YÊU NHƯ THẦY
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C
Ga 13,31-33a.34-35
Hoa Tím – Phước Thiên
Con người chúng ta sống trên đời, trong môi trường nào cũng cần có luật. Luật mang lại trật tự, mang lại ích lợi, an hảo cho cá nhân, cho tập thể, cũng như cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Quốc gia nào cũng có hiến pháp, có luật. Dân thì có luật dân sự, lính thì có luật nhà binh, người đi đường thì có luật đi đường … Các tôn giáo cũng đều có luật. Công giáo chúng ta thì có Giáo luật, giới tu sĩ thì có luật dòng. Do thái giáo có luật vừa là luật tôn giáo vừa là dân luật. Đức Giêsu đến để kiện toàn luật này. Ngài tóm gọn tất cả lại trong luật yêu thương. Yêu như Chúa yêu.
1. Giờ của Chúa Giêsu
Trong Tin Mừng Gioan, “Giờ” của Chúa Giêsu có ý nghĩa rất quan trọng, và được Gioan sử dụng nhiều lần. “Giờ” đó là lúc Chúa Giêsu phải trải qua các đau khổ trên thân xác và trong tâm hồn; “Giờ” Người bị treo trên thập giá, chịu chết thay cho nhân loại (Ga 12,27); “Giờ” Người được tôn vinh, trở thành cội nguồn sự sống cho thế gian (Ga 12,23; 13.31); “Giờ” Người vượt ra khỏi thế gian này mà về với Chúa Cha (Ga 13,1).
Trong tiệc cưới Cana, khi Đức Mẹ xin Chúa Giêsu can thiệp vì gia chủ hết rượu, Chúa bảo là “Giờ” của Chúa chưa đến (Ga 2,4). Nghĩa là Chúa chưa có thể ban rượu của Giao ước mới, nhưng Chúa vẫn làm một dấu lạ tượng trưng cho nước hóa thành rượu để chủ tiệc và thực khách được có niềm vui trọn vẹn.
Theo tiến trình của Phúc âm, tiến dần đến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và Thượng tế, Biệt Phái, Luật sĩ ngày càng đến hồi gay gắt. Họ tìm nhiều cớ để bắt Người nhưng không bắt được vì “Giờ” của Người chưa đến (Ga 7,30; 8,20). Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu tự do, tự nguyện, yêu mến và vâng phục Chúa Cha, đón nhận cái chết để cứu nhân loại, chứ quyền lực thế gian không làm gì Người được (x. Ga 14,30-31).
“Giờ” còn mang chiều kích phụng vụ: “Giờ” đã đến, nói đến việc thờ phượng Thiên Chúa mang tầm phổ quát, không phải chỉ giới hạn ở đền thờ Giêrusalem hay đền thờ của Samaria, mà là thờ phượng trong thần khí và sự thật (Ga 4,21-23).
2.Điều răn mới
a.Điều răn mới
Nói đến điều răn mới, chắc hẳn phải có điều răn cũ. Trong Do thái giáo, luật pháp bao gồm 10 điều răn, bộ Ngũ Thư (5 cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Cựu ước), luật truyền khẩu. Ngoài các Lề Luật trên, các kinh sư còn thêm nhiều chi tiết nhỏ nhặt để áp dụng triệt để các luật pháp. Đó là 613 điều luật: gồm 248 điều tích cực và 365 điều cấm. Người ta phân biệt khoản lớn với khoản nhỏ, điều nặng với điều nhẹ. Những điều luật đó thì vô hồn, thiếu tình người.
Chúa Giêsu không chấp nhận điều đó. Người đến để kiện toàn lề luật (x. Mt 5,17) cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong luật Do thái giáo cũng có tình yêu đối với đồng loại, nhưng chỉ đối với người yêu mình thôi và dành ưu tiên cho người Do thái. Họ đặt tình yêu tha nhân ngang hàng với những giới răn khác. Trong khi Chúa Giêsu lại đặt nó vào trung tâm điểm của lề luật.
Điều răn mới của Chúa Giêsu là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu như Chúa yêu là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,14); là yêu cả kẻ thù, cầu nguyện và làm ơn cho họ (x. Mt 5,43-47; Lc 6,27-28); là tha thứ cho kẻ giết mình vì lầm không biết (x. Lc 23,34); là yêu cho đến kỳ cùng (x. Ga 13,1). Sự cao cả nhất, diễn tả cách hùng hồn và sâu xa nhất của tình yêu là hy sinh mạng sống cho người mình yêu (x. Ga 15,13).
Làm sao chúng ta có thể yêu kẻ thù và tha thứ cho người làm hại ta được? Thưa chúng ta chỉ có được điều này khi chúng ta yêu bằng tình yêu của Chúa vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7; Mt 5,44) và Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết tình yêu đó khi Người thí mạng sống vì chúng ta (1Tx4,9) và nhờ Thánh Thần đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta (Rm 5,5). Tình yêu của Chúa Giêsu trở thành mẫu gương cho các tín hữu về nếp sống bác ái huynh đệ.
b.Chứng nhân tình yêu
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy nếu anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35). Khi chúng ta sống yêu thương nhau, chúng ta trở nên môn đệ của Chúa. Lúc đó chúng ta trở nên chứng nhân hùng hồn cho tình yêu Chúa giữa một thế giới đầy dẫy sự ích kỷ, hưởng thụ.
Ở nơi khác, Chúa cũng dạy “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ để họ thấy việc tốt anh em làm mà ngợi khen Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Người Việt chúng ta thường nói “Hữu xạ tự nhiên hương”. Chúng ta thấy các Kitô hữu tiên khởi Giêrusalem sống rất bác ái yêu thương nhau “một lòng một ý, để mọi sự làm của chung (x. Cv 2,1-13). Những người ngoại giáo đã theo đạo Chúa vì thấy tình thương ngự trị trong cộng đoàn tín hữu tiên khởi này. Giáo phụ Tertuliano đã ghi nhận trong sách Hộ Giáo của ngài: Dân ngoại bảo nhau “Nhìn xem họ yêu thương nhau biết dường nào” (Hộ Giáo 39,11).
Hay như thánh Pacomio là người Ai cập ngoại đạo, đã cảm kích trước tình bác ái của các Kitô hữu, nên ngài đã trở lại đạo, lập nên đời tu sống cộng đoàn. Ngài đã gọi Kitô hữu là người “làm điều thiện cho mọi người”.
Mục đích thứ hai của Dòng chúng ta theo trí ý của Cha Tổ Phụ, là cầu nguyện cho lương dân trở lại tin yêu Chúa. Khi chúng ta sống yêu thương nhau là lúc chúng ta là chứng nhân cho tình yêu của Chúa đối với trần gian.
Kết
Luật là để giải thoát con người, đưa con người đến chân lý vẹn toàn. Luật yêu thương của Chúa Giêsu cho chúng ta được tăng trưởng nhân cách làm người, cho chúng ta được tự do làm con cái Chúa, cho chúng ta ngày một hoàn hảo hơn, đưa chúng ta ngày một gần Thiên Chúa hơn.