TN-066-TUẦN X-thứ Ba
TRUNG THỰC
(2Cr 1,18-22 / Mt 5,13-16)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trung thực là sự ngay thẳng, luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn tôn trọng những chuẩn mực đạo đức. Trung thực cần được biểu lộ qua lời nói và hành vi, nghĩa là qua chính đời sống và trong mọi phạm vi và môi trường. Đây là một đức tính cao quí của con người. Sống trung thực giúp nâng cao phẩm giá của bản thân. Muốn xã hội tiến bộ về mặt đạo đức, về tính trung thực, mỗi chúng ta phải là người sống trung thực. Mỗi người sống trung thực, thì xã hội sẽ trung thực. Như vậy, trái ngược với trung thực là giả dối. Giả dối làm băng hoại cá nhân cũng như cộng đồng xã hội. Nếu sự thật làm cho tự do, thì sự giả dối giam hãm con người trong tù ngục.
Khi suy niệm hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi khám phá ra một số lãnh vực trong việc sống trung thực. Sự trung thực ở đây, không chỉ mang tính đạo đức chung cho mọi người, mà là đòi hỏi của ki-tô hữu.
1. TRUNG THỰC VỚI BẢN CHẤT
Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay thuộc chương 5 từ câu 13 đến câu 16. Trích đoạn này thuộc về bài giảng trên núi”. Bài giảng trên núi đặt nền tảng cho cuộc sống người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, bài giảng trên núi có một tầm mức hết sức quan trọng.
Hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Chúa đưa ra một định nghĩa về người môn đệ của Chúa. Trong định nghĩa này, chúng ta thấy có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất hệ tại nơi bản chất. Đó là cái “là”: là muối và là ánh sáng. Yếu tố thứ hai là đối tượng. Đó là “cho”: cho đời, cho trần gian. Như vậy, ngay trong câu định nghĩa này, chúng ta khám phá ra tầm quan trọng của sự liên kết giữa hai yếu tố: cái “là” và cái “cho”. Người môn đệ của Chúa chỉ có thể thật sự “là” khi có tác dụng, có mối liên hệ, nghĩa là cuộc sống của người môn đệ phải “hướng về”. Điều đó cho thấy người môn đệ của Chúa không là những cá nhân cô lập để xây nên những ốc đảo, dù ốc đảo đó xanh tươi trù phú. Người môn đệ Chúa chỉ có thể sống cái “là” trọn vẹn khi hoàn tất cái “cho” một cách tốt đẹp.
Trước hết, bản chất của người môn đệ Chúa là “muối”. Chúng ta đã biết nhiều về muối, vì sử dụng hằng ngày. Điều gì làm cho khối vật chất kia là muối? Đó là độ mặn. Mặn vừa là bản chất vừa là đặc tính hay đúng hơn là yếu tính của muối. Không thể là muối mà lại nhạt hay ngọt được. Như vậy, người môn đệ của Chúa phải là người mang chất “mặn”. Khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối để nói lên bản chất của người môn đệ Chúa, là Chúa muốn nhấn mạnh đến độ mặn. Đánh mất độ mặn là đánh mất bản chất, đánh mất yếu tính. “Muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?” Muối và mặn là một: mất đi một phía là đánh mất toàn bộ. Nhưng muối đó phải là cho đời, cho cuộc sống nhân loại, cho con người. Người môn đệ Chúa phải mang muối, chất mặn, cho mọi sinh hoạt của con người, trong mọi phạm vi và môi trường.
Tiếp đến, bản chất người môn đệ là “ánh sáng”. Nơi đây chúng ta cũng nhận ra bản chất và yếu tính đi đôi với nhau: ánh sáng. Độ sáng làm nên ánh sáng, cũng như độ mặn làm nên muối. Ánh sáng thì phải chiếu soi. Ánh sáng mà không chiếu soi, thì vô ích. Chính Chúa cũng nói đến việc “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng”, nghĩa ánh sáng không bị che khuất đi. Ánh sáng mà mất độ sáng, thì chẳng phải là ánh sáng. Người môn đệ phải mang bản chất ánh sáng, độ sáng cho mọi không gian của con người, cuộc sống nhân loại với mọi sinh hoạt.
Như vậy, hãy thật sự là môn đệ của Chúa, thì chắc chắn sẽ có tác dụng, như nơi đâu có muối, có ánh sáng, thì nơi đó có có tác dụng. Hãy TRUNG THỰC là môn đệ Chúa, là ki-tô hữu và sống MỘT CÁCH TRUNG THỰC bản chất đó, thì chắc chắn sẽ có tác động tốt cho xã hội.
2. TRUNG THỰC TRONG LỜI NÓI
Nếu chúng ta sống trung thực điều mình là, thì mọi sinh hoạt của chúng ta cũng phải thấm đượm tính trung thực. Trung thực phải dàn trải trong tất cả, từ lời nói đến hành vi.
