Thứ Tư, 19 Tháng 3, 2025

Chúa Nhật III Mùa Vọng, B, Ga 1,6-8.19-28: Theo gương Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Kitô

THEO GƯƠNG GIOAN TẨY GIẢ LÀM CHỨNG CHO CHÚA KITÔ

(Ga 1,6-8.19-28)

M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý

Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng cho biết, trước khi Lời vĩnh cửu đến, có một người đã bước vào giai đoạn lịch sử: tên ông là Gioan. Gioan này không phải là tác giả của Tin Mừng Gioan, mà là người dọn đường cho Chúa Giêsu: Gioan Tẩy Giả. Ngài được Chúa sai đến – và đây là bí mật về ý nghĩa của ngài. Giống như các tiên tri trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã trang bị và trao quyền cho Gioan để thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình. Ông đến để chuẩn bị cho dân chúng đón nhận Chúa Giêsu, để nói cho họ biết sự thật về Chúa Giêsu, Đấng mạc khải về Chúa Cha, bởi vì họ đã sống trong một thế giới đen tối đầy tội lỗi, cho nên, họ cần ai đó nói cho họ biết ánh sáng thực sự là gì. Mục tiêu của Gioan là dẫn dắt mọi người tin vào Chúa Giêsu.[1]

Mặc dù, Gioan Tẩy Giả rất vĩ đại[2] nhưng ông không phải là ánh sáng (x. Ga 1,6-8). Nhưng điều quan trọng chính là việc ông giới thiệu và hướng người ta đến với Lời – Đấng là sự sáng. Sự Sáng là Đấng Cứu Độ mà ông được diễm phúc đến để làm chứng. Tin Mừng đã cho thấy, Vị Tiền Hô đã làm chứng cho Chúa Kitô không chỉ bằng lời nói, bằng gương sáng mà còn bằng hành động nữa. Ông đã sống đời khổ hạnh, đã rao giảng về sự sám hối, ăn năn, và đã nhận mình “là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Như vậy, Gioan trả lời rằng ông không phải là một trong những nhà tiên tri được mong đợi, nhưng chức vụ của ông đã được mô tả trong Cựu Ước. Gioan là tiếng (φωνὴ phõnē), Chúa Giêsu là Lời (λόγος Logos). Sứ mệnh của Gioan là chuẩn bị cho dân chúng tiếp nhận Lời và ông đã hoàn thành sứ mệnh đó (x. Is 40,3; Mt 3,3). Thánh Augustinô đã giải thích rất thú vị về “tiếng” và “Lời” như sau:  Gioan Tẩy Giả “là tiếng chỉ vang trong một thời (x. Ga 5,35), còn Đức Kitô là Lời có từ muôn thuở, Lời trường tồn. Hãy bỏ lời đi, hỏi tiếng còn là gì? Ở đâu không có gì để hiểu, ở đó chỉ có âm thanh trống rỗng. Tiếng mà không có lời thì đập vào tai mà không nuôi trái tim … Tôi nhờ tiếng mà nói với bạn, tiếng nói đưa đến bạn ý tưởng chứa trong lời, rồi tiếng nói tan biến đi, song lời chuyển đến bạn nay đã ở trong tim bạn mà vẫn không lìa bỏ tim tôi. Một khi lời đã chuyển đến bạn, thì tiếng nói như thể tự nhủ mình: Ngài phải tiến, còn tôi phải suy giảm (x. Ga 3,30). Tiếng đã vang lên và đã làm xong phận sự, nó phải tan biến, nó tự nhủ: đó là sự vui mừng của tôi, thực tôi đã mãn nguyện (x. Ga 3,29). Thật khó phân biệt tiếng với lời. Nhưng tiếng đã vang lên cốt đừng cản lối của lời: Tôi không phải là Đấng Thiên Sai, không là Êlia, không là Đấng Tiên tri (x. Ga 1,21): ‘Tôi chỉ là tiếng hô… sửa đường cho thẳng để Chúa đi’ (Ga 1,23), có nghĩa: ‘Tôi cất tiếng chỉ để làm cho Chúa ngự vào tâm hồn. Nhưng Ngài sẽ không khấng ngự vào, nếu bạn không dọn đàng cho Ngài’. Ngày nay, dù bạn là ai, hãy chấp nhận trở thành một tiếng nói, một âm vang của Lời vĩnh cửu chuyển đến người khác“.[3] Theo gương khiêm tốn của vị Tẩy giả, chúng ta cần chấp nhận trở thành một tiếng nói, một âm vang của Ngôi Lời – Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa (x. Ga 1,1-2). Mặc dù, chúng ta là phản ảnh của vinh quang Chúa Giêsu (x. 2 Cr 4,6) và là hình ảnh sống động của Ngài (x. Rm 8,29), đấy vẫn là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa (x. Ep 2,8). Đồng thời, dù có thế làm gì cho Ngài, chúng ta luôn cũng chỉ là những đầy tớ mà thôi (x. Lc 16,16).

