YÊU…
M. David (Vĩnh Phước)
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa Giêsu với các Tông đồ. Trong niềm vui của biến cố Phục Sinh, đức tin của các ông không chỉ được hun đúc bởi mẻ cá lạ lùng nhưng hơn hết là sự hiện diện của Thầy Chí Thánh với tương giao thân tình trong bữa ăn huynh đệ trên bờ biển.
Sau khi các ông ăn xong là những giây phút riêng tư cá vị giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô. Đây có lẽ là cuộc đối thoại hay nhất và cảm động nhất về tình yêu trong toàn bộ Kinh Thánh. Thật vậy, khoảnh khắc này đã đưa Phêrô trở về với nhịp đập của trái tim hầu đo lường mức độ của lòng yêu mến Chúa, và là cơ hội để vị Tông đồ trưởng tái lập cùng hâm nóng lại tình yêu thưở ban đầu.
Thật thú vị và sống động biết bao khi được chiêm ngắm toàn cảnh bức tranh tình yêu này bên ánh lửa hồng, ba trụ cột chính xây nên toà nhà tình yêu đã được phác hoạ cách rõ nét:
- Yêu là biết
Simon biết mình yêu Chúa, nhưng không còn là tình yêu bốc đồng và đầy xúc cảm. Đứng trước câu hỏi của Thầy: “Này anh Simon, con ông Giona, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông không dừng lại để quả quyết về tình yêu của mình, cũng không so sánh với anh em như lần trước: “Dầu tất cả có bỏ Thầy đi nữa, thì con đây, con cũng không bỏ Thầy” (Mt 26, 33). Thay vì mạnh miệng tuyên bố mình yêu Thầy hơn tất cả, ông đã đặt Chúa là phần chủ động trong câu trả lời, bởi ý thức về sự giới hạn của bản thân: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
- Yêu là đón nhận
Chúa Giêsu đã không dùng danh xưng “Phêrô” mà Chúa đã đặt để hỏi ông, nhưng Người đã dùng chính tên thật của ông: “Này anh Simon, con ông Giona”, liệu đó có phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Chắc hẳn là không, có lẽ Chúa muốn ông trở về với con người thật của mình, với cái “là” của chính ông. Chúa đón nhận chính con người cũ, con người nguyên thuỷ của ông. Trong hai lần đầu, Chúa đã hỏi ông với động từ “αγαπαω” (agapaô), cấp bậc cao nhất trong tình yêu theo tiếng Hy lạp, một tình yêu đại đồng, vị tha, dám chết vì người mình yêu. Nhưng ông chỉ dám dừng lại ở tình yêu “φιλεω” (phileô), một tình bạn ngay lúc này, một sự yêu mến với những gì ông có, bao gồm cả sự giới hạn và dễ thay đổi nơi bản tính con người ông. Tuy nhiên, ở lần thứ ba, Chúa không còn đòi hỏi nơi Phêrô tình yêu “αγαπαω” nữa, Ngài chấp nhận tình yêu “φιλεω” nơi ông, Người đã hạ mình ngang hàng với ông để đón nhận tình yêu khiêm nhường của ông.
- Yêu là hành động
Tại sao Chúa lại hỏi Phêrô đến ba lần? Phải chăng Chúa muốn ông ba lần xác tín về tình yêu của mình để xoá sổ cho ba lần chối Chúa? Thiết nghĩ Chúa hỏi ba lần vì muốn dẫn ông đến một tình yêu hoàn hảo, và sự hoàn hảo đó được chứng minh bằng hành động qua việc Chúa trao sứ mạng mục tử cho ông. Thật vậy, hành động chính là kết quả của tình yêu, là sáng kiến của tình yêu và cũng chính là thước đo của tình yêu. Cứ sau một lần hỏi, khi Phêrô đã xác định tình yêu của mình, Chúa đều trao cho ông sứ mạng: “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy” bởi tình yêu hoàn hảo phải được chứng minh bằng hành động.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng tình yêu của mình bằng việc biết mình, bằng sự đón nhận mọi yếu đuối xác hồn của người mình yêu và bằng hành động trong cuộc sống thường nhật. Thật trùng hợp khi suy niệm về tình yêu của chủ chăn Giáo hội trong thời điểm này. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ và đồng hành cùng Đức Thánh Cha Phanxico để ngài hoàn thành sứ mạng Chúa trao bằng tình yêu vượt mọi biên giới. Xin Chúa cho ngài sớm được hưởng niềm vui phục sinh trên Thiên Quốc. Cùng xin Chúa ban cho Giáo hội một vị Chủ Chăn như lòng Chúa mong ước, để dẫn đưa con thuyền Giáo Hội tiến về Quê Hương Vĩnh Hằng.