Trích đoạn thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô hôm nay thuộc về chương 1 từ câu 18 đến 22. Trong trích đoạn này, thánh Phao-lô đề cập đến sự trung thực trong lời nói. Ngài khẳng định: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là “có”, vừa là “không”. Tại sao thánh Phao-lô lại nói lên điều này, nghĩa là nói đến việc ngài và các cộng sự viên của ngài không “bất nhất” trong lời nói, khi vừa nói “có” vừa nói “không”. Bất nhất trong lời nói, nghĩa là không trung thực trong lời nói.
Như tôi đã nói hôm qua, thánh Phao-lô bị một số người trong cộng đoàn Cô-rin-tô là suy giảm uy tín, và trong tình hình căng thẳng, ngài đã thay đổi lộ trình, nghĩa là không đến thăm họ như dự tính. Ngài tôn trọng họ và vì tình hình tế nhị, nên đã “như” thất hứa. Nại vào vấn đề thay đổi này, những người công kích ngài đã phê phán ngài là vừa có lại vừa không.
Ngài đã biện minh sự thật bằng việc xin Thiên Chúa chứng giám cho, nghĩa là Thiên Chúa biết thật sự điều gì xảy ra và điều gì tốt nhất trong hoàn cảnh đó, cho chính những người thuộc giáo đoàn Cô-rin-tô. Thiên Chúa chứng giám cho ngài rằng ngài trung thực.
Trung thực trong lời nói phải phát xuất và đi đôi với lợi ích của nhiều phía, của bản thân và những người liên hệ. Sự trung thực trong lời nói cần được hiểu từ bên trong tâm hồn của người nói. Chúng ta có kinh nghiệm về việc cần thiết phải có thay đổi nào đó trong một số quyết định. Đây không phải là một sự nhẹ dạ, mà là vì lợi ích. Ngay trước những câu trong trích đoạn này, thánh Phao-lô đã quả quyết về việc thay đổi dự trù và hành trình: “Dự tính như thế, phải chăng tôi đã tỏ ra nhẹ dạ? Hay điều tôi dự tính là dự tính theo kiểu người phàm, khiến tôi vừa nói “có” vừa nói “không” (2Cr 1,17).
Như vậy, ngay cả khi có một sự bất nhất bên ngoài như trong trường hợp của thánh Phao-lo là sự thay đổi dự tính, hành trình, chẳng hạn, chúng ta không nên xét đoán người đó không trung thực. Cần phải nhận định toàn bộ vấn đề và nhất là cứu xét bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể của nhiều phía. Trung thực phải dựa trên những chuẩn mực đạo đức, những mối liên hệ. Chuẩn mực nơi đây là tình yêu thương, sự tôn trọng. Sự trung thực bao giờ cũng phát xuất từ trong tâm hồn, để được diễn tả ra bên ngoài với tất cả sự cẩn trọng và khôn ngoan.
3. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TRUNG THỰC
Trung thực là một điều rất quí báu trong cuộc sống con người, đối với Thiên Chúa cũng như đối với đồng loại. Nhưng đó cũng là một thách đố lớn. Sống trung thực là phải trả giá. Nhưng cái giá phải trả cũng rất đáng giá, vì nó làm nên phẩm giá của con người. Trung thực là một thách đố, vì ngay cả việc diễn tả bên ngoài của sự trung thực cũng không lúc nào cũng được coi là trung thực, như chúng ta vừa nói đến trường hợp của thánh Phao-lô. Trung thực không những là một điều quí báu cho và của con người, mà còn là chính bản chất của Thiên Chúa.
Trung thực chính là cái “là”. Thiên Chúa luôn là. Người không bao giờ hết “là”. Người luôn trung thực với chính Người, với chính bản chất của Người. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Đức Ki-tô vẫn là một, hôm qua, hôm nay, và mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).
Trong trích đoạn thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô trên kia, chúng ta nghe được khẳng định của thánh Phao-lô về Chúa Ki-tô: “Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có”, vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ là “có”. Nghĩa là nơi Chúa Kitô, tất cả đều trung thực. Thánh Phao-lô còn đi xa hơn khi xác tín: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người”. ‘Có” ở đây là ứng nghiệm. Thiên Chúa trung tín – trung thực – khi hứa và khi thực hiện, nơi Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là diễn tả sự trung thực của Chúa Cha. Như vậy, Thiên Chúa chính là sự trung thực., nghĩa là Thiên Chúa là như Người là. Và Chúa Giêsu Kitô là cái là của Chúa Cha, như Chúa Giêsu Kitô đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Như vậy, sự trung thực nơi Thiên Chúa là chính sự trung tín của Người. Và Thiên Chúa là trung thực, thì Người cũng là trung tín. Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê: “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào từ bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Bản chất Thiên Chúa là trung tín và Người luôn hành động tín trung. Đó là sự trung thực nơi Người. Đó là Thiên Chúa của chúng ta.
Chúng ta mong ước là người trung thực và sống trung thực. Chúng ta mong muốn Giáo Hội, xã hội chúng ta và mọi người hành động trung thực. Điều đó tốt. Nhưng, chính chúng ta cũng được mời gọi nhìn lên Chúa Ki-tô để khám phá bản chất của Người mà chúng ta được hoạ lại. Người là Chúa Kitô và chúng ta là Ki-tô hữu.