VÂNG PHỤC
NƠI CHA TỔ PHỤ
M. Gabriel, VP
Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức lập dòng Xitô Thánh Gia, tôi có dịp được nghe lại tiểu sử của Cha. Tôi thấy một con người của lý trí phương Tây nhưng đầy ước mơ hoài bão với những thao thức cho Giáo Hội Việt Nam được thấm nhuần tinh thần của Chúa. Nhưng điều ngạc nhiên hơn nữa là qua đời sống của Cha, tôi thấy rõ sự vâng phục tuyệt đối của Cha đối với Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong từng con người. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh lại là “sự vâng phục ra đi”. Cha từ bỏ mảnh đất yêu dấu của mình nơi “chôn nhau cắt rốn”, bỏ lại sau lưng tất cả những thứ quen thuộc của mình, vâng lời Chúa Cha ra đi mà không biết cuộc đời sẽ ra sao. Cha giống như tổ phụ Abraham nghe tiếng Chúa gọi ra đi mà không biết mình sẽ phải đi đâu. Cha ra đi với hành trang trên vai là sự phó thác, lòng tin tưởng vào bàn tay Thiên Chúa.
Cha đi sang đất Việt, nơi chưa một lần đặt chân tới, sống giữa một miền đất khó nghèo, đương đầu với chiến tranh và khí hậu khắc nghiệt, mọi thứ đều thiếu thốn đối với một người Pháp. Nhưng không vì những thiếu thốn đó mà Cha quay về gia đình, bỏ đi sự vâng phục mà Chúa đã gọi Cha ra đi.
Trong thư gửi cho cha mẹ, Cha nói: “Xin cha mẹ cầu nguyện nhiều cho người Việt Nam yêu dấu của con, càng ngày con càng thương mến người Việt Nam của con. Không khi nào con nghĩ đến bỏ Việt Nam mà về Pháp”.
Qua sự vâng phục lên đường theo tiếng mời gọi của Chúa, Cha đã cho tôi một cảm nghiệm, một bài học quí giá của sự vâng phục. Quả thật, để vâng phục thì không dễ tí nào, bởi có ai lại muốn từ bỏ điều mình yêu, mình thích, phải xa những người thân yêu đâu. Nhưng để sống một lý tưởng là Chúa, thì đòi hỏi phải từ bỏ những gì ngăn trở sự vâng phục. Muốn vâng phục được thì cũng đòi hỏi phải biết chấp nhận cuộc sống này, hoàn cảnh này.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con theo dấu chân Chúa giống như Cha Tổ Phụ vậy.