lại giúp chúng ta hiểu Lời Chúa hơn.

  1. TRỜI ĐẤT GIÚP HIỂU LỜI CHÚA

Trong các Tin Mừng, chúng ta nghe được những lời giảng dạy của Chúa về các mầu nhiệm, qua các dụ ngôn: đó là các dụ ngôn về Nước Trời, cũng như những dụ ngôn nói về Thiên Chúa hay các tương giao giữa con người với nhau. Không những qua các dụ ngôn, mà qua chính lời giảng dạy cũng như các việc làm, Chúa đưa Lời của Người “nhập thể” và “nhập thế” trong cuộc sống cụ thể và thường nhật của con người, đồng thời hướng con người về chân trời xa hơn, cao hơn của Triểu Đại Thiên Chúa, của Nước Trời. Như vậy, khi chúng ta dấn thân vào cuộc sống này – với tư cách là môn đệ của Chúa, là Ki-tô hữu -, thì chính cuộc sống này gợi mở cho chúng ta hiểu Lời Chúa hơn, và Lời Chúa được thấm nhập vào cuộc sống.

Những Lời Chúa nói trong những ngày qua, chúng ta có thể hiểu thêm hơn khi mà những thực tế của cuộc sống nhân loại đã và đang xảy ra nơi “trời đất” này và chúng ta đụng chạm những thực tế nhiều khi rất đau thương. Nhưng chính những “va chạm” đó lại trở thành như một cánh cửa mở ra cho sự hiểu biết hơn về Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay là một dịp giúp tôi suy nghĩ về mối tương giao hỗ tương giữa Lời Chúa “không qua đi” với trời đất “qua đi”, để khẳng định rằng Lời Chúa chính là nền tảng xây dựng nên ý nghĩa của những thực tại “sẽ qua đi”, để “điều không qua đi” sẽ nổi bật lên. Phải chăng đó cũng là: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ban đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Co 13,13). Vì Lời Chúa nói chính là để xây dựng Tình Yêu, “Agapè”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Hai, Tuần III, Mùa Chay (2V 5,1-15) Đức tin làm lên những điều kỳ diệu

Thứ Hai, Tuần III, Mùa Chay (2V 5,1-15) Đức tin làm lên những điều kỳ diệu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm ấy, một bầy ếch đang...

Thứ Năm, Tuần II, Mùa Chay (Lc 16,19-31) Người phú hộ và anh Lazaro

Thứ Năm, Tuần II, Mùa chay (Lc 16,19-31) Người Phú Hộ Và Anh Lazaro Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, Chúa Giêsu kể cho dân chúng...

Thứ Ba, Tuần II, Mùa Chay (Mt 23,1-12) Chứng nhân hơn thầy dạy

Thứ Ba, Tuần II, Mùa Chay (Mt 23,1-12) Chứng Nhân Hơn Thầy Dạy Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến nhóm...

Thứ Hai, Tuần II, Mùa Chay (Lc 6,36-38) Xét – Đoán

Thứ Hai, Tuần II, Mùa Chay (Lc 6,36-38) Xét - Đoán Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta “Đừng xét đoán”....