YÊU LÀ ĐÓN NHẬN HAY TỪ CHỐI?
(Suy niệm Tin Mừng, Thứ 2, Tuần 27 TN: Lc 10, 25-37)
FM. Lasan Châu Sơn
Tin mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại hai lời chất vấn của người luật sĩ dành cho Chúa Giêsu: (1) Tôi phải làm gì để được sống đời đời? (2) Ai là người thân cận của tôi? Có lẽ không phải do không biết mà người luật sĩ này đặt ra những câu hỏi như vậy. Bởi lẽ, chúng ta biết các luật sĩ Do thái giáo là những người học rộng biết nhiều, giữ chức vị quan tòa (Sanhé drin). Họ vừa là nhà thần học, luật sư, thầy thuốc… mọi người đều công nhận các luật sĩ là cái kho kiến thức. Ấy thế mà, người luật sĩ này gọi Chúa Giêsu là Thầy và đặt ra những vấn nạn. Có thể nói, nếu Chúa Giêsu trả lời theo sách Đnl 6,4 và Lv 19,18, thì Ngài chẳng có dạy điều gì mới mẻ, mà nếu Ngài dạy một điều gì khác với Luật Môsê, thì sẽ bị kết án là lạc giáo.
Chúa Giêsu đã khéo léo tránh cạm bẫy này, bằng cách kể chuyện người Samari nhân hậu, ngầm gợi ý họ trả lời. Và từ câu trả lời của họ, Chúa Giêsu dạy “Cứ làm như vậy thì sẽ được sống đời đời”; Ngài dạy phải làm, phải hành động chứ không phải lý luận suông; như Ngài cũng nói ở một chỗ khác: Không phải ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý Chúa (x. Mt 7,21).
Trong câu chuyện người Samari có hai vế nhân vật tương phản, hailối sống khác nhau; mặc dù họ đang bước chung trên một con đường, cùng đi về một hướng: từ Giêrusalem xuống Giêrikhô…
Nhìn ngoại diện người Luật sĩ và thầy Tư tế được coi như những “bậc đáng kính”, là những người mẫu mực về đời sống luân lý và đời sống tâm linh.
Còn người Samari bị người Do thái coi như dân ngoại, bị liệt vào số những Philitinh và Êdomít. Kinh Mishna nói rằng: “Kẻ nào ăn bánh của người Samari thì giống như kẻ ăn thịt heo” nghĩa là bị ô uế.
Tin mừng không nói gì về thân thế người bị nạn là người Do thái hay người Samari. Nhưng cho thấy sự tương phản của hai vế nhân vật khi gặp người bị nạn bằng nhiều động từ biểu cảm:
Có thầy tư tế đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi.
Rồi một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi.
Nhưng một người Samari kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Ông còn đưa tiền nhờ chủ quán chăm sóc cho nạn nhân và hứa sẽ trở lại thanh toán mọi tốn phí.
Tất cả những nghĩa cử đó, chứng tỏ người Samari có một tấm lòng nhân ái bao la. Ông đã giúp nạn nhân một cách đầy thiện tâm, vô vị lợi: “thấy người hoạn nạn thì thương”. Ông không lý luận đây là bạn hay là thù, không hề tính toán thiệt hơn. Ông sẵn sàng “dây mình” – “lây mùi” khó khăn phức tạp, những đau đớn thể xác tinh thần của người khác, để giúp đỡ họ bất chấp những nghi kị thành kiến.
Người Samari trên đây, chính là hình ảnhChúa Giêsu, phận là Thiên Chúa nhưng đã tự hủy mình ra không, sống giữa con người, nâng đỡ, băng bó những đau thương thân xác tâm hồn của con người…Và Ngài dạy chúng ta cũng hãy “làm như vậy thì sẽ được sự sống đời đời”.
Học tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi yêu thương giúp đỡ tất cả mọi người, không giới hạn, không thành kiến phân biệt đồng đạo hay khác đạo, cùng quan điểm hay khác quan điểm, bạn hữu hay kẻ thù vì tất cả đều là ‘là người thân cận”, là anh em con cùng một Cha, như Chúa đã dạy: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36; x. Mt 5,48).
Lòng nhân từ được thể hiện bằng những việc làm cụ thể ngay trong đời sống hằng ngày như tha thứ cho người xúc phạm mình, viếng thăm, giúp đỡ bệnh nhân; chia sẻ của cải, tài năng, thời giờ, công sức cho nhưng ai đang cần, cho nhau những nụ cười, tình đoàn kết, tính đồng đội khi vui chơi…
Ước mong mỗi người chúng ta sẽ là những người Samari nhân hậu giữa thế giới hôm nay.
“Tội lớn nhất đối với người đồng loại không phải là thù ghét họ mà là không quan tâm đến họ, đó là cốt lõi của tính vô nhân đạo” (Bernard Shaw).