Thánh Gioan Tẩy Giả là tấm gương cho chúng ta trong việc trở thành nhân chứng của Chúa Kitô trong thế giới hôm nay. Bởi vì “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Quả thế, Con Thiên Chúa đã đã thực làm người và sống giữa thế gian, như lời thánh Gioan viết: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1,10). Chính vì thế gian đã không nhận biết Người, cho nên, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi phải làm chứng về sự hiện diện của Đức Kitô. Như Gioan Tiền Hô, chúng ta cần minh chứng để mọi người biết, Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa, Ngài đang sống với, sống vì, và sống cho nhân loại. Quả thực, “Gioan trình bày cho chúng ta một ‘Mùa Vọng’ của chờ đợi. Đối với ta, Đức Kitô đã đến và có đây rồi, nhưng Ngài vẫn là vị Thiên Chúa mai ẩn, Ngài còn phải tỏ mình ra cho mỗi người.”[4] Cũng như các thánh tông đồ, chúng ta phải làm chứng để mọi người biết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Chính các tông đồ đã được nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu trong một vài thời điểm nơi cuộc sống trần thế của Người (x. Ga 2,11; Lc 9,32). Rồi sau đó, các tông đồ đã nhìn thấy vinh quang của Ngài trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Và các ông đã làm chứng cho Đức Giêsu chết và phục sinh, cũng như Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Đức Giêsu khi Ngài đến và xuất hiện trong trần gian, chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa Kitô như các ngài đã làm.

Chúng ta đang trên hành trình dương thế, và để làm chứng cho Chúa Kitô, điều cần thiết là phải lắng nghe lời Chúa và đón nhận Bí Tích Thánh Thể, bởi vì, đó là lương thực nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu, là bằng chứng cho thấy họ tôn kính, thờ lạy và làm chứng cho Ngài. Mỗi người Kitô hữu hãy chọn cách dấn thân, căn cứ vào khả năng của mình, môi trường mình đang sống để làm chứng cho Tin Mừng, ngõ hầu trở thành nhân chứng cho Chúa Kitô. Mặc dù, không phải ai cũng làm được tất cả, nhưng làm tất cả những gì chúng ta làm được, vì chúng ta làm vì ‘đức tin’.[5]

____________________________

[1] X. Edwin A. Blum, Johannes, trong: JOHN F. WALVOORD/ROY B. ZUK (HG.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 337–442, đây: 343.

[2] Có bằng chứng cho thấy phong trào bắt đầu từ Gioan Tẩy Giả vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết của ông cũng như sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (x. Ga 4,1; Mc 6,29; Lc 5,33). Hai mươi năm sau khi Chúa Giêsu sống lại (x. Cv 18,25; 19,1-7), Thánh Phaolô, khi đến Êphêsô, đã gặp khoảng mười hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả ở đó (x. Edwin A. Blum, Johannes, trong: JOHN F. WALVOORD/ROY B. ZUK (HG.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 337–442, đây: 343-344).

[3] Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Theo Gioan, Tập 1, Lời thành xác phàm, NXB Tôn Giáo 2000, tr. 206.

[4] Sđd., tr. 216.

[5] X. ĐHY P.x. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công Đồng Vaticanô II, số 626.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Có Mẹ đồng hành

    CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) M....

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Đức Maria cực trinh cực sạch

  ĐỨC MARIA CỰC TRINH CỰC SẠCH (Mt 1,1-16.18-23) M. Eusebia Hương,...

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Mừng Sinh Nhật Mẹ

MỪNG SINH NHẬT MẸ (Mk 5,1-4a; Rm 8,28-30, Mt 1,1-16.18-23) Đan...

11/7 Lễ thánh phụ Biển Đức, Mt 19,27-29: Từ bỏ mọi sự để theo Chúa

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA (Mt 19,27-29) M. Phaolô...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giuse – Gương khiêm nhường

  Giuse - Gương Khiêm Nhường M. Anton Trần Văn Nhâm, PV      Khi nói đến thánh Giuse chúng ta nghĩ ngay đến một vị thánh...

Thánh Giuse – Người Cha khiêm nhường

  Lễ Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Maria  (Lc 2,41-51a) M. Phêrô Kim Ngôn Nguyễn Bảo Duy, Phước Hiệp Hôm nay, ngày 19-3, chúng ta cùng với toàn...

Chúa Nhật II Mùa Chay, Lc 9,28b-36: Các môn đệ chịu nhiều gian khổ khi đi theo Chúa Giêsu

    Các môn đệ chịu nhiều gian khổ khi đi theo Chúa Giêsu (Lc 9,28b-36) Fm. Emmanuel Trần Quốc Khánh, Fatima Các môn đệ đã phải chịu đói,...

Chúa nhật II MC – C: Đức tin biến đổi cuộc đời

Chúa nhật II MC - C Lc 9,28b-36  ĐỨC TIN BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI Các môn đệ chịu nhiều gian khổ khi đi theo Chúa Giêsu. Các môn đệ...

Chúa Nhật I, Mùa Chay, Năm C (Lc 4,1-13) Ba cơn cám dỗ

Chúa Nhật I, Mùa Chay, Năm C (Lc 4,1-13) Ba cơn cám dỗ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng...

Chúa Nhật I Mùa Chay, Lc 4,1-13: Những cám dỗ

    NHỮNG CÁM DỖ M. Bartholomeo Nguyễn Văn Thời, Châu Thủy Ma quỉ là loài xảo quyết nhất trên đời. Ma quỉ tìm mọi cách, mọi mánh...

Chúa Nhật I Mùa Chay, Lc 4,1-13: Cám dỗ

    CÁM DỖ (Lc 4,1-13) Luân An, Phước Lý Sống giữa xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đang được chứng kiến một sự thanh lọc mạnh...

Chúa Nhật VIII, Thường Niên, Năm C (Lc 6, 39-45) “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ lòng mình”

Chúa Nhật VIII, Thường Niên, Năm C (Lc 6, 39-45) “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ lòng mình” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Sàng rồi...

Chúa Nhật VIII TN, C, Lc 6,39-45: Những bài học đáng quý

    NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG QUÝ (Lc 6,39-45) M. Eugenio Nguyên, Phước Lý Không như mọi khi, bài giảng hôm nay Chúa Giêsu không nói với đám đông...